Thị hiếu dễ dãi góp phần tiếp tay cho đạo nhạc

Thứ Bảy, 06/03/2021, 11:35
Nhiều năm qua, chuyện đạo nhạc vẫn diễn ra, vang mãi điệp khúc buồn trong làng nhạc Việt. Đáng nói, dù tác phẩm chỉ dừng lại ở “vướng nghi án” hay bị lật tẩy rõ ràng cũng đều thu hút hàng triệu view trên mạng xã hội. “Chất lượng âm nhạc chạm đáy” hay “thị hiếu âm nhạc dễ dãi” không còn là lời cảnh báo mà dần trở thành hiện thực với âm nhạc giải trí trong nước hiện nay.


Chuyện lạ ở V-pop

Thời gian vừa qua, V-pop đã đón nhận không ít các bản hit triệu lượt xem. Đây thật sự là một tín hiệu đáng mừng cho âm nhạc Việt Nam khi đem so sánh với những người “anh em” láng giềng như Hàn Quốc, Trung Quốc,... thì những sản phẩm V-pop của chúng ta không hề kém cạnh về  lượt view. Tuy nhiên, có một nghịch lý rằng, sản phẩm nào càng lắm tranh cãi, càng nhiều “phốt” thì sản phẩm đó càng có lượng người xem khủng.

Theo dõi trên bảng xếp hạng ca khúc mới của một số website âm nhạc có tiếng trong nước thời gian qua, vị trí độc tôn thường thuộc về một số bài hát không mấy xuất sắc, thậm chí liên tục vướng ồn ào đạo nhạc cho thấy “mảnh đất” này còn quá nghèo nàn và thiếu tính cạnh tranh. Điều đó trái ngược với các bảng xếp hạng âm nhạc nước ngoài - nơi liên tục có sự thay đổi ngôi vị với nhiều ca khúc, giọng ca, nhóm nhạc cho thấy một đời sống âm nhạc thật sự sôi động và phát triển.

Ca khúc “Có chắc yêu là đây” của Sơn Tùng M-TP bị nhà sản xuất đến từ Hà Lan tố đạo nhạc.

Gần đây nhất là ồn ào liên quan đến ca sĩ Sơn Tùng M-TP khi 2 MV “Chúng ta của hiện tại” (67 triệu lượt xem) và “Có chắc yêu là đây” (120 triệu lượt xem) liên tục bị nghệ sĩ nước ngoài tố đạo nhạc. Dễ thấy, bản nhạc nào của ca sĩ Sơn Tùng M-TP cũng “làm mưa làm gió” bất chấp bị vướng nghi án đạo nhạc vì có phần giai điệu giống với các ca khúc của nghệ sĩ quốc tế. Có thể kể đến: “Em của ngày hôm qua” (126 triệu lượt xem) bị tố lấy beat của “Every night”, “Chúng ta không thuộc về nhau (183 triệu lượt xem) bị nhận định là giống đến 99% bản hit “We dont talk anymore”, từ vòng hợp âm đến tiết tấu và cấu trúc, “Nắng ấm xa dần” (16 triệu lượt xem) được cho là dùng beat của “Monologue” - một bản nhạc Hàn Quốc...

Không riêng Sơn Tùng M-TP, câu chuyện đạo nhái luôn là một vấn đề hầu như không có hồi kết đối với nhiều nhạc sĩ, kể cả nhạc sĩ có tên tuổi và nhạc sĩ trẻ. Chẳng hạn, MV "Đừng yêu nữa, em mệt rồi” (Min, sáng tác Nguyễn Phúc Thiện, 116 triệu view) bị nghi vấn giống 90% ca khúc “And one” của Taeyeon trong bộ phim “Ngọn gió đông năm ấy” và MV thì lại na ná MV “I dont love you” của nhóm nhạc indie Hàn Quốc - Urban Zakapa. 

Năm 2018, “Người lạ ơi” của Orange và Karik đã lập nhiều kỷ lục liên tục. Ca khúc đã “gây sốt” trong dịp đầu năm với 100 triệu lượt nghe chỉ sau 2 tuần và MV đạt 100 triệu view nhanh nhất V-pop, lật đổ kỷ lục của “Nơi này có anh” của Sơn Tùng M-TP khi MV (50 triệu view trong vòng 13 ngày). 

Tuy nhiên, “Người lạ ơi” của cặp nhà sản xuất Châu Đăng Khoa - Nemo lại bị đặt nghi vấn “nhái” cùng lúc 2 ca khúc: “What If” (Robin Wesley) và “Anh vẫn nhớ” (Nah). Nhà sản xuất âm nhạc Khắc Hưng từng dính nghi vấn “nhái” 4 sản phẩm âm nhạc trong một năm gồm: “Ánh nắng của anh” (28 triệu lượt xem), “Ghen” (126 triệu lượt xem), “Đâu chỉ riêng em” (98 triệu lượt xem) và “Như cái lò” (1,1 triệu lượt xem).

Dính lùm xùm đạo nhạc - đạo thơ “Người lạ ơi” vẫn giành giải Bài hát của năm.

