Rừng mưa Amazon hoang dã đang chết dần
Trong những năm gần đây, không quốc gia nào vất vả hơn Brazil trong cuộc chiến giằng co chống tội phạm phá hoại rừng vô cùng quy mô và cực kỳ nguy hiểm. Đó là lý do mà các đặc vụ thường xuyên bay tuần tra và luôn được vũ trang đầy đủ.
Nhưng, nỗ lực khoanh vùng từ trên không những hoạt động đốn gỗ bất hợp pháp giữa khu rừng rậm không khác nào việc mò kim đáy biển. Chính quyền Brazil cho rằng có đến hàng ngàn trại đốn gỗ phi pháp nằm rải rác khắp rừng Amazon. Những người đàn ông trang bị dao rựa và cưa máy sẵn sàng đốn những loại cây gỗ cứng quý giá để bán ra thị trường đen với giá cao ngất ngưởng thu lợi bất chính. Chỉ vì lợi nhuận quá béo bở mà họ bất chấp tính mạng cả khi đối mặt với lực lượng vũ trang bảo vệ rừng.
Bên trong một xưởng cưa gỗ. |
Trên mặt đất, nhóm đặc vụ Ibama không hề đồng cảm với bọn đốn gỗ lậu. Họ thẳng tay đốt trụi lán trại của bọn tội phạm và phá hủy máy móc bao gồm nhiều chiếc máy kéo đắt tiền cùng với một số thiết bị khác ngay tại chỗ.
Maria Luisa de Soussa, quan chức Ibama, cho biết một chiến dịch chống tội phạm đốn gỗ lậu kéo dài 1 tháng mới được triển khai tại 2 khu vực phía bắc và phía đông bang Mato Grosso miền tây Brazil: “Anh có thể so sánh chiến dịch này với cuộc chiến chống tội phạm buôn lậu ma túy. Bọn chúng có cùng điểm chung là ngày càng gian xảo hơn, sử dụng những công cụ khổng lồ để tàn phá rừng và gây nhiều nguy hiểm cho chúng tôi”.
Một số vụ phá rừng mới đây nhất được đánh giá là vô cùng quy mô. Ngồi trên máy bay trực thăng, các đặc vụ Ibama phát hiện 2 chiếc xe ủi đất khổng lồ của bọn đốn gỗ lậu - chúng được sử dụng trong một vụ phá hoại vài hecta rừng mới đây nhất. Số liệu thống kê tiết lộ tỷ lệ phá rừng tại một số khu vực ở Brazil thời gian gần đây đã tăng gấp đôi so với năm 2015.
Cũng theo số liệu thống kê, số lượng gỗ quý bị đốn ngã bất hợp pháp trong những khu bảo tồn của người bản địa đang tăng vọt. Không chỉ có lực lượng chính quyền, mà bộ tộc Cinta Larga sống trong khu vực Amazon cũng đối phó với bọn đốn gỗ lậu. Người bộ tộc sống cả bên trong lẫn bên ngoài rừng Amazon, ăn mặc hiện đại theo người phương Tây và cư trú trong những căn nhà gỗ.
Amadeus, thành viên bộ tộc, cho biết bọn tội phạm khai thác gỗ lậu cả ngày lẫn đêm: “Đó là lý do tại sao sức ép đối với đất đai của chúng tôi cũng như mọi vùng đất khác của người bản địa xung quanh Amazon là rất mạnh”. Tại một số khu vực, khoảng 80% cây gỗ cứng bị đốn hạ bất hợp pháp trên những vùng đất của nhà nước sở hữu hay người bản địa.
Chiếc trực thăng tuần tra của Ibama và các đặc vụ Ibama trong chiến dịch chống phá rừng (ảnh nhỏ). |
Những xưởng gỗ và quán cà phê mọc lên như nấm ở thị trấn Aripuana thuộc bang Mato Grosso. Những xưởng gỗ này “xử lý” cây gỗ hợp pháp lẫn bất hợp pháp với những giấy tờ chứng nhận giả.
Marina Lacorte, nhà nghiên cứu của tổ chức Greenpeace (Hòa bình Xanh), bình luận: “Không có cách nào để nói được đâu là gỗ hợp pháp và đâu là gỗ bất hợp pháp. Chúng tôi đang đề nghị các công ty quốc tế và các nhà nhập khẩu ngưng mua gỗ từ Brazil bởi vì không thể bảo đảm các giấy tờ chứng minh nguồn gốc là hợp pháp”. Nhưng, động thái như thế chắc chắn sẽ gây khó khăn không ít cho những công ty gỗ làm ăn chân chính.
Vừa qua, trong chuyến đi đến Washington, Tổng thống Brazil Dilma Rousseff bày tỏ “mối lo ngại sâu sắc” về vấn đề biến đổi khí hậu và đưa ra nhiều cam kết về môi trường, hứa hẹn sẽ chấm dứt nạn phá rừng. Tuy nhiên, nhiều nhà hoạt động môi trường hoài nghi về khả năng thực hiện lời hứa của bà Rousseff do tình hình kinh tế khó khăn khiến chính quyền Brazil nhiều lần cắt giảm ngân sách dành cho các chương trình bảo vệ môi trường.