TP Hồ Chí Minh: Gian nan chống ngập

Thứ Ba, 28/06/2016, 17:10
Không chỉ riêng TP Hồ Chí Minh, các tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, TP Biên Hòa Đồng Nai… đang chịu tình trạng ngập lụt thời điểm. TP Hồ Chí Minh là đô thị lớn nhất nước, tình trạng ngập gây thiệt hại nhiều về kinh tế, xã hội nên dư luận tập trung quan tâm nhiều hơn.

Công tác chống ngập của chính quyền thành phố cũng được “soi xét” kỹ lưỡng. Những năm gần đây, kinh phí chống ngập đã lên tới hàng ngàn tỉ đồng, nhưng ngập vẫn hoàn ngập. Vì sao?

Những con đường không có cống thoát nước?

Tại TP Hồ Chí Minh, hàng chục tuyến đường bị ngập sau những cơn mưa đầu mùa. Ngày 31-5 vừa qua, làm việc với một đơn vị được giao lập đề án chống ngập, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh, ông Tất Thành Cang đã chỉ ra một trong những nguyên nhân khiến tình trạng ngập ngày càng trầm trọng hơn là do nhiều con đường làm xong không chú ý đến hệ thống cống thoát nước.

Nói về cơ sở tìm giải pháp chống ngập cho thành phố, ông Tất Thành Cang cho rằng cần nghiên cứu đồng bộ các giải pháp về biến đổi khí hậu, nước biển dâng, lượng mưa nhiều… đồng thời, phải kết hợp với các địa phương lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An… cùng nghiên cứu và tìm ra các giải pháp chống ngập hữu hiệu nhất.

Con đường không có ống cống quanh năm ngập ngụa.

Chúng tôi thắc mắc vì sao nhiều con đường khi thi công lại không đặt cống thoát nước với một kỹ sư cầu đường, cậu cho biết: hiện nay do tốc độ phát triển đô thị quá nhanh, cơ sở hạ tầng không theo kịp dẫn đến tình trạng làm đường trước, đặt cống thoát nước sau. Có khi người ta còn “quên” không đặt cống thoát nước.  Ở một số khu vực ngoại vi thành phố, nơi có mật độ ao hồ, kênh rạch nhiều, quy hoạch chủ trương không có cống thoát nước mà  có thể để xả tràn.

Trước mặt UBND phường 6, quận 8 là đường Tạ Quang Bửu, dài chưa đầy 2km. Con đường này là một ví dụ về việc khi thi công (cũng có khi do thiết kế) “quên” không đặt cống thoát nước. Chủ một quán giải khát than: “Mang tiếng sống giữa thành phố mà còn cực hơn ở nông thôn. Quanh năm suốt tháng sống với sình lầy nước thải làm sao mà chịu được”.

Quản lý của một công ty chuyên sản xuất khăn giấy đóng trên địa bàn này cho biết, anh làm việc ở đây đã hơn chục năm. Từng ấy năm nắng lên thì bụi bặm, mưa xuống thì nước tràn vào sân công ty. Những lúc đó lại phải huy động công nhân, máy bơm hút, tát nước ra đường.

Hầu hết công ty, xí nghiệp đóng trên địa bàn và cả nhà dân đều phải chịu cảnh cứ mưa xuống là nước tràn vào nhà. là thi nhau tát nước ra đường. Nước chảy chỗ trũng nên hai bên đường nhiều chỗ trở thành ao tù nước đọng, có thể nuôi cá, vịt…

Có nhà dân nuôi vịt trên những vũng nước đọng thành ao.

Không có cống thoát nước, các hộ dân sinh sống tại một hẻm nhỏ tại khu phố 6, phường 16, quận 8 phải kêu trời suốt bao năm nay. Nước thải sinh hoạt tràn ngập mặt đường, người dân ở đây đã phải bỏ ra cả trăm triệu đồng để xây những “con đê” ngăn nước bẩn tràn vào nhà. Vậy nhưng mọi khoản phí liên quan tới cấp thoát nước, vệ sinh môi trường bà con vẫn phải đóng không thiếu một xu!

