Nguy cơ chiến tranh thương mại giữa các cường quốc

Thứ Hai, 07/08/2017, 15:02
Mỹ vừa khơi mào một “cuộc chiến thương mại toàn diện” nhắm vào Nga và châu Âu, trong khi lại đang “chuẩn bị thuốc súng” cho một trận chiến kinh tế khác với Trung Quốc.

“Đánh” Nga và “không tha” cả Trung Quốc

Đúng vào ngày Tổng thống Mỹ Donald Trump đặt bút ký phê chuẩn dự thảo luật gia tăng trừng phạt Nga, báo Wall Street Journal ngày 2-8 dẫn nguồn tin từ Nhà Trắng cho biết, chính quyền của Tổng thống Mỹ đang xem xét trừng phạt kinh tế đối với Trung Quốc để buộc Bắc Kinh phải thắt chặt hơn nữa công tác đấu tranh chống xâm phạm bản quyền trí tuệ trên lãnh thổ của mình.

“Chính quyền đang xem xét đưa ra một điều khoản ít được sử dụng trong luật doanh nghiệp Mỹ để khởi động cuộc điều tra nhằm xác định xem liệu các chính sách của Trung Quốc về sở hữu trí tuệ có tuân thủ thông lệ công bằng thương mại hay không”, tờ Wall Street Journal trích dẫn nguồn tin thân cận từ Nhà Trắng cho biết.

Tổng thống Trump ký dự luật trừng phạt Nga ngày 2-8.

Từ trước đến nay, Washington rất muốn Bắc Kinh trừng trị thật nặng những hành vi trộm cắp quyền sở hữu trí tuệ và ít đòi hỏi các nghĩa vụ chuyển giao công nghệ cao đối với các công ty Mỹ có nhu cầu thâm nhập thị trường Trung Quốc.

Báo Wall Street Journal dẫn nguồn tin riêng cho biết, các quan chức Mỹ rất có thể sẽ có thông báo chính thức về khả năng trừng phạt Trung Quốc trong tuần này hoặc tuần sau. Nguồn tin này còn cho biết, ông Trump đã đề nghị Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer mở cuộc điều tra Trung Quốc theo điều 301 Đạo luật Thương mại 1974.

Điều 301 Đạo luật 1974 thường được dùng trong thập niên 1980 đối với hàng nhập khẩu từ Nhật bao gồm xe máy và thép. Kể từ khi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) thành lập năm 1995, Mỹ ít sử dụng điều luật này để giải quyết tranh chấp thương mại.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng nhiệm Trung Quốc Tập Cận Bình dường như đã thiết lập được mối quan hệ tốt vào tháng 4 vừa rồi sau cuộc gặp ở Florida. Theo đó, hai bên đạt được thỏa hiệp gồm 10 điểm chính, trong đó đáng kể nhất là việc Mỹ sẽ bán cho Trung Quốc khí đốt hóa lỏng LNG, và Bắc Kinh sẽ dành sự dễ dàng hơn cho các công ty Mỹ vào thị trường, chẳng hạn các công ty tài chính Mỹ có thể được phép cung cấp dịch vụ thẻ tín dụng ở Trung Quốc. Ngược lại, các ngân hàng Trung Quốc cũng sẽ dễ dàng được phép hoạt động ở Mỹ.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker khẳng định EU sẵn sàng có “những phản ứng thích hợp trong vài ngày tới” nếu các biện pháp trừng phạt của Mỹ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp châu Âu có quan hệ hợp tác với Nga.

Tuy nhiên, đến giữa tháng 7-2017, cuộc đàm phán kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc đã rơi vào bế tắc hoàn toàn do không thể giải quyết được những rào cản lớn và căn bản nhất trong quan hệ kinh tế giữa hai nước này. Theo hãng tin Reuters, sau cuộc họp, Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương đã bỏ về ngay mà không có bất cứ phát biểu nào với báo chí.

Trước đó, ông Uông Dương từng cảnh báo về hậu quả tai hại từ một cuộc đối đầu thương mại giữa hai nước. Một quan chức Mỹ cao cấp đã thừa nhận rằng, hai bên đã không đạt được bước tiến nào về hầu hết những vấn đề kinh tế và thương mại quan trọng đối với Washington, chẳng hạn như yêu cầu của Mỹ được dễ dàng tiếp cận thị trường dịch vụ tài chính Trung Quốc, giảm thuế xe hơi, cắt trợ cấp cho doanh nghiệp nhà nước...

Ngày 29-7 vừa qua, Tổng thống Donald Trump đã dùng “diễn đàn” Twitter quen thuộc của mình để nói về khả năng Mỹ sẽ trừng phạt thương mại đối với Bắc Kinh vì đã làm quá ít để phản đối các vụ thử vũ khí của Triều Tiên. “Tôi rất thất vọng về Trung Quốc. Các lãnh đạo Mỹ trước đây đã để cho Trung Quốc kiếm được thật nhiều tiền nhờ Mỹ nhưng họ lại chả làm gì cho chúng ta về vấn đề Triều Tiên. Chúng ta không thể để cho tình trạng như thế này tiếp tục mãi được. Trung Quốc là nước có thể giải quyết được việc này một cách dễ dàng” - ông Donald Trump viết trên Twitter.

