Những cuộc chạy đua thú vị trong lịch sử

Thứ Ba, 17/07/2018, 08:36
Có ai đó trong chúng ta đã toại nguyện khi đuổi kịp xe buýt cho khỏi muộn giờ làm, còn những người khác chạy liền một mạch đều đều 20km không gặp trở ngại gì. Hiển nhiên là việc chạy phụ thuộc vào những khả năng tập luyện của con người.


Chạy đua siêu dài

Chạy marathon với 42,195km được coi là quãng đường dài nhất trong thời cổ đại, ngày nay nhiều vận động viên (VĐV) chạy được những khoảng cách xa gấp nhiều lần. Như ở Pháp từng tổ chức cuộc thi chạy từ hải cảng Toulon đến thành phố Toulouse dài 57km, ở Anh có những chặng đua thường kỳ từ thủ đô London đến thành phố Bristol với 87km, tại Mỹ các cuộc đua dài 50 dặm (1 dặm = 1,6km) được tổ chức đều đặn, còn ở Italia các VĐV chạy từ Turin tới San Vincenzo dài 93km…

Nhưng điều không thể phủ nhận là các cuộc đua "siêu dài" với khoảng cách 100km thường phổ biến nhất. Các VĐV tốt nhất thế giới chạy hết hơn 6 giờ một ít. 

Tại Bologna (Italia), trong mùa hè năm 1983 lần đầu tiên tổ chức Cúp Thế giới chạy 100km theo đường đua viền quanh sân vận động. VĐV Salvatore Antibo 21 tuổi đại diện nước chủ nhà đã đoạt giải. Còn VĐV Vaslav Kamenik 34 tuổi người Tiệp Khắc (nay là Cộng hòa Czech), từng chạy 100km hết 6 giờ 17 phút 56 giây (6:17:56h) - luôn được coi là kỷ lục cao nhất thế giới của mọi thời.

Từ xưa đã tồn tại những cuộc đua dài hơn 100km, tới 100 dặm và chạy liên tục (Non Stop) trong 24 tiếng đồng hồ của một ngày đêm. Vào năm 1762, người vô địch 100 dặm chạy hết 23 giờ 15 phút. Năm 1788 VĐV Mark Powell phá kỷ lục bằng 22 giờ. 

Còn tới năm 1977 tại London (Anh), VĐV David Ritchie, người Scotland chạy trên đường đua 100 dặm hết 11:36:51h; thành tích trước đó là vào năm 1975, khi VĐV Jonathan Edwards người Anh chạy 100 dặm dọc theo xa lộ ở Tippen hết đúng 38 giờ 54 phút (38:54h) - kỷ lục mọi thời về nhà vô địch chạy 100 dặm ngoài sân vận động.

Trên đường đua Non Stop dài 100 dặm tại Anh.

VĐV người Pháp Bruce Francois trong tháng 4-1979 lập kỷ lục thế giới mới về chạy 24 giờ không nghỉ, đạt 260,520km. Nhưng kỷ lục này chỉ tồn tại được có 9 ngày, người đồng hương với Bruce là anh Ramon Zabalo trong cuộc chạy thi ở Toulouse đã đạt tới 261,672km.

Nhưng B.  Francois không nản, trong 2 ngày 11 và 12-11-1980 anh đạt 264,108km, còn từ ngày 2 đến 3-5-1981 đạt đến 272,624km. Anh Jorge Urena người Tây Ban Nha chiếm được kỷ lục cao nhất về chạy Non Stop với 275,2km trong 24 giờ. Phụ nữ cũng tham gia chạy ở cự ly 100km và đạt được thành tích không đến nỗi tồi.

VĐV người Pháp Kara Lang đang giữ kỷ lục chạy 100km với 7:27:22h. Cả những cuộc đua chạy 100 dặm cũng không vắng bóng "phái yếu": VĐV Kidy Williams, 46 tuổi người Mỹ đạt tới 15:40:50h. Những chặng đua dài hơn ít  được tổ chức. Ở Italia có cuộc đua dài 177km, người vô địch là VĐV Gianfranco Martinoni với 21:05h.

Mùa thu năm 1981 lần đầu tiên người ta tổ chức cuộc thi siêu marathon (Spartatlon) chạy từ Athens tới Sparti ở Hy Lạp dài 153 dặm (246km). VĐV Yiannis Kouros, 27 tuổi người Hy Lạp đã đoạt giải với thành tích 20:25:40h, có nghĩa là với vận tốc trung bình gần 12km/giờ. Giữa 47 VĐV của 12 nước tham dự chỉ có một phụ nữ duy nhất là chị Eleanor Adams 35 tuổi người Anh, cùng thành tích 32:37:52h. Khi anh Yiannis đã về đích, chị Eleanor vẫn còn tụt xa đằng sau tới 80km nữa.

