Nghệ sĩ nhân dân Ngọc Lan: Nghệ thuật và tình yêu song hành

Thứ Ba, 14/05/2019, 14:19
Những câu chuyện không phải của một thời đã xa, mà dường như mọi thứ vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức. Bởi vậy mà thật đúng khi ai đó nói rằng, phim ảnh là giấc mơ, phim ảnh là âm nhạc. Không thứ nghệ thuật nào lại đi qua tâm trí ta như cách của phim ảnh, nó tiến thẳng vào cảm xúc ta, tới những căn phòng tối sâu kín trong tâm hồn ta...

Điện ảnh là duyên nợ

Bà sinh năm 1942 tại Bắc Giang. Ngày đó, thời mà phim ảnh còn hiếm hoi, ở vùng quê của bà chiếu bộ phim "Chung một dòng sông" (Đạo diễn Nguyễn Hồng Nghi và Phạm Hiếu Dân), bộ phim xoay quanh mối tình của hai nhân vật Hoài (do diễn viên Phi Nga đóng) và Vận, khi sông Bến Hải trở thành giới tuyến tạm thời phân chia hai miền Nam - Bắc sau Hiệp định Geneve năm 1954. 

Hai nhân vật Hoài và Vận ở hai bên bờ sông Bến Hải. Mối tình của họ bị chia cắt bởi chiến tranh. Vì quá hâm mộ diễn viên Phi Nga nên cô bé Ngọc Lan hồi ấy đã ấp ủ mai này cũng trở thành diễn viên. Hồi đó bà nói với bạn bè: "Nhất định mình sẽ làm được như chị Phi Nga mà xem".

Nghệ sĩ nhân dân Ngọc Lan trong phim "Lửa trung tuyến".

Rồi ước mơ dần trở thành hiện thực khi một lần tình cờ có người bạn học ở cách xa nhà 40 cây số gửi cho bà một quyển sách kèm mảnh báo nhỏ thông báo thi tuyển lớp diễn viên điện ảnh đầu tiên của Việt Nam tại số 7 Trần Phú – Hà Nội. Ngay lúc đó, dù chưa biết có đỗ hay không nhưng bà đã làm hồ sơ đăng ký thi tuyển. May mắn có người chú ruột của bà làm việc tại báo Quân đội Nhân dân nên bà đã tìm đường về nhà chú ở nhờ. Chú bận việc nên người dẫn bà đi thi hôm đó là cậu em trai 7 tuổi, con trai của chú. Nhà ngay đường Lý Nam Đế nên cậu em thuộc đường ra Trần Phú.

Đến bây giờ, những kỷ niệm ấy bà vẫn còn nhớ mãi. Buổi trưa hai chị em ra vườn hoa ngồi chờ kết quả, nhặt sấu chín ăn rồi chia nhau cái bánh mì lót dạ. Tuyển diễn viên 4 vòng cực kỳ khắt khe và ngặt nghèo. Năm 1959, NSND Ngọc Lan chính thức được gia nhập lớp đầu tiên được đào tạo chính quy của điện ảnh cách mạng Việt Nam gồm 18 đạo diễn và 35 diễn viên cùng những tên tuổi như Trà Giang, Lâm Tới, Huy Thành, Hải Ninh, Long Vân, Bạch Diệp, Thanh Thủy, Thúy Vinh...

Kể về những tháng ngày đã qua của một người nghệ sĩ với những vai diễn để đời, nghệ sĩ Ngọc Lan thổ lộ, trong sự nghiệp diễn xuất của mình, bà đã vào vai nhiều phim về chiến tranh như vai cô Nhàn trong phim "Lửa trung tuyến" (đạo diễn Phạm Văn Khoa), vai Y Mai trong "Lửa rừng" (Đạo diễn Phạm Văn Khoa), Vợ bí thư đảng ủy trong phim "Biển gọi" (Đạo diễn Nguyễn Tiến Lợi, Nguyễn Ngọc Trung), Người phụ trách bến phà trong phim "Một chiến công" (Đạo diễn Nguyễn Đỗ Ngọc)... và những vai diễn đầu tiên của điện ảnh ấy, lúc nào cũng ám ảnh trong tâm trí bà.

Năm 18 tuổi, khi vừa mới vào trường, bà đã được đạo diễn chọn vào vai Nhàn trong phim "Lửa trung tuyến". Đây là một vai diễn vừa tình tứ, vừa hồn nhiên, lạc quan với ý chí sắt đá để chống lại kẻ thù. Hình ảnh cô Nhàn với những cung bậc, tâm trạng khác nhau trong tình cảm, trong chiến đấu, đã tạo được dấu ấn cho người xem. 

Hồi đó, dù mới 18 tuổi, song vì bà vốn sinh ra và lớn lên ở vùng tự do, từng có thời gian tham gia phục vụ dân công đào đường chữ chi để tránh địch càn quét nên khi vào vai Nhàn, bà vào vai rất ngọt, diễn cứ như không.

