Nhà sáng lập Apple kéo lùi nền kinh tế Phần Lan?

Thứ Sáu, 18/03/2016, 15:20
Những chỉ số kinh tế Phần Lan năm 2015 cho thấy nước này đã tránh được năm thứ 4 liên tiếp chìm trong suy thoái, nhưng sức tăng trưởng vẫn còn rất yếu. Tăng trưởng GDP của Phần Lan chỉ đạt khoảng 7%, thấp hơn mức cao đạt được vào cuối năm 2007, ngay trước khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra. Mặc dù vậy, tỷ lệ thất nghiệp ở Phần Lan tăng từ 6,2% vào đầu năm 2008 đến 9,5% trong thời gian gần đây. Thật sự ai đã gây ra tình trạng này cho Phần Lan?

Bộ trưởng Tài chính hiện nay của Phần Lan, Alexander Stubb đưa ra một câu nhận định khiến ai ai cũng sửng sốt: chính là Steve Jobs, người sáng lập Công ty Apple của Mỹ. Năm 2014, Alexander Stubb là Thủ tướng Phần Lan nói với một tờ báo rằng "Steve Jobs đã cướp hết các việc làm của chúng tôi".

Lời nói của Stubb có thể hiểu là các sản phẩm của Apple đã tạo ra nhiều thách thức cực kỳ nghiêm trọng cho mạng lưới công nghiệp Phần Lan. Thứ nhất là lâm nghiệp và đặc biệt là công nghiệp sản xuất giấy vốn có lịch sử lâu đời ở Phần Lan. Những khu rừng rộng lớn của Phần Lan không chỉ xinh đẹp mà chúng còn là nguồn thương mại rất có giá trị cho đất nước này. Thế nhưng, Phần Lan đã bị tác động bởi những gì mà Viện Nghiên cứu kinh tế Phần Lan ở Helsinki (ETLA) gọi là "sự giảm sút nhu cầu về giấy in do sự thay thế bằng phương tiện truyền thông do các dịch vụ Internet cung cấp".

Steve Jobs bị chỉ trích gây nên tình trạng ảm đạm cho kinh tế Phần Lan.

Máy tính bảng iPad và thiết bị đọc sách điện tử được coi là đối thủ trực tiếp của ngành xuất bản truyền thống. Phần Lan là nhà cung cấp giấy chủ yếu cho châu Âu với 2 tên tuổi khổng lồ UPM-Kymmene và Stora Enso. Sự thiệt hại khác của Phần Lan liên quan đến Apple chính là thương hiệu Nokia nổi tiếng thế giới - từ nhà sản xuất giấy công nghiệp vào thế kỷ XIX tiến tới thành nhà cung gấp điện thoại di động lớn nhất thế giới (chiếm 80% thị phần thế giới, trị giá đến 200 tỷ USD). Nhưng sau đó Nokia đã thất bại trước sự thách thức từ các dòng iPhone của Apple và các dòng smartphone khác. Mặc dù chỉ là một công ty, song Apple đã phủ bóng tối lên nền kinh tế Phần Lan và hạ gục dễ dàng Nokia.

Và còn nguyên nhân xuất phát từ nước Nga láng giềng. Đây không phải lần đầu tiên sự rối loạn ở vùng biên giới phía đông tác động xấu đến kinh tế Phần Lan. Sự tan rã của Liên xô vào đầu thập niên 1990 đã từng ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của Phần Lan. Gần đây nhất là cuộc khủng hoảng ở Ukraine liên quan đến Nga dẫn đến sự trừng phạt của phương Tây cùng với giá dầu thô xuống thấp kỷ lục. Hành động đáp trả thương mại của Nga chống Liên minh châu Âu (EU) cũng khiến cho kinh tế Phần Lan lao đao, khi Moscow cấm nhập khẩu một số hàng hóa từ EU.

Dân số già tăng cao góp phần làm suy yếu kinh tế Phần Lan.

Dân số đang già hóa cũng là một vấn đề cho kinh tế Phần Lan. Điều đó có nghĩa là tỷ lệ dân số lao động thấp hơn, ảnh hưởng đến thu nhập quốc gia từ đánh thuế thu nhập người lao động. Trong khi đó, tiền lương tiếp tục tăng cao (đến 25% từ năm 2008 cho đến nay) trong khi năng suất lao động giảm.

Hiện tại, mức tiền lương trung bình ở Phần Lan là 37.000 euro/năm, trong khi ở các quốc gia khác trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) chỉ vào khoảng 33.000 euro/năm. Do đó, chính quyền Phần Lan đang tìm cách giải quyết vấn đề bằng một loạt biện pháp cải cách đối với doanh nghiệp, phúc lợi và việc làm nhằm giảm chi phí lao động. Chính sách của chính quyền nhằm gia tăng tính cạnh tranh của nền kinh tế Phần Lan là giảm giá đồng tiền quốc gia, từng bước giảm chi phí cho các doanh nghiệp song điều này khó thực hiện được do Phần Lan sử dụng euro - đồng tiền chung châu Âu.

Kinh tế Phần Lan suy sụp cũng do sự thất bại của Nokia.

Cũng có đề nghị đưa Phần Lan rời khỏi khu vực đồng euro, song cuộc thăm đò dư luận của tổ chức Eurobarometer thuộc Ủy ban châu Âu (EC) hồi cuối năm 2015 tiết lộ 64% người dân Phần Lan vẫn ủng hộ sử dụng đồng euro. Một khó khăn lớn khác cho kinh tế Phần Lan là chính quyền tiêu tiền rất nhiều cho giáo dục, đào tạo và nghiên cứu trong nỗ lực đầu tư với tham vọng biến nước này thành một trong những nơi cung cấp lực lượng lao động chất lượng cao nhất thế giới.

Duy Minh (tổng hợp)
.
.