NSƯT Trần Hoài Thu: Mê đắm nghiệp chèo
17 tuổi đã lên chương trình truyền hình của VTV "Dành cho người hâm mộ". 30 tuổi đã đoạt danh hiệu NSƯT. Là một trong 4 nhan sắc nức tiếng có tiếng hát vàng của xứ sở chèo Thái Bình: Thanh Trầm, Văn Quyền, An Chinh, Hoài Thu.
Đặc biệt hơn, khi xem cô gái này diễn nhiều nghệ sĩ trong nghề đã không ngừng khóc, và thậm chí một lần khi vừa xem Thu diễn, NSƯT Minh Vượng trên đường phóng xe máy khi chưa kịp về đến nhà đã dừng giữa đường, rút điện thoại ra gọi điện xuýt xoa: "Này, xin lỗi cho chị nói tục một câu nhé: … Thu diễn hay quá em ạ!
"Nằm ở tít tận cuối phố Tam Trinh, Hà Nội là tổ ấm của đôi vợ chồng NSƯT Trần Hoài Thu và NSND Lê Hùng. Ngôi nhà màu xanh 6 tầng có khoảng sân đủ rộng để ở đó cơ man nào là gà tre, chim bồ câu, chim cu gáy, chào mào, vẹt đỏ, vẹt xanh và gi gỉ con chim gì mà tôi cũng không biết nữa. Chỉ biết rằng khi cánh cổng được mở ra, tôi bước chân vào thì những con chim bay vèo vèo qua đầu, vài con chó sủa inh ỏi; ở góc sân, con mèo cuộn tròn uể oải không thèm đứng dậy.
Đứng cạnh tôi là một con vật to khủng khiếp. Nó là con công cảnh xòe đuôi; hay theo như lời của chị diễn viên Minh Vượng thì ngôi nhà này còn có cả đà điểu và khỉ. Tôi được chị giúp việc chỉ lên tầng 3 vì Hoài Thu đang đợi ở trên đó. Bước vào phòng khách, ở đây còn ngạc nhiên hơn nữa.
Hàng chục chiếc đồng hồ cổ đủ các loại hình dáng to nhỏ lớn bé khác nhau. Ở gần cầu thang lên xuống là ban thờ Tam đa Phúc - Lộc - Thọ bằng sứ đá trắng đã phủ màu thời gian. Lư hương trang trọng chính giữa ban thờ mà chân nhang đã cao có ngọn càng làm tăng thêm vẻ huyền bí của căn phòng. Từ thuở cha sinh mẹ đẻ đến giờ tôi chưa bao giờ bước chân vào nhà ai lạ lùng như ngôi nhà này, căn phòng này.
Nói không sai là căn phòng có hàng mấy trăm con chim đủ các giống loại. Có con ở trong chuồng bằng tre, trúc, gỗ hình tròn hoặc hình vuông. Có nhiều con đậu trên những thanh ngang. Có nghĩa là chúng có thể tùy nghi di chuyển, bay qua bay lại hoặc đậu một nơi nào đó tùy thích trong căn phòng.
Hoài Thu đi xuống, chúng tôi ngồi ở bộ salon bằng gỗ kê ngay giữa phòng nói chuyện với nhau giữa cả rừng chim. Và suốt mấy tiếng đồng hồ, tiếng người, tiếng chim hót và gáy, tiếng chuông ngân nga bính boong của các loại đồng hồ vang lên không ngừng nghỉ, hỗn độn và sống động. Thật là huyền ảo quá chừng!
Hoài Thu mang vẻ đẹp gợi cảm cực kì nữ tính, nhưng lại chất chứa nội lực dồi dào ẩn ngầm bên trong. Đôi mắt long lanh sáng quắc dữ dội có cảm giác như lửa ngùn ngụt từ đôi mắt đó phát ra và có thể khi "nhập đồng" sẵn sàng thiêu rụi bất cứ vật gì trước mắt. Sở hữu vóc dáng và thần thái đó chả trách, trước đây chị Thúy Mùi Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội có nói với tôi, nhà hát chị vừa thửa về một diễn viên trẻ là Hoài Thu. Cô bé diễn hay lắm. Xem Thu diễn thì quên chết, quên sầu.