Đây cũng là bộ phim được chọn dự Liên hoan phim Quốc tế Moscow 1961, tại đây, bà vinh dự được thay mặt đoàn Điện ảnh Việt Nam kéo cờ khai mạc Liên hoan phim. Và cũng tại đây, trong dịp này, bà đã có duyên gặp người đàn ông của đời mình, là người đạo diễn, nghệ sĩ đầy lãng tử, hài hước, Ngô Mạnh Lân.

Nhớ về những kỷ niệm cũ, NSND Ngọc Lan vẫn không quên những lúc đóng phim thiếu thốn, khó khăn, vất vả. Có những công việc lần đầu tiên cô gái Bắc Giang phải tập tành cho vai diễn, chẳng hạn như vai cô du kích Y Mai trong bộ phim tài liệu "Lửa rừng".

Bà chia sẻ: "Để đóng được bộ phim này, cứ chiều chiều lại phải lên đèo tập đi ngựa, một con ngựa Mông Cổ rất to cao nên khó trèo. Sợ nhất là lúc tập làm quen dây cương, nếu vô tình ghì chặt cương quá thì con ngựa sẽ phi nhanh, mất đà là mình ngã. Giữa lưng chừng đèo, sương giăng đầy, một cô gái Hà Nội nhỏ thó phải tập cảnh phi ngựa, bị địch bắn và ngã. Không có đóng thế đâu, tôi quay cảnh đó về mà xương cột sống đau ê ẩm mất mấy ngày, nhưng vẫn cố vì muốn vai diễn thành công. 

Tôi nhớ ngày đóng phim "Lửa trung tuyến" và "Quê nhà", có cảnh cánh quạt máy bay thì thổi, vòi rồng phun nước, rét đến nỗi đến giờ mỗi khi trở trời là người lại ốm đau xương khớp, viêm phế quản… Ăn uống ngày đó cũng vô cùng kham khổ. Khi đóng phim "Lửa rừng", "Một chiến công", buổi nào cũng chỉ được phát một cái bánh mỳ và một bát bí đỏ xào chạy qua hàng mỡ. 

Lần ấy tôi vào vai cô bến phà trưởng, phim quay từ chập tối hôm trước đến 5, 6 giờ sáng hôm sau. Hôm nào về cũng nhờ anh em trong đoàn lặn lội nhảy xuống các hầm tăng xê bắt được mớ cóc, rồi mang từ bến phà Khuyến Lương về, nhờ người làm cóc lấy thịt làm thực phẩm cho con. Thời đó, vất vả là thế, nhưng không ai nghĩ đến tiền thù lao, không so tính tiền nong nhiều ít, khổ sở cũng chịu, miễn là được hăng say với nghề. Càng cố gắng, càng thấy yêu nghề và máu lửa trong từng vai diễn”.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt thăm Hãng Phim truyện Việt Nam: Diễn viên Ngọc Lan (bìa trái) và diễn viên Thúy Vinh.

Năm 1962 bà tốt nghiệp và được phân công về công tác tại Hãng phim truyện Việt Nam và cũng kể từ đó, bà ghi dấu ấn trong gia tài sự nghiệp của mình với hàng chục phim lớn nhỏ, cả chính diện lẫn phản diện ở cả hai thể loại điện ảnh và truyền hình như "Quê nhà", "Biển gọi", "Huyền thoại về người mẹ", "Kiếp phù du", "Giông tố", "Mùa lá rụng trong vườn", "Thằng cuội", "Đời mưa gió", "Nửa chừng xuân"…

Ôn lại những kỷ niệm cũ, bà kể: “Hồi đầu, tôi thường được chọn vào những vai hiền lành, đảm đang, nhân hậu nhưng sau này, các đạo diễn đã mạnh tay mời tôi đóng những vai phản diện. Sau thành công với vai vợ cả Nghị Hách trong phim "Giông tố" (đạo diễn Nguyễn Mạnh Lân), các đạo diễn lại thích chọn tôi vào những vai khác với chất của mình.

Đóng vai phản diện khác với tính mình nhưng lại có nhiều đất cho mình thể hiện. Là diễn viên, với tôi, thật hạnh phúc khi được đạo diễn tạo cơ hội để mình thử sức với nhiều dạng vai. Nghề diễn viên cũng là một trong những nghề vất vả nhất, lên rừng xuống biển, bất kỳ đâu cũng phải đi. Vai nào cũng phải diễn...".

Cho đến nay, gia tài của bà là có 50 vai diễn, nhưng vai diễn nào cũng với một tình yêu nồng cháy, quyết liệt. Cho tới đây bà vẫn tham gia những vai diễn phim truyền hình như "Bánh đúc có xương"...

