"Chiếu chèo thì vuông mà bầu trời lại tròn"

Thứ Ba, 13/12/2016, 15:45
Trong vòng xoáy của nền kinh tế thị trường, của thời gian, nhiều người nhận định hiện nay tác giả viết chèo cổ đang có nguy cơ… tuyệt chủng. Nếu có, chắc chỉ còn lại Trần Đình Ngôn. PGS, nhà lý luận phê bình sân khấu uy tín Tất Thắng từng nhận định: "Sau Tào Mạt người ta thấy có Trần Đình Ngôn".

Và, trong một ngày cuối năm tôi đến thăm ông, một trong những tác giả "còn sót lại" của làng chèo cổ, để đi tìm câu hỏi về một loại hình sân khấu dân tộc đã có lúc tưởng như bị thất truyền.

Ông sinh tại làng Giành, phủ Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Ngôi làng cũng như bao làng quê khác ở miền Bắc Việt Nam với những ao chuôm râm ran tiếng ếch nhái, cánh cò trên đồng ruộng, và cảnh sinh hoạt ở bến nước, con đò, nơi có mái đình, cây đa, thôn làng, ngõ xóm đã ăn sâu vào tiềm thức của bao người dân Việt. Ông nội ông là cụ Khóa Thiềm, một người thông thạo nho, y, lý, số, yêu chữ thánh hiền, thường chữa bệnh và thêm cả cách trừ tà cho bà con dân làng.

Đến đời cha của ông, được đi học chữ Nho và theo nghề thuốc, rồi mở lớp dạy học. Tuy nhiên gia đình đói khổ, cơ hàn nên ông cũng phải xoay đủ nghề dệt chiếu, kéo vó bè để lấy tiền mua thóc nuôi cả đàn 7 người con. Cuộc sống thiếu thốn là thế, nhưng ông vẫn có thói quen của một văn sĩ phong lưu.

Nhà viết chèo - Tiến sĩ Trần Đình Ngôn tại nhà riêng.

Nhà viết kịch Trần Đình Ngôn kể: Nhiều năm, Tết đến, mẹ tôi đều mua giấy hồng điều về để cha tôi viết câu đối Tết do ông tự sáng tác. Mỗi năm một đôi, chữ nghĩa có khác nhau đôi chút nhưng nội dung vẫn xoay quanh chủ đề dưỡng tâm, tích đức, cầu phúc, và đặc biệt không bao giờ có chữ lộc, chữ tài trong các câu đối ấy mặc dù cha tôi gần như cả đời nghèo túng.

Đôi câu đối mà tôi nhớ nhất là ông viết vào năm Kỷ Hợi (1959) "Dưỡng tâm xử thế xuân lai diện/ Tích đức hòa nhân phúc đáo gia". Có nghĩa là tu dưỡng đạo đức lấy lòng tốt mà đối xử với thiên hạ thì sắc xuân sẽ về trên gương mặt, lúc nào cũng được sáng tươi. Lo làm việc thiện, ân cần hòa nhã đoàn kết với mọi người thì phúc sẽ đến nhà.

Mẹ ông là người đàn bà như bao nhiêu người đàn bà khác trong xã hội thời xưa ấy, nhất mực yêu chồng, thương con và không biết chữ. Tuy chẳng nhận ra được mặt chữ, nhưng bà lại thuộc làu làu truyện Kiều. Năm lên 10 tuổi, ông nhớ mẹ ông ẵm cô con gái nhỏ ngồi ở chiếc võng tre, hát ru con hai, ba tiếng đồng hồ toàn bằng những ca dao Việt Nam có vần có điệu. Đặc biệt hơn trong mấy tiếng không ngừng nghỉ như thế, tuyệt nhiên những câu ca dao của bà không bao giờ trùng lắp, lặp lại. Chứng tỏ vốn ca dao, tục ngữ của bà phải vô cùng dồi dào, đủ gieo vào lòng cậu con trai niềm yêu thương vốn chữ cổ suốt cả tuổi ấu thơ. Thêm nữa, người làng Giành cũng có những lạ kì hơn những ngôi làng khác, đó là các bà các chị  có người từng thuộc lòng tới gần ngàn câu ca dao dân ca. Họ hát vào những đêm sáng trăng ra đồng tát nước. Họ hát khi sớm tinh sương ra ruộng làm cỏ, gieo mạ. Họ đối đáp nhau bằng tục ngữ, ca dao mỗi khi gặp nhau thăm hỏi chuyện trò.

