Tiết lộ về cuộc đời của “cha đẻ” hình tượng gấu Pooh

Thứ Sáu, 09/03/2018, 13:53
Chú gấu Pooh và những người bạn là một trong những nhân vật sinh lời nhất trên thế giới. Quyền sở hữu tác phẩm được bán toàn bộ cho Disney vào năm 2001 với giá 240 triệu bảng Anh, trong đó có 30 triệu bảng được đóng góp vào quỹ Claire Milne. Lợi nhuận Pooh mang lại cho Disney mỗi năm trị giá 3 tỉ bảng, chỉ xếp sau chuột Mickey.

Nhưng ít ai biết rằng, cha đẻ của hình tượng gấu Pooh và cuộc sống gia đình của ông với những người lẽ ra phải là thân yêu nhất lại đầy rẫy bi kịch của những lạnh lùng, xa cách đến đoạn tuyệt tình thâm.

Những chấn thương tâm lý trầm trọng từ cuộc chiến

Trong năm 2017, bên cạnh một “The Shape of Water” kỳ ảo và một “Three Billboards outside Ebbing, Missouri” khốc liệt, hãng phim Fox Searchlight còn cho ra mắt khán giả một sản phẩm ấn tượng khác mang tên “Goodbye Christopher Robin” - bộ phim kể về quá trình sáng tạo nên hình tượng chú gấu Pooh nổi tiếng thế giới của nhà văn A. A. Milne (Alan Alexander Milne) và hành trình trưởng thành của Christopher Robin, con trai của A.A Milne, đồng thời chính là nguyên mẫu cho nhân vật Christopher trong truyện.

Trái ngược với poster sặc sỡ và trailer tươi sáng, “Goodbye Christopher Robin” tiết lộ những mặt tối đằng sau chú gấu Pooh được nhiều thế hệ trẻ em yêu mến.

Milne (18-1-1882 – 31-1-1956) là một nhà văn kiêm nhà viết kịch rất nổi tiếng trong giới thượng lưu. Ông sinh ra và lớn lên tại Kilburn, London, trong một gia đình trung lưu với bố là hiệu trưởng một trường tiểu học công lập. Milne nhận học bổng của trường đại học Trinity, Cambridge và tốt nghiệp với tấm bằng cử nhân toán học năm 1903.

Christopher Robin và mẹ.

Có một điều thú vị là trong quãng thời gian học đại học, ông đã quen biết và chơi trong cùng một đội cricket với J. M. Barrie cha đẻ của nhân vật Peter Pan, và Arthur Conan Doyle, tác giả của bộ truyện “Sherlock Holmes”. Alan kết hôn năm 1920. Ông tham gia cả 2 cuộc đại chiến thế giới, nhưng chính cuộc chiến đầu tiên đã khiến nhà văn bị chấn thương tâm lý trầm trọng.

Kể cả khi quay về với người vợ xinh đẹp Dorothy de Selincourt và những bữa tiệc xa hoa của giới thượng lưu ở London, nhà văn vẫn không tài nào quên được những cảnh tượng thảm khốc và những mất mát ông phải nếm trải trong cuộc chiến. Những sang chấn tâm lý của Alan trầm trọng đến mức bà Dorothy, vợ ông, đã phải sinh một đứa con trai chỉ để làm yên lòng chồng.

Quyết tâm thay đổi nhận thức của người dân Anh quốc về chiến tranh và hòa bình, kì nghỉ hè năm 1925 Alan chuyển hẳn vợ con về nông trại Cotchford ở vùng nông thôn Hartfield, Sussex để có thể chuyên tâm sáng tác. Bao quanh nông trại là một khu rừng rất rộng lớn - chính là rừng Trăm Mẫu, nơi cư ngụ của gấu Pooh và những người bạn đáng mến. Tác phẩm chỉ có một nhân vật con người duy nhất là cậu bé Christopher Robin, dựa trên Christopher Robin Milne (1920-1996) - con trai của tác giả.

