Khát vọng ra Trường Sa của “Thánh phượt” Việt Nam

Thứ Sáu, 24/04/2015, 07:00
Bầm dập. Có lẽ đó là từ chính xác nhất để miêu tả quãng thời gian hơn 20 năm kể từ ngày ngư dân Lương Viết Lợi rời mảng Từ Phúc. Cuộc sống mưu sinh ở Hà Nội vần cho bầm dập. Bệnh tật vần cho bầm dập. Cái nghèo cái khó vần cho bầm dập. Cái tính hào sảng phóng khoáng thậm chí ruột để ngoài da vần cho bầm dập… Chỉ có một thứ không bao giờ khiến ông bầm dập: biển cả! Tất cả sức sống mạnh mẽ của một ngư dân thuở nào lại bùng lên, khi ông Lợi nói về ước mơ cuối cùng: đóng một phiên bản Từ Phúc thu nhỏ, và dong buồm thẳng tiến Hoàng Sa -Trường Sa.

1. Cuối tháng 11/1993, Lương Viết Lợi đặt chân đến đất Sầm Sơn. Đứa con trai thứ ba chưa gặp mặt bố kể từ khi 8 tháng tuổi, khóc ré lên khi nhìn thấy người lạ. Thở dài vì thấy chồng còn may mắn lành lặn trở về, người vợ một nách chạy chợ nuôi 3 con nhỏ suốt chừng nấy tháng ngày, cặm cụi đi làm cơm.

Rời mảng Từ Phúc, Tim Severin đưa cho ông Lợi 1.200 USD, lương tượng trưng cho 6 tháng phục vụ trên Từ Phúc. Đây là một ngoại lệ dành riêng cho Lương Viết Lợi. Thông thường, trong những chuyến như thế này, các thành viên đều tham gia với tư cách tình nguyện viên, hoàn toàn không có bất cứ chế độ đãi ngộ nào. Nhưng Tim biết hoàn cảnh khó khăn của ông Lợi, nên đã đặc cách.

Khi chia tay, các thành viên khác của mảng Từ Phúc cũng đã vét sạch túi, mỗi người một chút ủng hộ ông Lợi, thành viên khó khăn nhất của đoàn. Sau khi trừ đi khoản mua quà tặng người này người kia, gom góp toàn bộ số tiền trong nhà, ông Lợi mua được một chiếc Simson BS51, hành nghề xe ôm để phụ thêm thu nhập cho vợ.

Mới chạy xe ôm được hơn tháng, ông Lợi lại gặp nạn. Cú va chạm với một người đi xe đạp đã khiến ông phải bán xe đi để thuốc thang và bồi thường. Mất đi phương tiện kiếm sống, ông Lợi chấp nhận lủi thủi ở nhà phụ việc vặt.

Còn nặng nề hơn cả chuyện kiếm kế sinh nhai, điều ông Lợi cảm thấy khá hụt hẫng, là chuyến đi của mảng Từ Phúc sang gần đến đất Mỹ, chẳng hề vọng đến Sầm Sơn. Khác hẳn không khí ấm áp và ồn ã ở nước ngoài, không ai nhắc đến chuyến đi cả. Chỉ trừ những người trực tiếp tham gia chế tạo Từ Phúc đôi khi còn ôn lại dăm câu chuyện cũ lúc đóng bè, ông không biết chia sẻ câu chuyện cùng ai.

2. Hè năm 1995, thành viên nữ duy nhất của mảng Từ Phúc, Nina Kojima đến Sầm Sơn thăm Lương Viết Lợi. Và cuộc sống của ông bước sang một chương mới: Hà Nội!

Sau hơn 2 tháng ở Sầm Sơn, chứng kiến tương lai mờ mịt của người đồng hành đã từng sát cánh sinh tử, Nina yêu cầu được giúp đỡ Lợi. Đề nghị thứ nhất là đưa đứa con trai út sang Nhật để nuôi nấng học hành, đã bị vợ ông Lợi uyển chuyển từ chối. Đề nghị thứ hai, là Nina sẽ giúp Lợi ra Hà Nội học tiếng Anh, kiếm việc làm tử tế.

