Quả cầu vàng 2020: Dấu ấn châu Á và sự mờ nhạt của thông điệp nữ quyền
Netflix lĩnh “bom xịt”, Sony Pictures thắng áp đảo
Thời gian qua, không thể phủ nhận sự trỗi dậy mạnh mẽ của đế chế phim ảnh và truyền hình Netflix. Kể từ năm 2016, khi Netflix mở rộng dịch vụ của mình trên 130 lãnh thổ mới thì cái tên này đã trở nên phố biến hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, nhiều khán giả vẫn còn định kiến rằng Netflix không phục vụ cho nghệ thuật đích thực mà chỉ đáp ứng những thị hiếu tầm thường.
Tại lễ trao giải Quả cầu vàng năm nay, Netflix đã chứng tỏ sự bảo đảm về nghệ thuật của mình khi có mặt trong tất cả 34 hạng mục quan trọng nhất của giải thưởng Quả cầu vàng 2020. Tạp chí Variety gọi Netflix đang “thống trị bảng đề cử” mùa Quả cầu vàng 2020 với nhiều hạng mục quan trọng.
Trong đó, phim “Marriage Story” giành được 6 đề cử, xếp sau là “siêu phẩm” được nhiều nhà bình luận bầu chọn phim hay nhất năm 2019 - “The Irishman” với 5 đề cử. Dấu ấn của Netflix thể hiện rõ nhất ở hạng mục Phim chính kịch xuất sắc, khi 3/5 phim của Netflix sản xuất (gồm “The Irishman”, “Marriage Story” và “The Two Popes”) góp mặt.
“Parasite” trở thành phim Hàn Quốc đầu tiên giành giải Quả cầu vàng. |
Dẫu vậy, “ông trùm trong lĩnh vực truyền hình trực tuyến” đã không có một đêm hội tưng bừng như giới phê bình và truyền thông dự đoán khi chỉ giành vỏn vẹn 2 chiến thắng an ủi của Laura Dern - người được trao giải Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất cho vai diễn trong “Marriage Story” (điện ảnh) và Olivia Coleman giành giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất thể loại phim truyền hình cho vai diễn trong “The Crown”. Những tựa phim lớn của Netflix như “The Irishman” (5 đề cử) hay “The Two Popes” (4 đề cử) đều ra về tay trắng.
Cùng chung số phận với Netflix là Disney không thu được giải nào ở hạng mục Phim hoạt hình xuất sắc nhất dù có tới 3 đại diện góp mặt trong tổng cộng 5 đề cử, đó là “Frozen II”, “Toy Story 4” và “The Lion King”. Những tác phẩm này của “nhà chuột” đã không thể vượt qua được “The Missing Link” của hãng phim Laika. Phim ra mắt vào năm 2019 và do đạo diễn Chris Butler nhào nặn với sự lồng tiếng của dàn sao như Hugh Jackman, Zoe Saldana, David Walliams, Stephen Fry, Matt Lucas, Timothy Olyphant, Amrita Acharia, Ching Valdes-Aran, Emma Thompson, và Zach Galifianakis. Phim xoay quanh cuộc hành trình tới đỉnh Himalayas để tìm kiếm người thân của một con yêu quái với sự hỗ trợ của một nhà thám hiểm người Anh.
Tác phẩm được làm theo thủ pháp stop-motion (sử dụng mô hình thật) được giới chuyên môn đánh giá rất cao dù không phải là một bộ phim thành công rực rỡ về mặt thương mại khi chỉ thu về chưa đầy 30 triệu USD. Tờ The Guardian nhận định, chiến thắng bất ngờ của tác phẩm này đang nhen nhóm thêm hy vọng tạo ra một kỳ tích cho Laika tại Oscar 2020.
