Những ký ức không quên về vở kịch cách mạng “Đôi mắt”

Thứ Ba, 01/08/2017, 14:55
“Đôi mắt” là vở kịch cách mạng tiêu biểu mà ngay khi tác giả Vũ Dũng Minh cho ra đời đã được nhiều đoàn nghệ thuật dàn dựng. Và cũng từ vở kịch này nhiều diễn viên đã thành danh khi hóa thân thành anh bộ đội Cụ Hồ để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả.

Trong số những diễn viên đóng vở kịch “Đôi mắt” đến nay đã có không ít người ra đi như NSND Trọng Khôi, nghệ sĩ Trần Vân. Điều đặc biệt, ngay nhiều đạo diễn nhận định, vở kịch “Đôi mắt” có sức lôi cuốn đặc biệt và diễn viên nào may mắn được đóng vai chính trong vở kịch này đều nhanh chóng trở thành solist sáng bừng trên sân khấu.

Tại sao “Đôi mắt” lại có sức lan tỏa và chiếm cảm tình đông đảo khán giả đến vậy? Trả lời cho câu hỏi này ta sẽ bắt đầu từ tác giả Vũ Dũng Minh.  Mặc dù là bác sĩ công tác tại Bệnh viện 354 nhưng ông có niềm say mê viết kịch bản. Trước khi chắp bút viết “Đôi mắt” ông đã từng có tác phẩm đoạt giải ở các kì hội diễn.

Năm 1966, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước diễn ra ác liệt, nhiều đoàn nghệ thuật cử các nghệ sĩ đi thực tế ở chiến trường miền Nam. Trong chuyến đi thực tế của ông có nhà thơ Chế Lan Viên, nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn... Mỗi nghệ sĩ đều ấp ủ những tác phẩm rất riêng. Với Vũ Dũng Minh là một bác sĩ quân y được trưởng thành trong quân ngũ, chứng kiến cảnh vào sinh ra tử của những người đồng đội, giữa sự sống và cái chết, sự hi sinh cao cả, tình người trong sáng nơi bom đạn ác liệt, vốn sống cứ đầy lên ăm ắp trong ông.

Trở về, ông chọn viết về đề tài thầy thuốc trong cuộc chiến đấu sinh tử trên chiến trường chống Mỹ cứu nước, cũng là phần công việc quen thuộc hằng ngày của ông. “Đôi mắt” đã ra đời.

Kịch có độ dài 120 phút. Mở đầu bằng hình ảnh, tại một trạm quân y dã chiến ở núi rừng Trường Sơn, sau cơn mưa bom đạn trút xối xả, cảnh vật hoang tàn, người ta đưa đến trạm những người lính bị thương và trong số đó có Việt, anh bộ đội bị bom làm thương đôi mắt. Và tại trạm quân y này với bộn bề công việc, cả cái chết rình rập sau đợt bom trút, đạn lạc nhưng mối tình đẹp vẫn diễn ra. Trớ trêu thay đây lại là cuộc tình tay ba người bác sĩ Hải - cô y tá Nga - người thương binh Việt.

Cả ba nhân vật đều là những người tốt, họ trân trọng và quý mến nhau. Mối tình trong sáng không chút vụ lợi giữa cánh rừng lồng lộng gió với những trận mưa rừng, chim kêu, vượn hú, cả hoa dại... Cả ba đều là những người lính, họ thực hiện sứ mệnh cao cả, anh thương binh chiến đấu vì Tổ quốc, người bác sĩ và nữ y tá chữa bệnh cứu người bất chấp hiểm nguy...

Hình ảnh tiếng bom gào rú rít ầm ầm rung chuyển cả đất trời, tiếng máy bay phản lực tác chiến ngay trên đỉnh đầu giữa đám mây xanh, để rồi ngay sau đấy khi máy bay đã rút đi rồi thì cuộc sống lại yên bình trở lại. Cả cánh rừng tĩnh lặng nghe thấy tiếng gió và tiếng hát trong veo của những cô gái đi mở đường. Những làn điệu quan họ tha thiết của quê hương lại vang lên như chưa hề chạm vào cái chết. Cuộc sống háo hức của những người lính trẻ với sứ mệnh cao cả...

