Nhà thơ Vũ Quần Phương: “Lòng bố vịn theo con từng đốt”

Thứ Ba, 10/01/2017, 14:15
Có nhiều dịp ngồi cùng ông để lắng nghe những câu chuyện đời, chuyện nghề trong hành trình hơn 70 năm đã qua trong cuộc đời, nhưng mỗi lần gặp nhà thơ Vũ Quần Phương, với tôi, luôn là một lần đầy dấu ấn. Những câu chuyện của ông là những đúc kết đầy đủ về cách đối nhân xử thế ở đời.

Và lần này, ông không nói chuyện cao xa ở đâu đó, mà giản đơn, là những câu chuyện trong gia đình, với các con. Cách mà ông lưu giữ từng mảnh vụn của ký ức, từng nhánh nhỏ của kỷ niệm, từng dòng nhật ký mà nét chữ đã mờ dần theo tháng năm, với ông là cách làm gần lại những đứa con đang ở xa bố mẹ.

Cũng như ông, trong gian phòng nhỏ đầy sách là hàng chồng nhật ký mà ông đã viết trong mấy chục năm qua, để không thể quên được những tháng năm đã trôi đi. Và theo dòng hồi tưởng ấy, cuộc đời của chính mình, của các con, hiện trở lại như những thước phim quay chậm đi ngược lại quá khứ, để trân trọng và yêu thương nhau nhiều hơn...

Nhà thơ Vũ Quần Phương.

Giữa những ngày tháng Chạp chuyển mùa, tôi đến thăm nhà thơ Vũ Quần Phương. Gia đình ông quây quần bên mâm cơm đậm đà hương vị Việt Nam mà vợ ông, bà Đào Thị Hường nấu nướng để thết đãi con trai, Giáo sư Vũ Hà Văn (trường Đại học Yale - Mỹ) vừa về thăm bố mẹ những ngày giáp tết. Anh chỉ ở lại được mấy ngày ít ỏi và sẽ không

đón Tết Nguyên Đán cùng bố mẹ vì phải tiếp tục công việc giảng dạy của mình ở Mỹ. Nhà thơ Vũ Quần Phương dường như không giấu nổi niềm xúc động khi ngồi ôn lại những kỷ niệm của những ngày tết cũ, những ngày các con còn bé dại trong ngôi nhà chật chội và lụp xụp, thỉnh thoảng khóe mắt nhà thơ đỏ hoe vì những cảm xúc dường như chưa bao giờ vơi cạn trong trái tim của thi nhân.

Ông lật giở từng trang nhật ký đã úa màu theo thời gian, nhưng nét mực vẫn còn đậm nét. Ông dường như là người cha hiếm hoi ghi lại nhật ký hàng ngày cho các con từ thời thơ bé. Nhà thơ Vũ Quần Phương kể: Tiễn các con đi học nước ngoài, trong va li hành trang của các con có bản photo cuốn nhật ký mà ông đã viết cho các con từ thời con mới lọt lòng.

Có lẽ đó cũng là những ký ức đẹp mà ông muốn các con mình lưu giữ như một cách gìn giữ nếp nhà. Nhà thơ có hai con trai, cả hai đều là những người thành đạt khi đi du học và làm việc ở nước ngoài. Con trai đầu là Giáo sư Vũ Hà Văn, nhà toán học đang giảng dạy ở Trường ĐH Yale (Mỹ). Con trai thứ hai là Vũ Thanh Điềm, từng là thủ khoa ĐH Bách khoa Hà Nội, hiện là chuyên gia Hãng Google (Mỹ).

Gia đình nhà thơ Vũ Quần Phương và con trai Vũ Văn.

Viết nhật ký, với nhà thơ Vũ Quần Phương, đó là một nhu cầu tự thân, cũng như khi có xúc cảm thì ông làm thơ, viết văn.

