Phim về đề tài đồng tính Việt chỉ là chiêu trò “câu khách”?

Thứ Năm, 06/08/2015, 06:15
Luật pháp hiện chưa cho phép hôn nhân đồng giới. Nhưng giới trẻ và các nhà làm phim trong nước trong nhiều năm trở lại đây đã rầm rộ cho ra đời những thước phim nói về cộng đồng người đồng tính. Ngoài những phim chiếu rạp đình đám của những đạo diễn thuộc lứa 6X, 7X, thì nay những đạo diễn 8X, 9X cũng phát triển mạnh không kém để trình làng về những thước phim ngắn trên các trang mạng xã hội về thế giới người đồng tính để mong muốn có cái nhìn thân thiện, chia sẻ. Nhưng liệu các nhà làm phim trẻ có thành công?

Hàng loạt phim ngắn về đề tài đồng tính gây xôn xao

Vào những ngày cuối tháng 7 này, bộ phim ngắn của đạo diễn 9X Nguyễn Quốc Nam "Kiếp này con nợ mẹ một nàng dâu" ra mắt làm điên đảo cộng đồng mạng với hơn 300 ngàn lượt người xem và rầm rộ bình luận. Câu chuyện kể về một cậu thanh niên với tình yêu đồng tính và một người mẹ già còng lưng hằng ngày đẩy xe đạp với gánh hàng rong để nuôi con ăn học. Những buổi chiều bà mẹ già bên mâm cơm hiu hắt chờ người con trai của mình, còn cậu con trai trong lúc đó đang ở với người đàn ông khác. Để làm mẹ vui lòng, người con trai vẫn không cho mẹ biết giới tính và tình cảm thật của mình

Tuy nhiên, một ngày cậu phát hiện được sự thật phũ phàng, người đàn ông mình yêu thương đã phản bội cậu đi yêu người khác, đồng thời cậu cũng biết mình đã bị mắc căn bệnh thế kỷ. Cậu rơi vào bế tắc và ngày hôm đó, sau khi nói những câu thật tình cảm với người mẹ của mình để đợi cho dáng mẹ lầm lũi đi khuất hết con ngõ, cậu đã uống thuốc độc tự tử.

Người mẹ về đến nhà thấy con mình đã chết, bà vô cùng đau xót và gào khóc thảm  thiết vì bà biết sự thật về người con trai của mình đã lâu nhưng bà không dám nói với con. Bà tưởng bà im lặng thì con sẽ sống dễ chịu hơn. Vậy ra tình yêu không lối thoát cho thằng con bé bỏng và tội nghiệp của bà đã dẫn đến bi kịch đau lòng. Từ đó trong căn nhà chỉ còn lại mình bà cô đơn lẻ bóng.

Một chùm phim ngắn nữa cũng được cộng đồng đón nhận như phim ngắn "Những ngày đẹp nhất mùa thu" mang đến thông điệp: Tình yêu là cảm xúc thật từ trái tim và không thể chối bỏ. Con người phải đối mặt với bản thân mình mới có thể đón nhận được tình yêu.

Trong "Kế hoạch hoàn hảo" kể về hai người con trai Nguyên và Khang sống chung với nhau được vài năm, với tình cảm khá ngọt ngào. Đột nhiên, vào một ngày mẹ của Khang từ miền Tây lên thăm con, bà đến nơi Nguyên và Khang đang sống. Cuộc sống bị đảo lộn, cả hai vô cùng bối rối vì sợ sự việc bị lộ tẩy. Sau hồi đấu tranh, Nguyên và Khang quyết định sẽ thú thực, nói hết mọi chuyện cho mẹ của Khang nghe và mong bà rộng lòng ủng hộ cho tình yêu này. Cả hai đi đến những kế hoạch cụ thể để chinh phục bà mẹ. Liệu kế hoạch của cả hai có thành công không? Bằng tình yêu chân thành của hai người liệu có lay động được người mẹ hay không? Bà sẽ đón nhận nó như thế nào, phản đối quyết liệt hay chấp nhận và cảm thông?

