Người đa ngôn ngữ hàng đầu hành tinh

Thứ Ba, 27/06/2017, 21:20
Hơn nửa thế kỷ qua, tên tuổi của nhà ngôn ngữ học huyền thoại người Mỹ gốc Đức Charles Berlitz (1913-2003) liên tục được Sách Kỷ lục Guinness ghi nhận, như là “Người đa ngôn ngữ hàng đầu hành tinh”.

Ông cũng là nhân vật duy nhất trong lịch sử từng đứng trên diễn đàn Liên Hiệåp Quốc (LHQ) ở New York (Mỹ), nói lời chào mừng các đại biểu bằng 25 thứ tiếng phổ biến có đông người sử dụng nhất trên địa cầu, qua sự ủy quyền của Tổng Thư ký LHQ Dag Hammarskjold (1905-1961), mở đầu phiên khai mạc Đại Hội đồng LHQ khóa 15 đầu tháng 9-1960.

Nhà đa ngôn ngữ C. Berlitz là cháu nội của nhà ngôn ngữ học kỳ cựu Maximilian Berlitz (1852-1921), vị học giả nổi tiếng đã sáng lập Trường Ngôn ngữ Berlitz tại thành phố Providence, thủ phủ tiểu bang Rhode Island trong năm 1878, cũng là cơ sở dạy ngoại ngữ chuyên sâu trong phòng cách âm đầu tiên ở Mỹ. Những kinh nghiệm phong phú của C. Berlitz, đã trở thành tài liệu kinh điển trong các bộ sách tham khảo về học ngoại ngữ ở hầu hết các quốc gia trên thế giới.

Nhà ngôn ngữ học C. Berlitz.

Trong đó phải kể đến bài viết được liệt vào hàng kinh điển của ông đăng trên tạp chí Esperanto (Quốc tế ngữ), cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Quốc tế ngữ thế giới (UEA), với trụ sở đặt tại Rotterdam (Hà Lan) trong số nguyệt san đặc biệt chào mừng thiên niên kỷ mới vào đầu năm 2000, thể theo đề nghị từ Ban Biên tập tạp chí Esperanto dành cho những ai đam mê học tiếng nước ngoài. Xin giới thiệu với độc giả toàn văn bài viết bổ ích và thú vị này của nhà sư phạm lỗi lạc C. Berlitz:

“Khi ta gắng học xong một ngoại ngữ nào đó, nhưng nếu không sử dụng đến thì rất dễ quên. Trước đây tôi từng biết một trong những ngôn ngữ thông dụng ở Cộng hòa dân chủ Congo, quốc gia lớn thứ 2 ở châu Phi. Nhưng vì lâu không tới đó nên đã hầu như quên hẳn... Muốn học được một ngoại ngữ, phải biết “làm đầy” thứ tiếng đó trong một khoảng thời gian ngắn.

Ngoài nghị lực của bản thân, các bạn phải tập thói quen học các từ vựng và cách thể hiện thứ ngôn ngữ ấy ở bất cứ chỗ nào và bất kỳ nơi đâu, không nhất nhất là chỉ học trên lớp và làm bài tập về nhà. Ngày nào cũng vậy, không ngừng... Tôi có diễm phúc được sinh ra trong một gia đình đa ngôn: ông nội nói với tôi bằng tiếng Đức, mẹ - tiếng Pháp, cha - tiếng Anh, còn người phục vụ trong nhà - tiếng Tây Ban Nha. Lúc 3 tuổi, trước khi biết nói chuyện cho “có câu có cú”, tôi đã tiếp xúc thường xuyên với 4 thứ tiếng này và sử dụng chúng “không đến nỗi nào” - theo như nhận định của người thân. Giờ đây, tuy đã có tuổi rồi nhưng tôi vẫn còn học.