Christopher mô tả lại nông trại trong cuốn hồi kí của mình như sau: “Chúng tôi chuyển về vùng quê năm 1925. Ngôi nhà của gia đình tôi có một mảnh vườn nhỏ, và được bao quanh bởi một khu rừng, hai cánh đồng, hai dòng sông và một vùng thôn quê xanh mướt, trải dài tưởng như bất tận”.

Nhà văn và vợ luôn bận rộn với những buổi ra mắt các vở kịch mới và những bữa tiệc nên cậu bé Christopher Robin dành phần lớn thời thơ ấu với cô bảo mẫu Olive “Nou” Brockwell trong ngôi biệt thự của gia đình tại London và ở cả nông trại ở Sussex. Sau này, ông kể lại: "Cha tôi là một người rất lạnh lùng. Ông ghét trẻ con và trẻ con thì sợ ông. Tôi cũng không trách ông, vì việc yêu quý được trẻ em là một nét tính cách và cha tôi thì không có. Mỗi khi xa nhà, tôi không nhớ mẹ lắm, và chắc chắn không hề nhớ cha, nhưng tôi lúc nào cũng nhớ cô Nou rất nhiều.”

Nguyên mẫu của gấu Pooh.

Vì dành quá nhiều thời gian với cô bảo mẫu, cậu bé Christopher là một đứa trẻ rất nhút nhát và e thẹn. Trong hồi kí của mình, Christopher đã viết: "Dành tặng cô, Alicia của rất nhiều bạn nhỏ, nhưng lại là cô Nou của riêng cháu”. Năm 1923, Olive phải nghỉ phép một vài hôm, còn bà Dorothy lại đi vắng, vậy nên ông Alan phải trông con và cùng con chơi đồ hàng với những con thú nhồi bông.

Ông đặt tên cho con gấu bông của cậu bé Christopher là Pooh và tiếp tục nghĩ ra những nhân vật khác như lợn Piglet, lừa Eeyore, mẹ con gấu túi Kanga và Roo, hổ Tigger... Alan viết những bài thơ ngắn về những con thú bông, và xuất bản 2 cuốn sách tên When We Were Very Young năm 1924, cùng Winnie-the-Pooh năm 1926.

Những câu chuyện về các cuộc phiêu lưu của Pooh và những người bạn đã đưa tên tuổi Alan lên tầm cao mới. Nước Anh ở thời điểm đó vẫn chưa hoàn toàn hồi phục sau cuộc chiến, vì vậy người người nhà nhà ngưỡng mộ gấu Pooh tươi sáng, lạc quan, nhưng không kém phần triết lý cùng những người bạn trung thành. Độc giả nhanh chóng phát hiện ra cậu bé Milne chính là nguyên mẫu cho nhân vật Christopher Robin và trong phút chốc, cậu trở thành ngôi sao nhí của nước Anh.

Christopher không còn được vui chơi trong khu rừng Trăm Mẫu hay nghe cô Nou đọc truyện, thay vào đó cuộc sống của cậu chỉ toàn là những buổi phỏng vấn, từ trực tiếp tới qua điện thoại, và vô số những cuộc gặp gỡ độc giả.

Tuy vậy, nhà văn A. A. Milne không hề tự hào với thành công của mình, ông cho rằng độc giả chỉ yêu mến mỗi gấu Pooh chứ không hề quan tâm đến những tác phẩm nghiêm túc hơn - những vở kịch phản chiến - mà ông dành trọn tâm huyết sáng tác. Đồng thời, ông cũng không lấy làm hài lòng khi công chúng chỉ chú ý đến cậu bé Christopher chứ không hề biết đến ông.

Trong một bức thư gửi một người bạn cũ, A. A. Milne đã cay đắng thổ lộ: “Mọi người chỉ muốn gặp gỡ thằng bé thôi, chứ có ai đoái hoài gì đến tôi đâu”. Nhưng ông vẫn tiếp tục viết thêm 2 phần cuối của series Gấu Pooh là “Now We are Six” (1927) và “The House At Pooh Corner” (1928).

