Thành phố du lịch nổi tiếng nhất Nam Phi sẽ hết nước?

Thứ Hai, 12/02/2018, 15:39
Cả thế giới đang quan tâm đến cuộc khủng hoảng nước ngọt sinh hoạt đang diễn ra gay gắt tại Cape Town, thành phố du lịch nổi tiếng nhất Nam Phi.

Theo dự báo của cơ quan kiểm soát thảm họa nước này, tình trạng thiếu hụt nước ngọt sinh hoạt đang ngày càng nghiêm trọng và thành phố có thể sẽ hết nước hoàn toàn vào khoảng giữa tháng 4-2018. Điều gì sẽ xảy ra nếu Cape Town không còn nước sinh hoạt?

Cape Town sẽ ra sao khi không còn nước?

Để trả lời câu hỏi này, người đứng đầu cơ quan kiểm soát thảm họa Nam Phi đang soạn thảo một kế hoạch ứng phó nhưng hy vọng sẽ không bao giờ mang nó ra thực hiện. Greg Pillay, người đứng đầu cơ quan kiểm soát thảm họa Nam Phi cho biết, cơ quan ông đã xác định 4 nguy cơ đối với Nam Phi hiện nay bao gồm thiếu nước ngọt, điều kiện vệ sinh yếu kém, bệnh tật bùng phát và hỗn loạn xã hội do thiếu hụt nguồn tài nguyên.

Pillay cho biết, cơ quan ông đã sẵn sàng ứng phó, nhưng kịch bản "không còn nước" là điều không mong muốn nhất. Đây là một thảm họa điển hình của ảnh hưởng biến đổi khí hậu toàn cầu.

Người dân Cape Town xếp hàng chờ nhận phần nước sinh hoạt mỗi ngày.

Cùng tham gia soạn thảo kế hoạch ngoài cơ quan kiểm soát thảm họa của Pillay còn có các cơ quan ứng phó tình trạng khẩn cấp, quân đội, cơ quan phòng chống dịch bệnh và các chuyên gia y tế. Tất cả đang chạy đua hướng đến "Ngày số không" (Day Zero), là thời điểm mà hồ chứa nước ngọt Theewaterskloof cạn kiệt, chỉ còn 13% lượng nước dự trữ, và sau đó sẽ là tình trạng khô cháy.

Ở mực nước chết này, các hệ thống ống cung cấp nước đều không thể hoạt động, và khi đó cơ quan chức năng thành phố sẽ cử các kỹ sư đi khóa van ống dẫn nước cho khoảng một triệu hộ sử dụng, chiếm khoảng 75% người sử dụng toàn thành phố.

Cape Town là thành phố du lịch nổi tiếng nhất của Nam Phi, là điểm đến ưa chuộng của du khách khắp thế giới. Nhưng thành phố này có nhược điểm đáng ngại là vị trí địa lý nằm sát biển Nam Đại Tây Dương, khan hiếm nguồn nước ngọt, phải đắp đập ngăn sông để tạo thành hồ chứa nước ngọt Theewaterskloof. Hồ chứa nhân tạo khổng lồ nằm trong lưu vực sông Sonderend, được ngăn thành bởi 6 con đập (có cửa đóng xả), có tổng diện tích 500 kilômét vuông, có sức chứa tổng cộng khoảng 480 triệu mét khối nước.

Nếu thời tiết có mưa đầy đủ, trung bình mỗi năm hồ được tiếp thêm khoảng 500 triệu lít nước, đủ cung cấp nước cho nhu cầu sử dụng vừa sinh hoạt vừa tưới tiêu trong sản xuất nông nghiệp của thành phố Cap Town.

Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, tình hình cung cấp nước bổ sung cho hồ Theewaterskloof có dấu hiệu sụt giảm, làm nảy sinh nguy cơ thiếu nước ngọt sinh hoạt. Tình hình khủng hoảng hiện tại được giới chuyên gia môi trường cho là do ảnh hưởng của đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong gần 400 năm qua làm cho lượng nước trong hồ chứa Theewaterskloof bốc hơi nhanh hơn bình thường.

