Nhiều nước thuộc EU đối diện khủng hoảng nợ công

Thứ Năm, 10/09/2020, 15:53
Trong bối cảnh thế giới, trong đó có Liên minh châu Âu (EU), vẫn đang tìm cách phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19, đám mây đen khủng hoảng tài chính một lần nữa xuất hiện ở châu lục này. Về gói kích thích kinh tế trị giá 750 tỷ USD, Ủy ban châu Âu sẽ đứng ra vay tiền từ các thị trường tài chính để chống đỡ nền kinh tế và trợ cấp xã hội qua đại dịch.

Các gói cứu trợ này được cho là sẽ giúp kích thích nền kinh tế và giữ ổn định xã hội nhưng lại dự báo sẽ làm gia tăng nợ công và thâm hụt ngân sách của chính phủ các nước thành viên EU.

Dự kiến tới cuối năm 2020, có tới 7 trong số 19 thành viên của EU là Bỉ, Hy Lạp, Tây Ban Nha, Pháp, Italy, Síp và Bồ Đào Nha sẽ có tỷ lệ nợ trên GDP vượt ngưỡng hơn 100%. Mới một năm trước đó, vào năm 2019, chỉ có 3 thành viên EU là Hy Lạp, Italy và Bồ Đào Nha có tỷ lệ nợ cao như vậy. Ở góc độ ngân sách, mức độ giới hạn thâm hụt ngân sách được EU đề ra trước đây là 3% GDP, tuy nhiên ngày 23-3-2020, Bộ trưởng Tài chính khối EU đã dỡ bỏ giới hạn này.

Phó Chủ tịch điều hành Ủy ban châu Âu Valdis Dombrovskis nhấn mạnh “Sự linh hoạt tạm thời này sẽ giúp các chính phủ làm tất cả những gì có thể để hỗ trợ hệ thống y tế, doanh nghiệp và người lao động”. Báo cáo tháng 7-2020 của Ban Tài khóa châu Âu nhận định trong năm 2020 và năm 2021, kích thích tài khóa vẫn đóng vai trò quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng ở EU. Dự kiến tới cuối năm 2020, có tới 18/19 thành viên EU có mức thâm hụt ngân sách vượt quá 5% GDP.

Italy hiện là nước có tỷ lệ nợ công cao trong EU. Ảnh: KT.

Mặc dù các biện pháp kích thích kinh tế là cần thiết, tuy nhiên khi dịch COVID-19 có dấu hiệu kéo dài, các đánh giá quốc tế đã cảnh báo về nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính mới tại EU nếu một số thành viên nước này tiếp tục vay nợ để cứu vãn nền kinh tế. Rủi ro này đặc biệt cao ở các thành viên EU vốn đã có mức nợ cao và thâm hụt ngân sách lớn là Italy, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Hy Lạp. Nếu triển vọng kinh tế thời gian tới không khả quan, nguy cơ vỡ nợ hoàn toàn có thể xảy ra. Các biện pháp giãn cách xã hội của các nước EU trong quý II-2020 đã khiến hàng nghìn công ty phải đóng cửa, nhất là trong các lĩnh vực dịch vụ như du lịch, khách sạn và bán lẻ.

Với nguy cơ dịch bùng phát trở lại, các nước EU đã phải tái thiết lập các biện pháp giãn cách xã hội, khiến triển vọng tăng trưởng kinh tế u ám, dẫn tới thất nghiệp tăng cao và hàng nghìn công ty lâm vào cảnh phá sản. Theo Reuters, tới cuối tháng 7-2020, số lượng công ty tại Tây Ban Nha đăng ký trả phí an sinh xã hội, tương đương với tình trạng còn hoạt động, đã giảm hơn 90.000 công ty so với tháng 2. Ngay cả ở các nền kinh tế được coi là chống dịch thành công như Đức, tình hình ngành du lịch cũng không được khả quan với nguy cơ 60% các công ty kinh doanh khách sạn và nhà hàng phải đóng cửa theo số liệu của Hiệp hội Khách sạn và Nhà hàng Đức.

