Sưu tập các tác phẩm nghệ thuật: Nghề chơi cũng lắm công phu

Thứ Bảy, 21/05/2016, 10:00
Không một ai trong số họ hiểu rõ cần phải bắt đầu từ cái gì, sẽ đạt đến đâu và phải chăng một ngày nào đó những nỗ lực của họ sẽ được vinh danh? Niềm đam mê sưu tập không bao giờ ngơi nghỉ. Đó là một sở thích vô hình âm ỉ cháy.

Mỗi một bộ sưu tập thuộc các bảo tàng tư nhân đều là thành quả từ những công sức lớn lao, công việc này chỉ được “kết thúc” bởi cái chết giữa chừng của cá nhân nhà sưu tập. Sau đó, bộ sưu tập vẻ vang một thời sẽ sống “cuộc đời” riêng của nó giống như ánh nến trong nhà mồ - leo lét cháy và rồi lại sáng bùng lên khi một cơn gió cuốn qua…

Lịch sử sưu tập đã có từ thời kỳ đầu của quá trình tiến hóa nhân loại trong các cố gắng nhằm bảo toàn và cải thiện cuộc sống. Tổ tiên của chúng ta - những con người tiền sử đầu tiên - tiến tới việc chuyển các hang tích trữ thực phẩm sang tàng trữ kho báu. Trải qua nhiều thế kỷ, việc sở hữu một bộ sưu tập luôn là dấu hiệu khẳng định sự phong lưu.

Bao trùm lên tất cả là niềm đam mê trọn đời người về một lĩnh vực nào đó. Người ta sưu tầm từ những con tem hiếm đến bụi vũ trụ, từ các kỷ vật tới những chữ ký… tùy theo khả năng và sở thích của mỗi người. Hầu như trên thế gian này bất cứ cái gì cũng có thể trở thành món đồ sưu tập được, “càng nhiều càng ít” là châm ngôn của giới sưu tập cả nhà nghề lẫn nghiệp dư.

Sưu tập nghệ thuật, đúng ra chỉ là một khía cạnh của “cơn sốt” sưu tầm khắp hoàn cầu qua các mốc thời gian. Và mỗi một cá nhân - “hạt bụi trong sa mạc” của nghề sưu tập - đều có một chỗ đứng nhất định của mình. Nhưng hiển nhiên người sưu tập tranh và tượng quý bao giờ cũng “tinh ranh” hơn kẻ chuyên sưu tầm các nhãn hiệu bia hay các loại chai nước ngọt.

Bức tranh “The Nightmare” (Ác mộng) từng được bán với giá 20 triệu USD, đã âm ỉ trong giới sưu tập am hiểu, rằng đó không phải là đồ thật do chính tay họa sĩ Thụy Sĩ trứ danh Henry Fuseli (1741-1825) vẽ ra.

Sưu tập tranh tượng quý hiếm là một nghề nguy hiểm, bởi vì “tính ổn định” trong các sáng tạo nghệ thuật không có một sự bảo đảm chắc chắn nào hết, nhiều khi vẻ “lưu niên” của các tác phẩm mang tính chất rất đáng ngờ. Không có chủ nhân bất kỳ một một bộ sưu tập hoàn hảo nào dám khẳng định là trong gia sản của mình không có sản phẩm giả chen vào trong đó.

Lịch sử sưu tập nghệ thuật đã có từ thời xa xưa. Khởi đầu từ vị Pharaoh Ai Cập cổ đại Ramesses II (1303-1213 T.CN), đến các doanh nhân thời hiện đại như siêu tỉ phú dầu mỏ John D. Rockefeller (1839-1937), hay Solomon Robert Guggenheim (1861-1949)... Nhưng nổi bật hơn cả phải kể đến bộ sưu tập đồ sộ của Nữ hoàng Anh Elizabeth II, cũng chính là bộ tuyển tập lớn nhất thế giới về các tác phẩm nghệ thuật vô giá.

Ngoài ra phải kể tới những nhà sưu tầm biết tự tạo ra sản phẩm bằng đôi tay khéo léo của mình, hoặc chính các họa sĩ lại là những nhà sưu tập tranh miệt mài nhất. Ví như cây cọ nổi tiếng người Hà Lan Peter Paul Rubens (1577-1640) thường đặt mua trước các bức họa của giới đồng nghiệp, hay đại danh họa người Tây Ban Nha Pablo Picasso (1881-1973) lại treo khắp nhà mình những bức tranh xuất sắc nhất của bạn mình vẽ thuộc đủ mọi trường phái…

Việc sưu tập đòi hỏi tiền bạc, thời gian và chỗ chứa - bảo quản. Cái giá chung của cả 3 yếu tố thiết yếu này ngày một nhích lên. “Cơn sốt sưu tập” bị sức ép giữa nghệ thuật, kinh doanh và môi giới. Đây là một trò chơi cạnh tranh khốc liệt, bất chấp bề ngoài thoạt trông có vẻ là thứ công việc nghiêm túc tràn ngập sự hiểu biết. “Trò chơi” này không bao giờ cũ cả. Mọi người sẽ gắn bó số phận của họ với những món đồ có trong tay.

