“Robinson Crusoe thời hiện đại” đối mặt với các vụ kiện đòi bồi thường

Thứ Năm, 31/12/2015, 07:25
Khi hay tin một phóng viên kỳ cựu người Mỹ đang tiến hành phỏng vấn J. Alvarenga, luật sư riêng của gia đình Alvarenga là ông Danilo Barrera đã đánh tiếng dọa sẽ khởi kiện J. Alvarenga đòi số tiền 1 triệu USD, nếu như tác giả không chịu chia tiền lời sau khi sách phát hành bởi đã có công "mách nước", để J. Alvarenga kể "có đầu có đũa" về quá trình hơn 14 tháng đơn độc giữa Thái Bình Dương, phải ăn cá sống và uống máu cá thay nước để duy trì cuộc sống.

Ngày 17-11-2012, J. Alvarenga quyết định đi câu cá thư giãn trong dịp nghỉ cuối tuần từ ngôi làng Costa Azul phía nam Mexico. Trước khi xuất phát, J. Alvarenga thuê ngư phủ Ezequiel Cordoba 22 tuổi người địa phương, với số tiền tương đương 50USD để đi theo phụ giúp mình. Nhưng con thuyền nhỏ bé bằng sợi thủy tinh của họ không thể chống chọi với cơn bão lớn bất thần ập đến, với những con sóng cao 3m đã nhấn chìm chiếc thuyền cùng toàn bộ đồ ăn thức uống mang theo xuống đáy biển...

Từ đó gia đình của cả 2 người này không nhận được tin tức gì nữa, đinh ninh rằng họ đã mất tích giữa mịt mù biển khơi.

Ông J. Alvarenga được tìm thấy sau thời gian dài mất tích ngoài biển.

Đột nhiên hơn 14 tháng sau, vào ngày 30-1-2014, một gia đình dân chài ở quần đảo Marshall thuộc Thái Bình Dương phát hiện ông Alvarenga trong tình trạng thập tử nhất sinh, trôi dạt vào bờ biển cách xa nơi xuất phát hơn 9.000km theo đường chim bay. Sau thời gian điều trị tại một bệnh viện trên đảo Majuro, J. Alvarenga trở về quê hương, được dân chúng El Salvador vui mừng chào đón và đặt biệt danh "chàng Robinson Crusoe thời hiện đại".

Câu chuyện "khó tin mà thật" của J. Alvarenga lan truyền khắp thế giới, tên tuổi của ông được ghi vào Sách Kỷ lục Guinness như là "Người sống đơn độc giữa đại dương với thời gian lâu nhất" - 438 ngày.

Phóng viên Jonathan Franklin của nhật báo The Guardian tại châu Mỹ Latinh đã đến El Salvador, phỏng vấn "người hùng" J. Alvarenga. Và cuốn sách "438 Days" (438 ngày của tác giả Jonathan Franklin), do Nhà xuất bản El Diario de Hoy đã được xuất bản vào đầu tháng 10 vừa qua, bằng 2 thứ tiếng Tây Ban Nha và tiếng Anh, trở thành đầu sách truyện phiêu lưu bán chạy nhất trong dịp Giáng sinh và năm mới 2016 ở Tây bán cầu.

Cuốn sách của  Jonathan Franklin.

Trước đó, khi hay tin một phóng viên kỳ cựu người Mỹ đang tiến hành phỏng vấn J. Alvarenga, luật sư riêng của gia đình Alvarenga là ông Danilo Barrera đã đánh tiếng dọa sẽ khởi kiện J. Alvarenga đòi số tiền 1 triệu USD, nếu như tác giả không chịu chia tiền lời sau khi sách phát hành bởi đã có công "mách nước", để J. Alvarenga kể "có đầu có đũa" về quá trình  hơn 14 tháng  đơn độc giữa Thái Bình Dương, phải ăn cá sống và uống máu cá thay nước để duy trì cuộc sống.

Trước lễ Giáng sinh vừa qua, đến lượt thân nhân của ngư phủ E. Cordoba cũng đệ đơn lên Tòa án Tối cao El Salvador, chính thức khởi kiện đòi bồi thường 1 triệu USD vì  J. Alvarenga đã nhẫn tâm "ăn thịt" bạn đồng hành nên mới sống sót được lâu đến thế. Căn cứ vào lời kể trong sách, sau khi hai người cố gắng lật thuyền lại thì 4 ngày sau, bạn đồng hành E. Cordoba đã dần kiệt sức đến chết bởi anh ấy không thể "ăn tươi nuốt sống" như J. Alvarenga. Trước khi chết Cordoba đã trăng trối nhiều điều, trong đó khẩn khoản yêu cầu J. Alvarenga nếu còn sống hãy đến thăm người mẹ già nơi quê nhà, cũng như không được dùng thi thể mình làm thức ăn để tồn tại. Do vậy gia đình người xấu số liền suy diễn rằng "người hùng  Alvarenga đã xơi tái Cordoba"(!).

Còn luật sư Ricardo Cucalon tình nguyện đứng ra biện hộ cho bị đơn Alvarenga, giãi bày với báo giới: "Nếu tòa xử bên nguyên đơn thắng kiện, thì thân chủ của tôi có bán cả gia tài do cha mẹ để lại gồm ngôi nhà 2 tầng cũ kỹ, nhà máy xay xát và cửa hàng bán bột ngũ cốc cũng chỉ trang trải được 1/10 yêu cầu bồi thường”.

J. Alvarenga tiếp xúc với báo giới khi đến thăm mẹ người bạn đồng hành (bìa phải).

Nhân vụ kiện chưa có tiền lệ trong lịch sử tư pháp El Salvador, giáo sư Samantha Pegg - Trưởng Khoa Luật Trường đại học Nottingham Trent University (NTU) ở Nottingham (Anh), nói rằng: "Nếu như J. Alvarenga có ăn thi thể của bạn đồng hành thì vẫn không phạm tội, dựa trên quan điểm pháp lý chỉ có hành vi ăn thịt đồng loại để tiêu khiển mới bị khép vào tội giết người; còn buộc phải ăn trong trường hợp bất khả kháng vì mục đích tồn tại thuần túy được cho là vô tội".

Giáo sư S. Pegg nêu dẫn chứng các vụ việc điển hình trong lịch sử, như vụ tai nạn máy bay rơi trên rặng núi Andes ở Nam Mỹ vào cuối năm 1972, khiến những hành khách còn sống buộc phải ăn xác người chết là nguồn thực phẩm duy nhất để tồn tại giữa tiết trời giá buốt suốt 72 ngày liền; hay vụ 3 công dân quốc đảo Dominica di cư sang Mỹ vào năm 2000, đã ăn một vài thi thể trong số 60 người chết vì đắm thuyền trước khi được tàu cứu hộ tìm thấy hơn 3 tuần sau đó... Tất cả những người sống sót nêu trên không ai bị luật pháp truy tố về tội ăn thịt người cả.

"Chung quy cũng tại danh tiếng của kỷ lục gia Guinness J. Alvarenga đã vô tình làm hại ông", luật sư R. Cucalon chua chát kết luận.

T.Q.Long (tổng hợp)
.
.