Trong ngôi làng ấy ít người được đi học chữ thánh hiền, bởi đa số người làng nghèo khó, dù có học hay không có học thì việc chính của trẻ con là phải cắt cỏ chăn trâu, bế em, giã gạo, dũi thóc, phơi sân, đuổi gà, băm bèo tây, nấu cám lợn. Hay cũng có những lúc phải phụ cha mẹ gặt lúa, giở đất ải, tát nước, gánh phân. Cậu bé Trần Đình Ngôn cũng như bao đứa trẻ trong làng chăm chỉ đỡ đần cha mẹ. Công việc làm lụng vất vả, nhưng người dân làng Giành vẫn sinh hoạt văn hóa cộng đồng, văn hóa làng xã.

Theo lệ làng, cứ mỗi khi cúng tế Thành hoàng làng lại mở hội vui mấy ngày. Ban ngày diễn ra các trò vui nhưng đến tối thì diễn chèo. Có khi hát chèo đến hết đêm. Câu: "Ăn no rồi lại nằm khoèo/ Nghe giục trống chèo bế bụng đi xem" dân làng từ tuổi thiếu niên ai cũng thuộc lòng. Văn hóa cộng đồng làng xã, những tích chèo thâu đêm đến sáng chính là nguồn tư liệu phong phú ngồn ngộn áng ca từ thơ văn, những nhân vật mẹ đốp, lý trưởng, hề hoạn… từ vô số tích chèo được diễn ra nơi cửa đình vào những ngày lễ, ngày hội đã nuôi dưỡng tâm hồn cậu bé để lớn lên trở thành tác giả chèo Trần Đình Ngôn.

Vào những năm 1956, 15 tuổi từ nhà đến trường phải đi bộ 7 cây số, nên cha mẹ ông cho ông trọ học ở thị trấn Nam Sách. Ông sống trong căn nhà của bà cô. Nhà bà cô lại có một thùng gỗ ở trên căn gác xép lửng mà bên trong toàn những sách là sách. Tất cả bộ sách của Tự lực văn đoàn, cho đến văn chương Trung Quốc qua bản dịch của Bùi Kỉ, Phan Kế Bính, dịch giả Ngô Văn Triệu.…

Văn học Việt Nam như Nguyễn Dữ, Đặng Trần Côn, Đoàn Thị Điểm… văn học Trung Quốc những bộ Tam Quốc Chí, Thủy Hử, Đông Chu Liệt Quốc… đều được cậu bé say mê nghiền ngẫm thậm chí quên ăn quên ngủ trong những tháng ngày học trọ. Ông bảo sau này khi bước sang con đường sáng tác, vốn phong tục tập quán ở trong các cuốn của Tự lực văn đoàn đã được ông áp dụng vào thể loại sân khấu chèo rất nhiều.

Gia đình có 7 người con, tác giả Trần Đình Ngôn được người cha xem là có ăn có học, kế thừa được hồn cốt văn chương, yêu chữ thánh hiền nhất nhà. Đến năm 19 tuổi, đang học lớp 10 hệ phổ thông, ông được thầy giáo dạy văn Lê Huy Hậu cử đi thi Văn toàn miền Bắc lần thứ nhất. Ở trường học lúc đó thầy Hậu đã chọn ra hai học sinh Trần Đình Ngôn, và Trần Mai Hạnh (sau này là nhà báo Trần Mai Hạnh). Chấm theo thang điểm 5 là cao nhất, thì ông và Trần Mai Hạnh được điểm 3. Nói về thầy giáo Lê Huy Hậu, đó là một người thầy thông tuệ văn chương, am tường triết lí nhân sinh, mẫu mực liêm trinh, tiết nghĩa, người có ảnh hưởng sâu sắc đến việc định hướng và con đường nhận thức của ông sau này.

Những cuốn sách đã xuất bản của Tiến sĩ chèo Trần Đình Ngôn.