Lần “đăng đàn” này không phải Tổng thống Mỹ nói theo cảm tính, mà mấy ngày trước đó, bà Susan Thornton, quyền trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề Đông Á, trong buổi điều trần ở Thượng viện đã nói: “Chúng tôi đang làm việc với một danh sách mới các thực thể mà chúng tôi cho rằng có vi phạm”. “Thực thể” mà Washington nhắm tới là nhằm kiềm hãm các chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.

Theo bà Thornton, mặc dù Mỹ muốn hợp tác với Trung Quốc về việc theo dõi các thực thể làm ăn với Triều Tiên vi phạm các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc, nhưng Washington “ưu tiên việc tự hành động hơn”. Đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay, các biện pháp trừng phạt đã gây ảnh hưởng tới khả năng nhập nguyên liệu cho các chương trình vũ khí của Triều Tiên, nhưng chưa làm giảm các vụ thử tên lửa.

Thủ tướng Nga ngày 3-8 tuyên bố Mỹ vừa khởi động một cuộc chiến kinh tế thực sự.

Mỹ cũng nỗ lực tác động đến các nguồn cung tiền tệ, tài chính, nhưng công việc ngày càng khó khăn. Washington đang nỗ lực trao đổi với Bắc Kinh, yêu cầu hỗ trợ về thủ tục hải quan để ngăn trao đổi thương mại phi pháp ở biên giới với Triều Tiên.

Hồi đầu tháng 7, Mỹ đã trao cho Trung Quốc dự thảo trừng phạt Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICMB). Đây là văn bản để các thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc xem xét trước khi thông qua. Thông thường Mỹ và Trung Quốc thảo luận các biện pháp trừng phạt mới về Triều Tiên trước khi chính thức thảo luận với các thành viên khác của Hội đồng Bảo an LHQ.

Ngoài ra, Mỹ sẽ trao đổi không chính thức với Anh và Pháp, còn Trung Quốc thường bàn bạc với Nga. Tuy nhiên đến nay Trung Quốc chưa phản hồi, còn Nga thì phản đối. Ngày 30-7, kênh CNN dẫn lời hai giới chức cấp cao của Mỹ cho biết, trong vài ngày tới, chính quyền Mỹ có thể ban hành các chế tài mới đối với các ngân hàng nhỏ của Trung Quốc cùng các công ty khác làm ăn với Bình Nhưỡng. Thời điểm và phạm vi chế tài sẽ phụ thuộc chủ yếu vào cách Bắc Kinh phản hồi đối với các áp lực đòi mạnh tay hơn với Bình Nhưỡng.

Trước thông tin về lệnh trừng phạt, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Cui Tiankai ngày 25-7 cảnh báo: các lệnh trừng phạt dành cho các công ty của Trung Quốc có quan hệ làm ăn với Triều Tiên là “không thể chấp nhận được và làm suy giảm nghiêm trọng hợp tác” về vấn đề Triều Tiên. Ngày 31-7, Trung Quốc tiếp tục kêu gọi Mỹ không nên liên kết vấn đề Triều Tiên với công việc làm ăn giữa Bắc Kinh và Washington.

Tân Hoa Xã cùng ngày trong bài xã luận đã phản ứng với lời chỉ trích ông Trump, trong đó có đoạn viết: “Ông Trump có cá tính hoàn toàn cá nhân và thích gửi tweet. Nhưng sự kiện ông trút tâm tư tình cảm của mình không thể trở thành một hướng dẫn chính sách cho việc giải quyết vấn đề hạt nhân ở Bán đảo Triều Tiên”.

Tổng thống Trump gửi tweet cảnh báo sẽ trừng phạt kinh tế với Trung Quốc.

Tân Hoa Xã còn lý luận rằng, Washington và đồng minh của mình không nên quá lệ thuộc vào Trung Quốc để hạ nhiệt căng thẳng do Triều Tiên tạo nên qua việc tăng cường khả năng tên lửa và vũ khí nguyên tử.

Trước nguy cơ có thể xảy ra chiến tranh thương mại giữa hai cường quốc thế giới nếu Mỹ ban hành lệnh trừng phạt Trung Quốc, lãnh đạo nhiều công ty hàng đầu của hai nước hôm 1-8 đã lên tiếng kêu gọi giới lãnh đạo chính trị giải quyết các bất đồng thương mại bằng đối thoại.

Trong một động thái “phòng bị”, ngày 2-8, Mỹ công bố lệnh cấm công dân của mình đến Triều Tiên từ ngày 1-9-2017 vì có nguy cơ nghiêm trọng là họ có thể bị “bắt giữ và giam giữ lâu dài”.