Nhà thơ Vũ Quần Phương cho rằng lối sống của bố mẹ hình thành nên lối sống của những đứa con. Ông kể: "Tôi vẫn còn nhớ mãi một kỷ niệm năm tôi 10 tuổi. Khi đó tôi học lớp nhì tiểu học ở thành phố nên phải trọ học. Mỗi khi mẹ tôi ra thăm, tôi theo bà về đến Cầu Giấy, rồi lại đi xe điện ngược trở lại. Có lần tôi theo bà về tận nhà, làng Canh, cách Hà Nội 12 cây số. Khi đó mẹ tôi rất bối rối nhưng bà không mắng mỏ mà chỉ khuyên tôi. Bà đã gần như phải van lạy tôi quay về phố. Sau này khi nghĩ lại, tôi mới thấm thía tấm lòng của mẹ và tôi đã khóc, nếu mẹ nghiêm khắc hơn với tôi, có khi kỷ niệm đó không ám ảnh tôi đến vậy. Và tôi tâm niệm rằng dạy con bằng tình yêu thương, bằng "dịu mềm" tốt hơn "nghiêm khắc". 

Vì "nghiêm" có thể đạt được mục đích nhanh hơn nhưng không khiến đứa trẻ thấm thía. Cách dạy con bằng đòn roi, mắng mỏ có thể khiến nó sợ hãi, tuân theo nhưng có thể khiến đứa trẻ bị tổn thương. Mà đôi khi sự cứng rắn của cha mẹ lại chỉ xuất phát từ sự nóng giận, thiếu kiểm soát của chính mình, chứ không phải do tội của nó phải vậy.

Tôi nhớ hồi đó, con tôi và con ông bạn cùng phải thi đại học. Tối trước hôm thi, tivi truyền hình trực tiếp trận chung kết bóng đá thế giới. Ông bạn tôi không cho con xem trong khi cả nhà đều được xem.

Vậy là cậu bé ấy phản ứng bằng cách hôm sau không chịu đi thi. Bố mẹ bắt đi thì đến nơi nó bảo nó quên bút. Tôi cũng không cho con tôi xem. Nhưng cả nhà cũng không ai xem cả. Đấy là cách bố mẹ chia sẻ với con, không để con một mình nai lưng gánh chịu áp lực học hành. Vai trò của gia đình là ở chỗ tạo được không khí học tập trong nhà mình. Bố mẹ dạy con không chỉ dạy bằng lý lẽ mà phải dạy bằng cách sống của bố mẹ.

Ngày xưa nhà tôi chật lắm nhưng vẫn cố tạo cho con một góc học tập bình yên. Không chỉ là tạo không gian mà còn tạo sự yên ổn mỗi khi con ngồi vào bàn học. Hà Văn ngày xưa có một góc bàn học như thế. Con cứ ngồi vào đó là yên tâm không bị mắng mỏ, sai khiến hay làm việc vặt giúp bố mẹ. Lâu dần đó lại thành nơi "ẩn thân" cho con. Thành thử cái góc ấy trở thành một góc rất hấp dẫn với trẻ.

Gia đình nhà thơ Vũ Quần Phương.

Một điều rất quan trọng nữa, là mình phải tôn trọng con. Khi tôi mới 14-15 tuổi, mẹ tôi đã bàn bạc với tôi nhiều chuyện, trong đó có những chuyện rất hệ trọng. Khi đó, tôi thấy tôi lớn hơn, cần có trách nhiệm hơn. Sự tin tưởng của người lớn khiến đứa trẻ có ý thức hơn. Trẻ con nhạy cảm, nên nó hiểu nhiều điều từ khi còn bé, người lớn không nhận ra đấy thôi. Tôi không bao giờ quên lần con trai lớn không nghe lời, tôi giận quá đã vứt đồ chơi của con. Mà với nó, đó là kho tàng, là công trình nó tạo dựng nên. Tôi đã nhìn thấy nét mặt con khi đó thật đau đớn. Tôi thấy mình thật ác quá. Tôi đã làm tổn thương con mình và đó là ám ảnh tôi không thể quên..."

Nhà thơ Vũ Quần Phương cũng cho biết, nhiều người hỏi ông có định hướng cho các con theo con đường văn chương hay khoa học hay không? Nhưng ông cho biết trên thực tế, thời đi học, ông giỏi khoa học tự nhiên, ông học giỏi toán, thích tư duy logic, và đã quyết định học trường Y để thành Bác sĩ. Nhưng số phận dường như đã cho ông điều may mắn là, khi thời học phổ thông ông đã được học những thầy cô giỏi, họ không chỉ giỏi chuyên môn, mà họ có tầm vóc về văn hóa, văn học. Họ cung cấp cho học sinh nhiều kiến thứ về xã hội chứ không chỉ đơn giản là những kiến thức trong sách giáo khoa.