Thông điệp của bộ phim đề cao tình yêu chân thành, khi yêu hãy thành thật, dù có sóng gió thì vẫn luôn là chính mình. Phim ngắn "LGBT" nội dung ngắn gọn, chỉ kéo dài gần 5 phút với những cảnh quay thiên nhiên hoa lá mây trời và con người. Đạo diễn chia sẻ: "Việc hòa hợp giữa thiên nhiên và con người cũng giống như tình yêu đồng tính, hoàn toàn thuộc về tự nhiên, đó là nhịp đập chân thành của con tim. Thông điệp muốn gửi gắm ở bộ phim là, người đồng tính là một phần của tự nhiên, tình yêu của người đồng tính cũng đáng quý như tất cả mọi thứ tốt đẹp trên đời.

Cảnh trong phim "Những ngày mùa thu đẹp nhất".

Phim “Ginad” nói về hai người đàn ông là hai người bạn vẫn thường xuyên gặp gỡ và va chạm với nhau trong cuộc sống, họ đều trong đội đấm bốc ở trường. Trong một tai nạn, một người ở lại để chăm sóc người kia, khi ở gần nhau thứ tình cảm bỗng dần trở nên khó hiểu, khó kiểm soát và không thể giấu giếm. Thông điệp: GINAG là cụm từ viết tắt của từ: "Gay is not a desease", dịch nghĩa "Gay không phải là bệnh", đây là sự khẳng định chắc chắn được cộng đồng người đồng tính và ở những nước phát triển xã hội công nhận tình yêu này như một lẽ hoàn toàn theo quy luật của tự nhiên.

Bộ phim "Yêu là yêu", câu chuyện dựa trên một câu chuyện có thật tên Vy, (nhân vật trong phim) ôm ấp trong mình tình yêu đơn phương với người bạn đồng giới. Gia đình phát hiện ra sự khác lạ của con mình, họ tách Vy ra khỏi môi trường mà họ cho là đầy cạm bẫy ở thành phố về sống tại một miền quê. Những ngày trong lớp học ở quê, Vy quen Như, bạn gái, lớp phó học tập. Như rất quý Vy, và cả hai là những người bạn thân. Nhưng Như chỉ quý Vy theo một lẽ đơn giản thông thường chứ tình cảm đấy không phải là tình yêu, còn Vy thì khác, Vy có tình yêu với Như. Và khi tình cảm hai người càng ngày càng thân thiết và Như biết sự thực về Vy thì kinh hoàng và tránh né.

Tin đồn Vy có tình cảm với Như lan rộng ra khắp trường, mọi người nhìn và xì xầm về Vy. Vy buồn bã viết một bức thư gửi cho Như, nhưng Như đã không đọc, cô vứt món quà và lá thư vào thùng rác ngay trước mặt cả lớp. Một chuỗi bi kịch kéo dài, sự dằn vặt khổ đau, sự ghẻ lạnh, cô đơn tột cùng, cả sự bế tắc triền miên… Thông điệp của bộ phim mang đến: Hai cô gái không thể có tiếng nói chung trong tình yêu, tình yêu đơn phương dằng díu làm suy kiệt và mệt mỏi cả hai người. Hãy đừng đẩy người đồng tính vào sự cô đơn ghẻ lạnh, bởi ai cũng có quyền yêu và được yêu.

Phim ngắn "Hai chú cháu". Hùng tên cậu bé bị bố mẹ bỏ rơi, sống cùng với người chú ruột làm nghề thợ may tên Ba. Chú Ba là một người tốt, chăm chỉ và khéo tay nhưng mọi người xung quanh luôn nhìn chú với cái nhìn không thiện cảm vì chú là người đồng tính. Cả hai chú cháu bị bủa vây bởi nhiều lời nói rất ác ý từ những người hàng xóm về giới tính của chú Ba, người cháu quyết định tìm cách "giải thoát" cho chú và không ngờ càng đi vào ngõ cụt và bế tắc.