Quán quân Sao Mai 2017 Thu Thủy với MV “Tình yêu ở lại” bị tố đạo nhái trắng trợn sản phẩm âm nhạc của Eunji (A Pink), trùng lặp về mặt hình ảnh và kịch bản giữa 2 MV và ngay sau 1 ngày, MV này đã bị YouTube “sờ gáy” vì lý do vi phạm bản quyền.

Ngoài ra, bản hit hơn 40 triệu lượt xem của Tóc Tiên “Em không là duy nhất” do Lương Bằng Quang sáng tác cũng dính nghi vấn đạo nhạc “Chuyến tàu ly biệt” do Triệu Vy thể hiện với phần điệp khúc của cả hai giống y hệt.

MV “Đừng buông tay” (1,1 triệu lượt xem) của Lưu Hương Giang, Hồ Hoài Anh sáng tác dính nghi vấn đạo ý tưởng từ sản phẩm của nhóm nhạc Coldplay và ca sĩ Beyonce phát hành từ đầu năm 2016. Đó là MV “Hymn for the weekend” - dù hình ảnh vô cùng đẹp mắt, âm nhạc bắt tai nhưng từng gây tranh cãi khi bị chỉ trích có sự thể hiện “phiến diện và không đầy đủ văn hóa Ấn Độ”.

Tư duy "ăn xổi"

Lý giải về nghịch lý này, nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện thẳng thắn cho rằng thị trường âm nhạc Việt “chẳng khác gì chiếc bánh hamburger” - đẹp mắt, lạ lẫm nhưng không tốt, nhanh chán. Hay nói cách khác, xu hướng âm nhạc hiện nay cũng như một thời gameshow thịnh hành rồi nhanh chóng lụi tàn vì sự “ăn xổi” của nhà sản xuất. Trong thời đại mà sản phẩm âm nhạc chỉ dùng để “ăn liền”, càng sôi động hoặc phải càng sướt mướt thì mới có chỗ đứng trong V-pop thì nhạc sĩ có đạo cũng là chuyện dễ hiểu.

Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện.

Điều này không khó hiểu, những ca khúc đó dễ nghe, dễ thuộc, mang nhiều yếu tố giải trí, tiết tấu đơn giản, thường lặp lại giữa các ô nhịp mà người sáng tác không chuyên hay mắc phải. Người nghe không phải ai cũng có một trình độ âm nhạc nhất định để có thể thẩm âm tiết tấu, để hiểu được thế nào chưa tốt. Tuy nhiên, thời gian sẽ trả lời, những ca khúc đó có tồn tại lâu bền hay không thì còn phải dựa vào yếu tố nào, nghệ thuật hay chỉ là giải trí, đáp ứng nhất thời của xã hội.

Trong khi đó, chuyên gia tâm lý, xã hội học Hoàng Thúy Hải cho rằng, việc những sản phẩm âm nhạc bị tố đạo nhạc nhận được nhiều sự quan tâm của công chúng một phần bởi sự tò mò trước lùm xùm của công chúng. “Sản phẩm càng tranh cãi, khán giả càng tò mò, đặc biệt những ca khúc này “đánh” vào tâm lý các bạn trẻ. Cùng với đó là những công nghệ “cày view”, “câu view”, bỏ tiền “tăng view, tăng theo dõi” cũng góp phần tăng sức ảnh hưởng của các sản phẩm độc hại này tới công chúng”, bà Hoàng Thúy Hải nhận xét. Xét về góc độ này, nhiều view chưa hẳn đã là được.

Ở góc độ chuyên môn, nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh thêm, cần phân biệt các “kiểu” nhạc sĩ khác nhau. Có nhạc sĩ được đào tạo bài bản tại các trường âm nhạc chuyên nghiệp về sáng tác, nhạc sĩ học nhạc cụ nào đó, đa phần họ viết nhạc và lời theo chính cảm xúc của mình, đảm bảo những thủ pháp về sáng tác, xây dựng chủ đề, tiết nhịp, tiết nhạc, hòa thanh, hình thức âm nhạc. Người viết theo suy nghĩ, cảm hứng từ một nét giai điệu bắt tai thì những ca khúc đó thì không khó. Gần như ai có năng khiếu viết lách cũng có thể bật ra lời. “Rất nhiều nghệ sĩ trẻ hiện nay đang có thói quen “xài” beat nhạc có sẵn, chỉ việc viết thêm lời ca khúc, rồi coi nó là sản phẩm do mình sáng tạo. Thậm chí, việc này còn trở thành một xu hướng thịnh hành, với sự phát triển của dòng nhạc EDM. Ca khúc nhạc trẻ mấy năm gần như vậy nhưng thị hiếu người nghe, đặc biệt là giới trẻ họ lại thích”, nhạc sĩ ca khúc “Mùa xuân ơi” bày tỏ.

