Oscar và những góc khuất
Sự kiện này đã khiến thế giới điện ảnh kinh ngạc và thậm chí chia làm hai luồng dư luận. Một bên ủng hộ vì cuối cùng dòng phim siêu anh hùng cũng được ghi nhận, một bên phản đối khi cho rằng những tác phẩm như “Black Panther” thiếu đi yếu tố nghệ thuật để nhận giải Oscar. Điều đáng nói là từ trước đến nay các bộ phim siêu anh hùng thường bị gán mác “mỳ ăn liền” và gần như ít có tính nghệ thuật.
Sự kiện này không chỉ gây sốc, mà còn phơi bày những góc khuất về giải Oscar nói riêng và về xã hội Mỹ nói chung.
“Black Panther” và thông điệp vang vọng khắp nước Mỹ
Nhắc lại hồi năm 2017, một bộ phận lớn khán giả nói chung đều mong muốn bộ phim về nhân vật Người Sói phần cuối cùng mang tên “Logan” sẽ được ghi nhận tại lễ trao giải Oscar danh giá. Tuy nhiên năm đó, hãng 20th Century Fox cũng có một bộ phim khác là “The Shape of Water” (Hình hài của nước). Cả hai bộ phim này đều được mang đi tranh giải và kết quả thế nào chúng ta đã biết: “The Shape of Water” nhận được 13 đề cử và giành chiến thắng ở 4 giải quan trọng nhất. Trong khi đó, “Logan” chỉ được đề cử ở hạng mục Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất và đã chịu thua trước “Call me by your name” (Gọi em bằng tên anh).
“Black Panther” được xem như một hiện tượng văn hóa tại Mỹ. |
Giải Oscar từ trước tới giờ luôn là một cuộc đua giữa các hãng phim. Hãng nào chịu đầu tư cho phần vận động hành lang thì phim của hãng đó sẽ càng có cơ hội được đề cử và ăn giải.
Một bộ phim bắt buộc phải được vận động ở Viện Hàn lâm thì mới có giải. Viện Hàn lâm có sự hạn chế về nhân lực và họ không thể xem hết hơn 600 bộ phim mà Hollywood đã sản xuất ra trong năm vừa rồi. Các hãng phải gửi các bộ phim được chọn đến Viện Hàn Lâm thì tổ chức này mới bắt đầu xem xét rồi đánh giá. Sau đó quá trình quan trọng nhất là hoạt động "đi đêm" giữa các ông lớn bắt đầu.
Từ đó ta có thể hiểu phần nào lý do vì sao bộ phim “Black Panther” được đề cử tại giải Oscar 2019. Disney hẳn đã đầu tư không ít tiền bạc và công sức để bộ phim này có được tới 7 đề cử, trong đó có cả đề cử danh giá số một là Phim xuất sắc nhất.
Nói tới chuyện “Black Panther” được đề cử Phim xuất sắc nhất. Từ trước tới nay dòng phim siêu anh hùng thường bị gán mác là phim giải trí và chỉ mang tính chất “mỳ ăn liền”. Việc “Black Panther” được đề cử ở nhiều hạng mục đã thay đổi tất cả.
Thế nhưng đây không phải là dấu hiệu Viện Hàn lâm chịu nhìn nhận phim chuyển thể từ comic (truyện tranh) cũng như dòng phim siêu anh hùng. Cũng không có nghĩa là hễ cứ có phim siêu anh hùng nào xuất sắc là sẽ được đề cử Oscar. “Black Panther” là một ngoại lệ vì hiệu ứng mà bộ phim mang tới cho xã hội.
Trước “Black Panther”, đã có một số bộ phim được cân nhắc cho giải Oscar và đều trượt chân. Nhưng tất cả phim đó đều thiếu đi một thứ mà “Black Panther” sở hữu - đó là một hiện tượng văn hoá.
Đã bao giờ người da màu được thể hiện trên điện ảnh giống như “Black Panther” chưa? Đã có bộ phim siêu anh hùng nào thể hiện được vấn đề sắc tộc như “Black Panther” chưa?