Cách đây vừa tròn 50 năm, ngay khi vở “Đôi mắt” ra đời đã gây tiếng vang lớn và được nhiều đoàn nghệ thuật dàn dựng. Đáng nói hơn cả là tại Nhà hát kịch Việt Nam, NSND Trọng Khôi đảm nhận vai người thương binh tên Việt. Nữ diễn viên đẹp lộng lẫy một thời Nguyệt Ánh (vợ của NSND Doãn Hoàng Giang) vai nữ y tá Nga, diễn viên Quang Thái trong vai bác sĩ Hải...

Cảnh trong vở kịch “Đôi mắt” được nhà hát kịch Hà Nội dàn dựng lại.

NSND Doãn Hoàng Giang nhớ lại: Trọng Khôi đóng vai anh thương binh Việt rất duyên. Đó là năm 1970, Trọng Khôi mới 27 tuổi, lại được ở gần những tên tuổi lớn như Nguyễn Đình Nghi, Thế Lữ. Cụ Nghi thấy Khôi vào vai anh trinh sát Việt trong “Đôi mắt” liền bảo: “Tôi biết điều gì tôi sẽ nói với Khôi, nhưng thôi được để hôm nào tôi dẫn Khôi về nhà ra mắt bố tôi, xem bố tôi có góp ý được gì thêm cho Khôi hay không vì ông cụ là người rất hiểu biết, có thể ông góp ý được cái gì hay chăng”. Vậy là cụ Nghi dẫn Trọng Khôi về nhà ra mắt bố.

Trọng Khôi nhìn thấy cụ Thế Lữ lại chào là: “Em chào anh ạ!”. Cụ Thế Lữ mở mắt trừng trừng nhìn Khôi rồi phá lên cười, nói: “Nhớ lần sau đến nhìn thấy tôi phải chào bằng anh nhé chứ không phải chào bằng bác đâu. Vì nếu chào bằng bác thì tôi chỉ hơn em ở tuổi tác còn nếu chào bằng anh thì tôi hơn em ở nhiều phương diện điều đó làm cho tôi thấy thú vị hơn chứ”.

Khôi bảo: “Xin anh chỉ bảo cho em đóng vai người thương binh bị hỏng đôi mắt do sức ép của bom. Bác sĩ quân y cứu được và đôi mắt sáng trở lại. Và một trong những người cứu em mắt sáng là cô người yêu cũng ra chiến trận và làm y tá chăm sóc thầm lặng thường xuyên. Nhưng em hỏng mắt không nhìn thấy cô ấy. Vậy đóng thế nào?”

Cụ Thế Lữ hút thuốc lào xong rì rầm chỉ cho Khôi đóng vai Việt trong “Đôi mắt”. Cụ bảo: “Nếu là người mù lâu thì nên nhớ rằng người mù nhìn bằng tai chứ không nhìn bằng mắt. Người mù lâu nhìn ở đâu, nghe ở đâu, người ta hướng tai về hướng đó. Em thì lại mới mù vậy chắc chắn có lúc thì nhìn bằng tai, có lúc em lại quên mất, nhìn bằng mắt mặc dù mắt bị bịt kín”.

Cụ Thế Lữ dặn Khôi: “Đóng vai này, em phải đôi lúc nghe bằng tai, đôi lúc nhìn bằng mắt vì là em mới mù. Người mù thì chỗ nào để cái gì trong nhà người ta đều biết hết, người mù lâu đồ đạc hết sức gọn gàng ngăn nắp đến khi cần lấy thì chỉ ra đấy lấy thôi. Thậm chí đi phăm phăm ấy chứ. Còn người mới mù thì cứ phải rờ rẫm từng tí từng tí một. Người mù bao giờ khi đến gần đích họ cũng đưa tay ra rờ rẫm và đi chậm lại...”.