Ở một chiến tuyến khác, dù không quá phô trương về con số đề cử, HBO vẫn mang về thành tích áp đảo ở lĩnh vực truyền hình tại lễ trao giải Quả cầu vàng 2020. “Succession” - loạt phim mang tính châm biếm xoay quanh một tập đoàn truyền thông đang bị xâu xé - đã mang về cú đúp giải Phim truyền hình chính kịch xuất sắc nhất và giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất cho Brian Cox.
Cũng đến từ HBO, “Chernobyl” đăng quang ngôi cao nhất ở hạng mục dành cho Phim truyền hình ngắn tập. Tác phẩm có đề tài chính trị này đồng thời giúp cá nhân Stellan Skarsgard có được giải Nam diễn viên phụ xuất sắc của mảng truyền hình nói chung.
Có lẽ, chiến thắng lớn nhất trong lễ trao giải Quả cầu vàng năm nay đã gọi tên hãng Sony Pictures. Trong đó, “Once Upon a Time in Hollywood” là bộ phim chiến thắng áp đảo với 3 giải thưởng quan trọng: Phim hài kịch/âm nhạc hay nhất, Kịch bản xuất sắc nhất dành cho Quentin Tarantino và giải Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất dành cho Brad Pitt.
Trước khi chinh chiến tại Quả cầu vàng năm nay, phim từng được đánh giá cao tại các liên hoan phim quốc tế và nằm trong danh sách 100 bộ phim hay nhất từ năm 2000 đến nay do tờ The Guardian bình chọn.
Ở hạng mục Phim truyện chính kịch xuất sắc cũng đã gọi tên “1917” của Sony Pictures. Bộ phim lấy đề tài Chiến tranh thế giới thứ nhất cũng đã giúp Sam Mendes nhận giải Đạo diễn xuất sắc nhất, vượt qua nhiều tên tuổi lớn như Martin Scorsese, Quentin Tarantino... Nội dung phim phim lấy bối cảnh Thế chiến thứ nhất, theo chân hai chàng lính trẻ người Anh, có nhiệm vụ thông báo cho đồng đội về một cuộc phục kích mà quân Đức đang giăng ra tại trận địa Hindenburg.
Những hình ảnh trong bộ phim “Parasite”. |
Chiến thắng kép tại Quả cầu vàng 2020 cho thấy “1917” là cái tên cực kỳ đáng gờm trong mùa giải thưởng điện ảnh 2019 - 2020, dù bộ phim ra mắt báo chí và khán giả tương đối muộn. Tác phẩm đang được xem là “canh bạc” lớn cho các nhà đầu tư khi kinh phí đến 90 triệu USD nhưng mới thu 2,3 triệu USD - đa phần từ các suất chiếu giới hạn ở Mỹ.
Dẫu vậy, tác phẩm vẫn gây tò mò khi được quảng cáo là có lối cắt dựng khiến toàn bộ bộ phim được thực hiện chỉ với một cú máy duy nhất. Đây cũng là điều giúp bộ phim được khen ngợi vì kỹ thuật dàn dựng của đạo diễn Sam Mendes và những góc quay độc đáo của nhà quay phim Roger Deakins. Theo CNN, chiến thắng của Sam Mendes cho thấy một chủ đề vốn đã cũ như thế chiến vẫn có thể tạo được sức nặng.
Bộ phim thu hơn 1 tỷ USD - “Joker” (Warner Bros) cũng có chiến thắng kép với giải Nhạc nền xuất sắc và Nam diễn viên chính xuất sắc - Thể loại chính kịch. Tiếp đà thành công, Joaquin Phoenix hiện được dự đoán là sẽ làm nên chuyện tại Oscar 2020, sau nhiều lần nhận đề cử mà ra về tay trắng.
Với diễn xuất trong thể loại hài/ca vũ nhạc, lần lượt Taron Egerton của “Rocketman” (Paramount) và Awkwafina của “The Farewell” (A24) được xướng tên ở hạng mục Nam diễn viên chính xuất sắc. Ngoài ra, giải thưởng Ca khúc trong phim hay nhất đã gọi tên Elton John và Bernie Taupin với ca khúc “(I'm Gonna) Love Me Again” trong “Rocketman”. Cả hai tác phẩm trên được dự đoán nhiều khả năng tiếp tục nhận đề cử Oscar vào ngày 13-1 tới.
