The Beatles và cảm hứng từ bức tranh bà mẹ Việt Nam

Thứ Tư, 15/11/2017, 09:50
Mới đây, ca sĩ Paul McCartney - thành viên ban nhạc The Beatles vừa cho biết trên tạp chí National Geographic rằng, bài hát nổi tiếng năm 1968 của ông có tựa đề “Lady Madonna” (Người phụ nữ thánh thiện) được truyền cảm hứng từ bức ảnh chụp một bà mẹ Việt Nam cho con bú đăng trên tạp chí này năm 1965.

Và có rất nhiều câu chuyện mới xuất hiện về nguồn gốc các bài hát của ban nhạc Anh nổi tiếng này.

Cảm hứng từ những người xung quanh

Chính mối quan hệ của McCartney và bạn gái Jane Asher đã tạo cảm hứng để ông viết nên một số những bài tình ca dịu dàng nhất: And I Love Her, Things We Said Today, Here There And Everywhere. Cũng chính mối quan hệ đó đã khiến ông đưa cả những lời trách móc cay đắng nhất vào một số bài hát.

Bức ảnh bà mẹ Việt Nam cho con bú là nguồn cảm hứng của bài hát “Lady Madonna”.

Khi Jane Asher nói rõ rằng cô sẽ không từ bỏ sự nghiệp diễn viên để dành nhiều thời gian hơn với McCartney, ông đã rất thất vọng. Về sau, ông thừa nhận: “Tôi biết tôi ích kỷ. Sự việc gây ra vài cuộc cãi vã. Jane bỏ đi và tôi nói: Tốt thôi. Đi đi. Anh sẽ tìm ai khác. Không có cô ấy, mọi thứ thật rối bời. Đó là khi tôi viết bài hát “Im Looking Through You”.

Tháng 8-1965, The Beatles tổ chức tiệc tại căn nhà họ thuê ở Benedict Canyon, Los Angeles và mời một số bạn bè, trong đó có nam diễn viên Peter Fonda. Trong buổi tối, hai ca sĩ John Lennon và George Harrison của The Beatles đã dùng thuốc ảo giác. George bắt đầu cảm thấy như thể mình sắp chết đến nơi.

Còn Fonda, nhiều kinh nghiệm hơn khi dùng ma túy, đã hướng dẫn hai người kia. Fonda kể lại: “Tôi đã bảo anh ấy rằng không có gì phải sợ. Tôi đã nói rằng tôi biết cảm giác đó như là sắp chết vì khi còn bé, tôi đã vô tình bắn vào bụng và tim tôi ngừng đập ba lần trên bàn mổ. Khi John đi qua và nghe thấy, anh ấy nhìn tôi và nói: “Anh đang làm tôi có cảm giác tôi chưa bao giờ được sinh ra. Ai nhét những thức rác rưởi đó vào đầu anh?”.

Cuộc nói chuyện đó đã khiến John có điểm khởi đầu để viết ca khúc “She said she said” (Nàng đã nói vậy) trong album Revolver năm 1966. Đoạn đầu tiên được dịch ra tiếng Việt như sau: “Nàng đã nói: Em biết chết là như thế nào, em biết buồn là như thế nào. Và nàng đang làm tôi cảm thấy như tôi chưa từng được sinh ra”.

Khi Fonda lần đầu tiên nghe album này, ông nói: “Tôi biết chính xác bài hát này xuất phát từ đâu mặc dù John chưa bao giờ thừa nhận điều đó với tôi và tôi chưa bao giờ đề cập điều đó với bất kỳ ai”.

Quản lý của The Beatles là Brian Epstein có một trợ lý tên là Alistair Taylor. Có lần, Taylor đã hỏi McCartney về cách viết bài hát. MacCartney ngồi cạnh chiếc đàn và bảo Taylor nói từ trái nghĩa của các từ mà mình hát. Ví dụ như với từ “có”, Taylor sẽ nói “không”, với từ “dừng”, Taylor sẽ nói “đi”.

Taylor sau này cho biết ông không nhớ giai điệu lúc đó và tự hỏi liệu McCartney có thực sự sáng tác bài hát “Hello, Goodbye” (Xin chào, Tạm biệt) sau cuộc trao đổi đó hay bài hát đó đã có sẵn trong đầu McCartney rồi. Dù vậy, không lâu sau cuộc nói chuyện, ca khúc “Hello, Goodbye” với hai từ trái ngược “xin chào” và “tạm biệt” đã ra đời.

Ob-la-di Ob-la-da là một trong những bài hát nổi tiếng của The Beatles có cái tên lạ tai. McCartney sáng tác bài hát này ở Ấn Độ nhưng nguồn gốc tên bài hát xuất phát từ Jimmy Scott, một người Nigeria chơi nhạc đệm mà ông hay gặp lại London.

