Lôm côm chuyện “phượt” của giới trẻ

Thứ Năm, 05/11/2015, 10:20
“Phượt” từ bấy lâu nay được giới trẻ mê chủ nghĩa xê dịch sử dụng khá phổ biến để miêu tả việc đi chơi xa, chinh phục thử thách trên những cung đường. Ở những cuốn từ điển tử tế đều không có phiên nghĩa cho từ này. Nghe nói nó có xuất xứ từ một diễn đàn du lịch trên mạng Trí tuệ Việt Nam từ nhiều năm trước.

Đại khái nôm na là “lượt phượt đi” sau truyền khẩu bó gọn chỏng lỏng còn mỗi chữ “phượt”, nghe vừa khó hiểu vừa rách nát nghĩa. Tùy biến thiên của từng giai đoạn, đặc sản “phượt” có thời thăng hoa với những chuyến đi ít ồn ào của những “cao thủ” đời đầu lết bết kín mọi khu vực núi non phía bắc, tây Nghệ An hay thậm chí thuê xe máy thả ga chạy xuyên thảo nguyên xa xôi tuốt bên Mông Cổ, Tây Tạng...

Về cơ bản thì có thể khẳng định văn hóa du lịch “bụi bặm” này  rất hấp dẫn giới trẻ  bởi xây dựng, hình thành được tính đoàn kết, biết vượt khó khăn, trải nghiệm, trưởng thành trên mỗi chuyến đi. Có thể nói nhiều bạn trẻ sống trong những đô thị lớn đang bị   thèm khát thoát khỏi những kìm kẹp cứng nhắc, tâm lý vô vàn bất ổn bởi ảnh hưởng văn hóa tạp nham từ nhiều nguồn khác nhau. Chính vì vậy mà bước chân ra ngoài cũng là một thử thách phá tan cái cùm tàng hình đang trói chặt dưới đôi chân tuổi bay lượn.

Sự bi lụy nước mắt vào những bộ phim ướt át, bon chen guốc giày xe pháo,  cạm bẫy ma túy, cờ bạc lô đề... toàn những thứ có thể dễ với tới thì tìm đến trải nghiệm, giải thoát tâm lý với mướt mải tầm mắt, thử thách cùng núi rừng chắc hẳn sẽ tốt hơn nhiều.

Nhưng cái gì quá đà đều hỏng. Phong trào “phượt” giờ thay đổi quá nhiều. Khi nhắc đến dân “phượt” thì không ít người vô cùng thiếu thiện cảm. Bởi mỗi chuyến đi giờ quá kém ý thức bởi lộm nhộm đông đúc xe cộ, phóng nhanh vượt ẩu, tàn phá thiên nhiên và cả nông sản của người dân bản địa.

Cách đây vài năm, những tai nạn đáng tiếc đến mất mạng trong các chuyến đi của dân “phượt” có thể nói gần như không có. Nhưng chỉ trong vòng 4 năm trở lại đây những vụ tai nạn liên tiếp xảy ra để lại nhiều nuối tiếc, ân hận cho người thân, bè bạn. Nguyên nhân một phần có thể do công nghệ kết nối trên mạng xã hội phát triển mạnh, các bạn trẻ cùng đam mê du lịch “phượt” tự tìm đến nhau và quá dễ dãi tổ chức những chuyến đi ngẫu hứng. Với những mối quan hệ xa lạ, kiến thức mỏng, dễ bị kích động bởi hiệu ứng đám đông, thiếu kinh nghiệm thì những điều không mong muốn ập đến là khó tránh khỏi.

Đi phượt để được chứng kiến,  được giao thoa, được học những bài học không giáo điều.

Chỉ cần mở trang mạng xã hội Facebook, gõ chữ “phượt” vào ô tìm kiếm nó sẽ trả lại kết quả hàng nghìn nhóm có đam mê này. Nếu như trước đây những người dày dạn kinh nghiệm mới dám đứng ra tổ chức, chịu trách nhiệm cho các chuyến đi mà trong giới gọi là leader (người chỉ huy). Nay thì dễ dàng hơn nhiều, bất kỳ một kẻ xa lạ nào cũng có thể làm được điều đó dù kinh nghiệm vỏn vẹn lòng bàn tay.

Thậm chí leader “phượt” được mặc định như người tự nguyện bởi đam mê du lịch, nay còn là một thứ nghề kiếm tiền thay vì hướng tới chia sẻ trải nghiệm. Họ thu tiền của những bạn đồng hành tham gia chuyến đi do họ tổ chức một cách vô tội vạ, thiếu minh bạch trong chi tiêu dẫn đến việc tố nhau lừa đảo, chửi rủa miệt thị tràn lan. Về cơ chế bản năng con người khi đã kinh qua gian khó với nhau trên đường trong các chuyến đi “phượt” thì sẽ tự hình thành niềm tin dù đó là người lạ.

Ví dụ trong nhóm (group) “Cảnh báo các thành viên lừa đảo - lập cung kinh doanh” đã được các thành viên xây dựng hẳn một bản danh sách dài, hình ảnh chân dung cận cảnh, miêu tả chi tiết những leader, thành viên có hành vi xấu, từ lừa đảo, vay mượn không trả cho đến cả trộm cắp tài sản của bạn bè  trong các chuyến đi.

