Mặt trái của những hình ảnh chia sẻ trên mạng xã hội

Thứ Sáu, 23/06/2017, 10:03
Năm 2009, một cô gái người Ai Cập tên Ghadeer Ahmed gửi cho bạn trai một đoạn video quay lại cảnh mình đang nhảy nhót tại nhà một người bạn. Mặc dù chẳng phải là clip khiêu dâm nhưng khi ấy Ghadeer đang mặc một chiếc váy gợi cảm. Ba năm sau, khi mối quan hệ của cả hai kết thúc, chàng trai đã trả thù người yêu bằng cách tung đoạn video lên YouTube.

Ghadeer hiểu rằng với cách ăn mặc và điệu nhảy ngày hôm đó là không thể chấp nhận được trong một xã hội bắt buộc người phụ nữ phải che kín thân thể và cư xử hết sức nhã nhặn. Oán giận hành vi bỉ ổi của người yêu cũ, Ghadeer đã nhờ đến sự can thiệp của pháp luật. Mặc dù hắn ta sau đó đã bị kết tội xúc phạm danh dự người khác nhưng đoạn clip vẫn còn trên YouTube. Những người đàn ông khác liên tục công khai đường dẫn đến clip của Ghadeer khiến cô vẫn liên tục chịu đựng sự công kích của dư luận.

Tuy vậy, trong suốt những năm chịu sự chỉ trích từ cộng đồng, Ghadeer đã tham gia vào đấu tranh vì những quyền chính đáng của phụ nữ. Ghadeer quyết không mang hijab - khăn trùm đầu của phụ nữ Hồi giáo. Đến năm 2014, quá chán nản với việc bị xúc phạm và thấp thỏm lo lắng, Ghadeer đã tự mình đăng đoạn video lên chính trang Facebook của mình. Ghadeer lên tiếng khẳng định đã đến lúc chấm dứt việc sử dụng hình ảnh về thân thể phụ nữ để làm nhục và bịt miệng họ.

Các cô gái trẻ thường chia sẻ hình ảnh riêng tư với người yêu qua các ứng dụng truyền thông trực tuyến.

Ghadeer cho biết: "Tôi là một người nhảy khá đẹp và tôi không có lý do gì để cảm thấy xấu hổ". Tuy nhiên, Ghadeer chỉ là trường hợp cá biệt. Hiện vẫn đang có hàng nghìn phụ nữ trẻ tuổi đang bị đe dọa, tống tiền hay làm nhục bởi những hình ảnh có mức độ từ gợi cảm đôi chút cho đến nhạy cảm. Các hình ảnh này đến tay những gã đàn ông đồi bại bằng nhiều cách, có thể là do chủ nhân tự nguyện hoặc sau những lần bị xâm hại tình dục.

Những kẻ xấu xa này sẽ sử dụng hình ảnh để vòi tiền, buộc nạn nhân phải gửi thêm ảnh nhạy cảm hay thậm chí là buộc những người phụ nữ nạn nhân chấp nhận để bọn chúng quấy rối tình dục. Ngăn chặn văn hóa phẩm đồi trụy là vấn đề của mọi quốc gia song những hình ảnh nhạy cảm chính là vũ khí uy hiếp mạnh nhất đối với phụ nữ và sự tủi nhục chính là thiệt hại to lớn nhất.

Inam al-Asha, nhà tâm lý học và nhà hoạt động vì quyền của phụ nữ ở Jordan, bình luận: "Văn hóa phương Tây hoàn toàn khác biệt, việc chẳng may bị lộ hình ảnh khỏa thân chỉ khiến cô gái ấy cảm thấy xấu hổ nhưng đối với xã hội của chúng tôi thì điều này có thể khiến cô gái ấy tìm đến cái chết. Và ngay cả khi cuộc sống của cô ấy không kết thúc trên thực tế thì về mặt xã hội và sự nghiệp thì mọi thứ đã chấm hết. Mọi người sẽ không giao du, cô ấy sẽ bị tẩy chay và cô lập".

Thông thường, rất khó để ghi nhận những trường hợp quấy rối như thế này vì bản thân tính chất nhạy cảm của sự việc đã khiến chính nạn nhân phải chọn giải pháp im lặng. Tuy nhiên, hàng loạt luật sư, cảnh sát và các nhà hoạt động trên khắp các nước đã cảnh báo về nguy cơ tiềm tàng bên trong những chiếc điện thoại thông minh và hệ thống các trang mạng xã hội. Zahra Sharabati, luật sư người Jordan, cho biết trong vài năm qua bà đã tiếp nhận ít nhất 50 trường hợp đe dọa và xúc phạm danh dự phụ nữ bằng ảnh nhạy cảm, trong đó có cả những ảnh bị rò rỉ từ mạng xã hội.