Cuối tháng 8/1995, ông Lợi ra Hà Nội. Nina giúp Lợi thuê một căn phòng trong một khách sạn tư nhân ở phố Hàng Bè làm nơi ở trọ dài lâu. Trước mắt, cô gái người Nhật này hỗ trợ cho ông Lợi toàn bộ chi phí ăn, ở và học phí trong những tháng ngày sống tại Hà Nội.

Ông Lợi tự lang thang khắp các lò đào tạo ngoại ngữ ở Hà Nội, rồi chọn trung tâm ở Quán Sứ để hoàn thành hết khóa A,B,C của giáo trình Streamlines. Hoàn thành khóa học, ông Lợi lại tiếp tục học hết bằng C của giáo trình Headways, một điều khá phi thường của một ngư dân Sầm Sơn, tại thời điểm 1995-1996.

Cái cách học ngoại ngữ của ông Lợi cũng khác người. Thời đó, khu phố cổ Hà Nội đã bắt đầu nhộn nhịp Tây ba lô. Ôm cuốn sách "Chuyến hải hành Trung Hoa" đã xuất bản năm 1995 mà Nina cầm sang tặng, ông Lợi ngồi dưới sảnh khách sạn bắt chuyện với Tây balô.

Đối với đám du lịch bụi thế giới, cái tên Tim Severin có khác gì "thánh phượt"! Cuốn "Chuyến hải hành Trung Hoa" khiến Lương Viết Lợi trở thành tâm điểm của đám khách ngoại quốc. Người này "chém gió" thỏa thuê với ông Lợi xong, lại hân hoan giới thiệu với bạn bè đến "chém" tiếp. Chả biết từ khi nào, trình độ tiếng Anh của ông Lợi lên như gió, và cái khách sạn Anh Sinh mà ông ở trọ cũng trở thành tâm điểm tụ tập của đám lang thang khắp thế giới đang có mặt tại Hà Nội.

3. Và ông Lợi bắt đầu đặt chân vào một cái nghề hoàn toàn xa lạ: bảo vệ kiêm tiếp tân khách sạn kiêm mời khách Tây… cũng từ "uy tín" đối với dân xê dịch ngoại quốc. Thấy ông mặn chuyện và nhiều bạn, chủ khách sạn đề nghị ông làm việc luôn cho khách sạn, quyền lợi là ăn ở miễn phí.

Cái cách mời khách của ông Lợi cũng chẳng giống ai. Ôm cuốn sách "Chuyến hải hành Trung Hoa" đứng trước cửa khách sạn, ông Lợi nói "Hello" với khách, rồi chỉ vào tấm ảnh tất cả thành viên chụp chung trên mảng Từ Phúc, rồi chỉ vào khuôn mặt mình, rồi chỉ vào ngực mình, dõng dạc nói "It's me".

Còn có lời giới thiệu nào hấp dẫn hơn thế! Khách sạn mà Lương Viết Lợi làm thuê lúc nào cũng nườm nượp khách. Và khách đến ở thì lúc nào cũng xoắn xuýt lấy ông bảo vệ, mời ông bảo vệ đi nhậu, đi chơi, đi ăn để "chém gió". Uy tín của ông Lợi lên cao đến mức, gia đình nhà chủ đề nghị nhận ông làm con nuôi.

Công việc thuận lợi và khả quan đến độ, ông Lợi dự tính với vợ chuyển cả gia đình ra Hà Nội sống. Nhưng vợ ông từ chối. Lương Viết Lợi mất cơ hội chính thức trở thành công dân Hà Nội.

4. Trong quá trình làm việc tại khách sạn, ông Lợi đã thân quen một người bạn Nhật, có tên là Kenji. Gần một năm dạỵ tiếng Việt cho người khách dễ mến ấy đã khiến cho tình bạn của họ không đơn thuần dừng ở mức "chém gió" hàng ngày. Năm 2003, người bạn Nhật Kenji đứng ra lập một công ty chuyên dạy tiếng Nhật tại Hà Nội. Ông Lợi chuyển về làm cùng, với tư cách là Trợ lý Giám đốc.