Ông kể: "Năm 1961, tôi 19 tuổi, đang là học sinh giỏi văn lớp 10 (hệ 10 năm) nên được chọn vào dạy bổ túc văn hóa tại trường Đảng ở Hải Dương. Trong lớp học có nhạc sĩ Văn Diệu, lúc ấy là Bí thư chi bộ Đoàn chèo Tả Ngạn rất quý thầy giáo trẻ. Mùa hè năm 1962, khi đang ôn thi tốt nghiệp phổ thông và chuẩn bị cho kì thi đại học thì có một anh thợ mộc là công nhân hậu đài của Đoàn chèo Tả Ngạn đã đến nơi tôi đang tá túc tại nhà thầy giáo Lê Huy Hậu. Anh thợ trao cho tôi một bức thư của trưởng đoàn chèo Vũ Thanh. Nội dung bức thư nói về cái hay cái đẹp của chèo, về đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta đối với nghệ thuật chèo. Lời lẽ viết rất tha thiết ông mong tôi ra nhập đoàn chèo ngay sau khi tốt nghiệp phổ thông, trước hết làm giáo viên bổ túc văn hóa cho đoàn. 

Gia cảnh khốn khó, đói nghèo nếu vào đại học nếu đỗ không biết sẽ lấy tiền đâu để đóng học, cộng với lời lẽ rất chân tình tha thiết của trưởng đoàn chèo khiến cho bản thân tôi, thầy giáo tôi, cha tôi đều cảm động. Và với sự quyết tâm của tôi, thầy, cha tôi cũng đồng ý. Tôi viết thư phúc đáp cho trưởng đoàn chèo Vũ Thanh, và từ bỏ ý định thi đại học hứa sau khi thi xong lớp 10 sẽ về công tác tại đoạn chèo. Năm 21 tuổi, tôi có vở chèo đầu tiên chuyển thể từ tiểu thuyết "Tắt đèn" của Ngô Tất Tố, được Đài Tiếng nói Việt Nam phát trên truyền thanh và Đoàn văn công tỉnh đội Hưng Yên biểu diễn. Những năm sau đó tôi viết nhiều vở chèo khác…".

Có lẽ, cuộc sống luôn thăng trầm có nhiều biến động, thậm chí có những khúc quanh tưởng như vô vọng, chỉ khi nào đủ ý chí, sức mạnh nghị lực, tinh thần hướng thiện người ta mới có thể băng qua nó, sống sót, duy trì. Tôi tin điều đó và nhà viết kịch Trần Đình Ngôn đã sống như thế.

Đó là vào suốt những năm đầu của thập niên 80 cho đến năm đầu của thập niên 90 của thế kỉ trước, sân khấu chèo đứng vào cuộc khủng hoảng dữ dội và có nguy cơ bị mất chèo cổ. Đạo diễn, NSND Doãn Hoàng Giang là một nhà cách tân làm chèo cải biên (chèo mới). Chèo mới của ông được công chúng đón nhận, nhưng nếu ai đã nặng lòng yêu sâu sắc chèo cổ thì không thể xem được chèo mới.

Thời kì ấy cuộc sống rất cơ cực đói khổ, tác giả chèo Trần Đình Ngôn sống cùng vợ và hai con trong một căn nhà nhỏ tuyềnh toàng, bữa ăn hàng ngày quanh năm suốt tháng chỉ có rau muống luộc chấm mắm tôm chưng. Có những hôm cầm những đồng bạc lẻ ra chợ, tần ngần ở đó một lúc rồi ông lại tay không cầm tiền mang về, tự an ủi mình rằng: "Qua chợ còn tiền". Ông đã từng viết những câu thơ gan ruột, những câu mà sau này trên sân khấu chèo lấy ra từ hiện thực cuộc sống đói khổ, cơ hàn: "Cả thiên hạ đã hóa ra hành khất/ Ăn bữa nay mà chưa biết bữa mai…". Lúc ấy có đoàn chèo muốn có kịch bản của ông nên đã tạm ứng cho ông 40.000 đồng, tương đương với hai chỉ vàng.

 Ông nhận tiền và hì hụi viết, rồi sau khi hay tin đạo diễn Doãn Hoàng Giang sẽ dựng vở chèo này, ông biết chắc chắn vở vào tay đạo diễn sẽ hấp dẫn khán giả, thu được lợi ích kinh tế nhưng sẽ không còn là chèo cổ nữa mà sẽ là chèo cải biên (chèo mới). Thế là ông cương quyết lên lấy kịch bản chèo của mình về.

Nhưng số tiền tạm ứng đã tiêu lẹm vào rồi, nên ông đành xin khất và trả sau. Trưởng đoàn chèo là chỗ thân tình trước đây, không muốn lấy lại số tiền đã tạm ứng, nhưng hơn năm sau đó, ông tích cóp gom góp mãi trả cho đoàn chèo 90.000 đồng, tương đương với hai chỉ.

