Kỳ thú thị trường chuyển nhượng cầu thủ

Thứ Ba, 08/08/2017, 10:46
Đằng sau những hoạt động giao dịch tưởng như chỉ đơn thuần là mua đi bán lại, thị trường chuyển nhượng (TTCN) cầu thủ hóa ra lại ẩn chứa khá nhiều điều kỳ thú mà nhiều người còn chưa biết đến. Thực chất chuyển nhượng cầu thủ là như thế nào?


6 bước hoàn tất

Đến hẹn lại lên, TTCN mùa Hè 2017 tiếp tục lôi cuốn sự chú ý đặc biệt từ người hâm mộ khi chứng kiến một loạt thương vụ mua bán đình đám. Chẳng hạn như trường hợp tiền đạo Romelu Lukaku gia nhập Câu lạc bộ (CLB) Man United từ Everton với mức phí 75 triệu bảng. Thực tế, kỳ chuyển nhượng mùa Hè chỉ là một trong hai kỳ chuyển nhượng trong năm mà các CLB được phép mua sắm cầu thủ theo quy chế đưa ra từ Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA).

Cụ thể hơn, ngoài TTCN mùa Hè diễn ra thông thường từ ngày 1/6 đến ngày 31/8 mỗi năm, còn có TTCN mùa Đông được mở cửa từ ngày 1/1 đến ngày 31/1 qua từng năm. Có thể nói, TTCN là một trong những yếu tố tác động khá lớn đến sự thành bại của cả một đội bóng nhờ vào việc bổ sung lực lượng.

Có lẽ hẳn nhiều người sẽ cùng đặt ra câu hỏi: Vậy thì một bản hợp đồng chuyển nhượng với cánh cầu thủ sẽ được hoàn tất như thế nào? Chớ vội nghĩ rằng nó chỉ dừng lại ở việc ngã giá giữa CLB muốn mua cầu thủ với phía CLB bán cầu thủ, thay vào đó, nó bao gồm khá nhiều bước khác nhau trong một quy trình được quy định chặt chẽ. Bước đầu tiên phải nhắc đến là việc tìm kiếm cầu thủ phù hợp cho đội bóng.

Thương vụ David de Gea đổ bể do không kịp gửi hồ sơ lên TMS.

Thường thì mỗi CLB tại những giải đấu hàng đầu ở châu Âu luôn có bộ phận tuyển trạch viên (scout), những người được coi là trợ thủ đắc lực cho huấn luyện viên (HLV) trong việc phát hiện, tìm mua cầu thủ. Dựa vào những bản báo cáo đưa về sau những lần xem "giò cẳng" các cầu thủ qua thực tế ra sân thi đấu cộng thêm đánh giá từ đội ngũ chuyên gia tư vấn mà HLV có quyết định chấm cầu thủ đấy hay không.

Cùng với tuyển trạch viên, giám đốc kỹ thuật cũng là kênh tham khảo với nhiều HLV, thậm chí còn được coi là "đôi mắt" giúp HLV thêm tinh tường hơn trong khoản tìm kiếm. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp cá biệt mà HLV là người quyết định tất cả không cần có giám đốc kỹ thuật; chẳng hạn như trường hợp của cựu HLV nổi tiếng người Scotland, Sir Alex Ferguson khi còn ngồi trên băng ghế chỉ đạo của CLB Man United hay HLV kỳ cựu người Pháp, Arsene Wenger tại Arsenal. Phải thừa nhận, cả Sir Alex Ferguson lẫn Arsene Wenger đều là những bậc thầy về khoản "mua rẻ bán đắt" với nhiều cầu thủ mà họ đưa về.

Một điều thú vị cần nhắc tới ở đây là có khá nhiều phần mềm chuyên dụng tìm kiếm cầu thủ như Scout7, DataScout, WyScout, Prozone… hiện đang được các CLB áp dụng để hỗ trợ cho tuyển trạch viên. Ngay cả trò chơi quản lý bóng đá Football Manager với cơ sở dữ liệu khá chi tiết, kỹ càng về cầu thủ đã được một số CLB sử dụng để dò tìm cầu thủ ưng ý.  

Sau bước đầu tiên là tìm kiếm cầu thủ, bước thứ 2 là CLB muốn mua cử đại diện gặp gỡ đại diện của CLB đang sở hữu cầu thủ, tiếp đến là tiếp xúc người đại diện của cầu thủ để tìm hiểu thêm thông tin như mức lương đang thực lĩnh, mức phí chuyển nhượng là bao nhiêu… Biết là thế, ấy vậy mà có một số CLB muốn mua đã vội vã tiếp xúc với cầu thủ qua kênh trung gian là người đại diện mà không được phép của CLB chủ quản để rồi lãnh đủ. Như từng xảy ra, CLB Liverpool suýt nữa đã bị Southampton khởi kiện do tiếp xúc trái phép với trung vệ Virgil van Dijk.