“Ob-la-di Ob-la-da” có một ý nghĩa đặc biệt trong tiếng bộ tộc Nigeria nhưng Scott không chia sẻ điều này với bất kỳ ai. Chỉ biết, khi trên sân khấu, anh thường hét to “Ob-la-di” với khán giả và khán giả sẽ đáp lại bằng “Ob-la-da”. Sau đó, Jimmy sẽ nói: “Life goes on” (Cuộc sống vẫn tiếp diễn). Người ta thường cho rằng tên bài hát có nghĩa là “Cuộc sống vẫn tiếp diễn” trong tiếng Urhobo, nhưng thực ra đó chỉ là một câu nói trong gia đình.

Nhiều người không hiểu ý nghĩa tên bài hát “Ob-la-di Ob-la-da”.

McCartney thích mỗi khi nghe thấy câu: “Ob la di ob la da, life goes on, bra” từ Jimmy. Với ông, Jimmy như một nhà triết lý. Có lần, ông nói với Jimmy: “Tôi thực sự thích câu này và tôi đang nghĩ về việc sử dụng nó”. Sau này, ông gửi cho Jimmy một tờ séc để ghi nhận điều đó vì cho dù ông viết toàn bộ bài hát mà không có sự giúp đỡ từ Jimmy nhưng đó vẫn là câu nói của Jimmy.

Ca khúc “Dear Prudence” (Prudence thân mến) cũng xuất phát từ một người quen. Đó là bài hát trong album đôi The White (album Trắng) năm 1968 mà John Lennon viết cho em gái tên Prudence của nữ diễn viên Mia Farrow khi ông ở Rishikesh, Ấn Độ. Prudence dành nhiều thời gian rảnh rỗi ngồi thiền tới mức Lennon nghĩ nhầm rằng cô gái đang suy sụp tinh thần.

Prudence kể: “John, George và Paul đều muốn chơi và vui vẻ còn tôi lại muốn vào phòng để ngồi thiền. Họ đều nghiêm túc về những điều họ làm, chỉ là không cuồng tín như tôi”. Trong bài hát mà John viết, có câu kiểu như: “Hãy ra ngoài và chơi với chúng tôi. Hãy ra ngoài và vui vẻ nào”.

Trước năm 1966, đa số bài hát của The Beatles đều viết về các quan hệ yêu đương nam nữ. Chính dì của McCartney đã thách ông mở rộng đề tài. McCartney kể lại: “Dì Mill nói: Tại sao lúc nào cháu cũng viết tình ca thế? Cháu có bao giờ viết được bài hát về một con ngựa hay một hội nghị thượng đỉnh hay một điều gì đó thú vị không? Vì thế tôi nghĩ: Được thôi dì Mill. Cháu sẽ cho dì thấy…”.

Kết quả là bài hát “Paperback Writer” (Tác giả viết sách) ra đời. Đó là câu chuyện rắc rối về một người muốn làm tiểu thuyết gia và cam kết sẽ làm bất kỳ điều gì có thể để có một cuốn sách bán chạy. Trong bài hát có đoạn: Con trai ông làm việc cho tờ Daily Mail. Đó là một nghề ổn định nhưng ông muốn làm nhà văn.

Cảm hứng đến từ mọi nguồn

Với các thành viên The Beatles, ngoài những người họ gặp, cảm hứng sáng tác có thể đến từ bất kỳ điều gì trong cuộc sống, kể cả điều khiến họ tức giận.

Sự ra đời của ca khúc “She Came In Through The Bathroom Window” (Cô ấy vào qua cửa sổ nhà tắm) là một ví dụ. Người hâm mộ The Beatles thường tụ tập bên ngoài nhà McCartney ở St Johns Wood ở London. Một hôm, một vài người quyết định tiến gần hơn.

Một người hâm mộ tên Diane Ashely kể với tác giả Steve Tume: “Chúng tôi tìm thấy một cái thang và dựa nó vào cửa kính nhà tắm. McCartney để cửa hơi mở. Tôi là người trèo lên và vào trong”. Sau đó, cô đã mở cửa trước nhà McCartney cho những người khác vào và kết quả là một số đồ của McCartney không cánh mà bay.

Khi nghe thấy bài hát đó, Diane rất ngạc nhiên: “Lúc đầu tôi không tin vì ca sĩ rất ghét khi chúng tôi đột nhập vào nhà. Nhưng sau đó tôi nghĩ rằng bất kỳ điều gì cũng có thể tạo cảm hứng sáng tác một bài hát”. 

Một điều khó chịu khác cũng được đưa vào bài hát, đó là trường hợp bài “Sexy Sadie” trong album The White năm 1968. Tên gốc của bài hát là Maharishi. Bài hát công kích nặng nề Maharishi, một guru (người thầy tôn giáo) mà nhóm The Bealtes đã theo tới Ấn Độ. Lennon đặc biệt thất vọng về Maharishi khi có khá nhiều tin đồn về tính tham lam của ông này. Ông biết rằng bài hát có thể mang tính bôi nhọ nếu dùng tên thật, do đó đã đổi tên thành Sexy Sadie, người mà theo như lời bài hát “lừa lọc tất cả mọi người”.