Phải từ chối những sản phẩm không “sạch”

Cũng có ý kiến bao biện rằng sản phẩm chất lượng chắc chắn sẽ được công chúng đón nhận. Người sáng tác nhạc không phải là “thánh” chỉ ngồi nhà sáng tác những bài cao siêu để rồi xếp vào ngăn kéo; Nhạc sĩ cũng phải sống, phải làm giàu bằng âm nhạc, nên phải biết sáng tác những bài công chúng cần. Điều này chẳng có gì sai. Nhưng, nếu sự cẩu thả và thị hiếu nghe nhạc dễ dãi quá sẽ dẫn đến sự lệnh chuẩn tai hại. 

Nguy hại hơn, khi các trường hợp đạo nhạc bị phát hiện, các tác giả, ca sĩ chỉ lên tiếng chiếu lệ, còn không thấy một nhà chuyên môn, một hội đồng thẩm định hay Cục Bản quyền vào cuộc. Chính vì thế, nhiều người cho qua, tặc lưỡi “nhạc giải trí mà”, thành ra việc đạo nhạc, nhái nhạc tự dưng được... bình thường hóa và không ít các ca sĩ dính scandal đạo nhái vẫn có mặt ở nhiều giải thưởng âm nhạc(!).

Ca khúc “Đâu chỉ riêng em” của Mỹ Tâm trình bày, Khắc Hưng sáng tác bị tố đạo nhái từ một ca khúc nhạc Hoa.

Theo khảo sát, phần đông nhạc sĩ cho rằng, việc dùng beat của một ca khúc khác để viết thêm giai điệu không phải là cách sáng tác của nhạc sĩ chuyên nghiệp, bởi không thể có những sáng tạo mang cá tính. Đó chỉ là một cách viết nhạc cho vui dành cho những người không chuyên nhưng yêu âm nhạc. Nhưng người nghe hiện nay lại dễ dãi tiếp nhận mà bỏ qua yếu tố chuyên hay không chuyên. Như nhạc sĩ, nhà sản xuất Dương Cầm từng khẳng định: “Tôi cho rằng khán giả Việt Nam vẫn còn rất dễ tính. Nếu họ nghiêm khắc hơn thì chắc chắn tình trạng nhạc đạo, nhái sẽ ít đi”.

Nhìn sang Hàn Quốc và các nền âm nhạc phát triển khác thì người nhạc sĩ, producer (nhà sản xuất) sẽ quyết định xu hướng âm nhạc và quyết định sự nổi tiếng của ca sĩ. Bất cứ scandal nào dù là về đời tư, cách ứng xử, đạo nhái... đều có thể dẫn tới tấm vé một chiều đưa nghệ sĩ ra khỏi sân chơi giải trí và vĩnh viễn không có cơ hội quay đầu.

Trở lại làng nhạc Việt, ngoài trường hợp của ca sĩ Bảo Thy vào năm 2011, gần như chưa có nghệ sĩ nào phải tuyên bố ngừng ca hát sau scandal đạo nhạc. Cụ thể, MV “Ngày vắng anh” của Bảo Thy bị tố là sao chép ý tưởng MV “Bubble Pop” của ca sĩ HyunA. Ồn ào này khiến cô không chỉ được nêu tên trên một trang mạng xã hội ở Thái Lan, mà còn xuất hiện trên một trang web tiếng Anh chuyên về showbiz Hàn Quốc. Trong quá khứ, Bảo Thy từng bị chỉ trích vì đạo ca khúc của Lenka và Lee Hyori. Trong chuyến sang Việt Nam hồi năm 2009, cô ca sĩ người Úc Lenka cũng nhắc tới chuyện này.

Có thể thấy, mỗi khi có nghệ sĩ bị dính đến nghi án này, họ thường im lặng, hoặc lấy lý do là vì sự trùng hợp, chứ ít ai thừa nhận mình học hỏi từ người này, mượn ý tưởng của người kia. Như Sơn Tùng M-TP chẳng hạn. Không dưới 3 lần, nam ca sĩ thừa nhận chuyện mượn beat của ca khúc khác để sáng tác nhưng lại một mực cho rằng mình không “đạo nhạc”. Trong khi beat nhạc cũng là chất xám, là bản quyền của người đã dựng lên bản beat đó. Thế nhưng, chẳng hiểu sao khán giả vẫn đón nhận thứ âm nhạc đó như là một “siêu phẩm”, ca ngợi Sơn Tùng như một vị thần mà quên đi những “phốt” mang tính chuyên môn nói trên.

“Thương cho roi cho vọt” là điều cần thiết với khán giả và những người tâm huyết với nhạc Việt trong thời điểm đang muốn phát triển. Âm nhạc Việt Nam rất cần một cộng đồng nghe nhạc văn minh, sòng phẳng. Là đối tượng hưởng thụ giá trị nghệ thuật, khán giả có quyền phán xét tác giả và đứa con tinh thần của họ, khán giả cũng có quyền từ chối đón nhận những tác giả, tác phẩm "đạo" nhạc, vừa để bảo vệ người nghe, vừa góp phần làm trong sạch đời sống V-pop. Bên cạnh đó, để làm trong sạch môi trường âm nhạc giải trí nước nhà, các cơ quan chức năng cũng cần vào cuộc mạnh mẽ hơn và xử lý dứt khoát, quyết liệt hơn.

Thảo Dung
.
.