Monarch Airlines - nạn nhân của Brexit?

Thứ Sáu, 06/10/2017, 13:27
Vụ phá sản của hãng hàng không Anh Monarch Airlines được cho là mang dấu ấn thời kỳ Brexit, khủng bố đe dọa ngành hàng không và tình hình du lịch châu Âu trong những năm gần đây. Nó đã tạo nên một cuộc “hồi hương” quy mô lớn chưa từng có của nước Anh thời bình.

Việc Monarch Airlines phá sản đã được công ty kế toán - kiểm toán KPMG thông báo vào sáng sớm ngày 2-10-2017. Theo KPMG, hãng hàng không Monarch Airlines đã chính thức đặt dưới sự kiểm soát của công ty này để bảo vệ quyền lợi của khách hàng trong khi thực hiện những thủ tục phá sản theo luật định. Tất cả các chuyến bay của Monarch Airlines từ sau 4 giờ sáng ngày 2-10 sẽ bị hủy và không có lịch bay bổ sung.

Hai vấn đề lớn các cơ quan chức năng ở Anh cần giải quyết sau khi Monarch Airlines phá sản. Thứ nhất là vấn đề giải quyết công ăn việc làm cho số lao động bị thất nghiệp do hãng hàng không phá sản. Đến trước thời điểm phá sản, Monarch Airlines sử dụng 2.750 lao động, chủ yếu là người Anh làm việc tại nước Anh.

34 chiếc máy bay của Monarch Airlines sẽ được phân bổ cho 16 hãng hàng không khác.

Theo Website của công ty, sau khi công ty phá sản, số nhân viên này sẽ được các nghiệp đoàn Balqa và Unite hỗ trợ tìm kiếm việc làm mới trong thời gian sớm nhất có thể. Nghiệp đoàn hàng không Unite đại diện quyền lợi cho 1.800 kỹ sư và phi công của Monarch, cáo buộc Chính phủ Anh đã “trói tay” hãng hàng không, khiến cho hãng không còn có thể tự cứu vãn, làm ảnh hưởng đến công ăn việc làm của các kỹ sư và phi công của hãng.

Thứ hai là quyền lợi của khách hàng đã mua vé bay của Monarch Airlines sẽ được giải quyết như thế nào. Theo thông tin từ Cơ quan Quản lý hàng không dân dụng Anh (CAA), vụ phá sản của Monarch Airlines làm ảnh hưởng đến hơn 860.000 khách hàng, trong đó có 110.000 hành khách Anh đi máy bay của Monarch Airlines hiện đang mắc kẹt ở nước ngoài.

CAA cho biết, đối với các hành khách đã mua vé trước cho các chuyến đi tương lai có thể chuyển giao cho các hãng hàng không khác hoặc hỗ trợ trả vé. Nhưng với 110.000 hành khách đang bị kẹt ở nước ngoài thì phải đưa họ trở về nước. CAA cho biết đang huy động các hãng hàng không gần nhất với khu vực có đông khách Anh đang lưu trú để tiếp nhận và vận chuyển họ về nước.

16 hãng hàng không Anh và các nước sẽ tiếp nhận 34 chiếc máy bay của Monarch Airlines để thực hiện hơn 700 chuyến bay trong khoảng 2 tuần tới - một cuộc “hồi hương” khổng lồ trong thời bình.

Monarch Airlines hiện đứng thứ năm cả về quy mô hoạt động lẫn thị phần, nhưng xét về độ bền trong hoạt động thì Monarch Airlines đứng đầu nước Anh. Là một công ty con của tập đoàn Monarch, ra đời và đi vào hoạt động kinh doanh từ năm 1968, Monarch Airlines có trụ sở chính tại sân bay London Luton nằm ở phía bắc London.

Hãng hàng không này khai thác các đường bay nội địa và quốc tế tại hầu hết các sân bay lớn của nước Anh như London Gatwick, Manchester, Birmingham và Leeds Bradford, thực hiện các chuyến bay đến hơn 40 quốc gia trên thế giới. Monarch nổi tiếng với phong cách phục vụ tốt, chất lượng cao.

Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, hãng hàng không Monarch Airlines chưa bao giờ được đánh giá là hoạt động ổn định. Tình hình hiện nay được cho là sự tiếp nối của chuỗi khó khăn từ nhiều năm qua của Monarch Airlines. Năm 2014, chủ cũ của hãng là một gia đình người Thụy Sĩ phải bán lại cho Công ty Greybull Capital, và ngay lập tức chủ mới đã tiến hành một cuộc tái cơ cấu mạnh mẽ nhằm cắt giảm chi phí, giảm chi tiêu, tăng lợi nhuận. Nhưng cuộc tái cơ cấu này diễn ra không “thuận thiên thời”.

Trên một trong những chuyến bay cuối cùng của Monarch Airlines sáng 2-10.

Khủng bố được cho là nguồn gốc lớn nhất khiến Monarch Airlines bị mất thị phần và lâm vào tình thế khó khăn mà không có giải pháp nào để cứu vãn. Các sự kiện tấn công khủng bố xảy ra vào năm 2015 tại các khu nghỉ dưỡng ngập tràn ánh nắng mặt trời ở biển Đỏ - Sharm el-Sheikh của Ai Cập và Sousse của Tunisia, hai thị trường hàng không lớn nhất của Monarch Airlines - và tiếp sau đó là vụ đánh bom chuyến bay A-321 của Nga cũng trong năm 2015.

Tình hình càng tồi tệ hơn với bất ổn về an ninh, chính trị tại Thổ Nhĩ Kỳ sau vụ đảo chính hụt tháng 7-2016, tất cả đã khiến cho cơ quan chức năng Anh và nhiều nước châu Âu khuyến cáo công dân hạn chế đi du lịch đến các nước như Ai Cập, Tunisia và Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là chính quyền Anh đã ra lệnh cấm bay đến Sharm el-Sheikh và Sousse.

Bên cạnh đó, Brexit cũng đóng vai trò không nhỏ trong thất bại của Monarch. Tác động rõ nhất của Brexit là làm cho đồng bảng Anh tụt giảm giá trị. Đồng bảng mất giá (10% so với đồng USD và 12% so với euro kể từ cuộc bỏ phiếu Brexit) khiến cho Monarch Airlines phải bội chi thêm 50 triệu bảng một năm, đồng thời Brexit buộc Monarch Airlines phải thực hiện mọi giao dịch ở châu Âu bằng đồng USD.

Đồng bảng Anh giảm giá cũng tác động vào tâm lý, ảnh hưởng đến quyết định đi du lịch nước ngoài của người Anh, kéo theo giảm lượng khách đi máy bay của Monarch Airlines.

Nghiệp đoàn Unite cáo buộc, trong tình thế khó khăn nhưng Chính phủ Anh lại từ chối cho Monarch hưởng khoản vay bắt cầu theo kiểu tương tự như Chính phủ Đức vừa làm để cứu hãng hàng không Air Berlin cũng lâm vào tình trạng phá sản như Monarch.

Thêm vào đó, các nhà đầu tư tiềm năng có thể mua lại Monarch Airlines đã từ bỏ ý định vì tình hình bất ổn định xung quanh vấn đề Brexit và khả năng trong tương lai các hãng hàng không Anh có thể tiếp tục các đường bay khắp châu Âu hay không.

Vụ phá sản của Monarch Airlines tiếp nối 2 vụ phá sản khác bao gồm Air Berlin và Alitalia, và sau đó là những cái tên nào nữa ở châu Âu? Đây cũng là một vụ phá sản kinh tế đầu tiên và điển hình nhất của nước Anh thời kỳ Brexit. Nhưng nó có vẻ làm “lợi” cho các đối thủ cạnh tranh trên thương trường hơn là khiến cho ngành hàng không Anh đi xuống.

Quốc Vương (tổng hợp)
.
.