Theo Trung tâm Chống ngập TP Hồ Chí Minh, cống thoát nước các tuyến đường ngoại vi của khu đô thị lớn chỉ đáp ứng được một nửa nhu cầu tiêu thoát nước. Nước thải sinh hoạt của nhiều hộ dân ở các vùng ven TP Hồ Chí Minh phải xả trực tiếp ra đường mà không có hệ thống ống cống thu gom nước xả.

Nguyên nhân gây ngập

TP Hồ Chí Minh ngập do nhiều nguyên nhân”: Ngập do mưa, ngập do triều cường, ngập do tổ hợp mưa kết hợp với triều cường, ngập do sụt lún nền đất (một số tỉnh miền Tây còn bị ngập do lũ, do tổ hợp mưa cộng triều cường kết hợp với lũ).

Thứ nhất, ngập do mưa, những năm gần đây, do điều kiện tự nhiên thay đổi, Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Các cơn mưa lớn vượt vũ lượng thường xuyên xảy ra, thời gian mưa kéo dài, dẫn đến hệ thống cống thoát hiện hữu không đủ khả năng thoát nước, nhiều tuyến cống hiện nay được xây dựng đã lâu, chưa có điều kiện thay thế.

Thứ hai, ngập do triều cường, do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, triều cường các năm gần đây có xu hướng dâng cao, đỉnh triều 1,7m có xu hướng xuất hiện nhiều lần, cao hơn cao độ hiện hữu của các công trình, dẫn tới ngập. Khi mực nước triều dâng cao hơn miệng xả của cống thoát nước, nước sẽ chảy ngược lên các hố ga, gây ngập mặt đường. Đồng thời, hầu hết các tuyến cống ở các đô thị là tuyến cống chung (thu gom nước mưa và nước thải), lượng nước thải không thoát ra cửa xả được, kết hợp với nước triều tràn vào gây ngập úng, nước bốc mùi…

Thứ ba là ngập do tổ hợp mưa cộng với triều cường. Khi mưa xảy ra vào thời điểm triều cường lên cao, nước mưa không thể thoát được, triều cường từ ngoài chảy ngược vào trong nội đô, dẫn đến hiện tượng ngập nặng.

Trụ sở UBND phường 6, quận 8.

Ngoài các lý do nêu trên, có nhiều lý do khách quan khác: do nhu cầu phát triển đô thị, diện tích đất bị bê tông hóa nhiều, việc san lấp mặt bằng để xây dựng các công trình nhà ở làm mất các khu chứa nước, điều tiết nước, kênh rạch thoát nước. Về nguyên tắc, thể tích nước là không đổi, không thấm được chỗ này sẽ chảy tràn ra chỗ khác gây ngập. Thứ hai do sụt lún nền đất: địa chất, địa hình TP Hồ Chí Minh và các tỉnh ĐBSCL nói chung là thấp, nền đất yếu, người dân khai thác nước ngầm quá nhiều, dẫn tới mất cân bằng trong đất, gây sụt lún nền đất. Ý thức bảo vệ hệ thống tiêu thoát của cộng đồng chưa cao, đặc biệt là xả rác bừa bãi, đôi khi còn bịt hố ga, làm tắc nghẽn hệ thống thu gom nước từ mặt đường xuống hố ga và các đường ống tiêu thoát nước đô thị…

Giải pháp chống ngập

Nỗ lực chống ngập của TP Hồ Chí Minh trong những năm qua đáng ghi nhận. Tuy nhiên, những nỗ lực ấy chưa hiệu quả? Nhiều tuyến đường bất kể mưa lớn hay mưa nhỏ, đường lúc nào cũng xâm xấp nước. Theo Phó Bí thư Thành ủy Tất Thành Cang, hiện hệ thống thoát nước của TP Hồ Chí Minh đang mâu thuẫn giữa đô thị cũ và đô thị mới khiến hệ thống thoát nước cũ và mới không được đồng bộ. Cao độ khác nhau giữa hệ thống thoát nước cấp 1, cấp 2 và cấp 3 khiến việc thoát nước bị ảnh hưởng. Thậm chí, vấn đề phân cấp quản lý cũng khiến cho hệ thống cống thoát nước và hệ thống kênh rạch thoát nước bị xung đột.