Ngày vui ngắn chẳng tày gang. Được đúng một năm, công ty phá sản, ông Lợi về Sầm Sơn "dưỡng thương". Được vài tháng, Kenji lại tìm về Sầm Sơn, mời ông ra làm bảo vệ cho một trường Nhật ngữ mà Kenji cùng bạn mới thành lập. Vận đen đủi chưa dừng lại ở đó, năm 2005, nơi làm việc thứ hai của ông Lợi lại phá sản. Một lần nữa, ông Lợi lại trở về nhà, sống nhờ gánh hàng cá của vợ ngoài chợ.

2005 cũng là năm ông Lợi chịu một trận ốm liệt giường, thập tử nhất sinh. Chứng nhiễm lạnh mắc phải qua 6 tháng trời liên tục ngâm mình trong nước biển, cộng thêm đợt lao lực  vì đứng ra làm nhà, đã quất ông Lợi nằm sập giường mất gần một năm, đã có lúc tưởng chết.

Qua cơn bạo bệnh, Kenji lại quay lại Sầm Sơn, mời ông Lợi làm tiếp cho một công ty đào tạo Nhật ngữ khác. Sau đó, ông lại chuyển sang làm cho một công ty chuyên trồng nấm của Nhật, mãi tận trên Phú Thọ. Năm 2007, mẹ ông Lợi đi lễ ở Đền Hùng, gặp con trai, khuyên con về nhà chăm sóc gia đình, đừng đi lang thang nữa.

Năm 2008, Lương Viết Lợi chính thức dừng lại chuyến "hải hành vật lộn sống" trên đất liền của mình, quay trở căn nhà nhỏ lụp xụp ở phường Trường Sơn. Cuộc sống bình lặng của ông diễn ra đều đặn đến đơn điệu: mùa hè đi làm bảo vệ thuê, những mùa khác thì ở nhà, hoặc đi làm việc vặt khi có người thuê.

Mong ước duy nhất của ông lúc nào, là tìm được một chỗ nào để mở quán cà phê, làm những mô hình bè tre giống hệt Từ Phúc, rồi giới thiệu với khách du lịch, nhất là khách ngoại quốc, về chuyến đi của mình…, túc tắc sống. Nhưng ước mơ ấy không trở thành hiện thực, vì không có đủ tiền để đấu thầu quán.

Kinh tế khó khăn. Cô đơn đến cùng cực. Khó có thể tìm được người để chia sẻ, để thấu hiểu, để đồng cảm, để hồi tưởng lại những phút giây huy hoàng thuở nào… đã khiến ông đôi khi như rơi vào trầm cảm. Đã có những lúc, ông phẫn chí, lôi toàn bộ thư từ, tranh ảnh, những bức phác thảo quý giá mà bạn bè đã tặng ông trong chuyến đi, đem đốt sạch.

5. Niềm hy vọng của ông Lợi, chỉ thực sự được nhen nhóm trở lại, khi ông Đỗ Thái Bình, đồng dịch giả của cuốn "Bè tre Việt Nam du ký: 5.500 dặm vượt Thái Bình Dương", tìm đến Sầm Sơn.

Đối với ông Đỗ Thái Bình, kỹ sư đóng tàu, thành viên Hội Đóng tàu Hoa Kỳ, một trong những chuyên gia đầu ngành về nghiên cứu thuyền dân gian Việt Nam, cuộc gặp gỡ với tác phẩm của Tim Severin và Lương Viết Lợi, gói gọn trong một chữ "duyên".

