Những vụ chuyển nhượng kỳ quặc của làng bóng đá thế giới

Thứ Hai, 05/02/2018, 15:50
CLB Harunustaspor tại Thổ Nhĩ Kỳ mới đây có vẻ như đã “chơi shock” khi trở thành CLB đầu tiên trên thế giới dùng tiền điện tử Bitcoin để mua cầu thủ. Tuy nhiên, việc đưa Bitcoin vào hợp đồng chuyển nhượng có vẻ như chỉ để gây shock, bởi cùng với đó vẫn là một lượng tiền mặt tương đối, lớn hơn nhiều so với lượng tiền ảo được biết đến trong vụ chuyển nhượng.

Với thương vụ chuyển nhượng dị thường của Harunustaspor, làng bóng đá thế giới trước đó đã ghi nhận một số thương vụ có phí chuyển nhượng kỳ quặc không kém.

Xét cả về bề dày truyền thống cũng như đẳng cấp, CLB Harunustaspor rõ ràng chỉ là cái chấm rất mờ nhạt trên bản đồ bóng đá Thổ Nhĩ Kỳ. Thậm chí chẳng mấy ai biết đến sự tồn tại của đội bóng thuộc dạng làng nhàng. Lép vế hoàn toàn trước những tên tuổi nổi đình nổi đám của bóng đá Thổ Nhĩ Kỳ như Galatasaray, Besiktas hay Fenerbahce song CLB Harunustaspor lại đang xuất hiện với tần suất dày đặc trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng.

Omer Faruk Kiroglu gây chú ý vì được CLB Harunustaspor định giá bằng Bitcoin.

Màn “chiếm sóng” của Harunustaspor xuất phát từ việc hoàn tất vụ chiêu mộ cầu thủ Omer Faruk Kiroglu theo hợp đồng vừa ký có hiệu lực đến hết mùa giải năm nay liên quan đến Bitcoin. Khác hẳn với các loại tiền tệ điển hình, Bitcoin không có một ngân hàng trung ương nào quản lý và cũng không được công nhận tại nhiều quốc gia.

Hệ thống hoạt động của Bitcoin dựa trên một giao thức mạng ngang hàng trên Internet, đồng thời sự cung ứng của nó là tự động, hạn chế, được phân chia theo lịch trình định sẵn dựa trên các thuật toán. Với sự biến động liên tục về tỷ giá, loại tiền ảo này ít nhiều đã gây cơn sốt ở nhiều quốc gia trên thế giới cho dù đã được cảnh báo về nguy cơ rủi ro tiềm ẩn.

Quay trở lại vụ ký hợp đồng của CLB Harunustaspor với anh chàng cầu thủ Omer Faruk Kiroglu. Theo báo giới Thổ Nhĩ Kỳ, CLB Harunustaspor chi ra 0,0524 Bitcoin (tương đương 385 bảng vào thời điểm thương vụ được thực hiện) cộng thêm số tiền 2.500 lira (đơn vị tiền Thổ Nhĩ Kỳ, tương đương 841 bảng) tiền mặt để có được chữ ký của Kiroglu.

Qua đây, vụ chuyển nhượng này trở thành vụ chuyển nhượng đầu tiên từ trước đến nay trong làng bóng đá Thổ Nhĩ Kỳ nói riêng và bóng đá thế giới nói chung với phí chuyển nhượng bằng Bitcoin. Với giọng đầy phấn khích, Chủ tịch Haldun Sehit của CLB Harunustaspor phát biểu trước báo giới: “Đây chắc chắn là vụ chuyển nhượng tạo ra tiền lệ chưa từng có ở Thỗ Nhĩ Kỳ cũng như trên thế giới. Dù thế nào, chúng tôi cũng rất tự hào vì đã làm được điều này”.