Tri thức là một cái gì đấy không bao giờ bạn thấy thỏa mãn. Ngôn ngữ cũng vậy, có những thứ tiếng phải luyện hằng ngày như văn tự Trung Hoa chẳng hạn. Giống như nhân vật Alice trong bộ phim “Magic Kingdom” (Vương quốc phép thuật) vậy, bạn phải “chạy” và “bơi” liên tục, nếu như muốn biết rõ mọi điều. Trước khi đi nằm tôi tập đặt câu hay đọc một vài đoạn văn Trung Quốc cổ...

Ngoài ra tôi cũng thông thạo tiếng Swahili và tiếng Hausa. Ngôn ngữ Hausa phát xuất từ đông bắc Nigeria; còn ngôn ngữ Swahili là thứ tiếng phổ biến ở suốt mảng phía đông của lục địa đen, cũng là một trong 4 ngôn ngữ chính ở Phi châu được xếp ngang với tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Arập.

Có người quan niệm tiếng Anh “lấn át” các thứ tiếng khác. Thật ra không phải như vậy. Tôi biết một thứ tiếng bị ảnh hưởng bởi Anh ngữ nhiều nhất, đó là tiếng Nhật Bản. Khoảng 10.000 từ thông dụng trong tiếng Nhật hiện đại bây giờ là “vay mượn” từ Anh ngữ. Ví như người Nhật gọi xe máy là “motosaiku”, xuất xứ từ “motorcycle” trong tiếng Anh; còn “nhạc nổi” là “sytereo” phát xuất từ “stereo”; “máy ghi âm” là “teipu recoda”, hiển nhiên từ “tape recorder” của Anh ngữ. Giờ đây thậm chí người Nhật còn dùng cả những liên từ trong tiếng Anh nữa, như “my home” theo tiếng Anh là “nhà của tôi”, thì tiếng Nhật là “mai homu”... Thật chưa có một thứ tiếng nào lại “chung đụng” đến thế...

Trường Ngôn ngữ Berlitz đầu tiên ở thành phố Providence.

Ngay người Pháp còn cho rằng tiếng Pháp chinh phục thế giới. Không hẳn vậy, nhưng các bạn sẽ ngạc nhiên, khi tôi nói đúng ra là tiếng Pháp “chinh phục” tiếng Anh. Ta thử xem tiếng Anh chứa đựng những gì? Đó là ngôn ngữ quy tụ giữa thổ ngữ Anglo-Saxons và... tiếng Pháp.

Khi công tước xứ Normandy William I (1028-1087) “thu nạp” nước Anh vào năm 1066, chút nữa thì tiếng Anglo-Saxons bị cáo chung; cả thứ tiếng Đức mà người Anh thường dùng sau khi đoàn quân Thập tự chinh La Mã rút đi cũng vậy. Sự “pha trộn” bắt đầu: một nửa Anh ngữ hiện nay là xuất xứ từ tiếng Pháp, từ thổ ngữ của người Normandy và cả từ tiếng Latin nữa - những ngôn ngữ du nhập vào Anh qua Pháp.

Theo thống kê của Viện Ngôn ngữ học quốc tế (IIL) trên thế giới có 2.796 ngôn ngữ khác biệt. Ngoài ra phải kể đến khoảng 7.000-8.000 thổ ngữ của các bộ tộc thiểu số nữa. Nhưng đó không phải là trở ngại để mọi người trên thế giới này có thể hiểu được nhau. Ngoài những cố gắng phổ biến tiếng Esperanto, có tới 14 ngôn ngữ trong đó có hơn 150 triệu người sử dụng mỗi loại.

Những ngoại ngữ “lớn hơn” được xếp đặt như sau: tiếng Trung Quốc, tiếng Anh, tiếng Urdu, tiếng Nga, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Nhật Bản, tiếng Đức, tiếng Indonesia, tiếng Pháp, tiếng Arập, tiếng Bengal, tiếng Bồ Đào Nha và tiếng Italia. Ngoài ra có thể thêm vào 3 ngoại ngữ cũng rất phổ biến khác là tiếng Hà Lan, tiếng Hy Lạp và tiếng Swahili, rồi từ các nhóm Slavs, Scandinavia và Thổ Nhĩ Kỳ - mỗi nhóm một ngôn ngữ đại diện. Nếu bạn biết hết 20 ngoại ngữ nêu trên, có nghĩa là bạn có thể trò chuyện được với đa phần dân cư trên hành tinh này.