Nghiên cứu công nghệ đóng tàu từ năm 1966, ông Bình từng nhiều năm mải miết cộng tác với John Doney, hậu duệ của một gia tộc Mỹ 3 đời là lính hải quân, để nghiên cứu về những chiếc thuyền dân gian Việt Nam, đặc biệt là mảng tre và ghe bầu, "hai phương tiện duy nhất của Việt Nam, không thể có ở bất cứ nước nào trên trái đất này" (nghiên cứu của Đô đốc Paris và cựu Giám đốc Nha Ngư nghiệp Đông Dương Pietri).

Bản thân John Doney chính là người đã lập ra "Quỹ Thuyền gỗ Việt Nam", với mục đích "gìn giữ quá khứ hàng hải của Việt Nam". John Doney cũng chính là người hỗ trợ và quảng bá cho dự án sách ảnh "Thuyền gỗ Việt Nam" của Ken Preston, kết quả của 2 năm rong ruổi từ Nam chí Bắc trên chiếc xe Minsk cà tàng.

Với những kiến thức sẵn có của mình, chuyên gia Đỗ Thái Bình đã khá "ấm ức" khi trong tác phẩm "Chuyến hải hành Trung Hoa", Tim Severin đã quá bị ảnh hưởng bởi nền văn hóa lớn của Trung Quốc, nên đặt tên là Từ Phúc, mà quên đi quan điểm của trường phái Pháp, khẳng định bè tre chính là một sản phẩm đặc thù của Việt Nam.

Ông Đỗ Thái Bình đã chủ động liên lạc với Tim Severin, với nhà xuất bản giữ bản quyền tác giả của Tim. Ông cũng đã 2 lần về Sầm Sơn để tìm ông Lợi. Lần thứ nhất, năm 2007, không thành công. Mãi đến năm 2009, với sự giúp đỡ của vợ ông Bình, nguyên là phóng viên chiến trường bám sát địa bàn Hoằng Hóa và Hàm Rồng những năm tháng chống Mỹ, ông đã tìm được ông Lương Viết Lợi.

"Tôi khẳng định, tầm vóc của chuyến đi bằng mảng tre, mà Lương Viết Lợi tham gia, thực sự đã vượt ra khỏi châu lục, mà đứng vào hàng ngũ những chuyến đi thám hiểm lịch sử hàng đầu thế giới. Đồng thời, nó đã chứng minh một điều, từ xa xưa, cha ông ta đã có thể chinh phục được đại dương xa xôi, trên những phương tiện thủy cực kỳ đơn sơ, nhưng được chế tạo vô cùng khéo léo và an toàn.

Nghiên cứu thấu đáo tầm vóc của thuyền dân gian Việt Nam, chúng ta sẽ có một cơ sở dữ liệu đầy đặn, phục vụ hữu hiệu cho công tác đấu tranh ngoại giao và khẳng định chủ quyền biển đảo của dân tộc", ông Bình nhấn mạnh.

Từ ngày cuốn sách "Bè tre Việt Nam du ký" ra mắt bạn đọc, ông Lương Viết Lợi như bước vào một cuộc sống khác, bừng bừng năng lượng.

Quá trình tiếp xúc với hàng chục cơ quan thông tấn, trả lời nhiều bài phỏng vấn, ông Lợi càng nung nấu một ý tưởng, một chuyến đi cuối đời: phục dựng một phiên bản mảng tre Từ Phúc thu nhỏ, sau đó sẽ thực hiện chuyến đi từ Sầm Sơn tới Lý Sơn, rồi ra Hoàng Sa, Trường Sa.

Dự án này đòi hỏi sự giúp đỡ nhiệt thành của các chuyên gia nghiên cứu về thuyền dân gian và các nhà tài trợ hảo tâm.

“Nếu ước mơ cuối đời này thành công, tôi sẽ đưa phiên bản này lên bờ, mở một quán cà phê cạnh đó, bán sách và những kỷ vật bè tre tự làm… để mọi người đến chơi, giao lưu, để biết đến mảng Sầm Sơn thực sự có ý nghĩa như thế nào. Và chắc chắn, tôi sẽ mãn nguyện đến tận cuối đời”, - ông Lợi tâm sự.

Việt Đông
.
.