Thịt chuột vòng quanh thế giới
Từ Ấn Độ đến châu Phi và Thái Lan hay Philippines, chuột được chế biến theo nhiều cách khác nhau và người dân ở những nơi đó đều khen rằng nó… ngon!
Mỗi năm cứ vào ngày 7-3, bộ tộc Adi sống trong một ngôi làng nằm trên vùng đồi miền bắc Ấn Độ tổ chức lễ hội Unying-Aran với món chính trong thực đơn là thịt chuột được chế biến thành món hầm có tên gọi là “bule-bulak oying” bao gồm toàn bộ đồ lòng cùng với cả phần chân và đuôi của con vật gặm nhấm kết hợp với gia vị là gừng, muối và ớt. Người bộ tộc Adi rất khoái các món chế biến từ thịt chuột nhà cho đến các loài sống trong rừng.
Theo nghiên cứu của Giáo sư Victor Meyer-Rochow Đại học Oulu (Phần Lan), người bộ tộc Adi coi chuột là nguồn thực phẩm chính trong mọi bữa ăn và đặc biệt sẽ không có bữa tiệc nào trở nên sôi động nếu thiếu món thịt chuột. Với họ thì thịt chuột “có mùi vị rất thơm ngon”.
Tùy theo số bẫy mà người ta có thể bắt được từ 30 đến 100 con chuột trong một lần săn. |
Giáo sư Meyer-Rochow không biết tục ăn thịt chuột của bộ tộc Adi có từ khi nào và tại sao lại như thế song ông tin chắc rằng đó là truyền thống lâu đời và hoàn toàn không vì thiếu nguồn thực phẩm. Bởi vì, người ta có thể nhìn thấy rất nhiều con vật khác như là bò, nai và dê được nuôi thả xung quanh ngôi làng. Dĩ nhiên, thịt chuột còn là món được ưu tiên dành để mời khách quý hay người thân đến thăm nhà. Chuột được cộng đồng bộ tộc Adi ưa chuộng đến mức nó không chỉ là món ăn trong thực đơn.
Giáo sư Meyer-Rochow giải thích: “Chuột, dĩ nhiên là chuột chết, còn được dùng làm quà biếu làm đẹp lòng nhà sui gia sau khi cô dâu rời gia đình đến ở nhà chồng”. Vào buổi sáng đầu tiên của lễ hội Unying-Aran, gọi là Aman Ro, trẻ con được nhận phần quà là… 2 con chuột chết – tương tự như quà Giáng sinh trên thế giới!
Người dẫn chương trình truyền hình Anh Stefan Gates đi đến nhiều nơi trên thế giới để tìm hiểu về các nguồn thực phẩm khác thường hay đặc biệt kỳ dị. Đến vùng ngoại ô Yaounde ở quốc gia Tây Phi Cameroon, Stefan Gates bắt gặp một nông trại nhỏ nuôi một loài chuột to lớn dài đến 60cm làm thực phẩm cho người dân. Ông mô tả giống chuột này “giống như chó con và trông có vẻ hung hăng” nhưng thịt của chúng được đánh giá là rất ngon cho nên giá cũng đắt hơn thịt gà.
Stefan Gates chia sẻ sau khi ăn thử thịt chuột: “Có thể nói món thịt này quả là ngon nhất mà tôi từng được thưởng thức trong đời. Sau khi thưởng thức món thịt chuột hầm với cà chua, Stefan Gates nhận định nó “hơi giống thịt heo nhưng mềm hơn và tuyệt ngon đồng thời không bị khô nhờ lớp mỡ”.
Gates từng trải qua một thời gian cùng sống với người Dalit – một trong những tầng lớp nghèo nhất trong xã hội - ở bang Bihar miền bắc Ấn Độ. Những người địa phương mà Gates có cơ hội tiếp xúc sống bằng việc coi sóc ruộng đồng cho giới chủ đất giàu có thuộc tầng lớp thượng lưu và công sức của họ được trả bằng quyền bắt chuột trên những thửa ruộng.
Gates nhận xét, thịt của loài chuột ở địa phương này rất mềm, mùi vị thì giống như thịt gà giò hay chim cút. Nhưng điều khó chịu duy nhất là mùi lông cháy khét “cực kỳ khủng khiếp” của con chuột khi nướng trên lửa. Theo dân địa phương, lớp lông bên ngoài phải được đốt cháy mà chỉ giữ lại phần da và thịt cho nguyên vẹn. Gates khẳng định giai đoạn thiêu lông chuột thấy mà phát sợ, nhưng phần da và thịt còn lại được chế biến thành món ngon không thể chê vào đâu được.
Đến châu Phi thưởng thức thịt chuột như thế này quả là khủng khiếp! |
Thực ra, thịt chuột trở thành món ăn trong thực đơn nhiều nước trên thế giới từ nhiều thế kỷ qua. Ví dụ theo một nghiên cứu từ Đại học Nebraska-Lincoln (Mỹ), người Trung Hoa thời nhà Đường (618-907 sau Công nguyên) gọi thịt chuột là “hưu nhà” và chế biến thành món tẩm mật ong.
Khoảng 2 thế kỷ trước đây, giống chuột nhắt (rattus exulans) gọi là kiore được dân đảo Polynesia ở Thái Bình Dương dùng để làm món ăn. Và người Maori ở New Zealand cũng vậy. Jim Williams, Giáo sư Đại học Otago (New Zealand), giải thích: “Trước khi người châu Âu tìm đến New Zealand, vùng đảo South Island miền nam Thái Bình Dương có rất nhiều giống chuột kiore và người dân địa phương thường bảo quản chúng để ăn dần, đặc biệt là vào mùa đông”.
Theo bộ Bách khoa Toàn thư New Zealand, chuột nhắt kiore là món đặc biệt dành để đãi khách – nhất là trong các đám cưới - và thậm chí nó còn được sử dụng thay cho tiền mặt trong trao đổi mua bán.
Thịt chuột cũng là món ăn phổ biến ở nhiều nước khác như: Campuchia, Lào, Myanmar, Philippines, Indonesia, Ghana và Việt Nam – theo chuyên gia Grant Singleton Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế của Philippines.
Theo đánh giá của Singleton, “loài chuột đồng có vị giống thịt chim còn mùi thơm như thịt thỏ”. Singleton từng nếm qua thịt chuột ở vùng cao nguyên Lào và vùng đồng bằng ở Myanmar. Riêng ở Lào có đến 6 giống chuột khác nhau được phân biệt qua mùi vị thịt. Một giống chuột to lớn ở quốc gia Tây Phi Nigeria rất được ưa chuộng.
Mojosola Oyarekua, Giáo sư Đại học Khoa học Công nghệ Ifaki-Ekiti (Usti) ở Nigeria, đánh giá: “Thịt chuột được đánh giá là món ngon đặc sản ở Nigeria và có giá bán mỗi kilôgam đắt hơn cả thịt bò hay cá. Thịt chuột thường được nướng, sấy khô hoặc luộc”.