Năm 1967, báo chí, ví dụ như tờ Daily Mail, là một nguồn cảm hứng quan trọng. Ngày 27-2, có một tin viết về một sinh viên loại A tên là Melanie Coe, 17 tuổi, đã vứt xe ôtô và biến mất không lời giải thích. Trong tin, ông bố được dẫn lời nói: “Tôi không thể hình dung nổi sao nó lại bỏ đi. Nó có mọi thứ ở đây”.

Chỉ bằng những chi tiết ít ỏi này, McCartney đã viết bài hát “Shes Leaving Home” (Cô ấy bỏ nhà ra đi). Nhiều năm sau, chính cô gái Melanie đó đã nói với McCartney: “Điều kỳ lạ là bài hát nói rất đúng về cuộc đời tôi. Bài hát có lời bố mẹ nói: Chúng tôi đã cho nó mọi thứ tiền có thể mua được. Rất đúng trong trường hợp của tôi. Tôi có hai nhẫn kim cương, áo khoác lông chồn, quần áo may đo bằng lụa và cashmere, thậm chí có ôtô riêng. Sau đó có dòng sau khi sống cô đơn trong rất nhiều năm, câu này thực sự chạm vào tâm hồn tôi vì tôi là con một và tôi luôn cảm thấy cô đơn”.

Thêm một câu chuyện thú vị về hoàn cảnh ra đời ca khúc “Happiness is a warm gun” (Hạnh phúc là một khẩu súng ấm). Lennon cho biết tiêu đề ca khúc xuất phát từ một tạp chí về súng. Lennon không nhớ rõ đó là tiêu đề ở trang bìa hay của một mẩu quảng cáo trong tạp chí.

Lennon nói: “Tôi đã nghĩ đó là một câu tuyệt vời để nói. Một khẩu súng ấm nghĩa là bạn vừa mới bắn một thứ gì đó”. Sau này, tác giả Steve Tume của cuốn sách “Beatles 66: The Rovolutionary Year” (Năm 66 của Beatles: Năm cách mạng) đã phát hiện ra tiêu đề trên trong một bài viết của Warren W. Herlihy về một người bắn súng trường Mỹ. Trong bài, tác giả viết về việc mang đến niềm vui bắn súng cho cậu con trai nhỏ. Tiêu đề trong cuốn tạp chí bắt chước theo tên cuốn sách “Happiness Is A Warm Puppy” (Hạnh phúc là một chú cún con ấm áp) năm 1962 của nhà vẽ tranh biếm họa Charles Schulz.

Có những điều tưởng như vụn vặt nhưng cũng xuất hiện trong bài hát của The Bealtes. Về sự ra đời bài “Polythene Pam”, Lennon kể như sau: Đó là khi tôi nhớ lại một sự việc nhỏ với một phụ nữ ở Jersey và một người đàn ông Anh trông giống nhà thơ Mỹ Alle Ginsberg. Tôi gặp người này khi cùng đi du lịch và anh ta đã đưa tôi về căn hộ. Tôi có một cô gái và anh ấy cũng có một cô gái mà anh ấy muốn tôi gặp. Anh ta nói cô gái mặc đồ nhựa polythene và đúng như vậy. Khi đó, Lennon chợt muốn tìm điều gì đó để sáng tác. Còn cái tên bài hát xuất phát từ biệt danh của một người hâm mộ The Beatles: Pat Hodgett, người thường ăn polythene mọi lúc mọi nơi.

Có một bài hát nổi tiếng mà nhiều người thường nhầm lẫn về ý nghĩa cũng như hoàn cảnh ra đời. Đó là ca khúc “Let it be”. Bài hát này có ý nghĩa khác với những gì mà mọi người thường nghĩ. Vì McCartney được đặt tên thánh Công giáo La Mã nên người ta thường cho rằng bài hát này là một bài thánh ca hiện đại, với các đoạn hợp âm nhà thờ và những câu nói về sự thông thái, bí ẩn, mẹ Mary và ánh sáng. Ngay cả McCartney cũng thừa nhận bài hát có hơi hướng tôn giáo. 

Tuy nhiên, thực tế lại không phải vậy. Bài hát lại bắt nguồn từ giai đoạn The Bealtes đang rạn nứt và McCartney mơ thấy mẹ mình, tên là Mary, đang an ủi con trai. McCartney kể: “Mẹ chết khi tôi 14 tuổi vì thế tôi đã không còn được nghe mẹ nói lâu rồi và giấc mơ là một điều rất tốt. Nó mang cho tôi thêm sức mạnh. Trong thời điểm đen tối nhất, mẹ Mary đã đến với tôi”.

Nhật Minh
.
.