Ghadeer Ahmed.

Zahra Sharabati nhấn mạnh: "Tôi nghĩ con số ở Jordan cao hơn rất nhiều, không ít hơn 1.000 vụ liên quan đến mạng xã hội. Tôi nghĩ đã có hơn 1 cô gái  phải chết vì việc này". Tại Arập Xêút, cảnh sát tôn giáo phải thành lập đội đặc nhiệm truy lùng bọn tội phạm tống tiền, đe dọa phụ nữ. Năm 2014, tiến sĩ Abdul Latif al-Sheikh, người đứng đầu lực lượng cảnh sát tôn giáo, phát biểu trên một tờ báo nước này: "Chúng tôi nhận được hàng trăm cuộc gọi mỗi ngày từ những phụ nữ đang bị uy hiếp". Tại Pakistan, Nighat Dad - lãnh đạo một tổ chức phi chính phủ hoạt động vì một môi trường trực tuyến an toàn cho phụ nữ - cho biết có khoảng từ 2 đến 3 cô gái trẻ tìm đến tổ chức vì bị đe dọa.

Trung bình mỗi năm tổ chức của Nighat Dad tiếp nhận khoảng 900 trường hợp. Nighat Dad chia sẻ: "Trong mối quan hệ tình cảm, phụ nữ thường chia sẻ hình ảnh và video cá nhân. Và khi mối quan hệ kết thúc không êm đẹp, đối phương thường lợi dụng những dữ liệu trước đó để uy hiếp, thậm chí không chỉ dừng lại ở việc tiếp tục duy trì mối quan hệ mà có cả vô số những đòi hỏi kỳ quái khác".

Bên cạnh đó, không chỉ đơn giản là uy hiếp, Nighat Dad còn bắt đầu nhận thấy được mối liên hệ giữa điện thoại thông minh và bạo lực tình dục. Nighat Dad cho biết: "Chỉ bắt đầu từ những hình ảnh nhưng đến nay chúng dần có mối liên kết nguy hiểm với nạn cưỡng hiếp. Từ trước khi những công nghệ này xuất hiện, thủ phạm hiếp dâm thường không tìm được cách khiến nạn nhân phải im lặng. Nhưng bây giờ những công nghệ này mang đến một phương thức hoạt động mới cho bọn chúng, bắt phụ nữ phải im lặng bằng cách quay video uy hiếp, nếu nạn nhân phản ứng thì video sẽ được tung lên mạng".

Một phụ nữ trẻ đến từ vùng nông thôn Tunisia đồng ý tường thuật lại toàn bộ câu chuyện của mình tại một nhà tù dành cho nữ. Mọi chuyện bắt đầu từ khi cô bị chính người bạn của cha mình làm nhục và chụp ảnh lại. Những hình ảnh ấy đẩy cuộc đời cô vào giai đoạn đen tối đau khổ. Kẻ đồi bại buộc cô phải tự nguyện phục vụ hắn với những trò bạo lực tình dục đồng thời tống tiền cô trong nhiều tháng. Đến khi hắn đe dọa sẽ cưỡng hiếp em gái cô thì mọi thứ đã đi quá giới hạn chịu đựng. Cô mời hắn đến nhà và giết chết hắn với một con dao chặt thịt. Vì sự việc lần ấy cô phải thụ án 25 năm tù giam.

Thậm chí, vào tháng 7-2016, tại Monoco, một cô gái chỉ mới 16 tuổi là nạn nhân của cuộc hiếp dâm tập thể đã tự thiêu sống sau khi đám hung thủ đe dọa tung hình ảnh lên mạng. Cô gái trẻ bị bỏng độ 3 và qua đời tại bệnh viện sau đó. Theo thống kê, việc sử dụng điện thoại ghi hình nhằm uy hiếp diễn ra phổ biến nhất tại Ấn Độ và Pakistan.

Tại Arập Xêút chính quyền đã có những hành động quyết liệt nhằm ngăn chặn những hệ lụy từ điện thoại thông minh và sự bùng nổ truyền thông xã hội. Chính phủ nước này kiên quyết xử lý những trường hợp sử dụng hình ảnh phụ nữ vào mục đích đen tối và tăng cường nhận thức của phụ nữ về những hiểm họa có thể xảy ra khi chia sẻ hình ảnh riêng tư trên Internet.

Một mặt thì đây là biện pháp nhằm bảo vệ phụ nữ nước này song mặt khác, từ sự phản ứng khẩn cấp của chính quyền, đã cho thấy sức mạnh của công nghệ trong việc thay đổi nhận thức và hành vi con người. Chính sức mạnh này đã mở ra một cuộc chiến mới thay đổi định kiến về những gì phụ nữ được và không được làm với thân thể của mình.

Thiên Minh (tổng hợp)
.
.