Dấu ấn châu Á
Sự kiện mở đầu cho mùa trao giải thường niên ở kinh đô điện ảnh Hollywood nói riêng và ngành công nghiệp giải trí thế giới nói chung đã mang tới cho giới mộ điệu những dấu ấn châu Á và một loạt bất ngờ ở cả hai hạng mục điện ảnh và truyền hình. Trong đó, bộ phim “Parasite” (tựa đề chiếu tại Việt Nam: “Ký sinh trùng”) của đạo diễn Hàn Quốc Bong Joon-ho đã ẵm giải Phim nước ngoài xuất sắc - hạng mục điện ảnh và trở thành phim Hàn Quốc đầu tiên nhận được vinh dự này trong lịch sử giải thưởng Quả cầu vàng.
Phim xoay quanh chủ đề giàu - nghèo phân biệt trong xã hội Hàn Quốc hiện đại. Trong những chia sẻ trước đó, đạo diễn Bong Joon Ho cho biết mình không đặt quá nhiều hi vọng vào “Ký sinh trùng” (Parasite) bởi bộ phim chứa đựng những từ ngữ, hình ảnh có đặc thù riêng của văn hóa Hàn Quốc mà ông không nghĩ người phương Tây sẽ hiểu được toàn bộ.
Trước đó, bộ phim cũng giành Cành cọ vàng ở Liên hoan phim Cannes 2019 (Pháp) và cũng được xem là ứng viên hàng đầu cho hạng mục Phim quốc tế ở Oscar 2020.
Tờ Variety còn nhận định trước lễ trao giải: “Tác phẩm hoàn toàn không gặp bất cứ trở ngại gì để được vinh danh ở hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất. Hiện tượng của điện ảnh xứ kim chi nhận được sự yêu thích từ khán giả Hollywood, bao gồm cả HFPA (Hiệp hội Báo chí nước ngoài ở Hollywood đứng sau giải thưởng Quả cầu vàng)”.
Bên cạnh đó, nữ diễn viên người Mỹ gốc Trung Quốc Awkwafina cũng đã làm nên lịch sử, khi trở thành nữ diễn viên gốc châu Á đầu tiên giành giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất tại lễ trao giải Quả cầu vàng lần thứ 77. Cô đã xuất sắc vượt qua minh tinh Emma Thompson - “Late night” nhờ vai diễn trong bộ phim “The Farewell” - thể loại hài kịch/âm nhạc.
Trước Awkwafina, từng có 5 nữ diễn viên gốc châu Á khác được đề cử ở hạng mục tương tự - đó là Machiko Kyo, Miyoshi Umeki, Yvonne Elliman, Constance Wu và Hailee Steinfeld nhưng họ đều không thành công.
Cô gái sinh năm 1988 là một rapper kiêm diễn viên người Mỹ, gốc Á. Cô từng tham gia diễn xuất trong “Ocean's 8” và “Crazy Rich Asians” (2018). Cô cũng phát hành 2 album ca nhạc trong năm 2014 và 2018. Người đẹp gốc Á từng tham gia dẫn chương trình truyền hình và góp mặt trong các chương trình ăn khách như Girl Code, Future Man, and Saturday Night Live.
Nữ diễn viên người Mỹ gốc Trung Quốc làm nên lịch sử tại lễ trao giải Quả cầu vàng 2020. |
Chính trị và nữ quyền chưa “hạ nhiệt”
Chính trị luôn là chủ đề được bàn luận sôi nổi tại Hollywood, đặc biệt kể từ khi ông Donald Trump đảm nhận chức vụ Tổng thống Mỹ. Cùng với đó, hàng loạt vụ quấy rối tình dục dẫn đến làn sóng #Metoo ở kinh đô điện ảnh lớn nhất thế giới cũng khiến phong trào nữ quyền trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Tại lễ trao giải Quả cầu vàng năm nay, hai vấn đề này cũng hơn một lần được nhắc đến.