Nhà vô địch trong cuộc đua dài 300km là VĐV Kieron Telford người New Zealand với 31:33:38h, đồng thời cũng giật luôn kỷ lục về chạy Non Stop với 296km. VĐV Jordan Chipenberg người Hà Lan cũng đáng khâm phục, vào tháng 4-1979 anh đã chạy 450km dọc biển Bắc hết 43:30:37h. Nhưng đó chỉ là "kỷ lục của các chú lùn".

Như  VĐV James Suonik người Mỹ trong tháng 6-1982 chạy trên dãy núi Sierra Nevada ở tiểu bang California, bất chấp độ "khấp khểnh" chênh nhau tới 1200m, anh đã chạy "xuyên núi" 100 dặm (160km) hết 21:56h. Còn VĐV Jack Bauer người New Zealand trong năm 1978 chạy dọc nước Đức từ bắc xuống nam, vượt qua quãng đường dài 1.169km hết 8 ngày 12 giờ và 14 phút. Trong thời gian chạy anh chỉ dùng các thức ăn lỏng, lên tới 10 lít/ngày.

Trước đó J. Bauer từng chạy ở quê nhà qua 2.100km hết đúng 18 ngày và 6 giờ, còn với khoảng cách từ Auckland đến Wellington dài 676km anh "qua nhẹ" trong 3 ngày và 21 giờ. J. Bauer còn đạt những kết quả đáng ghi nhớ trong các cuộc chạy đua đường núi, tiêu biểu là chạy 110km trên núi Mount Egmont cao 2.518m so với mực nước biển hết 12:24h. Để chuẩn bị cho lần chạy "vượt núi" đó, mỗi ngày anh tập chạy từ 40-50km, và cứ tuần một lần chạy từ 120-140km, vậy là J. Bauer chạy trung bình mỗi tuần lễ từ 360-440 km.

K. Telford đang chinh phục Thung lũng Chết ở California.

Còn VĐV K. Telford, người đoạt cúp Non Stop như đã nói ở trên, từng thử các khả năng chịu đựng của cơ thể mình bằng cách chạy trong những điều kiện khắc ngiệt tại vùng Death Valley (Thung lũng Chết) giáp ranh 2 tiểu bang California và Nevada. Anh đã chạy 198km qua đó "chỉ" hết có 25:33h, nhưng trong điều kiện trời nóng không tưởng được khi mới 6 giờ sáng nhiệt kế đã chỉ 40 độ C, còn ban ngày lên tới 55 độ C!

Xa lộ nối 2 thành phố lớn nhất nước Mỹ từ Los Angeles đến New York dài 4.627km được VĐV Thomas Thelek người Anh chạy hết 62 ngày và 21:50h, trong khi vợ anh chạy xe hơi đằng sau để hỗ trợ khi cần. T. Thelek chạy 3 lần trong một ngày và đạt vận tốc trung bình 70km/ngày.

Kết quả tương tự đã được "VĐV siêu sao trên đường chạy" người Mỹ Jonathan Yesten lập năm 1909. Nhân dịp sinh nhật lần thứ 70 của mình, J. Yesten xuất phát dọc theo xa lộ từ New York tới San Francisco (phía bắc Los Angeles) dài 6.275km hết đúng 105 ngày. Sang tuổi 71, ông còn chạy qua quãng đường dài 5.792km từ Los Angeles đi New York hết 77 ngày, với vận tốc trung bình 75km/ngày.

Trong giai đoạn giao thời giữa 2 năm 1980 và 1982, VĐV  Patrick Martin người Pháp chạy 3.300 km từ thủ đô Algiers của Algeria tới thành phố Zinder ở Niger, băng qua sa mạc Sahara mất đúng 55 ngày. Một kỷ lục khó tin được lập trong thế kỷ XIX là của VĐV Na Uy Mensen Ernst (1795-1843), chạy từ Paris (Pháp) tới Moscow (Nga) qua 1.600 dặm (2.500km) hết 14 ngày và 5:50h. VĐV chạy đua tài ba M. Ernst đã đi vào huyền thoại, như là "con người dẻo dai nhất của mọi thời" khi vào năm 1836 chạy từ Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) đến Cairo (Ai Cập) và ngược lại hết 58 ngày, đạt vận tốc trung bình một ngày chạy được tới… 15 km vượt qua những địa hình hiểm trở.