Đạo diễn Nguyễn Đình Anh, là kiến trúc sư thuộc lứa 8X nhưng có niềm đam mê điện ảnh.  Bộ phim "Hai chú cháu" được chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của tác giả Hữu Thắng, từng đoạt giải cuộc thi sáng tác truyện dành cho người đồng tính năm 2009. Khi bộ phim ngắn này khởi chiếu đã ám ảnh nhiều khán giả, và bạn Nguyễn Quỳnh Nga sinh viên Trường đại học Âm nhạc quốc gia đã thốt lên: "Bộ phim kết bằng một cái kết buồn đầy ám ảnh, dù khung trời với những cánh cò bay trong không gian tưởng như thơ mộng đấy lại không phải là sự bình yên được sởi ấm tâm hồn mà lại chính là những đợt sóng ngầm đầy dữ dội. Với tình cảm trớ trêu như như vậy họ sẽ sống như thế nào trong sự bủa vây, ghẻ lạnh của người xung quanh. Họ sẽ đi về đâu hay như con thuyền lênh đênh trên biển và không tìm thấy bến bờ".

Bộ phim ngắn "Khoảnh khắc anh yêu em" của nhóm Seventeen Production xoay quanh cuộc sống của một cậu bé với niềm đam mê nhiếp ảnh, đi đâu cậu cũng kè kè cái máy ảnh. Cậu vốn tính tình nhút nhát, hiền khô. Rồi một ngày trên hành trình thực hiện đam mê của mình, cậu gặp một tên cướp với tính cách trái ngược cậu bé rất nhiều. Hai cá tính, hai số phận khác biệt tưởng chừng như không liên quan đấy lại cùng chung nhịp đập. Họ yêu nhau như một lẽ tự nhiên, từng khoảnh khắc trong cảm xúc đẩy lên thành tình yêu chân thành và giản dị. Nhóm làm phim Seventeen Production truyền thông điệp: "Bộ phim phản ảnh khao khát của những người đồng tính muốn sống thật với giới tính của mình, mong muốn mọi người hãy chấp nhận tình yêu của họ như một quy luật của tự nhiên”.

Đạo diễn Huỳnh Nguyễn Đăng Khoa, làm phim về đề tài đồng tính chia sẻ: "Tôi muốn mọi người hiểu rằng người đồng tính, cũng như tất cả mọi người khác, sống bình thường, có bạn bè, gia đình, có cuộc sống rất bình thương như bao người".

Cái nhìn về phim đồng tính của người trong nghề

Đồng tính nam, đồng tính nữ, lưỡng tính… không còn là đề tài xa lạ, được các nhà đạo diễn khai thác triệt để, và công chúng cũng khá hồ hởi đón nhận như món ăn tinh thần lạ miệng. Phim về tình yêu đồng giới như một luồng gió mới phả vào điện ảnh Việt trong những năm vừa qua, ngày càng rầm rộ.

Cảnh trong phim "Gay không phải là bệnh".

Khán giả người cảm thông, kẻ ném đá vào địa hạt "vùng cấm". Sự thực, các nhà đạo diễn đã thành công chưa khi bước vào đề tài được cho là khá nhạy cảm này và thể loại phim này có lôi kéo được công chúng có cái nhìn thiện cảm về tình yêu đồng giới hay không?! Tại sao liên tục trong vài ba năm gần đây, phim đồng tính liên tục xuất hiện tại rạp với tần suất cao và ngày càng lồng ghép các cảnh yêu đương đồng tính trên phim truyền hình?! “Cảnh nóng" vừa đủ tải chuyện tình cảm thể xác giữa đôi nam tràn lan trong những bộ phim về đề tài đồng giới qua những bộ phim xuất xưởng được công chiếu tại rạp trong những năm qua. Nhiều đạo diễn thuộc các thế hệ khác nhau: 5X, 6X, 7X, 8X cũng chạm vào đề tài được cho là khó nhằn này, như Nguyễn Quang Dũng, Vũ Ngọc Đãng, Bùi Thạc Chuyên, Lê Hoàng, đạo diễn Việt kiều Victor Vũ. Mỗi một đạo diễn là một năng lực khác nhau, cách nhìn khác nhau và cách thể hiện cũng hoàn toàn khác nhau.

Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng chia sẻ: "Đề tài đồng tính được nhiều đạo diễn trong những năm gần đây liên tục khai thác và khám phá vì nó khác biệt với tình yêu thông thường quen thuộc của cặp đôi trai gái yêu nhau. Tình yêu đồng giới dù gì cũng là góc khuất mà không phải ai cũng biết, cũng hiểu. Khi có những bộ phim về tình yêu đồng giới có những thước phim đạt đến trình độ nghệ thuật, cốt truyện hấp dẫn sẽ giúp công chúng khán giả, cộng đồng xã hội  hiểu biết và cảm thông hơn với cuộc sống của những người yêu đồng giới. Tuy nhiên, không phải bộ phim nào cũng đạt được đến trình độ nghệ thuật hay có cái nhìn đúng đắn về yêu đồng giới. Ở nhiều phim khi khai thác về đề tài này, người làm phim còn thiếu kiến thức và có cái nhìn phiến diện hay lệch lạc về đồng tính nên phim chỉ đơn thuần mang yếu tố giải trí gây cười chứ chưa lột tả được cảm xúc thật của nhân vật, không gây thiện cảm cho người xem".

Trả lời câu hỏi của PV Chuyên đề ANTG về việc đề tài đồng tính liệu có phải là xu hướng của điện ảnh hiện nay? Nếu có thì đây là một chiêu trò để hút khách hay thể hiện ẩn ức cá nhân của người nghệ sĩ? Nhà biên kịch, nhà phê bình lý luận Đoàn Minh Tuấn, cho biết, đa số phim Việt Nam về đề tài đồng tính chỉ là những phim giải trí hoặc phim thương mại nên chúng chỉ ở mức độ kiếm tiền mà thôi. Vì làm với mục đích kinh tế lại mang tính thời vụ nên chúng hầu như không  tác động đến quan điểm hoặc nhận thức của người xem về vấn đề đồng tính.

Trong khi những phim tốt về đề tài này, chẳng hạn như “Brokeback Mountain” hoặc “Milk” mang đến cho người xem những nhận thức và rung động sâu sắc về những người đồng tính. Trước hết phải nói về mục đích làm phim của họ. Sau khi xem, khán giả có cái nhìn chân thành và sâu sắc hơn về những người này. Phim “Brokeback Mountain”  nói về hai người cao bồi  đầy nam tính, sống ở vùng núi đầy tính phiêu lưu biệt lập, nhưng trong bản năng của họ, lại là đồng tính. Và tình yêu của họ cũng là bình thường như bao cặp nam - nữ khác.

Còn phim “Milk” thì lại đưa chúng ta về giữa một thành phố đầy đồng tính. Họ cần có kỷ cương của mình nên đã bầu một thị trưởng đồng tính. Có sao đâu. Nếu tìm hiểu văn hóa phương Tây thì đề tài này đối với họ  còn nặng gấp trăm lần so với chúng ta. Bởi những người đồng tính đã được ghi trong Kinh Thánh như những tội phạm! Nhưng bây giờ, với sự tiến bộ của khoa học và xã hội nhân văn hơn, họ làm phim để mang đến cho người xem cái nhìn chia sẻ với đồng loại. Hay như phim về đồng tính nữ là “Blue is the warner colour” cũng tương tự. Mục đích làm phim của họ khác chúng ta nhiều lắm!

Phim đồng tính của ta xem vừa ghê rợn vừa kinh tởm. Bởi mục đích làm phim đã tầm thường rồi. Câu chuyện thì hời hợt. Cách dàn dựng thì gây phản cảm. Nhiều cảnh quay thô tục  và bẩn thỉu. Nói chung là tôi rất dị ứng với phim đồng tính Việt. Nguyên nhân  do văn hóa của người làm phim còn thiếu rất nhiều. Và họ cũng còn thiếu trăm thứ khác để có thể làm được một bộ phim tạm coi được.

Trần Mỹ Hiền
.
.