Ông bảo với ông trưởng đoàn chèo: "Khi anh đưa cho tôi 40.000 đồng, tương đương với hai chỉ vàng thì nay tôi gửi lại anh 90.000  đồng, cũng tương đương với hai chỉ vàng…". Trong gia đình, ông là người chủ yếu chu cấp tiền cho cha mẹ, nhưng phải lúc nghệ thuật chèo bị coi rẻ, tác phẩm hiếm có nơi sử dụng, cái đói cái nghèo cơ hàn, cùng cực đè nặng lên vai nhưng ông nhất quyết trung thành, kiên trì giữ gìn vốn chèo cổ. Ông đã sống như thế. Một văn sĩ giữ đạo làm người.

Ông bâng khuông buồn kể: "Bây giờ chị em tôi nhìn chung đều khấm khá hơn thì cha mẹ tôi đều khuất núi cả rồi. Mỗi khi nhớ lại thuở hàn vi lọt lòng không khỏi bồi hồi thương xót mẹ cha, ngậm ngùi thầm rơi nước mắt". Yên lặng hồi lâu, ông nói tiếp: "Thời vận hanh thông thì người ta biết đến mình, còn không thì mình như con rồng còn ẩn trong mây. Đối với một con người cũng có thời vận".

Tôi biết ông đang muốn nói đến điều gì. Ngày tác giả chèo Tào Mạt còn sống, cái bóng của ông quá lớn che hết tất cả những tác giả tài hoa khác, và Trần Đình Ngôn cũng một phần "thiệt thòi" chịu chung số phận như bao tác giả khác. Mãi đến năm 1995, Hội diễn Sân khấu Chèo chuyên nghiệp toàn quốc tại rạp Hồng Hà, Hà Nội diễn vở "Lời Sấm truyền ở quán Trung Tân" của ông và được Huy chương Vàng.

Sau khi vở diễn kết thúc, có hai cụ ông đứng đợi ở cửa rạp và nhờ mọi người chỉ cho gặp tác giả. Vừa nhìn thấy nhà soạn chèo Trần Đình Ngôn, hai ông cụ reo lên vui mừng: "Tào Mạt thứ hai đây rồi!". Và hôm sau họ hẹn nhau uống trà, đàm đạo chuyện văn chương, chuyện nhân tình thế thái.

Tưởng cuộc đời của ông về sau sẽ an nhàn, xuôi chèo mát mái nhưng có một nỗi buồn thương trĩu nặng đè lên ông gần hai năm nay. Hai vợ chồng ông có hai người con. Người con gái út đã yên bề gia thất; còn người con trai, tác giả chèo Trần Đình Văn vừa mới mất đầu năm 2015, sau một lần đột quỵ. Anh ra đi khi tuổi tròn 40.

Nhắc đến con, ông nghẹn lời, nỗi đau tột cùng âm ỉ lan tỏa và hình như chưa lúc nào nguôi từ khi con mất. Ông bảo năm 2013 hai cha con đều có vở diễn Liên hoan Sân khấu Chèo chuyên nghiệp toàn quốc, Trần Đình Văn được giải tác giả chèo xuất sắc, ông bà rất hạnh phúc, hãnh diện về con. Bạn bè đều bảo với ông bà: "Hổ phụ sinh hổ tử"…

Vậy mà không ngờ người con mà ông rất mực yêu thương, tin cậy lại xa lìa cõi thế ở tuổi còn đang sung sức. Con ra đi đột ngột quá. Mất con ông cảm thấy như mất chính mình. Ở tuổi 75, tuổi cao sức yếu lại thêm nỗi đau quá lớn khiến ông xuống sức ốm o. Ông bảo ngày Văn còn sống, cứ đến Tết cả nhà quây quần bên nhau; đào, quất đủ ca.ã Giờ con đã mất rồi, ông chả còn thiết tha gì nữa cả.

Tuy vậy, từ ngày con mất cho đến nay, hôm nào hai vợ chồng ông cũng giở tập bản thảo của con, có kịch bản đã hoàn thiện, có kịch bản còn đang dang dở ra để biên tập, để đưa cho các đoàn dựng vở. Ông nói: "Dần dần sẽ đưa được hết lên, nhưng mỗi lần đọc kịch bản chèo của con là tôi và nhà tôi lại không cầm được nước mắt". Từ trong bếp, vợ ông nghe thấy vậy, mắt cũng đỏ hoe. Từ trong sâu thẳm, tôi chỉ thầm mong những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với ông bà.

Trần Mỹ Hiền
.
.