Ông chia sẻ: "Bản thân tôi cũng rất biết ơn những người thầy thuở học trò ấy của mình. Ngày ấy tôi rất khá các môn tự nhiên, nhưng nhờ được học văn các thầy Hoài Việt, thầy Nguyễn Xuân Huy,  thầy Trần Lê Văn, thầy Đoàn Nồng... mà tôi yêu văn chương, thích tìm tòi nghiên cứu các tác phẩm - tác giả mình được học. Có lần tôi đã trả lời một tờ báo, chẳng phải ngẫu nhiên mà tôi có ý thức chọn trường, chọn thầy cho con học. Việc đó có lẽ là quan trọng nhất.

Trước đây, Hà Văn - cậu con trai lớn của tôi - học ở Trường cấp II ở một trường khác. Sau một năm tôi thấy không ổn, vì thầy giáo dạy cháu nghiêm khắc thái quá so với trẻ 11-12 tuổi, thường xuyên làm tổn thương các cháu. Về sau tôi phải xin chuyển cho cháu sang Trường Trưng Vương, học với thầy Tôn Thân - một nhà sư phạm nổi tiếng.

Tôi nghĩ là Hà Văn đã học được thầy Tôn Thân nhiều thứ, không chỉ là môn toán. Vì thế tôi thấy giáo dục nhà trường là phần rất quan trọng. Quan điểm giáo dục của các thầy cô tác động sâu sắc tới sự phát triển nhân cách trẻ. Họ cho trẻ kiến thức đã đành, họ còn đánh thức sự say mê học hành, tạo phương pháp học tập đúng đắn cho các cháu. Bây giờ đến thế hệ con của Hà Văn, sinh ra và lớn lên ở Mỹ, các cháu vẫn tiếp tục được bố mẹ tìm chọn trường tốt cho theo học".

Một trong những người có ảnh hưởng lớn trong con đường sự nghiệp của các con, đó là bà mẹ. Mẹ của Văn và Điềm là một dược sĩ, tấm lòng của bà yêu thương con là vô tận. Bà chính là người đã truyền ngọn lửa đam mê và khơi gợi niềm yêu thích môn Toán trong cậu bé Vũ Hà Văn ngày nào.

Một câu chuyện cảm động về mẹ mà anh Văn vẫn còn nhớ mãi khi trước hôm thi đại học Bách khoa Hà Nội,  mẹ đã thức cùng anh để "truy bài" môn Hóa. Thật tình cờ, rất nhiều câu trong đề thi hôm sau lại rơi đúng vào phần đã được hai mẹ con ôn tập từ tối hôm trước. Vì vậy, Vũ Hà Văn có điểm 10 môn Hóa, là môn anh lo nhất. Nhờ công sức của mẹ, anh đã đỗ Á khoa của đại học Bách Khoa Hà Nội và sang Hungary học năm 1987.

Nhà thơ Vũ Quần Phương đã làm bài thơ "Gửi các con" với tình cảm tha thiết: "Mẹ con không làm thơ/ Nhưng sống thơ hơn bố/ Mẹ con tin cỏ cây, tin các thánh thần/ Cỏ cây cứu được người và thánh thần phù hộ/ Mẹ con tin nén hương nối với các bầu trời/ Mẹ con thích nấu ăn nhưng lại ngại cỗ bàn đông đúc/ Mẹ thích ngắm quanh bàn sì sụp bố con ta/ Mẹ con giờ đẫy ra, tuổi làm bà đường bệ (!)/ Bố vẫn nhớ năm nao mẹ kiễng sợi dây phơi/ Dáng mẹ mảnh và mềm, đôi tay vin như lá/ Làm bố mất thăng bằng giờ vẫn thấy chơi vơi/ Mẹ con ít nói to, tiếng cười cũng nhẹ/ Gương mặt nhìn nghiêng phảng phất buồn/ Bà ngoại mất, mẹ chưa đầy ba tuổi/ Đôi mắt thầm, vầng trán sẫm hoàng hôn.../ Các con đã lớn khôn- những chân trời thăm thẳm/ Mẹ con như căn nhà, như chiếc tổ chờ trông/ Sống bằng nỗi nhớ con, bây giờ thêm nhớ cháu/ Những năm tháng đời người lặng lẽ đi qua...".