Thông qua màn gặp gỡ theo quy chế FIFA, phía CLB muốn mua sẽ gửi lời đề nghị chính thức đến CLB sở hữu cầu thủ. Trong trường hợp được CLB sở hữu cầu thủ bật đèn xanh, đại diện CLB muốn mua sẽ tiếp tục với bước thứ 3 là tiến hành đàm phán với cầu thủ. Về cơ bản, màn đàm phán điều khoản cá nhân với cầu thủ xoay quanh một số tiêu chí cụ thể như tiền lương, tiền thưởng phụ thuộc vào thành tích thi đấu, phí lót tay cho cầu thủ đó.

Ngoài ra, màn đàm phán này còn đề cập đến cả trị giá của điều khoản giải phóng hợp đồng. Mặc dù vậy cũng có không ít trường hợp cầu thủ lại đưa ra những yêu cầu có thể nói là "dị thường" để phía CLB muốn mua phải chấp thuận. Đơn cử như cựu danh thủ người Hà Lan, Dennis Berkamp trước khi ký hợp đồng với Arsenal trong năm 1995 đã đưa ra điều kiện anh sẽ không bay đi đâu hết vì sợ… đi máy bay!? Song song với đó, CLB bán cầu thủ cũng sẽ đàm phán riêng với người đại diện về phần trăm hoa hồng nhận được từ thương vụ bán cầu thủ.

Kiểm tra sức khỏe là thủ tục bắt buộc trong hợp đồng chuyển nhượng.

Sau 4 bước kể trên, thương vụ chuyển nhượng chuyển sang bước thứ 5 là cầu thủ tiến hành kiểm tra sức khỏe trước khi chính thức ký vào hợp đồng. Một thủ tục nữa trong bước này là CLB chiêu mộ được cầu thủ tổ chức lễ ra mắt. 

Đương nhiên, nếu cầu thủ mua về càng nổi tiếng bao nhiêu thì màn ra mắt sẽ được tổ chức càng rầm rộ, ầm ĩ bấy nhiêu trước sự chứng kiến của giới truyền thông cũng như đông đảo cổ động viên. Tới tận bây giờ khối người vẫn còn bàn tán rôm rả về chuyện Cristiano Ronaldo đã được đám đông lên tới 80.000 người kéo đến ngồi chật kín SVĐ Bernabeu để chứng kiến màn ra mắt của siêu sao này hôm 6/7/2009 sau khi đầu quân cho Real Madrid từ Man United.

Cuối cùng nhưng cũng không kém phần quan trọng là các CLB phải gửi tới Hệ thống chuyển nhượng quốc tế của FIFA (TMS) toàn bộ dữ liệu bắt buộc về cầu thủ, giải trình mọi chi phí liên quan đến vụ chuyển nhượng.

Không thừa khi nhắc lại hệ thống quản lý chuyển nhượng trực tuyến kể trên đã được FIFA áp dụng từ năm 2010 thay vì cách thức sử dụng máy fax để gửi văn bản về hợp đồng chuyển nhượng như trước kia. Nếu như dữ liệu nhập vào TMS dù chỉ có một chút sai lệch, FIFA sẽ lập tức không công nhận thương vụ chuyển nhượng. Thế mới có chuyện, thủ thành nổi tiếng người Tây Ban Nha, David de Gea đã rơi vào cảnh dở khóc dở cười khi không thể chuyển tới thi đấu cho CLB Real Madrid từ Man United trong mùa Hè năm 2015 là bởi không kịp gửi hồ sơ lên TMS.

Tùy tính chất của mỗi thương vụ mà hợp đồng chuyển nhượng của cầu thủ lại được chia thành những dạng hợp đồng khác nhau. Phổ biến hơn cả vẫn là hợp đồng mua đứ,t được hiểu nôm na là phía CLB muốn mua sẽ bỏ ra số tiền nhất định mua dứt điểm một lần cầu thủ từ phía CLB bán đi. Cùng với đó là hợp đồng dưới dạng cho mượn với việc cầu thủ sẽ chuyển tới thi đấu cho một CLB khác với thời hạn cụ thể, chẳng hạn như hết cả mùa giải trước khi được CLB chủ quản gọi trở về.

Ngoài hợp đồng mua đứt và cho mượn, còn có thêm hợp đồng trao đổi trên TTCN. Cụ thể hơn, ngoài khoản phí chuyển nhượng, CLB muốn mua sẽ cược thêm một cầu thủ khác để đổi lấy sự phục vụ của cầu thủ mà họ muốn mua về. Ví dụ điển hình ở đây là CLB nổi tiếng tại Tây Ban Nha, Barcelona đã cược tiền đạo người Cameroon, Samuel Eto'o cộng thêm khoản phí 46 triệu euro để đưa về cây săn bàn người Thụy Điển, Zlatan Ibrahimovic theo chiều ngược lại trong năm 2009.

