Nghề huấn luyện, biểu diễn xiếc thú: Vinh quang và... thương tích

Thứ Sáu, 07/04/2017, 19:35
Đặc biệt hấp dẫn với số đông công chúng bởi yếu tố kịch tính, sự khác thường, xiếc thú đích thực còn là cầu nối tích cực nhằm lan tỏa những giá trị văn hóa, nghệ thuật với các cộng đồng trong nước và quốc tế. Nhiều tiết mục xiếc thú đưa nghệ sĩ xiếc nói riêng, xiếc Việt Nam nói chung “ghi danh” trên bản đồ nghệ thuật xiếc trong khu vực và quốc tế. Chỉ có điều, với nghệ sĩ xiếc thú, đường đến những đỉnh vinh quang không chỉ thấm đẫm mồ hôi…

Trong ký ức thời thơ ấu của “vua” xiếc trăn Việt Nam - Tống Toàn Thắng, sân khấu biểu diễn xiếc là một thế giới kỳ diệu. Những câu chuyện sau các chuyến lưu diễn trời Tây trở về, những buổi biểu diễn phục vụ lãnh đạo và những đoàn khách quốc tế trong Phủ Chủ tịch từ người anh họ - nghệ sĩ xiếc Tống Bội Hoàn luôn hấp dẫn không thua kém bất cứ câu chuyện cổ tích nào. 11 tuổi, Tống Toàn Thắng bắt đầu theo học xiếc.

Hành trình 5 năm trên ghế nhà trường được bắt đầu bằng các môn cơ bản: nhào lộn, thăng bằng, thể thao và trò khéo. Sau 2 năm đầu tiên, xiếc đã bắt đầu những thử thách cam go. Lý do, suốt 2 năm cơ bản, Tống Toàn Thắng chọn tiết mục xà đơn trên đùi và thang đưa, trồng cây chuối trên đầu để luyện tập. Vì nhỏ người, cậu bé Thắng được chọn làm diễn viên ở phần trên. Bạn diễn lớn hơn đóng vai người trụ ở dưới. 2 năm sau, cơ thể Tống Toàn Thắng phát triển vạm vỡ, hơn bạn diễn 2kg, buộc phải hoán đổi vị trí.

Vua xiếc trăn Việt Nam - nghệ sĩ Tống Toàn Thắng và bạn diễn nặng gần 100kg.

Với thay đổi này, tiết mục luyện tập gần như trở về con số 0. Mệt mỏi, vất vả, nhưng đến thời điểm này, sau gần 40 năm, anh thừa nhận, chính sự thay đổi ấy đã trang bị cho bản thân nhiều kỹ năng diễn hơn, phản ứng nhanh nhạy hơn và hỗ trợ rất lớn cho công việc huấn luyện, biểu diễn xiếc thú của anh sau này.

Sự kiện thay đổi toàn bộ cuộc đời Tống Toàn Thắng là thời điểm Rạp xiếc Trung ương ra đời. Khán giả hôm nay chỉ thấy một rạp xiếc cũ kỹ nhưng 25 năm trước, đây là giấc mơ lớn của các nghệ sĩ xiếc. Từ lúc rạp xiếc khởi công đào móng đến thời điểm khánh thành phải mất đến 9 năm trời.

Thời điểm ấy, đây cũng là rạp biểu diễn xiếc có quy mô lớn, mức độ trang bị hiện đại thuộc dạng đầu của khu vực Đông Nam Á. Để chào đón sự kiện trọng đại này của “làng” xiếc, Liên đoàn Xiếc Việt Nam quyết định phải xây dựng những chương trình biểu diễn xứng tầm. Tống Toàn Thắng được giao thực hiện tiết mục “Cầu ngô”. Đây là tiết mục xiếc truyền thống, rất nhiều nghệ sĩ đã nổi tiếng từng dàn dựng, biểu diễn thành công trước đó. Muốn tạo ấn tượng thật mạnh với công chúng, Tống Toàn Thắng đề nghị xây dựng thêm tiết mục xiếc trăn.

Thực ra, phục vụ ý tưởng biểu diễn xiếc trăn, từ 2 năm trước, Tống Toàn Thắng đã lọ mọ ra chợ Đồng Xuân, lân la làm quen với những người buôn bán bò sát. Được họ chỉ một số kiến thức cơ bản, chàng diễn viên trẻ liều mua 1 con trăn 5kg, mang về. Giữa sự sợ hãi và phản đối nhưng buộc phải giúp đỡ của các thành viên trong gia đình, cuối cùng anh cũng có được chiếc lồng kín dạng mắt lưới.