Bà cho biết, dù là một cô Nhàn ngây thơ, nhí nhảnh trong "Lửa trung tuyến" hay đến mụ vợ cả Nghị Hách lọc lõi, nanh nọc và đáng thương trong "Giông tố" hay cả những vai diễn sau này, là cả một chặng đường không ngừng phấn đấu. Bà đã đi từ hình ảnh một người diễn viên đầy bản năng nghệ sĩ đến người diễn viên diễn với thiên hướng trí tuệ. Vai diễn có từ cuộc đời, và bà thành công trong vai diễn bởi biết quan sát và lắng nghe cuộc đời để thẩm thấu trong từng nhân vật mà mình diễn xuất.

Mối tình son sắt với đạo diễn tài hoa Ngô Mạnh Lân

Tôi đã có nhiều cơ hội gặp gỡ những gia đình nghệ sĩ, nhưng quả thật, mỗi lần đối diện với hai người nghệ sĩ nhân dân Ngọc Lan và Ngô Mạnh Lân, cảm giác họ đúng là hai nửa thuộc về nhau. Cách ông ân cần chăm sóc bà, nói chuyện với bà một cách hài hước và cách bà nhìn ông đầy ý nhị, yêu thương cho dù hiện nay, ông bà đều đã qua tuổi nhân sinh thất thập cổ lai hy.

Diễn viên Ngọc Lan trong phim "Lửa trung tuyến".

NSND Ngọc Lan chia sẻ: “19 tuổi tôi đã gặp ông ấy khi tham dự liên hoan phim Moscow. Lúc đó, ông đang học tập ở Moscow, hơn một năm sau thì chúng tôi về cùng một nhà. Vợ chồng đều hoạt động nghệ thuật nên không tránh khỏi những lúc cả hai cũng phải lao vào công việc. Có những lần đi diễn nhưng lúc đó tôi đang ốm, ông ấy rất xót ruột, nhưng thấy vợ “mê” quá cũng không cấm cản. Đóng gần 30 tập phim quay ở Vũng Tàu, ông ấy cũng bay vào thăm, ủng hộ vợ. 

Hay ngày xưa khi xuống Hải Dương đóng phim, ông đạp xe xuống gặp vợ, cách hơn 60 km... Vì là đạo diễn nên ông ấy hiểu và cảm thông với cảnh “thân gái dặm trường” khi đi diễn ở vùng sâu vùng xa, con thì đang bé bỏng cần bàn tay của mẹ, ông cũng gợi ý hay chuyển nghề khác, nhưng tôi vẫn đam mê vì điện ảnh đã ngấm vào máu thịt rồi. Chính vì cùng trải qua những tháng năm đạn bom, gian khó, vun vén hạnh phúc bên mái tranh nghèo, người bạn đời của tôi vẫn ủng hộ, thủy chung. Đó chính là niềm vui, hạnh phúc lớn của tôi”.

Bây giờ, niềm vui của NSND Ngọc Lan là ở nhà vui vầy sớm tối cùng chồng, NSND Ngô Mạnh Lân. Điều hạnh phúc sau những tháng năm vất vả, là con cái của ông bà thành đạt, yêu thương và gần gũi cha mẹ. Hai ông bà ở riêng chăm sóc nhau nhưng các con quan tâm và kính yêu cha mẹ. Đó chính là nguồn cảm hứng bất tận để bà sáng tác nhiều tập thơ và đã xuất bản.

Những bài thơ đầy tình yêu thương dành cho gia đình, chồng con. Bà viết tặng con gái: "Hôm nay mẹ lại viết cho con/ Những dòng thơ, những lời tâm huyết/ Ngót năm mươi năm trăng tròn trăng khuyết/ Nhưng chẳng khi nào lòng mẹ khuyết đâu con". Rồi viết tặng con dâu: “Từ khi con bước về nhà/ Mấy năm bên mẹ thật là đáng yêu…/ Con là máu thịt bao năm mẹ chờ/ Thêm niềm vui đến vô bờ/ Cái ngày kết trái khai hoa đến gần/ Mẹ như trẻ lại tuổi xuân/ Bao nhiêu bệnh tật tan dần biến đi...".

NSND Ngọc Lan không chỉ làm thơ mà giọng của bà ngâm thơ còn đầy mê đắm. Bà ngâm một khúc tự bạch đầy tình cảm, giọng bà vang lên trong ngôi nhà yên tĩnh, một cảm giác bình yên đến lạ lùng.

Và trong những ngày tháng 5 lịch sử, bỗng cảm giác thấy được cả một bầu trời ký  ức hiện về trong từng vai diễn của bà. Bà bảo, đối với bà không có những vai diễn lớn hay nhỏ, bà xem tất cả là một vai diễn đầu tiên, đầy đam mê nhiệt huyết với điện ảnh, với cuộc đời.

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.