Câu trả lời là chưa. Chưa có một bộ phim siêu anh hùng nào về vấn đề sắc tộc được xã hội Mỹ nhắc tới nhiều như vậy. Không chỉ mô tả về văn hóa của những người gốc Phi, bộ phim còn ẩn chứa những thông điệp về nữ quyền, vốn đang tạo nên các phong trào ủng hộ mạnh mẽ trong xã hội Mỹ.
Những bộ phim khác có thể hay hơn, nhưng mức độ ảnh hưởng và tầm quan trọng với văn hóa đại chúng thì không thể nào bằng “Black Panther” được.
Có một số người phản biện rằng nếu xét trên khía cạnh văn hóa, bộ phim “If Beale street could talk” (Tạm dịch: Nếu phố Beale biết nói) xứng đáng có mặt hơn. Nhưng nhìn lại, phim được phát hành bởi hãng Annapurna Pictures, một hãng phim nhỏ bé mà nếu nói vui, Disney thích mua lại lúc nào cũng được. Nếu vậy, họ lấy đâu ra thế mạnh tài chính và sức ảnh hưởng để đi vận động hành lang cạnh tranh với Disney?
Oscar là của người Mỹ
Oscar là giải của Viện Hàn lâm Mỹ, là Academy Awards, chứ không phải những giải dựa vào bình bầu của khán giả như Critics' Choice Awards hay People's Choice Awards. Do đó, có thể hiểu ý kiến của cộng đồng phim ảnh trên thế giới sẽ không có nhiều giá trị gì tới quyết định của 7.000 thành viên của Viện Hàn lâm.
Bradley Cooper (trái) đã không được ghi nhận trên cương vị là đạo diễn. |
Và nên nhớ là giải này là giải của nước Mỹ, chứ không có giá trị toàn cầu. Do đó các giải thưởng của Viện Hàn lâm sẽ chỉ tôn vinh những thông điệp và giá trị của nước Mỹ trước tiên. Nhiều người cho rằng Viện Hàn lâm đang quá “thiên vị” về một số phân khúc. Thực tế lập luận này đúng và Viện Hàn lâm không quan tâm đến các quốc gia khác nhiều hơn bản thân nước họ.
Mặc dù là giải thưởng của Viện Hàn lâm Mỹ và không đặt trọng tâm vào các giá trị toàn cầu. Thế nhưng, giải thưởng Oscar chưa chắc đã “công tâm” như chúng ta mong đợi. Trái lại, Oscar rất dễ bị áp lực bởi những phong trào hay xu hướng trong xã hội Mỹ.
Việc Bradley Cooper bị từ chối đề cử giải Đạo diễn xuất sắc nhất dù gây sốc, nhưng phần nào có thể hiểu được. Trong bộ phim “A Star is Born” (Vì sao vụt sáng), phản ánh rất tốt nội tâm giằng xé của một người đàn ông, thể hiện được tấm lòng sẵn sàng hy sinh vì người yêu của mình. Thế nhưng sự dàn xếp lẫn diễn xuất của đạo diễn kiêm diễn viên Bradley Cooper trong mắt các thành viên Viện Hàn lâm vẫn là chưa đủ.
Nói đúng hơn, thông điệp mà Cooper gửi gắm chỉ mang tính nỗ lực cá nhân, chứ chưa thể hướng tới các giá trị cộng đồng. Đặc biệt khi Cooper phải “đọ” với các đối thủ quá nặng ký như “Roma” của đạo diễn Alfonso Cuaron hay “BlacKkKlansman” của Spike Lee, vốn ẩn chứa những thông điệp về nhân văn và cuộc sống. Thực ra trước đây cũng có những trường hợp như Cooper được lọt vào danh sách đề cử, nhưng đó chỉ là khi các đạo diễn khác không quá xuất sắc mà thôi.
May mắn cho Cooper khi anh vẫn hiện diện ở hạng mục Nam diễn viên chính xuất sắc. Tuy nhiên, số đông nhận định đây chủ yếu là cuộc đối đầu giữa Rami Malek của Bohemian Rhapsody (Huyền thoại ngôi sao nhạc Rock) và Christian Bale của Vice.
Oscar có thực sự vô tư?