Làm chủ các thứ tiếng không cần phải là thiên tài. Thính giác, trí nhớ, khả năng văn phạm và hơn cả là tính chuyên sâu của bạn thâm nhập vào bản thân ngôn ngữ đó. Chẳng có người thầy nào tốt hơn, là người nói tiếng mẹ đẻ bằng chính ngoại ngữ ấy tiếp xúc với bạn. Ông tôi biết tới 58 thứ tiếng, quanh ông bao giờ cũng có chí ít 2 người ngoại quốc nào đó đang cùng mạn đàm.

Trọn 7 năm đầu đời tôi sống bên người thầy đa ngôn ngữ là ông nội và chịu ảnh hưởng rất nhiều từ ông. Từ 4 ngoại ngữ ban đầu, ông hướng dẫn tôi cách phát triển sang các ngôn ngữ khác. Khi bạn biết tiếng Pháp và tiếng Tây Ban Nha rồi, rất dễ học thêm tiếng Italia và tiếng Bồ Đào Nha. Còn nếu bạn đã rành tiếng Đức, là một thuận lợi lớn để học tiếng Hà Lan.

 Hơn 2 thập niên tôi tự học tiếng Trung Quốc qua người Hoa ở Mỹ, nhờ họ những vấn đề “hóc búa” trở nên đơn giản hơn nhiều. Sau khi tốt nghiệp Khoa Lịch sử và Khoa Ngôn ngữ học ở Đại học Yale, tôi bắt đầu tham gia vào việc lãnh đạo các trường dạy ngoại ngữ trong hệ thống Berlitz ở New York, Baltimore (tiểu bang Maryland) và Boston (tiểu bang Massachusetts).

Tôi đã soạn hơn 120 quyển sách giáo khoa, đồng thời chỉnh lý cho phù hợp với thời hiện đại những cuốn sách của ông tôi. Khi bạn bày cho ai đó biết một ngoại ngữ, có nghĩa là bạn có dịp được ôn lại nữa rồi. Có những chương trình đặc biệt nhằm thâu tóm thật nhanh một thứ tiếng ngoại quốc, chỉ cần vài tháng thôi, nhưng phải sát thực tế. Tôi cũng học theo lối đó. Điều đáng tiếc là mọi người thường học theo những kiểu “khó vào”. Tôi không tin rằng các giáo án ngày nay là hoàn hảo.

Ta phì cười khi thấy người nước ngoài học tiếng Pháp: “Cômen-tờ-alờ-vờ-u?” (Anh khỏe không?), trong khi dân Pháp chỉ nói tắt - đơn giản là “Sa va?”. Đúng là phi thực tế. Ngôn ngữ  nào cũng có dạng thể hiện ngắn gọn, đúc kết qua thời gian. Ngạn ngữ Tây Ban Nha có nói: “Khi Chúa muốn phạt quỷ, liền bắt nó phải học tiếng Basque suốt 7 năm liền”. Tôi không hẳn nhất trí như vậy.

Các ngôn ngữ Sossal, Zulu, hay một vài thứ tiếng địa phương Trung Hoa, nhiều khi có thể diễn đạt một nghĩa với... 9 cách khác nhau, quả là thật khó cho giới học viên Âu - Mỹ nói chung. Tóm lại ngoại ngữ nào cũng có thể học được cả, dù khó đến đâu đi nữa. Qua đó bạn sẽ thấy thế giới này lung linh hơn, bằng những thứ tiếng phản ánh nền văn hóa mà mình vừa tiếp thu được.

