Thấy gì từ “tam giác chiến lược” Mỹ - Trung – Nga

Thứ Năm, 01/08/2019, 16:10
Nga, Trung Quốc và Mỹ là 3 nước đang ở giữa cuộc cạnh tranh giành quyền lực toàn cầu. Sự hợp tác ngày càng gia tăng giữa Nga và Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực đã thách thức Mỹ nhưng đồng thời cũng làm dấy lên câu hỏi liệu quan hệ hợp tác Nga – Trung có thể sâu sắc đến đâu?

Chính sự trỗi dậy của Trung Quốc và tác động qua lại giữa Nga và Mỹ nhằm đối phó với sự trỗi dậy này sẽ định hình câu trả lời.

Nga và Trung Quốc hiện đang trong quỹ đạo tăng cường quan hệ trên nhiều lĩnh vực, từ kinh tế đến năng lượng và an ninh, nhưng con đường dẫn tới mục tiêu này chưa được định hình rõ rệt. Và khi Trung Quốc nổi lên như một cường quốc cả về kinh tế lẫn quân sự, Nga và Mỹ có thể sẽ phải nối lại mối quan hệ bằng hữu để kìm hãm điều này. Tuy nhiên, bất kỳ sự hợp tác nào giữa Mỹ và Nga cũng sẽ chỉ giới hạn ở những lợi ích chung cụ thể và có thể thay đổi bất cứ khi nào tùy theo tình hình địa chính trị.

Có thể thấy cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và sự căng thẳng kéo dài giữa Mỹ và Nga về các vấn đề, từ Iran đến Venezuela và việc kiểm soát vũ khí ngày càng khiến cho Moscow và Bắc Kinh xích lại gần nhau. Trung Quốc và Nga đã ký các thỏa thuận kinh tế trong nhiều lĩnh vực, từ mạng 5G cho tới xây dựng thủy điện, kể cả việc thành lập quỹ chung về đổi mới nghiên cứu và công nghệ.

Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại cuộc gặp Thượng đỉnh Nga – Mỹ ở Helsinki, Phần Lan.

Những thỏa thuận này ra đời trong bối cảnh Nga tỏ rõ ý muốn hợp tác với Trung Quốc mở tuyến đường biển phía bắc ở Bắc Cực, một phần trong sáng kiến Con đường tơ lụa trên biển của Bắc Kinh trong khi việc xây dựng đường ống dẫn khí khổng lồ Siberia đang trong giai đoạn thi công cuối cùng và sẽ vận chuyển một lượng lớn khí đốt của Nga tới Trung Quốc vào cuối năm nay.

Đây là những diễn biến mới nhất nằm trong xu thế chung là Nga và Trung Quốc hiện đang củng cố các mối quan hệ chính trị, kinh tế và an ninh. Những diễn biến này cũng làm dấy lên câu hỏi liệu quan hệ hợp tác Nga – Trung sẽ sâu sắc đến đâu và mối quan hệ này sẽ định hình sự đối đầu và cạnh tranh với Mỹ ở mức độ nào.

Bộ 3 quyền lực

Chiến tranh Thế giới lần thứ 2 kết thúc đánh dấu sự nổi lên của Mỹ và Liên Xô, sau đó vài năm là Trung Quốc. Diễn biến này dẫn tới mối quan hệ “tam giác chiến lược” giữa 3 nước, có nghĩa là mối quan hệ giữ 2 trong 3 nước này sẽ định hình các lợi ích chiến lược của nước thứ ba và bị những lợi ích đó định hình. Những lợi ích chiến lược này bao gồm mục tiêu áp đặt trật tự toàn cầu theo ý một nước, tạo ra các mâu thuẫn và thúc đẩy cái gọi là cuộc tranh giành quyền lực giữa chính các nước này.

Sự chấm dứt Chiến tranh Lạnh đã mở ra một giai đoạn mới trong quan hệ “tam giác chiến lược”. Mỹ đã trở thành siêu cường toàn cầu duy nhất trong khi Trung Quốc bước vào thời kỳ phát triển rực rỡ về kinh tế và nổi lên về địa chính trị. Tuy nhiên, mặc dù Nga trải qua những biến động nội bộ và mục tiêu trở thành siêu cường toàn cầu đã suy yếu rõ rệt, nhưng họ vẫn luôn là một cường quốc khu vực, mà bằng chứng rõ nhất là sự nổi lên của Cộng đồng các quốc gia độc lập và việc khối này tiếp tục tham gia các vấn đề chính trị và an ninh như thời còn là một nước trước đây.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Những diễn biến này đã làm thay đổi cán cân quyền lực giữa ba nước. Mỹ mở rộng ảnh hưởng ra toàn cầu trong khi Trung Quốc và Nga bắt đầu cải thiện quan hệ song phương, trong điều kiện Trung Quốc thì nổi lên trên trường quốc tế và Nga bắt đầu phục hồi sau cơn khủng hoảng. Việc Trung Quốc nổi lên như một cường quốc toàn cầu đã đặt nước này vào vị trí đối đầu với Mỹ về một loạt vấn đề, từ xung đột thương mại đến các vấn đề chiến lược khác.