Trong năm 2018, làn sóng #OscarsSoWhite nổ ra khiến cho nhiều diễn viên da màu tẩy chay giải thưởng cao quý nhất của điện ảnh Mỹ. Nhiều người cho rằng giải thưởng này quá ưu ái những người da trắng và cố tình “trù dập” các tác phẩm của người da màu. Khi lễ trao giải Oscar vắng bóng nhiều nghệ sỹ da màu nổi tiếng, Viện Hàn lâm Mỹ đã bị tác động.
“Bohemian Rhapsody” được xem như lực hấp dẫn mà Viện Hàn Lâm sử dụng với người hâm mộ. |
Ngoài ra, phong trào #MeToo để phản đối làn sóng quấy rối tình dục cũng làm điên đảo khắp Hollywood. Rất nhiều nghệ sỹ và nhà làm phim tài năng bị tố có hành vi không đúng mực trong quá khứ. Thậm chí, một số nghệ sỹ bị tố cáo cũng từng được…vinh danh bởi Viện Hàn lâm. Nhiều người phản biện rằng Oscar là giải thưởng cho điện ảnh và chỉ có sản phẩm điện ảnh mới là quan trọng. Thế nhưng nhiều nghệ sỹ tại Hollywood lại không nghĩ như vậy. Họ cho rằng người giành giải thưởng này phải đảm bảo cả về tài năng lẫn đạo đức.
Tất cả những điều này đã làm thay đổi đi tính công bằng của Oscar.
Oscar 2019 và xu hướng mới của giải thưởng này
Chưa bao giờ mà đề cử Oscar gây tranh cãi nhiều như năm nay. Một bộ phận lớn khán giả thậm chí gọi giải thưởng này là trò đùa khi đưa ra những đề cử đậm tính giải trí mà thiếu đi yếu tố nghệ thuật, vốn là kim chỉ nam của Viện Hàn lâm suốt bao nhiêu năm nay. Thế nhưng ta cũng cần hiểu lý do sâu xa đằng sau những hành động này.
Trước đây, người hâm mộ đều bỡ ngỡ khi những cái tên được xướng lên tại Oscar đều xa lạ và chẳng mấy ai biết tới. Vì sao những bộ phim đó lại không công chiếu rộng rãi cho công chúng? Hoặc có thể có nhưng khán giả không quan tâm hoặc ngó lơ vì nội dung “buồn ngủ”.
Người xem và Viện Hàn lâm dần dần không còn chung tiếng nói. Những tác phẩm đậm tính giải trí thì chắc chắn sẽ tay trắng, còn phim được vinh danh thì không ai thèm xem. Điều này dẫn tới việc khán giả đại chúng dần thờ ơ với Oscar.
Hình ảnh Logan - người sói của Hollywood. |
Năm 2018, Oscar chứng kiến lượt xem thấp kỉ lục khi giảm hơn 19% so với 2017. Cụ thể, lễ trao giải diễn ra vào ngày 05-03-2018 chỉ đạt 24,4 triệu lượt xem so với 29,1 triệu của năm 2017. Con số này là cực kì đáng thất vọng đối với Viện Hàn lâm bởi dù có cao quý đến đâu, Viện Hàn lâm vẫn cần… tiền.
Việc giảm lượt xem cũng đồng nghĩa với việc giá quảng cáo trên sóng truyền hình cũng sẽ giảm theo. Và đây chính là lúc Viện Hàn lâm buộc phải thay đổi. Việc đưa những bộ phim gây tranh cãi và được khán giả đại chúng yêu thích như “Bohemian Rhapsody”, “Black Panther” và “A Star is Born” vào chính là một chiêu bài để câu khách.
Khán giả sẽ chẳng quan tâm cái mà họ không biết và một lễ trao giải có ý nghĩa gì khi không được ai xem?
Tóm lại, Oscar không phải là “trò đùa” như chúng ta vẫn nghĩ mà do thị hiếu của khán giả đại chúng đã thay đổi quá nhiều mà thôi. Những gì Viện Hàn lâm đang làm chỉ nhằm níu kéo sự chú ý của đại đa số người xem vốn chỉ quan tâm tới dòng phim giải trí.
Dù kết quả ra sao, trước mắt Viện Hàn lâm đã thành công bước đầu khi tạo được sự tranh cãi và chú ý cho lễ trao giải vào ngày 25-2 tới đây.