Ngôn ngữ luôn là một điều bí hiểm, chúng xuất xứ từ đâu? Tại sao người da đỏ của bộ lạc Delaware đặt tên cho dòng sông Potomac, trong khi tiếng Hy Lạp cổ “con sông” chính là “potamos”? Tại sao người Pháp gọi “con bướm” là “papillon”, thì tiếng Litva lại là “papilio”, trong khi tiếng của bộ lạc da đỏ Nahua ở Mexico là “papilota”? Còn những điều bí mật gì ẩn sau chữ tượng hình, chữ Sumer và chữ Babylon trong các văn tự cổ? Chúng ta có thể đọc được chữ của người Etruscan đã tuyệt chủng, nhưng đâu có nghe được họ phát âm như thế nào?

Có dạng ngôn ngữ kỳ diệu khác như của người Maya ở vùng Yucatán thuộc Trung Mỹ, nhưng không ai cho đến giờ có thể đọc nổi văn tự của họ, họa may lắm là giải nghĩa vài chữ số chỉ ngày tháng; cũng như chưa ai biết nổi cách đếm với đống dây “nhùng nhằng” dùng để tính toán của người da đỏ Inca cả...

Trước đây, theo yêu cầu của các nhà truyền giáo người Anh, tôi đã học tiếng của bộ lạc người Navajo ở phía tây nước Mỹ để làm một cuốn tự điển. Rất chật vật, nhiều khi muốn... đầu hàng luôn. Lối nghĩ của họ khác hẳn chúng ta! Như với từ “bút chì”, thì ngôn ngữ của họ là: “Một vật bằng gỗ có lõi than, được gọt nhọn dùng để viết”. Nhưng họ lại chỉ dùng có 2 âm tiết để diễn đạt một ý dài hàm nghĩa: “Luôn bị một đống cát nhiều màu gây ảnh hưởng đến số phận”. Thật là súc tích!

Nhưng thứ tiếng này không có chữ viết. Một viện nghiên cứu cấp quốc gia từng có nhã ý tạo văn tự cho họ, dựa theo những chữ cái tiêu chuẩn quốc tế. Nhưng người da đỏ Navajo đã khăng khăng cự tuyệt mọi sự hợp tác, họ coi tiếng nói là linh hồn, là báu vật duy nhất còn lại của tổ tiên mà người da trắng không thể cướp đi.

Ngôn ngữ không ngừng phát triển bằng sự đơn giản ngữ pháp hơn, đó chính là nét đặc trưng của mọi dạng ngoại ngữ. Trước kia các ngôn ngữ gồm tiếng Thụy Điển, tiếng Hà Lan và tiếng Na Uy, thậm chí ngay cả tiếng Đức - từng có 3 giống: đực, cái và trung. Bây giờ hầu như không thấy nữa... Đôi khi trong tôi tồn tại những khoảnh khắc rất thú vị như của người “không có quốc tịch” vậy. Lúc vừa đàm thoại xong, nhưng sau đó tôi không thể nhớ nổi là nói bằng tiếng Anh hay tiếng Tây Ban Nha. Trong vườn bách thảo tôi luôn nghĩ bằng tiếng Đức, vì hồi nhỏ tôi hay đi với ông nội ra đó. Đôi khi tôi còn nằm mơ bằng tiếng Arập hay tiếng Latin nữa...

Thay lời kết, như ai đó từng nói: “Người nào cho rằng mình biết một ngoại ngữ, chí ít phải suy nghĩ trong đầu bằng chính thứ tiếng đó”. Đúng vậy không các bạn?!”.

Được biết, cố học giả gạo cội C. Berlitz không chỉ là một nhà đa ngôn ngữ huyền thoại biết tới 25 ngoại ngữ khác nhau, lúc sinh thời ông còn viết nhiều cuốn sách dạng best-seller (bán chạy). Trong đó đáng kể nhất là cuốn khảo cứu công phu về “Tam giác quỷ” Bermuda, đã bán được tới 12 triệu bản chỉ trong vòng 1 tháng ngay sau lần xuất bản đầu tiên, cũng như được tái bản đều đặn với số lượng lớn và dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới - vẫn do tác giả C. Berlitz chuyển ngữ, góp phần đưa ra ánh sáng khoa học về các sự kiện huyền bí thường được gán ghép cho vùng biển hùng vĩ này.

Xuân Hiếu (theo The Burlington)
.
.