Đi kèm theo đó là sự sụt giảm lượng mưa kéo dài liên tục trong khoảng 3 - 4 năm gần đây khiến cho lượng nước cung cấp cho hồ chứa Theewaterskloof giảm. Một nguyên nhân nữa cũng được các chuyên gia đưa ra phân tích là tốc độ gia tăng dân số lên đến 79% (từ 2,4 triệu lên 4,3 triệu người) trong giai đoạn 1995-2015, nhanh hơn mức tăng dự trữ nước chỉ 15% trong cùng thời gian.

Thêm vào đó là việc mở rộng diện tích sản xuất những vườn nho vốn tiêu thụ lượng nước khá lớn. Điều này có nghĩa là áp lực tiêu thụ nước gia tăng đột biến làm kéo giảm mực nước dự trữ nhanh hơn. Thống kê mức tiêu thụ nước ngọt ở Cape Town ghi nhận vào năm 2015 đã xác nhận điều này. Sự gia tăng tiêu thụ nước mạnh khiến lượng nước dự trữ giảm nhanh ngay trước thời điểm xảy ra thiên tai hạn hán. Và đây có thể xem là hiệu ứng "ba xôi nhồi một chõ".

Giải pháp cho thảm họa

Một phương án giải nguy khi hệ thống nước máy không còn hoạt động là thành phố Cape Town sẽ thiết lập 200 điểm phân phát nước sinh hoạt khắp thành phố, với định mức mỗi người chỉ được nhận 25 lít nước mỗi ngày để sử dụng cho tất cả mọi sinh hoạt. Để thực hiện chương trình cấp nước miễn phí này, chính quyền thành phố Cape Town sẽ phải chi ra đến 17 triệu USD mỗi ngày, đồng thời thất thu khoản tiền cấp nước tương đương 117 triệu USD.

Trong cơn khát nước ngọt, người ta đã làm đủ cách để có được nước sử dụng. Tại các siêu thị, cửa hàng, nước đóng chai được bán có định mức cho mỗi người nhằm đảm bảo mọi người đều có thể mua được nước.

Trong các khách sạn, du khách không còn có thể tha hồ ngâm mình tắm trong bồn nữa mà buộc phải sử dụng vòi sen với lượng nước chảy hạn chế. Chỉ những hộ gia đình giàu có, khá giả mới có điều kiện khoan giếng lấy nước ngầm sử dụng, còn người dân nghèo thì phải đến các điểm phân phát nước miễn phí của chính quyền để nhận nước miễn phí.

Nhưng ngay cả việc khoan giếng cũng có giới hạn, bởi mực nước ngầm cũng không đủ để đáp ứng số lượng giếng khoan quá nhiều, cộng với tình hình hạn hán đang diễn ra. Trong cơn khát khô cằn, người ta còn tận dụng cả những giọt sương sớm, vì thế loại thiết bị có tên gọi là "lưới lọc hơi nước" dùng để hứng lấy hơi nước trong không khí cũng đang "cháy hàng".

Các chuyên gia môi trường cảnh báo, khủng hoảng nước tại Cape Town không nên được xem chỉ là một hiện tượng hay "sự cố" nhất thời, mà chúng ta cần phải nhìn nhận dưới góc độ thảm họa môi trường do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Đây đồng thời cũng là một bài học về ý thức của con người trong cách sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là tài nguyên nước.

Cách sử dụng nước một cách thiếu ý thức, lãng phí và vô kỷ luật trước đây đã góp phần làm nên tình trạng khủng hoảng hiện nay. Những nhà hoạt động môi trường, sinh thái cho rằng cuộc khủng hoảng nước ngọt lần này đã dạy cho những người giàu có quen kiểu tiêu dùng lãng phí hiểu được thế nào là sự thiếu thốn thật sự. Và nếu con người vẫn không thay đổi thói quen sử dụng nước lãng phí, một ngày nào đó chúng ta sẽ không còn một giọt nước để uống.

Quốc Vương (tổng hợp)
.
.