Tập quán ăn... đất ở Cameroon

Thứ Sáu, 09/09/2016, 12:35
Trong khi trên thế giới coi thói quen ăn đất (geophagy) là một dạng rối loạn ăn thì có những nơi mà “món ăn” này được ưa chuộng!

Sheila còn là một đứa trẻ ở Cameroon khi bắt đầu ăn đất sét trắng (kaolin). Sheila kể: “Lúc đó tôi đang học tiểu học. Dì tôi ăn đất sét và tôi thường đi mua thứ này ở chợ về cho dì thưởng thức”. Sheila hiện đang học một trường đại học ở Pháp.

Sheila cho biết nhiều người Cameroon trở về nước tiếp tục ăn đất hàng ngày. Thậm chí, một số người còn ghiền món này. Đất sét rất dễ mua được trong những ngôi chợ ở Cameroon và có vẻ như nó không nằm trong danh sách những chất cấm tiêu thụ ở xứ sở Tây Phi này. Bởi vì, đất sét chẳng phải là thứ ma túy đường phố, nhưng nó bẩn!

Sera Young.

Thói quen ăn đất có lịch sử dài ở Cameroon. Những tài liệu văn bản thời thuộc địa có liên quan đến Cameroon mô tả hành vi ẩm thực này một cách chi tiết. Theo đó, mọi đứa trẻ ở Cameroon đều ăn đất. Ăn đất cũng phổ biến ở Argentina, Iran và Nambia. Dường như, người dân vùng nhiệt đới thường hay ăn đất nhiều hơn và chủ yếu tập trung ở 2 nhóm đặc biệt – trẻ con và phụ nữ mang thai.

Nữ giáo sư Đại học Cornell (Mỹ) Sera Young đã trải qua 2 năm nghiên cứu và phân tích gần 500 tài liệu hiện đại và lịch sử về hành vi ăn đất. Sera Young kể câu chuyện ăn đất của một phụ nữ mang thai mà bà gặp khi thực hiện cuộc điều tra ở Tanzania. Người phụ nữ này ăn đất trong suốt thời gian mang thai và “2 lần trong ngày, tôi cào đất từ bức tường nhà để ăn”. Dĩ nhiên, Sera Young không khỏi giật mình kinh hãi trước thói quen kỳ dị này.

Thật ra, y khoa phương Tây coi hành vi ăn đất là một dạng bệnh học gọi là hội chứng Pica – chứng rối loạn nơi những người thích ăn bất kể thứ gì không phải là thức ăn thông thường, như là bóng đèn, thủy tinh, chất tẩy, giấy v.v… hoàn toàn không có chất dinh dưỡng thậm chí bẩn thỉu và độc hại. Hiện nay, Pica được coi là một dạng rối loạn tâm thần. Rõ ràng là, người dân ở Cameroon hoàn toàn không bị chính quyền ngăn cấm hành vi ăn đất!

Đất sét có lẽ là loại được ăn nhiều nhất (trái) - Hành vi ăn đất cũng được cho là do cơ thề thiếu chất khoáng.

Khi làm việc ở Kenya, Sera Young cũng hết sức ngạc nhiên khi phát hiện mình có thể dễ dàng mua được những gói đất được ướp đủ loại gia vị như tiêu đen và bạch đậu khấu. Monique, một sinh viên người Cameroon khác, giải thích: “Ăn đất không chỉ là sự thèm muốn mà còn để chữa trị nôn mửa và đau dạ dày. Đất sét làm dịu cơn đau bởi vì nó giống như một lớp tráng dạ dày”.

Thật ra, có 3 cách giải thích hành vi ăn đất và Monique đã trình bày cách thứ nhất. Đất sét thuộc nhóm các khoáng vật phyllosilicat ngậm nước. Đất sét rất tốt khi dùng để gói bọc lai mọi thứ cho nên có lẽ vì thế mà Monique cho rằng nó làm dịu cơn đau dạ dày – bằng cách bọc lại hay phong tỏa các chất độc và mầm bệnh trong hệ tiêu hóa.

Những thí nghiệm nơi chuột và những quan sát nơi khỉ cho thấy những con vật này thường tìm ăn những chất không phải là thực phẩm để chống lại những chất độc đã tiêu hóa trong cơ thể. Thậm chí, một số cách nấu ăn truyền thống vẫn trộn thực phẩm với đất sét để bài xuất chất độc và khiến món ăn dễ ăn hơn. Ví dụ, quả đấu (acorn) không dễ ăn nhưng loại bánh bột quả đấu được ưa chuộng ở California (Mỹ) và đảo Sardinia của Italia (ở Địa Trung Hải) được làm với quả hạch nghiền nhỏ trộn với đất sét để giảm nồng độ tannic acid gây khó chịu.

Giả thuyết thứ 2 có vẻ có sức thuyết phục hơn – đất sét chứa các chất dinh dưỡng mà thực phẩm thông thường không có. Theo trang web y khoa MedHunter, một số loại đất sét có chứa một số khoáng chất rất tốt cho phụ nữ mang thai – ví dụ, 100g đất sét trắng cung cấp 15mg cancium, 48mg sắt, 42mg kẽm, một lượng nhỏ đồng và một số nguyên tố. Có lẽ đó là lý do mà những người bị chứng thiếu máu hay ăn đất sét. Đất sét cũng giàu chất sắt nên được ăn để chữa chứng thiếu chất sắt.

Trong phần lớn các chợ, người ta dễ dàng mua đất.

Giả thuyết thứ 3 cho rằng hành vi ăn đất phát sinh do cơ thể thiếu hụt các nguyên tố vi lượng. Sera Young nói: “Chúng ta cho rằng hành vi ăn đất thường tồn tại ở những vùng nhiệt đới bởi vì đây là những nơi có nhiều mầm bệnh”. Trong khi đó, trẻ em và phụ nữ mang thai là 2 nhóm có hệ miễn dịch yếu hơn nên rất cần dưỡng chất hay để bảo vệ cơ thể chống lại bệnh tật.

Theo Julia Hormes, giáo sư khoa tâm lý học Đại học Albany (Mỹ), hành vi ăn đất liên quan đến văn hóa dân tộc. Ví dụ, phụ nữ ở Cameroon thèm ăn đất cũng giống  như phụ nữ châu Âu hay Bắc Mỹ thích ăn chocolate hay kem lạnh!

Nhưng các nhà khoa học tin rằng trong một số trường hợp thì hành vi ăn đất liên quan đến các vấn đề về tâm thần. Năm 2000, Cơ quan Quản lý Chất độc và Ghi nhận Bệnh tật Mỹ (ATSDR) cảnh báo hành vi ăn đất có thể đưa hơn 500mg mầm bệnh vào cơ thể một ngày.

Ranit Mishori, giáo sư khoa y khoa gia đình và bác sĩ Trung tâm Y khoa Đại học Georgetown (Mỹ), lập luận: “Bởi vì hành vi ăn đất được coi là hiện tượng gắn liền với văn hóa dân tộc cho nên tôi không đánh giá nó là hành vi bất thường”.

Duy Minh (tổng hợp)
.
.