Chị Mùi bảo: "Cô bé bỏ 10 năm diễn chèo sang diễn kịch, thế mà khi quay lại chèo ở Hội diễn sân khấu nào cũng ẵm luôn mấy Huy chương vàng. Xem Thu diễn mà nhiều nghệ sĩ chèo chảy nước mắt, một đàn anh trong làng chèo kì cựu như Quốc Anh còn khóc ngon lành…".
Thu ở trước mắt tôi, đa cảm đến lạ lùng, mong manh đến vô chừng. Vừa dữ dội, vừa yếu mềm, đích thị nghệ sĩ. Làng quê Thu ở Thái Bình. Thái Bình là đất của hát chèo nhưng cũng không hẳn. Chỉ có vùng Đông Hưng là trẻ con ngấm chèo từ khi còn nằm trong bụng mẹ, đến lúc lọt lòng 5 tuổi đã biết hát chèo.
Đất Đông Hưng có NSND Thu Hiền nổi tiếng với tiếng hát dân ca và những bài ca đi cùng năm tháng. Còn ở làng của Thu, mọi người không biết hát chèo và ngay cả trong gia đình gồm 7 anh chị em không ai biết hát chèo ngoại trừ có Thu. Cha mẹ già, sinh sáu người con đều đã lớn hết, người con thứ sáu lên đến 9 tuổi cha mẹ mới sinh ra Thu, cô con gái út ít nhất nhà nên vợ chồng người nông dân thương lắm.
Người con út mấy năm đi học đều là học sinh giỏi. Đặc biệt rất khéo tay, khâu vá, thêu thùa đan lát thông thạo cả. Làng quê Thái Bình là vựa lúa cũng như bao miền quê yêu dấu khác của vùng đồng bằng Bắc Bộ, nơi có triền đê dài tít tắp, đồng cỏ xanh thắm, đến mùa lúa chín trổ bông vàng thơm ngào ngạt. Vào mùa hè, những cánh diều thả bay trên bầu trời xanh mênh mông, trẻ con trong làng trần truồng nhảy xuống tắm sông, lội ao bắt ốc, mò cua, văng vẳng trên bờ râm ran tiếng ếch nhái lẫn vào khóm tre, bụi chuối.
Sang đông, gió hun hút thổi, lạnh đến se sắt, đàn bò ngúc ngoắc gặm cỏ trên triền đê, con trâu cũng ẩn mình không dám tắm. Đám trẻ trong làng í ới gọi nhau đi học cuốc bộ từ nhà đến trường. Con đường đi học vào mùa đông lại càng dài thêm, mưa ướt lướt thướt, nhớp nháp trơn lầy, cô bé con vác cặp cói thủng tha thẩn đi, nhưng thích nhất là lắng tai nghe loa phóng thanh tuyên truyền của xã dội xuống tiếng hát.
Hoài Thu trong một vở diễn. |
Từ thuở bé ti, em đã ngấm tiếng hát ngân nga trên loa của xã nghe quen thành mê tít. Làng quê, người dân thích nghe đài nên nhà ai cũng bật đài. Sang nhà hàng xóm chơi với bạn, ngay từ vườn đã nghe tiếng hát câu hò điệu lý trao duyên, đàn ca tài tử Nam bộ, hát xoan, hát đúm, dân ca ba miền tưng bừng. Cô bé chỉ thấy âm nhạc luyến láy sao mà hay và có sức hút đến thế. Trẻ con trong đài hát: "Trèo lên quán dốc ngồi gốc cây đa…" sao mà hay thế? Ước gì mình cũng được gia nhập đội cùng với đám trẻ trong đài?
Ở nhà em cứ mong ngóng đến giờ là được nghe 30 phút dân ca và nhạc cổ truyền trên đài. Thời gian dần trôi, cô bé năm ấy vừa mới tốt nghiệp lớp 9 chuẩn bị thi vào cấp III, một lần về nhà, em nghe trộm câu chuyện của bố mẹ nói với nhau.