“Một chính sách nguy hiểm và thiển cận”

Nếu như một cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chưa thành hình thì cuộc so găng giữa Mỹ và Nga đã bắt đầu. Điều đáng ngại nữa là cuộc chiến này có thể sẽ làm nảy sinh một cuộc trả đũa kinh tế giữa Mỹ và châu Âu. Vào ngày 2-8, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức ký phê chuẩn dự luật gia tăng trừng phạt Nga, được lưỡng viện quốc hội nước này thông qua vào cuối tháng 7 vừa qua.

ABC News dẫn lời ông Donald Trump khẳng định: “Dù ký thông qua việc sử dụng các biện pháp cứng rắn nhằm trừng phạt và răn đe những hành vi hiếu chiến và gây bất ổn từ Iran, Triều Tiên và Nga, nhưng tôi phải nói rằng, dự luật trừng phạt lần này có quá nhiều sai sót”. Tổng thống Mỹ cho biết, ông rất lo ngại về khả năng lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga sẽ “gây hiệu ứng domino” làm tổn hại các đồng minh châu Âu và cả chính các doanh nghiệp Mỹ.

Dù vậy, theo ông Donald Trump, ông vẫn ký thông qua dự luật này bởi: “Bất chấp những hệ lụy mà dự luật này gây ra, tôi vẫn đặt bút ký vì sự đoàn kết của đất nước. Dự luật này thể hiện ý chí của người dân Mỹ trong việc buộc Nga phải có những bước đi cụ thể nhằm cải thiện quan hệ với Mỹ”.

Việc Tổng thống Trump phê chuẩn dự luật gây tranh cãi này không nằm ngoài dự đoán của các nhà phân tích. Ngày 3-8, Moskva tố cáo Washington đã phát động “một cuộc chiến tranh kinh tế toàn diện”. Thủ tướng Nga Dmitri Medvedev gọi lệnh trừng phạt mới của Mỹ là một dấu hiệu cho thấy “sự bất lực” của Tổng thống Trump.

Còn theo Bộ Ngoại giao Nga, đó là “một chính sách nguy hiểm và thiển cận”. Moskva sẽ có biện pháp đáp trả. Nga kêu gọi là Mỹ phải hiểu được rằng “không một đe dọa nào, không một ý định gây sức ép nào có thể buộc Moskva thay đổi chính sách hay hy sinh lợi ích quốc gia của Nga”.

Luật trừng phạt Nga của Mỹ lần này còn bị châu Âu phản ứng mạnh. Ngay sau khi thông tin về việc Mỹ ký dự luật trừng phạt Nga vừa được đưa ra từ Nhà Trắng, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đã lập tức lên tiếng cảnh báo nghiêm khắc rằng, châu Âu sẽ có đòn đáp trả thích đáng và nhanh chóng chỉ trong vài ngày nếu dự luật chống Nga của Mỹ làm tổn thương đến lợi ích của các công ty châu Âu đang làm việc và hợp tác với Nga, chủ yếu liên quan đến các dự án hợp tác năng lượng của EU với Nga, đặc biệt là dự án xây dựng đường dẫn khí gas “Dòng chảy phương Bắc 2” nối liền Nga với Đức.

Đây là một dự án đặc biệt quan trọng đối với cả hai phía châu Âu và Nga và có tổng vốn đầu tư lên tới 9,5 tỷ euro, trong đó tập đoàn khổng lồ Gazprom của Nga đóng góp một nửa, còn một nửa còn lại do 5 tập đoàn năng lượng lớn của châu Âu, gồm Engie của Pháp, Shell của liên doanh Anh-Hà Lan, Uniper và Wintershall của Đức và OMV của Áo đóng góp.

Châu Âu tức giận vì với đạo luật mới này, Mỹ có thể trừng phạt các doanh nghiệp thầu xây ống dẫn khí đốt từ Nga đến châu Âu. Các doanh nghiệp này sẽ khó vay tiền của ngân hàng Mỹ và thậm chí không được tham gia các cuộc gọi thầu của Nhà nước Mỹ. Từ trước tới nay, Mỹ và châu Âu luôn phối hợp trong các biện pháp trừng phạt, chẳng hạn việc ra lệnh trừng phạt Nga để đáp trả vụ Moskva xung đột với Ukraine và sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014. Nhưng lần này Mỹ đơn phương hành động không phối hợp với đồng minh.

Trước tình hình diễn biến thăng cẳng trên, ngày 2-8, Roberto Azevedo, Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho rằng đang tồn tại một nguy cơ “chiến tranh thương mại” cao độ giữa các cường quốc thế giới, nếu điều đó xảy ra sẽ vô cùng xấu cho nền kinh tế toàn cầu. “Nguy cơ một cuộc chiến tranh thương mại là rất rõ ràng” - ông Roberto nói với các phóng viên tại Panama.

Mộc Thạch - Quang Học (tổng hợp)
.
.