Thành phố đá Tashkent

Thứ Sáu, 04/08/2017, 14:44
Thủ đô Tashkent của nước Cộng hòa Uzbekistan còn được biết đến với tên gọi “thành phố đá Tashkent”, từng đóng vai trò cực kỳ quan trọng trên Con đường tơ lụa nối liền huyết mạch giao thương giữa phương Tây và phương Đông nên cũng là một trong những trung tâm phát triển văn hóa của khu vực Trung Á.

Vào khoảng thế kỷ V đến III trước Công nguyên, Tashkent tập hợp những cư dân bản địa lập nghiệp tại ốc đảo bên dòng sông Chirchik, dưới chân những ngọn đồi của dãy Thiên Sơn. Tashkent thời Trung cổ có tên gọi là “Chach”, nghĩa là thành phố đá, có từ triều đại Kara-Khanid ở thế kỷ X. Nơi đây là trạm dừng chân của các thương nhân trên Con đường tơ lụa giao dịch các loại hàng hóa, trong đó nổi bật là đá bán quý, vì thế Chach được giới thương  nhân mệnh danh là “thế giới đá” hay “thành phố ngọc lam”.

Vùng đất từng chịu sự ảnh hưởng giao thoa các nền văn hóa khác nhau của người Sogdian, Turk, người Hồi giáo Arập, Alexander Đại đế và Thành Cát Tư Hãn đã từng chinh chiến tại đây, sau đó Amir Timur, quốc vương của một vùng đất rộng lớn gồm Ba Tư và Mông Cổ, Trung Á, phần đông Trung Quốc và phần bắc của Ấn Độ đã chọn Samarkand làm thủ đô vương quốc của ông. Tashkent dưới triều đại hoàng đế Amir Timur được xem là thời đại hoàng kim khi bấy giờ diện tích vương quốc gấp 7 lần đất nước Uzbekistan hiện tại.

Quang cảnh “Thành phố đá”.

Samarkand có lịch sử lâu đời chẳng kém Roma của Italy hay Athens của Hy Lạp, một thời được xem là trung tâm chính trị và văn hóa của châu Á. Mãi cho đến năm 1865, Nga hoàng xua quân chinh phạt, Uzbekistan thần phục đế quốc Nga. Sau Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, Uzbekistan trở thành một trong những quốc gia thuộc Liên bang Xôviết, và hơn 70 năm sau, khi Liên Xô tan rã, Uzbekistan trở thành quốc gia độc lập.

Là quốc gia phát triển nhất ở Trung Á, Uzbekistan thường tự hào về hệ thống đường sá được đầu tư tốt, trong đó có tuyến tàu cao tốc nối Tashkent với Samarkand, cố đô của nước này. Trong Chiến tranh thế giới 2, gần nửa triệu người Uzbekistan đã thiệt mạng. Trận động đất diễn ra vào ngày 26-4-1966 tầm 7-8 độ richter đã tàn phá nhiều di tích lịch sử của thành phố.

Để ghi nhớ quá khứ đau thương ấy, chính quyền thành phố đã xây dựng tượng đài “Dũng cảm” bằng đồng với hình ảnh người phụ nữ bế con và người đàn ông chau mày giận dữ nhìn những vết nứt trên mặt đất như thể hiện sự kháng cự của con người trước sự tàn phá khủng khiếp của thiên nhiên.

Không chỉ chinh phục du khách bởi thiên nhiên hoang dã xinh đẹp dọc theo Con đường tơ lụa huyền thoại, đất nước này còn sở hữu một số lượng lớn những công trình lịch sử và kiến trúc được coi là di sản vô giá của nhân loại. Dưới bầu trời cao xanh lồng lộng, giữa hoang mạc mênh mông cát vàng, những công trình kiến trúc cổ có tường màu vàng sa thạch, mái vòm màu ngọc lam xanh biêng biếc tạo nên bức tranh sắc màu rực rỡ.

Con kênh Anhor hiền hòa chảy giữa những ngày hè trên ốc đảo, chia Tashkent thành 2 phần, một bên là khu thành cổ và khu vực bên kia là thành phố hiện đại với mô-típ kiến trúc xây dựng kiểu Nga. Quảng trường Hast Imam, trung tâm tôn giáo của thành phố đá Tashkent nằm trong khu vực thành phố cổ. Nơi này chỉ còn lại một số ít những di tích cổ, trong đó có học viện tôn giáo Imam Al-Bukhari, nhà thờ Tilla Sheikh và khu lăng mộ. Trong quần thể di tích còn có thư viện chứa nhiều tư liệu quý của phương Đông, đặc biệt đây là nơi cất giữ bản thảo cổ đại với 353 tờ giấy da có kích thước rất lớn vốn là văn bản gốc của kinh Koran.

Quảng trường Registan.

Sự phồn thịnh và quyền lực một thời của cố đô vẫn còn thể hiện nguyên vẹn ở Registan, quảng trường rộng lớn và làm choáng ngợp mọi du khách bởi những tòa tháp, mái vòm vương giả có tường, cột bằng đá cẩm thạch và hoa văn được cẩn bằng nhiều loại đá quý. Toàn bộ nền quảng trường rộng thênh thang cũng được lát bằng đá hoa cương nhẵn bóng.

Thánh đường Bibi Khanum tại đây là một trong những nhà thờ Hồi giáo lớn nhất trên thế giới. Bảo tàng trưng bày về triều đại của vua Timur Lenk cũng rất phong phú với nhiều hiện vật quý giá, tái hiện sống động thời oanh liệt của Samarkand.

Trong bảo tàng có ghi lại câu nói nổi tiếng của Uleg Beg, anh hùng lịch sử vùng Trung Á và cũng là cháu nội vua Timur: “Tôn giáo sẽ dần tan biến như màn sương, các vương quốc rồi cũng có lúc bị hủy diệt, chỉ có thành quả của các nhà khoa học là còn lại mãi mãi”.

Quả vậy, nền khoa học của Uzbekistan khởi nguồn từ thời cổ đại với nhiều phát minh đột phá trong các lĩnh vực tự nhiên, y tế, triết học... Nhiều học giả, nhà khoa học, thiên văn học Uzbek đã có những đóng góp quan trọng vào nền văn minh chung của loài người. Nếu không có nhà toán học Muhammad Al-Muso Khorazmy, khó có thể tưởng tượng được sự phát triển của toán học hiện đại. Ông đã thành lập ra các căn cứ đầu tiên của môn đại số.

Cùng thời gian đó, Akhmad Ferghany, nhà thiên văn học, toán học, và địa lý học đã viết luận thuyết nổi tiếng “Madkhal un-Nujum” (Sự bắt đầu của thiên văn học). Để lại dấu ấn trong lịch sử văn minh nhân loại còn có Abu Ali ibn Sino, nhà khoa học, nhà triết học, bác sĩ, và nhạc sĩ với các công trình triết học quan trọng và bộ sách “Khoa học y tế cơ bản”, cuốn sách gối đầu giường của các bác sĩ trên thế giới trong nhiều thế kỷ.

H.T. (tổng hợp)
.
.