Mẹ bảo: "Này ông nó ơi, tôi và ông già cả thế này rồi, nếu có mệnh hệ gì không biết có lo nổi cho con bé út ăn học thành người được không?". Cha trầm ngâm rồi quyết định: "Tôi tính, tôi với bà bán mảnh đất ở ngoài mặt đường đi để lấy tiền cho con nó đi học máy khâu, con bé may vá cũng khá lắm. Vợ chồng mình có mệnh hệ gì thì con nó cũng còn có một cái nghề để sống cũng đỡ khổ…". Hai vợ chồng người nông dân tỉ tê trò chuyện to nhỏ không ngờ ở ngoài cửa cô con gái út nghe thấy hết. Thương cha mẹ, cô bé khóc sưng cả mắt.
Mấy ngày hôm sau chị gái chạy về bảo: "Thu ơi, chả biết là mẹ có cho mày học cấp III không? Nhà hát chèo Thái Bình đang tuyển diễn viên, chị thấy mày hát hay đấy, hay mày đi thi đi". Ngày hôm sau, người anh cả chở cô bé đi thi tuyển, cô bé được cao điểm nhất. 15 tuổi cô khăn gói vào Đoàn chèo Thái Bình, rồi học lớp sơ cấp chèo năm 1999 - 2000. Nhà hát thấy cô bé hát hay, diễn khá, khoảng chừng hơn một năm sau có Hội diễn Sân khấu Chèo chuyên nghiệp toàn quốc ở Quảng Ninh. Trong Hội diễn có nhiều tên tuổi có tiếng trong làng chèo như Văn Chương, Ngọc Ánh, Minh Phương…
Cô bé được nhà hát gửi gắm giao cho vai Thị Mầu trong vở "Quan Âm Thị Kính". 17 tuổi. Ai cũng bất ngờ. Kết thúc cuộc thi, Thu được 4 giải trong 1 hội diễn. Huy chương Vàng. Diễn viên xuất sắc. Hội Nghệ sĩ Sân khấu trao cho giải Tài năng trẻ và diễn viên đạt thành tích xuất sắc nhất Hội diễn năm 2001. Chân ướt chân ráo từ Hội diễn Quảng Ninh về đến nhà thì em nhận được tin chị Thanh Hạnh mời lên chương trình truyền hình Việt Nam "Dành cho người hâm mộ".
Công tác tại Nhà hát Chèo Thái Bình đến năm 2005, cuộc gặp gỡ định mệnh với NSND Lê Hùng khi ông về dựng vở. NSND Lê Hùng sau nhiều cuộc hôn nhân đổ vỡ, cuối cùng đã tìm được bông hoa sắc nước hương trời của làng chèo Việt Nam. Đôi trai tài gái sắc của làng sân khấu, hai người cách nhau đến ba con giáp. Năm 2006, Thu trở thành vợ chính thức của NSND Lê Hùng và chuyển công tác về Nhà hát Tuổi Trẻ làm diễn viên Đoàn kịch hình thể của NSND Lan Hương.
Có một câu chuyện lạ lùng từ những người trong nghề kể lại với nhau, số là NSND Lê Hùng rất đào hoa và cũng rất đa tình nên bóng hồng đi qua đời ông nhiều vô số kể. Trong những cuộc tình mộng mơ ấy, ông cũng đắm chìm với một vài ái nữ xinh đẹp, nhưng các cô con gái con ông không chịu gọi ai bằng mẹ và cũng không ưa một ai, duy chỉ khi NSND Lê Hùng đưa Thu về nhà thì buổi đầu tiên gặp gỡ ấy, các con ông đã yêu quý Thu ngay lập tức. Tuổi tác giữa Thu và các con của ông cách nhau không nhiều nhưng bọn trẻ nhất mực coi Thu như người thân thiết và gọi Thu bằng mẹ khi Thu chưa kịp làm vợ vị đạo diễn nổi tiếng.
Cuộc hôn nhân này, Thu lần lượt sinh 3 người con. Thu nhớ lại, trở thành vợ người đạo diễn tài hoa cũng là ngày cô xa lìa sân khấu chèo. Những lần Hội diễn sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc, vì chồng đạo diễn cho nhiều đoàn chèo, vợ thì con ẵm, con bồng đi theo nhưng không được diễn. Thấy bạn diễn trên sân khấu, máu nghề bốc lên phừng phừng, rần rần trong người.