Trong khi đó, sự trỗi dậy trở lại của Nga trong khu vực từ giữa đến cuối những năm 2000, nhờ giá năng lượng toàn cầu tăng lên và chiến dịch củng cố chính trị trong nước của Tổng thống Putin đã buộc Nga phải đứng vào thế đối đầu với Mỹ và phương Tây.

Tại thời điểm này, Mỹ vẫn là cường quốc mạnh nhất thế giới. Nhưng vị trí này ngày càng bị Trung Quốc và Nga thách thức ở nhiều mặt cả về chính trị, kinh tế và quân sự. Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc cũng như giữa Mỹ và Nga đã đẩy Trung Quốc và Nga lại gần nhau hơn, khiến “tam giác chiến lược” một lần nữa lại xoay chuyển. Nga và Trung Quốc những năm gần đây đã mở rộng các quan hệ kinh tế và hợp tác chính trị, và hợp tác quân sự giữa hai nước hiện đang ở mức cao nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Hợp tác kinh tế và an ninh

Tuy nhiên, sự hợp tác ngày càng tăng giữa Nga và Trung Quốc mang lại cả những thách thức lẫn hạn chế. Trong khi quan hệ kinh tế giữa Nga và Trung Quốc đã phát triển đáng kể ở những khía cạnh mang tính tương đối – chẳng hạn như tăng trưởng hàng năm đã đạt mức 2 con số kể từ năm 2011, mối quan hệ này vẫn còn rất hạn chế ở những khía cạnh mang tính tuyệt đối.

Và, bất chấp cuộc thương chiến Mỹ - Trung, thương mại giữa hai nước trong năm 2018 vẫn ở mức 737 tỷ USD, cao hơn nhiều so với thương mại Nga – Trung ở mức 108 tỷ USD cùng kỳ.

Những hạn chế trong mối quan hệ kinh tế Nga – Trung Quốc cũng khá rõ. Theo một chuyên gia phân tích tài chính Nga, Trung Quốc thường được xem như là không phải bạn hàng lớn của Nga. Rất nhiều thỏa thuận kinh tế mà hai chính phủ đã ký kết cuối cùng không đi đến đâu, và mối quan hệ kinh tế giữa hai nước chủ yếu chỉ dừng ở lĩnh vực năng lượng.

Tương tự, một doanh nhân lớn ở St. Petersburg cho biết không có nhiều hoạt động kinh tế giữa Nga và Trung Quốc ngoài lĩnh vực năng lượng và nguyên liệu thô, và chỉ có 5% đến 10% các thỏa thuận đã ký giữa hai nước tại Diễn đàn kinh tế St. Petersburg được thực thi. Điều này cũng đúng với Diễn đàn kinh tế phương Đông diễn ra tại Vladivostok.

Theo thông tin của Bộ Phát triển vùng Viễn Đông của Nga, hiện chưa đến một nửa số dự án được ưu tiên trong khu vực này bước vào giai đoạn thực hiện. Điều đó có nghĩa là những thỏa thuận được tuyên bố tại Diễn đàn St. Petersburg không phải là yếu tố quan trọng để đánh giá quan hệ kinh tế giữa hai nước mà phải là những kết quả cụ thể hai nước sẽ có.

Tương tự, nhiều người cũng hoài nghi về sự hợp tác an ninh giữa Nga và Trung Quốc. Trong khi quan hệ an ninh giữa Nga và Trung Quốc trên thực tế có sự tiến triển trong những năm gần đây, những mối hoài nghi này có thể giải thích vì sao sự hợp tác mới chỉ dừng lại ở các cuộc tập trận chung và các thương vụ mua bán vũ khí giữa hai nước, vốn cũng đã bị cắt giảm nhiều bởi những bước tiến vượt bậc của Trung Quốc trong công nghệ quân sự.

Nhìn chung, người Nga nhìn nhận Trung Quốc một cách tích cực, đặc biệt khi so sánh với Mỹ. Một cuộc khảo sát do Trung tâm nghiên cứu độc lập Levada tiến hành cuối năm 2018 cho thấy 75% những người được hỏi có cái nhìn tích cực về Trung Quốc trong khi 54% nhìn nhận về Mỹ một cách tiêu cực.

Tuy nhiên, khi đề cập đến các vấn đề cụ thể như việc Trung Quốc nổi lên như một cường quốc toàn cầu, cuộc khảo sát lại cho ra kết quả khác hẳn. Gần 60% người Nga sống ở miền Đông Siberia coi việc Trung Quốc nổi lên là mối đe dọa đối với lợi ích Nga và hơn một nửa số người được hỏi phản đối việc áp dụng chế độ miễn trừ thị thực vào Nga cho người Trung Quốc.

