Nghề diễn hề phát triển ở Hong Kong

Thứ Ba, 04/07/2017, 17:20
Ken Ken là một trong những chú hề chuyên nghiệp đầu tiên hành nghề ở Hong Kong. Nghệ sĩ hề 35 tuổi cho biết anh đã trải qua 15 năm sống với nghề mà anh mô tả là “tích cực” và “giúp cho mọi người hạnh phúc”. Ken Ken kiếm được chừng 550.000 HKD (71.000 USD) mỗi năm với nghề làm trò hề của mình.

Ken Ken - tên thật là Kenneth Ng. - cho biết ngày nay có đến 50 chú hề chuyên nghiệp hoạt động ở Hong Kong, trong khi hồi năm 2001 chỉ có mỗi mình anh. Thậm chí, con số này đang có chiều hướng tăng dần theo từng năm.

Thực tế cho thấy nhu cầu thuê chú hề phục vụ cho những buổi tiệc của trẻ con ở Đặc khu Hong Kong đang phát triển mạnh dẫn đến việc một số công ty được thành lập để tổ chức những lớp huấn luyện hề. Một công ty như thế có tên gọi là Trung tâm Phát triển và Huấn luyện Grace.

Ken Ken ở Hong Kong.

Enya Hui, một quan chức của Trung tâm Grace, thừa nhận nghề làm trò hề hiện nay là “có thể phát triển và tồn tại”. Tuy nhiên, những chú hề tại Hong Kongg khác biệt hẳn với các đồng  nghiệp được mô tả là “hề kinh dị đáng sợ” ở Mỹ và châu Âu. Rõ ràng, những chú hề đáng sợ ở Mỹ và châu Âu đang trở thành hiện tượng gây hoảng sợ không chỉ cho trẻ con mà cả người lớn - sự việc tồi tệ đến mức bậc cha mẹ không muốn thuê chú hề pha trò trong tiệc sinh nhật con cái.

Ngành kinh doanh trò hề ở Mỹ rơi vào suy thoái đến mức Hiệp hội Hề Quốc tế (WCA) tuyên bố số hội viên giảm một phần ba trong 10 năm qua - từ khoảng 3.500 xuống còn 2.500. Trong khi những nghệ sĩ hề đang nỗ lực đấu tranh để tồn tại ở Mỹ và châu Âu thì đồng nghiệp của họ tại Hong Kong và một số quốc gia khác như Ấn Độ lại ăn nên làm ra.

Với số tiền kiếm được từ khoảng 100 buổi biểu diễn trong 1 năm cộng với thu nhập từ lớp huấn luyện hề hằng tuần, Ken Ken có thể sống thoải mái với nghề. Ngược lại, đồng nghiệp của anh ở Mỹ và châu Âu phải tìm thêm nguồn thu nhập bổ sung khác.

Hề Ken Ken (phải) đang huấn luyện học viên.

Julie Varholdt, 52 tuổi và là “cô hề” thế hệ thứ tư ở Phoenix bang Arizona (Mỹ), cho biết thường thì một chú hề bình thường ở Mỹ kiếm được chỉ 14.000 USD/năm - tức ít hơn 5 lần thu nhập của Ken Ken! Do đó, có thể cho rằng tài chính là nguyên do giải thích tại sao nghề làm hề ở Hong Kong phát triển mạnh hơn ở Mỹ.

Julie Varholdt kể rằng cô có thể kiếm đủ tiền để sống mà không cần phải tìm thêm khoản thu nhập khác song thực tế không dễ dàng chút nào. Martin “Flubber” DSouza là chú hề nổi tiếng khác ở thành phố Mumbai của Ấn Độ. Anh cảm thấy “tự tin” khi hoàn thành vai diễn của mình. Hiện nay, DSouza sống tốt với nghề diễn hề và điều hành doanh nghiệp giải trí của riêng mình, thuê dụng 80 diễn viên hề.

Theo DSouza, ngày càng có thêm nhiều thanh niên Ấn Độ đi theo nghề diễn hề: “Ngày nay, bậc cha mẹ không còn cảm thấy hổ thẹn khi con trai hay con gái họ là diễn viên hề”. Tuổi tác cũng làm nên sự khác biệt lớn giữa nghệ diễn hề ở châu Á và Mỹ - châu Âu.

DSouza nói: “Bạn sẽ không tìm thấy những diễn viên hề trẻ tuổi ở phương Tây”. Độ tuổi trung bình của hề ở châu Á là giữa 25 và 30, trong khi ở phương Tây là trên 50.

DSouza giải thích: “Ở phương Tây, người ta coi nghề diễn hề không phải là nghề kiếm ra nhiều tiền... nhưng ở châu Á thì đây là nghề được chọn thay thế cho việc làm ở văn phòng hay nhà xưởng”.

Hề Martin DSouza nổi tiếng ở Mumbai, Ấn Độ.
Cô hề Julie Varholdt.

Vấn đề là diễn viên hề ở phương Tây không được trả công hậu hĩnh. Ngoại trừ diễn viên hề trong những công ty xiếc nổi tiếng thế giới như là Ringling Bros và Cirque de Soleil hay công viên giải trí Walt Disney.

Những sự kiện về hề

Diễn viên hề hiện đại đầu tiên là người đàn ông tên là Jopseph Grimaldi ở Anh vào đầu thế kỷ 19. Ông cũng là người đầu tiên sơn màu trắng và nụ cười màu đỏ lên gương mặt.

Hằng năm, ở thành phố London nước Anh, vào ngày Thứ bảy đầu tiên của tháng 2, những diễn viên hề tập trung đầy đủ tại một nhà thờ để hành lễ tưởng nhớ Joseph Grimaldi.

Sự kiện Tuần lễ Hề Quốc tế (International Clown Week) được tổ chức vào tháng 10 hằng năm.

Duy Minh (tổng hợp)
.
.