Ngay đêm đầu tiên, cả gia đình một phen hoảng hốt, sơ tán hết ra ngoài vì phát hiện con trăn của cậu quý tử phá thủng lưới, ra nằm chình ình dưới kệ tivi. Một mình Tống Toàn Thắng trầy trật bắt nhốt lại. Suốt những ngày sau, con trăn phản ứng dữ dội, liên tiếp húc đầu vào chuồng. Mắt lưới nào cũng không chịu nổi. Anh lại mày mò thuê đóng chuồng gỗ. Sau những tháng ngày ăn, ngủ đều ám ảnh với trăn, người diễn viên trẻ bắt đầu hiểu dần các thói quen, quy luật sinh hoạt của người bạn mới.

Một lần, tạo tiếng động bên ngoài nhưng thấy “cu cậu” nằm im, Thắng đưa tay vào... sờ thử. Nhanh như chớp, miệng trăn táp ngập bàn tay anh, máu chảy lênh láng. Mãi sau này, tìm hiểu thêm, Tống Toàn Thắng mới nhận ra, trăn không cảm nhận bằng âm thanh mà là thân nhiệt. Răng trăn không có độc tố nhưng dãi trăn có thể khiến máu không đông được, nếu không rửa sạch, máu sẽ chảy mãi...

Sau tai nạn đầu tiên, nhiều tháng trôi qua, sự tò mò chiến thắng nỗi sợ hãi, Tống Toàn Thắng quyết định tiếp cận trực tiếp bằng được người bạn mới. Nghĩ trăn thích hang hốc tối, anh tìm một bao tải dụ vào, đặt bao lên đùi, cho trăn cảm nhận thân nhiệt và vỗ về nhè nhẹ. Sau nhiều lần được vỗ về, trăn không còn lục sục trong bao, anh bắt đầu thả ra ngoài, tiếp xúc trực tiếp với da thịt.

Cảm giác như ôm một cái túi da lạnh ngắt lạo xạo toàn xương trên đùi có thể khiến người yếu bóng vía hoảng sợ nhưng Tống Toàn Thắng thì không. Sự kiên trì của anh được đền đáp khi một ngày, toàn bộ con trăn nằm gọn trên đùi. Anh cảm nhận được cả những cơ bắp rắn chắc từ con vật đang chuyển động. Tất nhiên, với mỗi ngày hơn chục giờ đồng hồ ôm ấp, vuốt ve, cưng nựng, thời gian ấy, người anh chỉ rặt một mùi trăn.

4 tháng sau, con trăn thứ 2 nặng 20kg tiếp tục được “tậu” về nhà. Mất gần 2 năm thuần hóa, những con trăn trở thành “bạn bè” thân thuộc của Toàn Thắng. Anh nắm chắc quy luật khi nào trăn ngủ, khi nào thì đói, khi nào nổi giận tấn công, trường hợp nào thì lao xa bao nhiêu, thậm chí lao sát đến khoảng nào thì nước dãi văng vào mặt... Cũng chỉ đến khi ấy, Tống Toàn Thắng mới tính chuyện đưa trăn lên sân khấu biểu diễn.

Không muốn bắt chước diễn viên nước bạn khoác trăn lên người đi loanh quanh sân khấu, anh nảy ý tưởng lồng ghép tiết mục biểu diễn trong câu chuyện Thạch Sanh đánh chằn tinh cứu công chúa. Ý tưởng được thông qua, liên đoàn đầu tư chuồng trại, mua thêm trăn to hơn. Ngày công diễn, tiết mục thành công ngoài sự mong đợi.

Hình ảnh Thạch Sanh quấn trăn để lại ấn tượng khó phai của xiếc Việt Nam với bạn bè quốc tế. Những chuyến lưu diễn sang nhiều quốc gia trên thế giới của Tống Toàn Thắng và bạn diễn cũng bắt đầu. Nếu nước Mỹ, khán giả ưu ái gọi anh là “Hoàng tử trăn” thì Thái Lan, Tống Toàn Thắng trở thành người hùng. Anh còn nhớ rất rõ, năm 1996, xiếc Việt Nam được mời sang Thái biểu diễn, phục vụ hoạt động tranh cử. Sân khấu rộng lớn chật ních người xem, thu hút khá nhiều kênh truyền thông các nước.

Say trong tiếng hò reo cổ vũ, Tống Toàn Thắng quên mất những ánh đèn flash của máy ảnh hướng vào khiến bạn diễn giật mình. Một trong số ba con trăn anh đang vác trên người bập thẳng vào tay. Sân khấu hoảng loạn. Bạn diễn hoặc bỏ chạy, hoặc yêu cầu tìm cách can thiệp. Lực lượng cảnh sát đề nghị gí dùi cui điện buộc con vật nhả cánh tay.