Gia đình Nhà thơ Vũ Quần Phương từng ở một ngôi nhà biệt thự rộng lớn ở phố Định Công, nhưng gần đây, họ đã chuyển về nơi ở mới là một căn hộ ở chung cư cao cấp, nhỏ hơn và ấm cúng hơn rất nhiều. Nó làm bé lại nỗi trống trải vì xa con, xa cháu... của hai ông bà. Anh Vũ Hà Văn hiểu điều đó, nên mỗi lần về Việt Nam, ngoài những giờ thuyết giảng bài đã lên lịch sẵn thì anh dành hầu hết thời gian ở nhà với bố mẹ. Anh vẫn thường thích thú những món ăn của mẹ và với anh đó là những giây phút đầy ấm áp.

Hỏi anh về những cuốn nhật ký của bố viết cho mình, anh cười nhẹ nhàng: "Đối với tôi, những cuốn nhật ký ngày xưa bố viết cho tôi luôn có giá trị tinh thần rất lớn. Tôi luôn xúc động và cũng đầy thú vị mỗi khi đọc lại cuốn nhật ký đó, quả thật là nghĩ vẫn thấy buồn thương ngày xưa. Trẻ con bây giờ khác lắm, các con tôi, con của em trai lại sinh ra và lớn lên ở Mỹ nên phương pháp như của cha mẹ dạy tôi không áp dụng được và không hữu hiệu. Nhưng truyền thống gia đình là tạo một không khí ấm áp, ở đó mọi người biết quan tâm, lo lắng cho nhau, tôn trọng nhau thì sẽ tạo nên được một ký ức đẹp cho các con khi trưởng thành...".

Nhà thơ Vũ Quần Phương đang viết hồi ký của đời mình. Bên cạnh ông là những chồng nhật ký của những tháng năm đời người, của ông, của các con ông. Đó như là những thước phim không bao giờ bị lãng quên của quá khứ đẹp đẽ nuôi dưỡng tâm hồn những người con xa xứ của ông. Họ mang theo cuốn nhật ký thờ thơ ấu như những báu vật của đời mình, để nhớ về cội nguồn và tình yêu cha mẹ.

Những vần thơ ông viết về hai người con trai, nặng trĩu nỗi lòng, là những giọt tình cảm đong đầy cả tuổi ấu thơ đầm ấm, tuổi ấu thơ nguyên vẹn mà tôi tin rằng, ai cũng muốn được đủ đầy, viên mãn như thế để có một điểm tựa mà lớn khôn, mà trưởng thành, để bay cao, bay xa: "Còn nửa ngày đường nữa thôi/ Bố sẽ được bồng con trên tay/ Thằng cu Điềm bố nuôi vất vả/ Bố đi xa, nhớ, tính từng ngày/ Mẹ một mình nấu cơm quấy bột/ Tay bồng con, tay chụm bếp dầu/ Mấy sáng nay trời nhiều sương muối/ Biết cách nào vo gạo rửa rau/ Bố đi vắng, con đi nhà trẻ/ Thương anh Văn phải tự trông nhà/ Mẹ khóa cửa, anh chơi bày trận/ Một mình làm bên nó, bên ta/ Nhớ mỗi đêm hai lần con khóc/ Mẹ thức ru, bố cũng ngồi bên/ Con ngủ lại, mẹ thiu thiu giấc/ Bố nằm nghe gió trở ngoài thềm/ Ôi những lúc được nhìn con ngủ/ Dịu đi bao nỗi khổ trên đời/ Bố đong gạo, làm thơ, mua sữa/ Vội suốt ngày tất tả mà vui/ Vài tháng nữa con đầy một tuổi/ Một năm qua rồi những năm qua/ Lòng bố vịn theo con từng đốt/ Cả cuộc đời như chặng đường xa... (Sắp tới nhà - 1978).

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.