RCEP là “liều thuốc trợ tim” cho thị trường tự do
So với các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực vào cuối năm 2018, Hiệp đinh Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) là một hiệp định lớn thực sự. Nó chiếm khoảng một nửa dân số; 32,2% GDP; 29,1% thương mại và 32,5% đầu tư toàn cầu.
Sau khi được ký kết (dự kiến trong năm 2020), RCEP sẽ trở thành hiệp định thương mại tự do của một khu vực đông dân nhất và có tiềm năng nhất trên thế giới, thúc đẩy sự hội nhập giữa các ngành nghề và chuỗi giá trị trong khu vực, truyền động lực mạnh mẽ cho nhất thể hóa kinh tế khu vực.
Tạp chí Foreign Policy viết: “Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump dựng lên hàng rào thuế quan, châu Á phải đặt cược vào thương mại tự do. Bây giờ chính là thời điểm quan trọng chào đón sự xuất hiện của một hiệp định thương mại lớn nhất mà bạn chưa từng nghe thấy.”
Một phiên đàm phán RCEP tại Bắc Kinh, Trung Quốc. |
Theo phân tích của các chuyên gia, việc các quốc gia tham gia RCEP đạt được thỏa thuận vừa qua có 3 ý nghĩa lớn: Một là vai trò thúc đẩy, tăng thêm niềm tin cho thị trường và truyền sức sống cho nền kinh tế toàn cầu trong bối cảnh hệ thống thương mại đa phương quốc tế bị trào lưu đảo ngược toàn cầu hóa ăn mòn, áp lực do kinh tế thế giới giảm tốc tăng lên.
Hai là hiệu ứng kiểu mẫu, xây dựng ven Tây Thái Bình Dương thành điểm sáng tìm kiếm các kênh phát triển kinh tế trên toàn cầu, làm kiểu mẫu tích cực cho các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương trong khu vực châu Á và trên toàn thế giới. Ba là hiệu quả xã hội, mang lại lợi ích thực tế và sự thuận tiện cho các doanh nghiệp và người dân của tất cả các nước trong khu vực.
Một trong những khác biệt giữa RCEP với các thỏa thuận thương mại tự do trước đó là nó tập trung chủ yếu vào giảm thuế hàng hóa và dịch vụ, hạ thấp tiêu chuẩn tiếp cận thị trường. Phạm vi giảm thuế tới đâu còn cần phải đợi cho đến khi có văn bản cuối cùng. Nhưng theo tờ The Straits Times, năm 2017, ASEAN đồng ý để các nước ký RCEP cần ít nhất từ 5 đến 10 năm cho việc dỡ bỏ 90,3% hàng rào thương mại hàng hóa. Tương lai không loại trừ 95% hoặc nhiều hơn hàng hóa áp dụng thuế suất 0%.
Từ góc độ khu vực, đằng sau thương mại là đầu tư. RCEP sẽ thúc đẩy dòng chảy thương mại dịch vụ và đầu tư trong khu vực này, thúc đẩy mạng lưới kinh tế các nước thành viên trong khu vực kết nối sâu sắc hơn, bổ trợ cho nhau tốt hơn về ưu thế. Thông qua việc tạo thuận lợi về thương mại còn có thể thực hiện đơn giản hóa các cơ chế như quy tắc nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, công nhận các quy định của nhau... Những vấn đề này đều là một sự nâng cấp lớn đối với môi trường phát triển và kinh doanh của toàn bộ mạng lưới sản xuất khu vực.
RCEP tập trung chủ yếu vào giảm thuế hàng hóa và dịch vụ, hạ thấp tiêu chuẩn tiếp cận thị trường. |
Từ góc độ toàn cầu, việc đạt được RCEP giống như đem lại một “liều thuốc trợ tim” để duy trì hệ thống thương mại tự do, khôi phục lòng tin của thị trường, tạo thêm sức sống cho kinh tế thế giới trong bối cảnh hệ thống thương mại đa phương quốc tế bị các lực lượng chống toàn cầu hóa làm cho suy yếu, sức ép suy thoái kinh tế của thế giới gia tăng. Ngoài ra, RCEP cũng mang lại hiệu ứng kiểu mẫu tích cực đối với cục diện thương mại tự do song phương và đa phương đang được đẩy mạnh đàm phán ở khu vực châu Á và nhiều nơi khác trên thế giới.
Nói như thế chưa hẳn là RCEP không có những thách thức phải đối mặt. Một là hiệp định này phải chờ được các cơ quan quyền lực của nước thành viên thông qua trước khi ký kết, không loại trừ khả năng xuất hiện trắc trở. Hai là nhiều hiệp định thương mại tự do ở châu Á - Thái Bình Dương thể hiện “hiệu ứng bát mỳ Spaghetti” - có nhiều hương vị và màu sắc nhưng lại đan xen, chồng chéo nhau. Các quốc gia thành viên có thể hình thành quan hệ hỗ trợ lẫn nhau, thúc đẩy quan hệ chứ không phải là quan hệ ứng phó va cham, cạnh tranh hay không tại RCEP sẽ thử thách các bên tham gia.
Các chuyên gia cho rằng những năm gần đây, nhiều thỏa thuận thương mại tự do có quy mô lớn và nhỏ liên tục xuất hiện. Chỉ riêng năm nay, Hiệp định Khu vực thương mại tự do châu Phi (AfCFTA) đã được nhiều nước ký kết và phê chuẩn. Hiệp định Thương mại tự do giữa Khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) và Liên minh châu Âu (EU) cũng được ký kết. Điều này cho thấy khi chủ nghĩa bảo hộ toàn cầu trỗi dậy, rủi ro thương mại gia tăng, nguyện vọng chính trị mở cửa hợp tác của các bên càng mạnh mẽ, họ càng nhận thức rõ hợp tác mở cửa vẫn là xu hướng lớn của thời đại.
Nhìn chung, việc đạt được RCEP phản ánh hội nhập kinh tế khu vực đã được tăng cường, nội hàm hợp tác Đông Á không ngừng phong phú hơn, các quốc gia Đông Á đang không ngừng tiến tới mục tiêu xây dựng cộng đồng chung Đông Á cùng phát triển.