Những lễ hội kỳ lạ tại châu Âu

Chủ Nhật, 01/07/2018, 22:34
Cuối tháng 5 vừa qua, khách du lịch cùng dân địa phương đã tập trung rất đông đảo tại các đường phố Tokyo, nơi đang diễn ra cuộc diễu hành của những người đàn ông mặc đồ lót với hình xăm khắp cả người theo phong cách Yakuza trong khuôn khổ lễ hội Sanja Matsuri, một trong những lễ hội được đánh giá thuộc loại kỳ lạ nhất thế giới.

Tuy nhiên, không chỉ tại châu Á mà tại nhiều nơi khác trên khắp châu Âu cũng có những lễ hội thú vị không kém, chẳng hạn như lễ hội quan tài dành cho người sống hay nhảy qua trẻ sơ sinh v.v... Hãy cùng điểm qua một số lễ hội như vậy.

Lễ hội ném cà chua

11 giờ sáng. Từ tòa thị chính thành phố Bunol (Tây Ban Nha) vang lên một tiếng pháo hiệu. Trên phố xuất hiện những chiếc xe vận tải chất đầy cà chua chín. Người dân thị trấn đổ tràn ra đường, lao vào những đống “đạn dược màu đỏ” đã để sẵn và liên tục ném chúng vào những người bên cạnh. Đó chính là điểm bắt đầu của lễ hội La Tomatina được mong đợi từ lâu - thực chất là một cuộc chiến trong 2 giờ trước khi biến cả thị trấn cùng người dân tại đây thành một chiến trường toàn chất hỗn hợp cà chua chín.

Lễ hội cà chua La Tomatina.

Nhiệm vụ của những người tham gia rất đơn giản - chạy dưới trận mưa cà chua đồng thời ném cà chua vào bất kỳ người nào bắt gặp. Trong thời gian này, chủ nhân các cửa hàng đều đồng loạt đóng cửa, gia cố các cửa ra vào và cửa sổ bằng những tấm nhựa để tránh cà chua vấy bẩn.

Cư dân và khách du lịch (kể cả những người không tham gia trận chiến) khi ra khỏi nhà đều mặc những bộ quần áo cũ vì lý do đơn giản: họ không thể không bị vấy bẩn vào ngày này, kể cả khi không đặt chân tới trung tâm thành phố.  

“Trận chiến” La Tomatina đầu tiên diễn ra vào năm 1945, khi người dân chào mừng thời điểm kết thúc hè. Khi đó một nhóm thanh niên vì đùa nghịch đã lật một chiếc xe tải chở rau, trong đó có rất nhiều cà chua.

Khi có xung đột xảy ra giữa tay tài xế và đám thanh niên, đống rau quả tràn ra đường đã trở thành vũ khí. Mọi chuyện được nhà chức trách dẹp yên và các chủ tiệm đã nhận được bồi thường vì số lượng rau quả hư hỏng của họ. Nhưng một năm sau, đám bạn trẻ lại quay trở lại đúng vị trí trên, mang theo cà chua của mình để tiếp tục lặp lại cuộc hỗn chiến.

Từ đó, bất chấp sự cấm đoán của chính quyền, sự kiện trên vẫn được lặp lại hằng năm và thu hút sự tham gia ngày càng nhiều của người dân thị trấn. Đến năm 1950, cảnh sát đầu hàng và không còn ngăn cản cuộc chiến cà chua này nữa.   

Đến nay, lễ hội La Tomatina đều diễn ra vào khoảng cuối tháng 8 hằng năm (năm 2018 này ấn định là ngày 29/8) tại Bunol và kết thúc bằng một buổi lễ tắm chung trong bể bơi chứa đầy... nước ép cà chua.

Lễ hội giả heo

Một sáng sớm tháng 8, người dân vây quanh một sân khấu trên có người đàn ông đang khoác một bộ đồ... giống heo. Anh ta nằm trên sàn, gỡ cúc áo phần bụng và lôi ra một con heo con búp bê, kèm theo đó là những tiếng kêu như heo đang đẻ. Ban giám khảo ngồi dưới chăm chú theo dõi mọi hành động của thí sinh, đánh giá về trang phục, khả năng diễn xuất và cả tiếng kêu.

Lễ hội giả heo La Pourcailhade.

Cuộc thi trên chỉ là một phần trong lễ hội La Pourcailhade, tổ chức tại Trie Sur Baise (tây nam nước Pháp).

Người tham gia lễ hội có thể đọ tài tại 3 cuộc thi khác nhau: trang phục đẹp nhất, tiếng kêu giống heo nhất và đua heo con. Trong cuộc thi đầu tiên, thí sinh phải có trang phục nhìn trông giống heo nhất. Trong cuộc thi thứ hai, thí sinh trên sân khấu phải giả dạng những âm thanh khác nhau của loài heo trong suốt cuộc đời của chúng: kể cả khi đang âu yếm nhau cho đến khi sinh.