Vẫn theo Chủ tịch Sehit, cá nhân ông hy vọng thông qua đây, CLB Harunustaspor sẽ được biết đến nhiều hơn trên bản đồ bóng đá thế giới cũng như... cộng đồng Bitcoin(!?). Về phần mình, bản thân anh chàng cầu thủ 22 tuổi Kiroglu đã bộc bạch, anh luôn thích những điều mới mẻ trong cuộc sống. Bởi thế Kiroglu sẵn lòng gia nhập CLB Harunustaspor dù được định giá bằng Bitcoin.

Với thương vụ chuyển nhượng dùng Bitcoin để chiêu mộ cầu thủ, CLB Harunustaspor đã tự điền tên mình vào danh sách những vụ chuyển nhượng có hình thức thanh toán dị thường nhất trong lịch sử chuyển nhượng của bóng đá thế giới. Cái tên đầu tiên nhắc tới ở đây là CLB  Flekkeroy tại Na Uy khi chỉ bỏ ra... 75 kg tôm tươi để có được chữ ký của tiền đạo Kenneth Kristensen từ CLB Vindbjart trong năm 2002.

Sở dĩ có sự lạ lùng khôi hài ấy bởi Kristensen một mực đòi trả phí chuyển nhượng bằng lượng tôm tươi nặng đúng trọng lượng của anh ta. Sau khi nhận đủ 75 kg tôm tươi, anh chàng tiền đạo vốn máu mê chén hải sản như Kristensen đã tổ chức ngay một bữa tiệc nướng ngoài trời toàn tôm với tôm để thết đãi đồng đội mới. Theo lời thừa nhận từ một số cầu thủ Flekkeroy, đó là bữa tiệc nướng đáng nhớ mà họ sẽ chẳng bao giờ quên được.

Cũng liên quan đến chuyện dùng thực phẩm để chiêu mộ cầu thủ còn có CLB Jiul Petrosani ở Romania. Sau khi bị xuống hạng ở giải Vô địch quốc gia Romania trong năm 1998, CLB Jiul Petrosani rơi vào cảnh túng bấn, nợ nần và buộc phải đẩy tiền vệ Ion Radu sang CLB Chimia Ramnicu Valcea. Mất đi sự phục vụ của Ion Radu song bù lại ban huấn luyện cũng như số cầu thủ còn lại của Jiul Petrosani hả hê ra mặt khi được Chimia Ramnicu Valcea chuyển tới 2 tấn thịt bò và thịt lợn.

Trong năm 2006, CLB Regal Hornia đã gây sửng sốt với nhiều người khi bỏ ra 15kg xúc xích để chiêu mộ hậu vệ người Romania, Marius Cioara từ CLB UT Arad. Chẳng hiểu có phải chạm đến lòng tự ái hay không mà Cioara đã quyết định từ giã sân cỏ ngay sau khi chuyển tới Regal Hornia.

Ngoài số CLB chăm chăm đổi cầu thủ lấy thực phẩm, còn có những CLB khác dùng những hiện vật kỳ quặc không kém phần để chiêu mộ cầu thủ. Đơn cử như CLB Middlesbrough đã dùng trang phục thi đấu, những quả bóng và một mành lưới ở khung thành để có Gary Pallister từ CLB Billingham Town trong năm 1984.

Tương tự như Gary Pallister, Franco Di Santo đầu quân cho CLB Audax Italiano từ CLB Tiro Suizo trong năm 2005 với mức phí chuyển nhượng là 12 quả bóng, 2 lưới bóng đá và 40 lít sơn. Một thương vụ nữa khá ồn ào và ly kỳ là vụ CLB Barcelona đưa ra đề nghị với CLB Alaves trong việc sẵn sàng đẩy đi hậu vệ Douglas với điều kiện ông chủ Josean Querejeta của Alaves nhả vận động viên Adam Hanga của... đội bóng rổ Laboral Kutxa (Querejeta cũng là chủ sở hữu đội bóng rổ Laboral Kutxa) trong năm 2016.

Đáng tiếc thương vụ đã bất thành khi Josean Querejeta từ chối lời đề nghị nghe có vẻ kỳ lạ và như đùa từ Barcelona.

Bảo Quyên
.
.