Nữ hoàng Catherine II là người rất mê sưu tập tranh.

Năm 1996, văn sĩ kiêm nhà phê bình nghệ thuật người Pháp Pierre Cabanne (1921-2007) cho xuất bản cuốn “Câu chuyện về những nhà sưu tập hàng đầu”, trong đó quy tụ tiểu sử của 12 nhân vật điển hình trong lịch sử sưu tầm nghệ thuật: từ Nữ hoàng Catherine Đại đế của Nga tới “Vua của giới sưu tập” S. R. Guggenheim người Mỹ.

Còn trong cuốn “Cơn sốt”, nhà văn Đức Pieter Zanger lại liệt kê những kẻ “mới phất và mê sưu tập” giữa giới giàu xổi đương thời, từ Berlin (Đức) tới Tokyo (Nhật Bản), với tỷ lệ đàn ông Đức có bảo tàng nghệ thuật riêng chiếm đa phần và đó là “một trong những niềm kiêu hãnh” của Đức quốc.

Một nhà sưu tập điển hình  rất thư thái, lịch sự. Họ thường tiếp khách bằng những món chuẩn mực, nhưng không phải là đồ ăn thức uống đắt tiền. Như nhà sưu tập trứ danh người Mỹ Armand Hammer (1898-1990) đến những ngày cuối đời mình vẫn tự hài lòng với ly nước lạnh, bởi sự tiết kiệm là ưu điểm hàng đầu của những người giàu có mê sưu tập. Họ để dành tiền cho các sản phẩm nghệ thuật mà không phải ai cũng có được. Nhưng không phải bất cứ nhà sưu tầm nào cũng am hiểu mọi thứ mà họ có.

Điều ưu tiên hàng đầu là sở thích và khả năng tài chính. Nữ hoàng Catherine II (1729-1796) công khai nói rằng bà không am hiểu chút gì về nghệ thuật, nhưng bất chấp điều đó bà đã tạo nên một Viện bảo tàng Hermitage tuyệt vời ở Saint Petersburg; hiển nhiên nhà bách khoa toàn thư uyên bác người Pháp Denis Diderot (1713-1784) là một cố vấn đắc lực cho Nữ hoàng Catherine Đại đế. Công việc sưu tập là dành cho những người có nguồn tài chính chắc chắn.

Một gian trong Bảo tàng viện mang tên Guggenheim ở New York (Mỹ).

Một trường hợp may mắn hy hữu như số phận sau đây, thật khó mà lặp lại trong lịch sử của những người mê sưu tầm “bẩm sinh”: Albert Coombs Barnes, (1872-1951); lớn lên giữa một khu phố nghèo khổ ở Philadelphia (tiểu bang Pennsylvania, Mỹ). Khi vừa tốt nghiệp y khoa đồng thời ông cũng khám phá ra loại tân dược đặt tên là argyrol, giúp điều trị hiệu quả chống lại bệnh giang mai và phòng ngừa mù lòa ở trẻ sơ sinh, đem lại nguồn lợi tức rất lớn cho việc mua tranh trong bộ sưu tập chuyên về các danh họa Pháp của mình.

Giới sưu tầm không chỉ thu thập, mặc cả, ngắm chơi, rao giá, đặt cược... và ai cũng đều đúng theo từng quan điểm riêng của mình. Sưu tập là thứ nghệ thuật của một “cuộc đi săn” thực thụ, tuy không đổ máu, nhưng không phải là tuyệt đối an toàn, đầy xúc cảm, ganh đua cộng với sự nhỏ nhen của lòng ích kỷ, cũng như tính nhẫn tâm để đoạt cho bằng được “con mồi” hòng thỏa mãn niềm khao khát của người trong cuộc.

Các sản phẩm nghệ thuật tự đua tranh song song với sự “bám riết” của giới sưu tập. Một mất một còn: không là đồ original thì cũng là của “rởm”. Nhiều kẻ khác thì mua các đồ sưu tập chỉ để… bán lại, cùng những nụ cười thay đổi theo hoài vọng về “điều kỳ diệu” sẽ xảy ra. Còn điều kỳ diệu thật thì đã có: những lưỡi lửa khổng lồ đã thiêu rụi mái vòm của Điện Windsor - nơi tàng trữ bộ sưu tập lớn nhất thế giới; may mà các kiệt tác nghệ thuật tại đây vẫn còn nguyên vẹn. Đúng là cuộc sống thì ngắn ngủi, còn nghệ thuật là vĩnh hằng.

Trần Hồng (tổng hợp)
.
.