Nga vẫn là một cường quốc về khí tài quân sự trên thế giới (một tổ hợp tên lửa phòng không S-400 của Nga).

Như một nhà phân tích thuộc viện nghiên cứu của Chính phủ Nga đã giải thích, Trung Quốc không thách thức mô hình chính trị của Nga theo cách của phương Tây như yêu cầu cải thiện tình hình dân chủ và nhân quyền, mà Trung Quốc thách thức sự tồn tại của Nga theo một cách khác hẳn. Đôi khi những vướng mắc từ phía xã hội hoặc lịch sử lại là rào cản không dễ vượt qua đối với việc hâm nóng một mối quan hệ hay mong muốn chủ quan của các nhà lãnh đạo.

Nhìn về phía trước

Không thể phủ nhận quan hệ Nga – Trung đã khởi sắc theo chiều hướng đi lên trong những năm gần đây và hai nước đều cẩn trọng gạt sang một bên những bất đồng, đồng thời nhấn mạnh những cơ hội hợp tác mà sẽ mang lại lợi ích cho cả hai bên. Tuy nhiên, xét từ quan điểm “tam giác chiến lược”, có thể suy ra rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục lớn mạnh thành một cường quốc về kinh tế và quân sự, căng thẳng giữa Nga và Trung Quốc sẽ gia tăng và làm ảnh hưởng tới quỹ đạo hợp tác hiện tại giữa hai nước.

Việc Trung Quốc tham gia các dự án kinh tế ở Bắc Cực, miền Đông Siberia và Trung Á có thể mang lại cho Nga những lợi ích kinh tế trước mắt, nhưng sẽ có lúc chính những sự tham gia này lại trở thành mối lo ngại chiến lược đối với Nga. Đó có thể là sự kiểm soát các tuyến đường trọng yếu trên biển và đất liền, tiếp cận nhiều hơn các vùng xa xôi của nước Nga hay đơn giản là vượt Nga về kinh tế và quy mô dân số.

Trung Quốc luôn cẩn trọng gạt đi những quan ngại cho rằng sự nổi lên của họ sẽ đe dọa nước Nga, hoặc bất cứ quốc gia nào khác, và tỏ rõ mong muốn cùng tồn tại một cách hòa bình với các nước láng giềng.

Sự tham gia của Trung Quốc thông qua các dự án kinh tế đang dấy lên mối e ngại tại nhiều quốc gia.

Tuy vậy, như nhà ngoại giao Mỹ Henry Kissinger đã viết: “Các chiến lược gia nên hạn chế suy xét tình hình dựa trên ý định của đối thủ vì các ý định đều có thể thay đổi. Và xét về bản chất, chủ quyền chính là quyền ra quyết định mà không phải phụ thuộc vào một nước khác. Vì vậy, mức độ đe dọa dựa trên khả năng của mỗi nước không thể tách rời mối quan hệ giữa các nước có chủ quyền”.

Điều này có nghĩa là việc đánh giá Trung Quốc, cũng như các cường quốc khác, phải dựa trên khả năng của họ chứ không phải những ý định hiện tại của họ khi phô trương sức mạnh.

Những khả năng như vậy rõ ràng là mối quan ngại đối với Mỹ, nhưng có vẻ như còn đáng lo hơn đối với Nga, nước hiện có dân số chỉ bằng 1/10 Trung Quốc và quy mô kinh tế cũng chỉ bằng 1/10 Trung Quốc (1.600 tỷ USD so với 12.000 tỷ USD) trong khi có một đường biên giới chung rất dài với nhau. Mặc dù hiện tại hai nước đã có thể kiểm soát và giảm thiểu căng thẳng xung quanh những vấn đề liên quan, nhưng những nội dung sâu xa bên trong mối quan hệ giữa hai nước chắc chắn sẽ còn gây ra nhiều băn khoăn.

Trung Quốc vẫn đang tăng cường sự hiện diện của họ trong những lĩnh vực an ninh, chính trị và kinh tế, vốn quan trọng đối với Nga. Có thể thấy dấu hiệu của điều này ở các khu vực biên giới gần Tajikistan và Afghanistan.

Chính bởi điều này mà Nga và Mỹ vẫn có cơ hội tìm được tiếng nói chung trong một số vấn đề, điều mà đến lượt nó tạo điều kiện cho hai nước nối lại quan hệ một cách phù hợp để kiềm chế Trung Quốc. Tuy nhiên, đây cũng là một việc không dễ xảy ra.

Việc Nga và Trung Quốc, vốn gần gũi nhau hơn, ngày càng xích lại gần nhau là một phần trong chiến lược cạnh tranh giành quyền lực toàn cầu và những xoay chuyển trong “tam giác chiến lược” là không thể tránh khỏi trong những năm sắp tới.

Huy Thông (tổng hợp)
.
.