Anh Trịnh Ngọc Sáng, một dân “phượt” trẻ khá có tiếng cay đắng chia sẻ: “Cùng với sự bùng nổ thông tin, các trang báo mạng và mạng xã hội Facebook, "phượt" bây giờ đang dần thành trào lưu, thành một thứ mốt thời thượng, một cách để thể hiện bản lĩnh của giới trẻ. Nó là hệ quả tất yếu, như một thứ thuốc kích thích khiến càng ngày càng nhiều bạn trẻ dấn thân trên những cung đường, nhưng nào phải cứ đi là sẽ đến, còn biết bao cạm bẫy và hiểm nguy rình rập trên những nẻo đường bụi bặm. Giới phượt giờ khác xưa nhiều, nó biến chất, gập ghềnh và đầy rẫy thị phi.

Mới chỉ cách đây vài năm thôi, khi mạng xã hội Facebook chưa phát triển mạnh như bây giờ, các leader, các nhóm hầu như biết nhau hết, nhóm nào đi đâu ai cũng biết, nhìn nhau trên đường cũng đoán ra nhà nào bởi quanh quẩn chỉ có 2 nơi tập trung nhiều là box Du lịch mạng Trí tuệ Việt Nam Online và diễn đàn Phuot.Vn. Anh em gặp nhau tay bắt mặt mừng, bữa tối mời nhau chén rượu khề khà kể chuyện trên đường rồi hôm sau lại tỏa đi tứ phía. Ngày trở về lại í ới nhau viết hồi ký và chia sẻ ảnh để biết nhau đã về an toàn.

Ngày đó giờ đã xa, sợi dây kết nối năm xưa đã đứt. Giờ trên Facebook hẳn chẳng thể ai có thể thống kê nổi hàng trăm group/nhóm nhà tự phát đang hằng tuần, hằng tháng kêu gọi rủ rê thành viên đi chơi với những leader non trẻ thiếu kinh nghiệm nhưng vẫn nhận đoàn có khi lên đến hàng chục xe. Nhiều khi trên đường thoáng bắt gặp những chiếc xe dán phản quang phía sau xe và trên mũ, tôi chỉ thầm nghĩ mong sao họ được dẫn dắt bởi những leader thực sự có tâm, lo lắng an nguy và sức khỏe cho cả đoàn, để những chuyến đi khám phá những miền đất lạ mãi là những kỷ niệm đẹp chứ không phải là nỗi ám ảnh hay là vết đen, nỗi dằn vặt suốt cuộc đời còn lại.

Đừng để khi những sự việc đáng tiếc xảy ra mới thấm thía và thốt lên hai từ "giá mà”. Đừng để điểm đến cuối cùng của chuyến đi lại là bệnh xá, hay tồi tệ hơn nữa là những nơi lạnh lẽo mà chẳng ai muốn đến.

Còn rất nhiều các trường hợp tai nạn khi đi “phượt” chưa được ghi nhận. Đọc xong những dòng nhức nhối trên các bạn cảm nhận được điều gì? 9 năm qua đã có bao nhiêu nước mắt, bao nhiêu nỗi đau ập đến sau những chuyến đi "cuối tuần" của những bạn trẻ đam mê xê dịch. Năm nào cũng có những chủ đề chia buồn, những bài viết chia sẻ kinh nghiệm đi đường, những bài học rất đắt giá phải đánh đổi bằng chính sinh mạng những kẻ có máu phiêu du. Nhưng tất cả chỉ một thời gian ngắn đều rơi tõm vào quên lãng. Khi mà phong trào du lịch/phượt đang nở rộ và biến tướng một cách khó kiểm soát như hiện nay, không phải bạn nào mới tham gia vào thứ trào lưu mới này trong giới trẻ cũng được trang bị những kiến thức đi đường sơ đẳng và những trang bị cần thiết cho một chuyến đi.

Trong cái danh sách đau lòng có cả những bạn dày dạn kinh nghiệm đi xe nhiều năm. Nhưng không ai có thể nói trước được điều gì sẽ xảy đến với mình trên đường với tình hình đường sá và ý thức tham gia giao thông bừa bãi hiện nay. Liệu ai sẽ là kẻ tiếp theo, con đường nào lại đón thêm những kẻ lỡ bước sa chân”.

Cuối cùng, vẫn phải khẳng định lại đam mê  “phượt” là một văn hóa lành mạnh, văn minh. Nhưng để nó vẫn được đẹp đẽ, trong sáng, trải nghiệm đúng nghĩa như vốn có thì cần ý thức, trách nhiệm của mỗi cư dân “phượt”. Đi là để được chứng kiến, được va chạm, được giao thoa, được học những bài học không giáo điều. Cẩn trọng mỗi bước chân, cư xử lịch lãm với núi rừng.

Cứ như vậy, đi để trở về, làm được như vậy đã là tốt rồi.

Hoàng Minh
.
.