Ô nhiễm môi trường đe dọa di tích – tượng đài tình yêu vĩnh cửu Taj Mahal

Thứ Bảy, 04/06/2016, 11:15
Trong thời gian gần đây, di sản văn hóa nổi tiếng thế giới Taj Mahal ở Agra, thuộc bang Uttar Pradesh, miền bắc Ấn Độ bị đe dọa nghiêm trọng bởi ô nhiễm môi trường cũng như sự tấn công phá hoại của… chất thải từ côn trùng.

Theo báo cáo của các nhà nghiên cứu môi trường, côn trùng bay đến từ con sông ô nhiễm Yamuna gần đó làm ô uế những bức tường đá cẩm thạch trắng tinh của lăng mộ cổ Taj Mahal với những mảng chất thải màu xanh đen. Trong nhiều năm qua, tượng đài tình yêu vĩnh cửu Taj Mahal của thế kỷ XVII còn bị đe dọa bởi những công trình xây dựng, một cơ sở hỏa táng và thậm chí bom đạn.

Theo báo cáo từ nhà hoạt động môi trường Ấn Độ DK Joshi, một cuộc xâm lấn quy mô của loài côn trùng có tên khoa học là Chironomus Calligraphus (Geoldichironomus) đang biến Taj Mahal “trắng” thành màu “xanh” bẩn thỉu. Joshi đã làm đơn kiến nghị gửi đến Tòa án Xanh Quốc gia, tòa án đặc biệt được chính quyền Ấn Độ thành lập để xử lý những vấn đề về môi trường ở nước này.

Du khách đổ xô về Taj Mahal.

Trong bản kiến nghị, ông nhấn mạnh “sự bùng nổ sinh sản” của côn trùng nơi con sông ô nhiễm nặng nề Yamuna là tác nhân chính phá hoại vẻ đẹp của “tượng đài tình yêu”. Tất cả 52 cống rãnh đã đổ thẳng rác thải trực tiếp xuống Yamuna nằm ngay phía sau Taj Mahal và nước sông bị tù đọng đến mức giết chết dần những con cá mà trước đây chúng kiềm chế khả năng sinh sản của côn trùng.

Con sông ô nhiễm Yamuna.

Điều đó giải thích tại sao loài côn trùng bẩn thỉu Chironomus bắt đầu sinh sản tràn lan nơi con sông. Vết bẩn mà côn trùng để lại trên nền tường đá cẩm thạch bám dính rất chặt khiến nhóm nhân công ở Cơ quan Điều tra Khảo cổ Ấn Độ (ASI) được thường xuyên phái đến phải hết sức cố gắng cọ rửa đến mức có nguy cơ làm mất đi sắc óng ánh của những bức tường. Theo Joshi, giải pháp duy nhất đơn giản song hiệu quả là tiến hành làm trong sạch con sông Yamuna.

Cơ sở hỏa táng gần Taj Mahal.

Được Hoàng đế Shah Jahan xây dựng dành tặng cho người vợ yêu Mumtaz Mahal (chết khi sinh nở), lăng mộ Taj Mahal được coi là một trong những kỳ quan tuyệt vời nhất thế giới. Taj Mahal cũng là điểm tham quan du lịch lớn nhất Ấn Độ - nơi thường xuyên đón tiếp những nguyên thủ quốc gia, nhân vật nổi tiếng và hàng triệu du khách trong nước cũng như đến từ nước ngoài vào mỗi năm.

Thế nhưng trong nhiều năm qua, bầu không khí ô nhiễm từ những khu công nghiệp xung quanh và một nhà máy lọc dầu gần đó đã làm ố vàng những bức tường đá cẩm thạch trắng bóng của Taj Mahal.

Để phục hồi vẻ đẹp trước đây của Taj Mahal, ASI từng cho trét lên những bức tường đá cẩm thạch loại “bột nhão” đặc biệt để hút ra những chất ô nhiễm.

An ninh thắt chặt xung quanh Taj Mahal.

Manoj Bhatnagar, lãnh đạo khoa hóa chất của ASI, cho biết loại bột nhão này được chế tạo theo công thức truyền thống mà phụ nữ Ấn Độ thời xa xưa sử dụng để dưỡng da mặt. Bhatnagar giải thích: “Một lớp đất tẩy màu - một loại đất sét trầm tích giàu cacium oxide – pha với nước theo tỷ lệ nhất định được trét lên những bức tường và để cho khô trong 24 giờ. Sau khi lớp đất sét này khô cứng lại, nó sẽ được nạy ra và bề mặt tường được rửa sạch bằng nước cất tinh khiết để loại bỏ những chất bẩn cứng đầu”.

Taj Mahal được xử lý ô nhiễm theo cách này vài lần trong những năm 1994, 2001, 2008 và mới đây nhất là năm 2014. Tuy nhiên, Manoj Bharnagar thông báo đợt xử lý Taj Mahal tiếp theo sẽ bắt đầu khi thời tiết mát dịu đi - bởi vì, không khí nóng quét qua Ấn Độ hiện nay làm lớp đất sét khô quá nhanh khiến nó không còn hiệu quả.

Tháng 11-2002, chính quyền bang Uttar Pradesh nghiên cứu về dự án xây dựng khu phức hợp mua sắm mới gần Taj Mahal. Chính quyền bang lúc đó cho rằng khu mua sắm mới cần được xây dựng để di dời những cửa hàng gần Taj Mahal theo lệnh từ Tòa án Tối cao Ấn Độ. Chính quyền bang cũng nhận định sau khi khu mua sắm được mở cửa, du khách tham quan Taj Mahal sẽ không còn phải đi qua những con đường đông đúc và ô nhiễm.

Tuy nhiên, dự án đã nhanh chóng vấp phải sự chống đối quyết liệt từ những nhà hoạt động môi trường – cho rằng nó vi phạm luật bảo vệ môi trường và gây nguy cơ cho Taj Mahal. Cuối cùng, dự án khu mua sắm của bang Utter Pradesh bị hủy bỏ. Năm 2105, Tòa án Tối cao Ấn Độ ra lệnh di dời cơ sở hỏa táng đốt bằng củi gây ô nhiễm gần Taj Mahal để bảo vệ lăng mộ trước sự tấn công của khói và tro bụi.

Theo lệnh tòa án, cơ sở hỏa táng đã 200 năm tuổi phải được di dời khẩn cấp hoặc xây mới lò thiêu sử dụng điện nhằm hạn chế ô nhiễm cho Taj Mahal. Tuy nhiên, chính quyền bang Uttar Pradesh vẫn chưa thể di dời theo lệnh tòa án vì đang đối mặt với làn sóng phản đối dữ dội từ các nhóm người Hindu.

An ninh ở Taj Mahal cũng được thắt chặt hồi năm 2015 sau khi có tin tổ chức  khủng bố Al Qaeda đe dọa tấn công phá hủy lăng mộ. Đây không phải lần đầu tiên Taj Mahal trở thành mục tiêu khủng bố. Hồi tháng 1-2001, an ninh cũng được tăng cường tối đa quanh Taj Mahal sau khi có thông tin tình báo về âm mưu đánh bom di tích này của nhóm chiến binh Lashkhar-e-Taiba (LeT) đóng ở Pakistan.

Cảnh sát Ấn Độ phát hiện âm mưu sau khi điều tra một email của nhóm khủng bố. Trong khi đó, người phát ngôn cho LeT bác bỏ cáo buộc, nhấn mạnh rằng chính quyền Delhi muốn tuyên truyền nhằm mục đích “gây mất thể diện” cho nhóm!

Duy Ân (tổng hợp)
.
.