Cuộc thi thứ ba mới có sự tham gia của các “thí sinh xịn”: cuộc thi chạy của những chú heo con. Sau cuộc thi, người dân tụ tập hát hò nhảy nhót, ăn uống hay đơn giản là vui đùa trong những bộ trang phục màu hồng. 

Lễ hội giả heo đầu tiên được nhóm có tên La Confrérie du Cochon (Tình đoàn kết của những chú heo) tổ chức vào năm 1975. Tuy có thời gian bị gián đoạn nhưng vào ngày 12-8-2018 năm nay, du khách có thể viếng thăm Trie Sur Baise để theo dõi lễ hội này.

Quan tài dành cho người sống

Khoảng 10 giờ sáng một ngày tháng 7, một nhóm người Tây Ban Nha trong trang phục đen tụ tập gần nhà thờ San Jose. Thể hiện vẻ mặt đau buồn với những chiếc khăn mùi soa trên tay, họ đứng yên lặng chờ đợi thời điểm bắt đầu của lễ tang. Những chiếc quan tài được khiêng ra nhưng nằm trong đó thay vì người chết lại là... những người sống. Đám đông bắt đầu trở nên hoan hỉ, gương mặt buồn đau được thay bằng những nụ cười, còn khăn mùi soa được tung lên không. 

Những nhân vật chính nằm trong quan tài của lễ hội Fiesta de Santa Marta de Ribarteme được chọn từ những người may mắn từng thoát khỏi cái chết trong gang tấc - thường là người vừa thoát khỏi bệnh hiểm nghèo hoặc sống sót sau những tai nạn nào đó. Trong vòng 12 tháng sau đó, lễ hội là nơi để họ đánh lừa thần chết, cảm ơn số phận và Thượng đế đã ban cho họ cuộc sống thứ hai.

Cuối cùng, tất cả đều tụ tập tiệc tùng, kể cho nhau nghe về trường hợp sống sót thần kỳ của mình, uống rượu, khiêu vũ và cả bắn pháo hoa. Lễ hội diễn ra tại thành phố As Neves vào ngày 29 tháng 7 hằng năm.

Lễ hội vật chân

Mọi việc bắt đầu từ một quán bar tại thành phố Derbyshire (Anh), khi những vị khách tại đây nghĩ ra một cách giải trí mới: đấu vật bằng chân. Cuộc thi ban đầu đã gây phấn khích cho những người tham gia đến nỗi họ tìm cách vận động để xin đăng ký vào các môn thi Olympic.

Lễ hội vật chân World Toe Wrestling Championship.

Bất chấp việc bị khước từ, World Toe Wrestling Championship đã trở thành cuộc thi hằâng năm diễn ra tại Ashbourne (Anh). Cụ thể, trong năm nay, theo kế hoạch, cuộc thi diễn ra vào lúc 7 giờ tối ngày 22/6. 

Luật chơi rất đơn giản. Trước khi thi đấu, thí sinh bày tỏ sự coi trọng bằng cách tháo giày tất cho đối phương. Sau đó cả hai được bố trí ngồi đối diện, lồng chân vào nhau, dùng sức tối đa ép bàn chân của đối thủ xuống sàn và giữ trong 3 giây. Một trận đấu chia làm 3 hiệp: hiệp thứ nhất và thứ ba dùng chân phải, hiệp thứ hai là chân trái. Người giành chiến thắng trong 2 hiệp đấu sẽ là người thắng trận.

Nhảy qua trẻ sơ sinh

Tại ngôi làng nhỏ Castrillo de Murcia (Tây Ban Nha) có tổng cộng 500 cư dân, các cặp cha mẹ sùng đạo đã chọn một phương pháp khá đặc biệt để làm lễ đặt tên thánh cho những đứa trẻ sơ sinh của mình. Các trẻ sơ sinh được cho ăn mặc đẹp như ngày lễ, nằm trên những tấm nệm đặt giữa phố.

Một nhóm đàn ông mang trang phục sặc sỡ đỏ vàng của quỷ dữ, vung vẩy roi đánh vào chân những ai mà theo họ chưa đủ ngoan đạo. Tiếp đó, những “con quỷ” sẽ nhảy qua trẻ sơ sinh, bằng cách đó để rửa sạch những tội lỗi ban đầu của chúng. 

Lễ hội El Salto del Colacho.

Thủ tục nhảy qua trẻ sơ sinh, hay còn gọi là El Salto del Colacho, đã diễn ra hằng năm ngay từ năm 1620. Bất chấp việc nhà thờ đã nhiều năm phản đối thủ tục này, dân làng vẫn không chỉ duy trì được truyền thống của mình mà còn nghĩ ra nhiều hình thức mới nữa.

Cho đến nay, El Salto del Colacho đã trở thành một lễ hội lớn diễn ra vào ngày 3-6 hằng năm cùng rượu vang, âm nhạc và khiêu vũ. Theo lời dân địa phương, cho tới nay chưa có đứa trẻ nào bị thương sau những thủ tục bị nhảy qua người.