Cách đây 3 năm, nữ diễn viên gạo cội Meryl Streep trong lúc nhận giải Thành tựu trọn đời tại lễ trao giải Quả cầu Vàng đã chỉ trích ông Trump vì trêu chọc một phóng viên tật nguyền và kêu gọi ủng hộ dự do báo chí. Một năm sau, Oprah Winfrey cũng nhận giải tương tự và dành ra gần 20 phút để nói về phong trào nữ quyền.
Năm nay, trên sân khấu lễ trao giải Quả cầu vàng lần thứ 77 Patricia Arquette - người chiến thắng hạng mục Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất thể loại phim truyền hình ngắn tập cho phim “The Act” - đã nhắc đến căng thẳng leo thang giữa Iran và Mỹ trong bài phát biểu của mình và kêu gọi mọi người bỏ phiếu vào năm 2020.
“Chúng ta sẽ không nhìn lại đêm nay trong sách lịch sử. Chúng ta sẽ thấy một quốc gia bên bờ vực chiến tranh, Tổng thống Mỹ thì vừa tweet về việc đe dọa sử dụng 52 quả bom bao gồm cả những khu vực văn hóa... Tôi cầu xin mọi người hãy cho con cái chúng ta một tương lai tốt đẹp hơn”, Patricia Arquette nói. “Cho lũ trẻ, chúng ta phải bỏ phiếu vào năm 2020 và bảo đảm rằng tất cả mọi người đều phải làm như thế”, Arquette nói.
Michelle Williams sau đó nhận giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất thể loại phim truyền hình ngắn tập cho phim “Fosse/Verdon” cũng hưởng ứng lời kêu gọi của Patricia Arquette. “Khi đến lúc bỏ phiếu, xin vui lòng hãy làm như vậy vì lợi ích cá nhân của bạn. Đó là những gì đàn ông đã làm trong nhiều năm qua do đó thế giới dường như phản ánh nhiều quan điểm của họ. Nhưng đừng quên chúng ta (phụ nữ) mới là thành phần bỏ phiếu lớn nhất ở đất nước này. Hãy làm cho thế giới mang nhiều dấu ấn của chúng ta”, cô nói.
Dẫu vậy, về tổng thể, lễ trao giải Quả cầu vàng năm nay dường như vẫn chưa thực hiện triệt để vấn đề bình đẳng giới trong các hạng mục trao giải. Đơn cử như trong hạng mục Đạo diễn xuất sắc nhất không có sự góp mặt của bất cứ nữ đạo diễn nào. Thực tế, ra đời vào năm 1944 nhưng phải đến năm 1984, giải thưởng Quả cầu vàng mới trao giải Đạo diễn xuất sắc nhất cho một người phụ nữ là huyền thoại Barbra Streisand với phim “Yentl”.
Nhìn lại lịch sử của Quả cầu vàng thì chỉ một vài phụ nữ nhận được vinh quang. Đó là đạo diễn Jane Campion vào năm 1994 với bộ phim “The Piano”, Sofia Coppola vào năm 2004 với phim “Lost in Translation”, hay Kathryn Bigelow vào năm 2010 với phim “The Hurt Locker” và năm 2013 với phim “Zero Dark Thirty”.
Năm 2015, nữ đạo diễn da màu - Ava DuVernay cũng được vinh danh với bộ phim “Selma”. Song, với lịch sử 77 năm, số lượng nữ đạo diễn được vinh danh chỉ đếm trên đầu ngón tay đủ để thấy sự chênh lệch giới tính tại giải thưởng danh giá về điện ảnh này.