Trong tay “siêu cò”

Nhắc tới TTCN không thể không nhắc đến những tay trùm môi giới hay còn được ví von là những "siêu cò". Đặc biệt, tay cò người Bồ Đào Nha, Jorge Mendes và tay cò người Italia gốc Hà Lan, Mino Raiola hiện đang là hai "siêu cò" có quyền lực nhất nhì trong thế giới bóng đá khi thao túng một loạt thương vụ chuyển nhượng thuộc dạng "bom tấn". Tới mức có người đã thốt lên đại ý là tương lai của không ít đội bóng giờ đây chẳng khác nào nằm trong tay của của Mendes và Raiola.

Jorge Mendes và Mino Raiola, hai ông trùm môi giới cầu thủ.

Ngay trong kỳ chuyển nhượng mùa Hè năm nay, Raiola cùng Mendes lại khiến khối người thán phục ra mặt khi là đạo diễn của một số vụ chuyển nhượng tốn khá nhiều giấy mực của báo giới trong thời gian qua. Raiola là đạo diễn giúp CLB Man United nẫng tay trên của Chelsea trong việc chiêu mộ thành công tiền đạo có lối chơi càn lướt, mạnh mẽ Romelu Lukaku từ Everton. Còn trước đó, cũng chính Raiola đã bỏ túi ngon lành số tiền 41 triệu bảng từ việc đưa tiền vệ người Pháp, Paul Pogba từ Juventus sang Man United theo hợp đồng trị giá 89 triệu bảng ở phiên chợ Hè năm ngoái.

Tương tự như Raiola, Mendes đã kịp ghi dấu ấn khi đưa bộ đôi ngôi sao Bernando Silva và Ederson đầu quân cho Man City trong TTCN mùa Hè năm nay. Hơn thế nữa, Mendes còn nhận được sự nể phục khi giữ vị trí số 1 trong việc "cai quản" thị trường chuyển nhượng cầu thủ Latinh. Hầu hết những ngôi sao sân cỏ là thân chủ của Mendes đến từ Nam Mỹ, chẳng hạn như Radamel Falcao Nicolas Otamendi, James Rodriguez…

Số cầu thủ còn lại hoặc là mang quốc tịch Tây Ban Nha hoặc là mang quốc tịch Bồ Đào Nha. Nổi bật nhất trong số đó phải kể đến siêu sao người Bồ Đào Nha, Cristiano Ronaldo hiện đang thi đấu cho CLB Real Madrid tại La Liga. Nhờ có sự đạo diễn của Mendes mà CR7 đã cập bến Real Madrid từ Man United trong năm 2009 với mức giá chuyển nhượng 80 triệu bảng từng gây sốc với giới mộ điệu.

Một thống kê rất thú vị đưa ra mới đây từ tờ nhật báo Marca (Tây Ban Nha) cho thấy, Mendes và Raiola hiện đang nắm  trong tay 2 siêu đội hình thân chủ với trị giá lên đến 1 tỷ 448 triệu euro với một loạt ngôi sao thuộc hàng thượng thặng trong làng túc cầu thế giới. Chi tiết, đội hình những ngôi sao mà Mendes làm đại diện hiện có giá trị vào khoảng 865 triệu euro. Còn với "siêu cò" Raiola, giá trị đội hình 11 ngôi sao hàng đầu mà ông ta làm đại diện cũng chẳng hề chịu kém cạnh chút nào. Ước tính trị giá siêu đội hình bầy sao mà Raiola "cai quản" vào khoảng 583 triệu euro.

Bên cạnh Mendes và Raiola, danh sách những trùm môi giới khét tiếng còn những cái tên đáng chú ý khác như Jonathan Barnett, Volker Struth, Jose Otin, Fernando Felicevich,  Thomas Kroth…

Tương tự như  Mendes và Raiola, lần lượt những người đại diện như Jonathan Barnett, Volker Struth, Jose Otin, Fernando Felicevich, Thomas Kroth… trước đó là tác giả của khá nhiều vụ chuyển nhượng gây sự chú ý của đông đảo người hâm mộ. Đơn cử như Jonathan Barnett là người đã góp công giúp CLB Real Madrid chiêu mộ thành công cầu thủ chạy cánh người Xứ Wales, Gareth Bale từ CLB Tottenham.

Với những gì đang diễn ra trên thực tế, có thể thấy rõ vượt lên trên khuôn khổ đơn thuần của một kênh trung gian giữa bên mua và bên bán, những "siêu cò" như Jorge Mendes hay Mino Raiola đã có sự tác động đáng kể đến hoạt động giao dịch trên TTCN trong làng bóng đá châu Âu nói riêng và làng bóng đá thế giới nói chung.

Bảo Quyên
.
.