Trao đổi giải pháp chống ngập với các nhà chuyên môn, họ  cho biết, không chỉ riêng TP Hồ Chí Minh, ngay cả các nước phát triển (Hà Lan, Pháp… cũng bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu) đã và đang loay hoay nghiên cứu kỹ thuật chống ngập. Về lý thuyết: kết hợp đồng bộ cơ sở hạ tầng, kiểm soát triều cường, nâng cao ý thức cộng đồng thì có thể chống được ngập. Nhưng để thực hiện được điều đó, tại thời điểm này là khó khả thi do phụ thuộc vào nguồn kinh phí, hiện trạng đô thị…

TP Hồ Chí Minh là khu vực nhiều sông ngòi, kênh rạch, khi đầu tư xây dựng cống, phải kết hợp kiểm soát mực nước triều bằng cách xây đê bao, cống kiểm soát triều chặn các kênh dẫn vào nội đô, để cống thoát nước có thể thoát ra được (ví dụ khi triều cường 1,7m, kiểm soát mực nước ở các kênh chỉ 1,2m).

Hiện nay, các công trình đang xây dựng chủ yếu là phục vụ giảm ngập cấp bách. Chỗ nào ngập nặng thì làm trước, ngập đến đâu tôn đường cao đến đó. Thành phố chưa có điều kiện đầu tư xây đê bao nên phải kết hợp xây cống và nâng đường cao hơn đỉnh triều. Làm đường để chống ngập, nên cao độ đường về nguyên tắc phải cao hơn mực nước cao nhất của đỉnh triều. Chỉ khi nào chúng ta kiểm soát được đỉnh triều, lúc đó chúng ta mới không cần phải ngập đến đâu tôn đường cao đến đó.

Mấy năm gần đây các tuyến đường quanh khu vực kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đã bớt ngập, bởi chúng ta đã kiểm soát được đỉnh triều.  Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp sẽ làm cho diễn biến mưa, triều cường có xu hướng tăng dần. Do vậy giải pháp công trình đôn đường lên cao để chống ngập là không khả thi, không thể cứ ngập đến đâu là làm đường cao đến đó, không ai làm đường chống ngập theo quy tắc “bình thông nhau”.

Khoan thăm dò địa chất để làm cống thoát nước.

Một số công trình do chủ đầu tư tắc trách “đốt cháy giai đoạn” nên không đồng bộ với các dự án khác… Muốn đồng bộ thì dự án này phải chờ dự án kia, trong khi người dân thì không chịu được ngập dẫn đến tình trạng dự án này làm trước, dự án kia làm sau. Về cơ bản, khi không đồng bộ, nước hết ngập khu vực này, sẽ chảy qua khu vực khác, gây ngập khu vực có địa hình thấp hơn. Cho nên, ở góc độ xa hơn muốn đồng bộ được các giải pháp chống ngập phải phối hợp với các tỉnh lân cận.

Ngày 3-6 vừa qua, UBND TP Hồ Chí Minh đã ký kết với một số doanh nghiệp thực hiện dự án giải quyết ngập do triều, trong đó có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu với tổng kinh phí lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Dự án được triển khai ngay trong tháng 6, dự kiến hoàn thành sau 3 năm triển khai, nhằm kiểm soát ngập do triều cường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thành phố cũng đang nghiên cứu chủ động trong việc điều tiết hạ thấp mực nước ở các kênh rạch, cải thiện khả năng tiêu thoát nước đô thị và tạo cảnh quan môi trường cho khu vực. Để đảm bảo mục tiêu kiểm soát ngập do triều và chủ động điều tiết nước, dự án tập trung xây dựng 6 cống kiểm soát triều tại Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô, Phú Định quy mô cống rộng từ 40 đến 160 m và xây dựng tuyến đê bao dài.

Bên cạnh đó, dự án xây dựng 3 trạm bơm tại cống Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Định và đảm bảo tàu thuyền vẫn qua lại an toàn khi đưa dự án vào hoạt động. Ngoài ra TP Hồ Chí Minh còn có kế hoạch xây dựng một số hồ điều tiết như Gò Dưa tại quận Thủ Đức, Bàu Cát, Tân Bình và Khánh Hội, quận 4.

Theo UBND thành phố, đây là phương án phù hợp trong tình hình ngân sách thành phố còn hạn chế, trước hết là tập trung khắc phục ở khu trung tâm để hạn chế ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống, sinh hoạt, sản xuất của người dân.

Đức Hà
.
.