Vác vợ chạy đua

Một đám đông các cặp đôi tập trung dưới ánh nắng mặt trời tháng 7 tại thành phố Sonkajarvi (Phần Lan). Trước sự vỗ tay cổ vũ của đám đông, những người đàn ông bế người phụ nữ đã chọn của mình lên chuẩn bị bắt đầu cuộc chạy đua mang vác vợ. Luật lệ rất đơn giản: vác vợ (của mình hay của hàng xóm) lên vai, chạy qua tất cả những chướng ngại vật có thể để về đích.

Hình thức bế vác không có quy định cụ thể, nhưng phổ biến và tiện dụng nhất vẫn là vác lên vai sao cho đầu cắm xuống đất và chân chổng lên trời. Cần nói thêm là người phụ nữ được chọn để vác không được nhẹ hơn 49 kg, nếu không thí sinh phải đeo thêm một balô có trọng lượng bổ sung tương ứng.

Chưa hết, trọng lượng của cô vợ có ý nghĩa rất quan trọng khi nhận giải: nhà vô địch sẽ được thưởng một lượng bia có trọng lượng đúng bằng người mình vác.

Theo truyền thuyết, phong tục trên xuất hiện tại Phần Lan từ cuối thế kỷ XIX. Một tên trộm có tên Rovo-Ronkainen cùng đồng bọn đánh cướp một ngôi làng. Chúng vơ vét mang theo không chỉ của cải mà cả vợ của các nạn nhân. Tất nhiên những cuộc thi hiện nay hoàn toàn không tiêu cực như thế: thí sinh chỉ tạm mượn vợ của người khác để tranh giải trước khi trả lại.

Lễ hội có tên Eukonkanto diễn ra vào mỗi mùa hè kể từ năm 1992. Cụ thể trong năm 2018 này đã được ấn định vào ngày 6-7.

Hỗn chiến bằng rượu vang

Một đoàn người mặc đồ trắng từ 7 giờ sáng đã xuất hiện trên đường phố thị trấn của Tây Ban Nha, hướng tới khu vực tảng đá cầu nguyện Bilibio. Trên tay của họ là tất cả những loại bình hũ chứa đầy rượu vang đỏ. Dẫn đầu đoàn người không ai khác chính là thị trưởng thành phố.

Tới được vách đá Bilibio - nằm cách thành phố Aro của Tây Ban Nha 7 kilomet - những người tham gia lễ hội Batalla de Vino tổ chức một buổi lễ trọng thể suy tôn vị thánh San-Pedro. Tuy nhiên, phần sau của lễ hội mới thực sự gây chú ý. Trong vài giờ liền, mọi người đổ xô tưới lên nhau hàng chục ngàn lít rượu Rioja, một loại rượu vang đỏ nổi tiếng của địa phương.

Cuộc chiến rượu vang tại lễ hội Batalla de Vino.

Dù quần áo và giày dép đều thấm đẫm rượu vang nhưng tất cả đều rất hạnh phúc. Khi đã thấm mệt sau cuộc chiến rượu vang, người dân lại quây quần quanh đống lửa, thưởng thức các món lót dạ và chính loại rượu vang Rioja.

Tương truyền kể rằng, lễ hội Batalla de Vino nảy sinh từ những tranh cãi giành quyền sở hữu một số ngọn núi nằm giữa hai thành phố Aro và Miranda de Ebro. Cuộc chiến rượu vang này diễn ra hằng năm vào đúng ngày Thánh San-Pedro, tức ngày 29-6.

Gãy xương chỉ vì phomat

Ngay từ sáng sớm, một đám đông người đã tập trung trên đỉnh đồi Cooper. Ngay khi có tín hiệu xuất phát, tất cả tràn xuống đuổi theo một bánh phomat to đang lăn xuống, chẳng hề e ngại nguy cơ chấn thương gãy chân, tay hay cổ. Đó chính là hình ảnh nổi tiếng của Cooper's Hill Cheese Rolling, một lễ hội khá mạo hiểm vào mùa xuân hằng năm mà người Anh đã tổ chức từ hơn 200 năm qua.

Theo quy định, người chiến thắng sẽ là người tới được vạch đích đầu tiên và lấy được bánh phomat Gloucester (đó cũng chính là phần thưởng). Trong suốt lễ hội, luôn có một một tổ cấp cứu trực sẵn ở chân đồi vì thông thường mỗi năm đều có trung bình vài chục người phải chịu các mức độ chấn thương khác nhau.

Cũng vì mức độ mạo hiểm cao, ban tổ chức đã quyết định giảm trọng lượng bánh phomat từ 18 kg xuống còn 5 kg. Lễ hội Cooper's Hill Cheese Rolling diễn ra hằng năm vào Thứ hai cuối cùng của tháng 5 gần thành phố Gloucester của Anh.

Kim Lai (tổng hợp)
.
.