Khi nền kinh tế tăng trưởng thấp, thậm chí suy thoái, kết hợp với tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, rủi ro vỡ nợ của các hộ gia đình và cá nhân sẽ tăng theo, từ đó dẫn tới khủng hoảng ngân hàng trong khối tiền tệ đồng euro. Các nước EU đứng trước thế “tiến thoái lưỡng nan”. Nếu tiếp tục các chương trình kích thích kinh tế và trợ cấp xã hội, rủi ro vỡ nợ công ngày càng nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu giảm các chương trình này để ngăn chặn nợ công thì lại gia tăng nguy cơ biến động xã hội và mất ổn định chính trị. Với tỷ lệ nợ và thâm hụt ngân sách vốn đã ở mức cao trước khi khủng khoảng COVID-19 xảy ra, không gian chính sách để các nước EU tiếp tục duy trì chính sách kích thích kinh tế và trợ cấp xã hội không còn nhiều. Một giải pháp cho chính phủ các nước EU là tăng thuế để bù đắp thâm hụt ngân sách và giảm nợ công. Tuy nhiên, thuế gia tăng sẽ đánh vào các doanh nghiệp và hộ gia đình, tác động tiêu cực tới triển vọng phục hồi kinh tế, làm giảm chi tiêu xã hội. 

Từ nay tới cuối năm, nhiều dự báo cho rằng châu Âu sẽ tiếp tục hứng chịu làn sóng lớn bùng phát dịch COVID-19 tiếp theo. Do đó, nhiều nước châu Âu đang rất nỗ lực để tránh phải gia tăng áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội hoặc đóng cửa các khu vực kinh tế vốn đã rất khó khăn. Thủ tướng Anh Boris Johnson cho rằng một lệnh phong tỏa trên toàn quốc sẽ giống như việc kích hoạt bom hạt nhân.

Jose Vazquez-Boland, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Đại học Edinburgh (Anh) cảnh báo “sẽ tiếp tục có các đợt bùng phát trường hợp lây nhiễm mới mỗi khi các biện pháp hạn chế xã hội được dỡ bỏ trong khi virus vẫn còn lẩn khuất”. Các nước châu Âu sẽ tiếp tục gặp khó khăn lớn trong việc áp chế các lệnh phong tỏa và giãn cách xã hội. Việc người dân một số nước EU như Đức, Anh tiến hành biểu tình quy mô lớn phản đối các biện pháp giãn cách không chỉ làm gia tăng bất ổn xã hội mà còn khiến những nỗ lực chống dịch của chính phủ các nước này có thể tiêu tan.

Như vậy, có thể thấy châu Âu đang vướng vào vòng luẩn quẩn giữa việc bảo đảm an ninh kinh tế, an ninh y tế và trật tư, an ninh xã hội... Một mặt, các biện pháp kích thích kinh tế và trợ cấp xã hội là cần thiết nhưng không thể kéo dài mãi vì nguy cơ nợ công và khủng hoảng tài chính nhưng nếu không có các biện pháp này thì xã hội sẽ bất ổn và kinh tế tiếp tục suy thoái. Mặt khác, các biện pháp giãn cách xã hội, phong tỏa là cần thiết để chống dịch nhưng các biện pháp này kéo dài lại gây bất mãn trong nhân dân, dẫn tới biểu tình phản đối, làm gia tăng nguy cơ bùng phát và giảm hiệu quả các biện pháp chống dịch của chính phủ. Với các vòng xoáy này, khi dịch COVID-19 tiếp tục kéo dài và chưa có vaccine hiệu quả, đám mây đen khủng hoảng tài chính ở đường chân trời có thể mạnh lên trở thành bão.

Lâm Kiệt (Tổng hợp)
.
.