VĐV kỳ cựu Ron Grant 40 tuổi người Australia chạy 8.316 dặm (13.383km) vòng quanh lục địa thứ 5, hết 217 ngày trong năm 1983. Còn quãng đường đã chạy qua dài nhất trong lịch sử được ghi nhận là của  VĐV nghiệp dư Aleksey Ivanchenko người Nga: từ ngày 1-10-1974 đến ngày 5-5-1975 ông lên đường chạy từ Almaty thuộc Kazakhstan ở Trung Á, tới Moscow qua 15 nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây, vượt qua quãng đường 11.000km trong suốt hơn 7 tháng.

Chạy đua từng chặng 6 ngày liền

Một dạng chạy thi thú vị nữa là đua từng chặng trong 6 ngày liền của một tuần lễ, vốn rất được ưa chuộng trong thế kỷ XIX. VĐV Michael Lister người Anh hồi năm 1888 chạy trong 6 ngày qua 1.003,800km hết 139:01h. Kỷ lục này được giữ tới gần một thế kỷ sau, trước khi khi VĐV Jacob Iles người Pháp chạy trong 6 ngày qua 1.009,400km dạo giữa năm 1982.

Nữ quán quân chạy marathon đầu tiên người Mỹ Joan Benoit tại Olympic -1984 ở Los Angeles, với kỷ lục 02:24:52h.

Trong những ngày đầu anh chạy tới 372 km/ngày và được một Hội đồng Y khoa giám sát liên tục: suốt 6 ngày J. Iles chỉ ngủ có vài tiếng đồng hồ. Phụ nữ cũng "thử gân" với môn thi khó nhọc này: ở Nottingham (Anh) trong tháng 6-1982 VĐV Paula Beer người Anh chạy được 655,829km trong 6 ngày.

Trong năm 1983 có cuộc đua chạy dọc xa lộ từ Vienna (Áo) tới Berlin (Đức), người vô địch là VĐV Hassan Alsser người Jamaica về đích sau 6 ngày và 10:35h. Trong cuộc đua này các VĐV luôn xuất phát từ 5 giờ sáng và chạy cho tới 21 giờ đêm. Người kiên cường nhất về đích trong khoảng 4 ngày.

Còn vào cuối năm 1983 trên đường chạy từ Sydney đi Melbourne (Australia), đã diễn ra cuộc đua nhiều chặng với tổng chiều dài là 875km. Người chiến thắng là VĐV Lorenz Eing 61 tuổi về đích sau 5 ngày và 14:36h. Sau khi nhận giải thưởng ông Eing phàn nàn rằng trở ngại lớn nhất trên đường chạy, chính là sự cuồng nhiệt thái quá của khán giả, khiến ông đôi khi phải chậm lại để huơ tay chào họ. Đường đua từ Johannesburg tới Durban ở Nam Phi "chẵn chòi" 1.000km, VĐV Zion Williamson 29 tuổi là người về đích nhanh nhất với kỷ lục 120:46:10h.

Chạy đua xuyên nước Mỹ

Nhưng những cuộc đua chạy "dài dằng dặc" nhất trong lịch sử là chạy xuyên Hoa Kỳ. Năm 1928 đường đua từ Los Angeles đi New York với 5.510km, được chia ra từng chặng trung bình 66km một. Trên vạch xuất phát có tới 202 VĐV, nhưng chỉ 1/4 trong số họ là về được đích. VĐV David Puen "nước rút" về New York sau 84 ngày, với thời gian chạy hết 573:04:34h và được lĩnh phần thưởng là 25.000 USD.

"Tia chớp đen" người Jamaica Usain Bolt (trái) là VĐV chạy cự li 100m nhanh nhất thế giới, với kỳ tích đúng 9,58 giây.

Suốt đường đua, các VĐV phải chạy qua những vùng có nhiệt độ nóng bức cũng như băng giá tuyết phủ. Ngay cả cho dù đã có nhiều giờ "sơ cua" hơn hẳn bạn chạy, cũng chưa chắc đã bảo đảm sẽ về được đích.

Đây là câu hỏi về thể lực cùng ý chí dẻo dai bền bỉ. Đến năm 1929 cuộc thi được tổ chức theo chiều ngược lại: từ New York đi Los Angeles, lần này tổng chiều dài lên đến 5.898km, "dư" gần 400km so với năm trước. Nhiều người từng tham gia lượt đi đã từ chối lượt về, chấp nhận… bỏ cuộc. Kết cục VĐV Raimo Salo người Mỹ gốc Phần Lan chạy hết 79 ngày, với thời gian chạy thực tế là 525:57:20h, cùng vận tốc trung bình là 11,21km/giờ.

Quang Phú (theo Panorama)
.
.