NSND Doãn Hoàng Giang bảo: “Nhờ có bài hướng dẫn của cụ Thế Lữ và cả thị phạm mà Trọng Khôi diễn vai này hay lắm, gây dấu ấn mạnh, vượt xa các diễn viên khác cũng đóng vai này!”.

NSND Doãn Hoàng Giang trầm ngâm nhớ lại:  Tôi nhớ lúc đấy vở “Đôi mắt” đã được rất nhiều đoàn nghệ thuật dàn dựng, tôi đảm nhiệm vai anh thương binh Việt, thầy Đình Quang (NSND Đình Quang), chỉ dạy. Vở này có rất nhiều đoàn nghệ thuật dàn dựng, làm sao Giang diễn phải thật khác biệt. Vai Giang đảm nhận là một người chiến sĩ bị thương đôi mắt.

Đôi mắt của người chiến sĩ bị thương đấy chỉ là cái thương vật chất, cái thương hình thức bên ngoài, còn đôi mắt của trí tuệ, đôi mắt của cửa sổ tâm hồn thì anh ấy không bị thương. Giang phải diễn làm sao người ta thấy vẻ đẹp ngời sáng của đôi mắt tâm hồn, đôi mắt bên trong thực sự ấy!”.

Nghe lời thầy nói tôi về suy nghĩ nhiều ngày trời: Mỗi diễn viên có một nét duyên riêng, làm sao để vai diễn của mình không lẫn lộn với các diễn viên ở các đoàn nghệ thuật khác khi cũng đảm nhận vai diễn này. Nghĩa là anh thương binh Việt sẽ nhìn bằng âm thanh, bằng tiếng động, bằng tâm hồn cảm nhận của người lính trẻ với hoài bão và lý tưởng.

Cái đau vật chất, đôi mắt bị mù loà không chạm vào nỗi đau tinh thần khi bên anh có nhiều những người đồng đội, bác sĩ, và cả cô người yêu rất tốt và bản chất của người lính trên đường đánh giặc. Nỗi đau vật chất ấy không hạ gục ý chí và tinh thần của người lính trẻ.

Quả thật vở kịch “Đôi mắt” ngay sau khi ra đời đã trở thành một vở diễn tiêu biểu của sân khấu kịch cách mạng ngay từ những năm đầu của thập niên 70. Tác phẩm được nhiều đoàn nghệ thuật trên cả nước dàn dựng và diễn liên tiếp. Buổi diễn nào cũng đông nghẹt khán giả.

Theo thống kê có đến hơn 4.000 đêm diễn vở kịch “Đôi mắt”. Vào mùa hè đỏ lửa, 81 ngày đêm ở thành cổ Quảng Trị, năm 1972, Bộ Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa, Tổng cục Chính trị tổ chức cuộc thi sáng tác về đề tài thương binh liệt sĩ, và vở kịch “Đôi mắt” đã nhận được giải nhất cuộc thi. Vài năm sau ngày thống nhất đất nước, vở kịch tiếp tục được nhiều đoàn nghệ thuật dàn dựng.

Có một điều bất ngờ, ngay sau khi thống nhất đất nước, ở TP HCM đoàn kịch nói Bông Hồng cũng chọn diễn vở này. Thẩm Thúy Hằng diễn viên đẹp rực rỡ một thời đóng vai nữ y tá Nga. Và cùng đóng với Thẩm Thúy Hằng còn có diễn viên gạo cội Nguyễn Chánh Tín đóng vai bác sĩ quân y.

 NSND Doãn Hoàng Giang nói: Ê-kíp của vở kịch “Đôi mắt” khi xưa nhiều người đã lần lượt ra đi nhưng vẻ đẹp của vở kịch cho đến tận hôm nay vẫn lôi cuốn hấp dẫn cả một thế hệ khán giả. Toàn cảnh của vở diễn là một bản anh hùng ca cách mạng tuyệt đẹp ca ngợi sự hi sinh thầm lặng của những người lính.

Trần Mỹ Hiền
.
.