Mất máu, mắt “nổ hoa cà hoa cải” nhưng bằng kinh nghiệm và bản lĩnh lâu năm của người nghệ sĩ xiếc, Tống Toàn Thắng nhất quyết từ chối. Anh tính toán, trăn là loài máu lạnh, da sừng, nếu dí dùi cui điện, trăn chưa hề hấn gì thì cơ thể đầy mồ hôi của mình đã gặp họa. Chưa kể, cơ thể càng chuyển động, trăn càng cắn chặt. Thế nên, anh yêu cầu mọi người tản ra, một mình thả 2 con vào thùng, vừa vỗ nhè nhẹ con còn lại vừa tự động viên, nếu đếm từ 1 đến 10, bạn diễn không chịu nhả cánh tay thì để mọi người muốn xử lý thế nào cũng được. Rất may, đếm đến 7 thì trăn nhả miệng.

Khoảnh khắc cuối cùng anh còn nhớ được là không khí lạnh buốt như trăm nghìn mũi kim xoáy vào vết thương đang chảy máu xối xả. Tỉnh dậy, anh đã thấy mình trên giường bệnh... Vụ tai nạn được báo chí, truyền hình tường thuật chi tiết đến nỗi, khi Tống Toàn Thắng đến khu chợ Thái mua quần áo, các tiểu thương, người đi chợ vây chặt. Biệt danh “người hùng” gắn với anh từ đấy.

Chia sẻ về chuyện nghề, không chỉ có “vua” xiếc trăn Tống Toàn Thắng mà hầu hết các diễn viên, huấn luyện viên cho đến công nhân phục vụ xiếc thú đều khẳng định, làm xiếc thú, khó có thể tránh được tai nạn. Thế nên, cơ thể của đội ngũ này ít nhiều để có một vài vết sẹo kỷ niệm của nghề nghiệp. Tai nạn nhẹ thì trầy da chảy máu phần mềm, trường hợp nặng hơn còn đứt cả ngón tay, nhờ cấp cứu kịp thời nên nối lại được.

Có những tai nạn tưởng như trên trời rơi xuống nhưng kiểm tra kỹ lại thì không hẳn. Kiểu như một diễn viên xiếc thú bị thương, bị cảm trước giờ diễn, bôi chút dầu gió lên người. Con thú phát hiện mùi lạ, bản năng trỗi dậy, cắn ngay diễn viên khi vừa chớm ra sân khấu...

Khỉ đạp xích lô - một trong số các tiết mục xiếc Việt Nam được khán giả trong và ngoài nước yêu thích.

Trưởng đoàn xiếc thú Liên đoàn Xiếc Việt Nam Nguyễn Văn Hoàn tổng kết: làm xiếc thú, những tai nạn nghề nghiệp kiểu như ngựa đá, gấu vô tình tạt tay vào khi đang đứng cạnh là chuyện không hiếm. Nhìn hiền lành như đà điểu, thời gian mới về, chúng cũng mổ đôm đốp vào đầu huấn luyện viên lẫn người phụ diễn.

Để đảm bảo an toàn, mỗi khi dắt chúng ra ngoài, tất cả đều phải đội mũ bảo hiểm. Với các con thú, dù đã được huấn luyện thành thục hay chưa thì thú tính vẫn luôn còn. Có khi, chỉ cần những thay đổi nhỏ từ môi trường tác động cũng khiến chúng giật mình, cảm nhận sự khác lạ dẫn đến phản ứng theo bản năng. Nếu không phản ứng nhanh nhạy, diễn viên, phụ diễn rất dễ bị thương.

Nhiều trường hợp, người diễn bị thương trên sân khấu vẫn cố gắng hoàn thành tiết mục mới lui vào hậu trường chữa trị vết thương. Chỉ những tình huống đặc biệt như diễn viên ngất xỉu, vết thương nặng, rỉ máu, khán giả mới phát hiện được, còn hầu hết các tai nạn, thường chỉ con mắt của người trong nghề mới nhận biết rõ. 

Một tiết mục xiếc voi.
Chú vịt trắng mừng rỡ chào đón huấn luyện viên Tống Toàn Thắng đến thăm.

Vất vả và nhiều rủi ro như thế nhưng hầu hết các nghệ sĩ, diễn viên, công nhân gắn bó với xiếc thú đều cho biết, chưa ai muốn bỏ nghề, hoặc giả, có người từng bỏ đi làm một công việc khác có thu nhập cao hơn, đỡ vất vả hơn, nhưng cuối cùng vẫn quay lại với nghề. Đơn giản, với họ, những con thú được nuôi dưỡng không chỉ là công cụ biểu diễn kiếm tiền mà đã trở thành những người bạn, những đứa con được chăm sóc, yêu thương, biết vui, buồn, hờn, giận.

Xiếc thú với họ vẫn là đam mê khó bỏ, trong cuộc đời này, được sống với đam mê, với công việc bản thân yêu thích đã là hạnh phúc rồi.

Minh Hải
.
.