Nhìn thấy Thu đồng nghiệp lại chỉ trỏ to nhỏ với nhau: "Con bé diễn tốt vậy mà bỏ uổng thế". Hay người ta chép miệng: "Thôi ông ơi, được cái nọ thì mất cái kia mà"… Thu nghe vậy, tủi thân quay mặt vào tường hai hàng nước mắt tuôn rơi …Nhớ nghề quá mà không biết phải làm sao? Bao giờ mới quay trở lại sân khấu chèo để véo von lời ca tiếng hát, để say như điên như dại thuở ngày xưa ấy?!
Rồi, như duyên nghiệp, năm 2013, vừa sinh bé trai được 5 tháng, Thu còn đang trong thời gian nghỉ chế độ của Nhà hát Tuổi Trẻ. Một lần nghệ sĩ Minh Vượng đến nhà chơi bảo: "Cô phải về ngay giúp cô Mùi (Thúy Mùi - Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội-PV) làm vở Trưng Trắc tại vì hội đồng duyệt đang "chan tương đổ mẻ" rồi." Thu nói: "Em bỏ sân khấu chèo đến 10 năm rồi, thôi em không làm đâu". Vượng nói dứt khoát: "Tôi quý cô Mùi, tôi coi cô Mùi như em, tôi cũng quý cô như thế, bây giờ cô không giúp cô Mùi thì coi như tôi và cô không còn tình chị em nữa".
Chị Mùi gọi điện sốt sắng: "Em ơi, em đóng vai này đi vì em làm chắc chắn sẽ được vàng (Huy chương vàng-Pv)." Thu cười bảo: "Chị ơi, kim cương của em còn đang ở giữa nhà (ý em nói thằng bé con) kia kìa". Chị Mùi bảo: "Vở này hay lắm chị mời em đi xem."
Tối đó, Thu đi xem ở Nhà hát Lớn Hà Nội. Mà chị Mùi cũng "chơi ác" thiệt, tặng vé lại đưa luôn cả kịch bản. Thu ngồi ở hàng ghế khán giả, máu nghề nổi lên, máu chảy từ tim lên não, truyền khắp người, bốc hỏa trong đầu ngùn ngụt. Hôm ấy về thức trắng một đêm Thu đọc hết kịch bản Trưng Trắc. Kịch bản hay quá trời là hay. Sáng hôm sau, trời vừa ló rạng, Thu gọi điện nói với chị Mùi: "Chị ơi, em làm cho chị". Chị Mùi vui mừng bảo: "Tốt rồi, tốt rồi". Thu lo lắng, diễn thì em không sợ nhưng hát thì em bỏ 10 năm rồi, cứng hết hàm rồi sợ chả hát được.
Chị Mùi an ủi: "Thôi cứ về đây tôi dạy cô từng bài." Thu về. Đúng một tuần vào vai Trưng Trắc trong vở "Chiến thắng Mê Linh" thì đi hội diễn. Ở Hội diễn năm 2013, cả vở diễn lẫn người diễn đều chiến thắng rực rỡ. Sau đấy chị Mùi thân mật bảo: "Cô về hẳn với tôi đi" Thu nghĩ: Thôi nghiệp chọn mình rồi! Bỏ bao nhiêu năm quay về vẫn được Tổ nghiệp đãi như thế… Và rồi Thu lại quay về chèo.
Từ đó đến nay những vở diễn Thu tham gia đều vào vai chính và nếu có thi đều đoạt Huy chương vàng. Năm 2015, trong đợt xét tặng danh hiệu Nhà nước, nghệ sĩ trẻ Trần Hoài Thu nằm trong danh sách Nghệ sĩ ưu tú Việt Nam. Hoàng hôn dần buông xuống, xen lẫn với tiếng chim hót và gáy, tiếng đồng hồ bính boong, Thu như nhập đồng nói về vai diễn. Thu bảo trong một lần dọn nhà, vô tình cầm kịch bản mình đã đóng, thế là tự nhiên bỏ cả đấy, đọc đến đoạn xúc động, nước mắt chảy như mưa… Rồ dại đến thế, phát cuồng lên đến thế, say đắm mê muội đến thế tất cả cũng vì nghề.