Sau khi series kết thúc, ông tiếp tục dồn sức vào các vở kịch và bài báo phản chiến, nhưng không được công chúng quan tâm. Cả đời A. A. Milne không bao giờ viết được thêm một tác phẩm nào vượt qua nổi cái bóng của chú gấu áo đỏ nghiền mật ong. Khi hồi tưởng lại về thời thơ ấu đặc biệt của mình, Christopher cũng không hề vui vẻ gì. Lúc đầu thì cậu bé Christopher rất vui: “Tôi thích trang trại của tôi, thích cô Nou và thích được hâm mộ”.

Dần dà, cậu luôn cảm thấy mình bị cha ruột lợi dụng khai thác và ông không bao giờ tha thứ cho nhà văn vì đã "bám lấy đôi vai bé nhỏ của con trai mình, tước đoạt đi những gì đẹp đẽ nhất của nó và chẳng để lại cho con bất kì điều gì ngoài hư danh”.

Tác giả và con trai.

Nổi tiếng và bất hạnh

Thành công và danh vọng của hai cha con cũng không thể khiến bà Dorothy hài lòng. Vẫn bất mãn vì bị tách khỏi London hoa lệ, bà Dorothy thường xuyên cãi vã với chồng và dành rất nhiều thời gian đi du lịch. Trong một bữa tiệc tại New York, bà gặp gỡ nhà biên kịch người Mỹ Elmer Rice và trở thành nhân tình của ông.

Bà Dorothy sẽ dành hàng tuần, thậm chí hàng tháng ở London và New York với Rice. Milne không quan tâm lắm, đơn giản vì ông cũng đang ngoại tình với cô diễn viên trẻ tên Leonora Corbett - diễn viên chính trong vài vở kịch của ông.

Năm 1929, cậu bé Christopher được gửi đến trường nam sinh Gibbs. Chỉ một năm sau đó, cậu chuyển đến trường nội trú Box Grove, nhưng vừa mới thoát khỏi cuộc sống gia đình ngột ngạt thì Christopher lại phải đối diện với một nỗi khổ mới: cậu ngay lập tức bị bạn bè trêu chọc, tẩy chay, và bắt nạt chỉ vì là người nổi tiếng. Đây chính là khi mà theo lời Christopher, "mối quan hệ vừa yêu vừa ghét giữa tôi và Christopher Robin của gấu Pooh bắt đầu”.

Những đứa trẻ còn tìm thấy những bản thu âm cậu bé Christopher đang ngâm thơ và chúng thường xuyên vừa xô cậu xuống cầu thang vừa bật những bản thu âm ấy. Sau này, khi những kẻ bắt nạt trả lại cậu những bản thu âm và quyển thơ cậu ngâm, Christopher ngay tức khắc xé vụn quyển thơ và quăng những mảnh vụn đi thật xa. Chính vì những khó khăn trong thời niên thiếu mà gấu Pooh mang đến, cậu không bao giờ tha thứ cho cha mình và từ chối gặp mặt cha mẹ đến hàng chục năm, chỉ liên hệ qua thư.

Sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở, Christopher giành được học bổng toán học của trường trung học phổ thông Stowe, và cậu theo học đại học ở trường Trinity, giống như cha mình. Năm 1941, khi Chiến tranh thế giới lần hai nổ ra, Christopher tạm hoãn việc học để nhập ngũ, nhưng cậu thi trượt kì thi chọn bác sĩ quân y.

Ngôi nhà của tác giả.

Cha của Christopher đã dùng sức ảnh hưởng của mình để xin cho con trai một chân là kĩ sư cho quân đội để giúp con không phải ra trận và trực tiếp chiến đấu. Tuy nỗ lực bảo vệ con là vậy, nhưng ông vẫn cư xử rất lạnh nhạt với Christopher.

Nhà văn A. A. Milne đã cho một nhà xuất bản ở Mỹ mượn tất cả những kỉ vật thời thơ ấu của con mình, bao gồm chú gấu bông Pooh và những người bạn của chú vào năm 1947 và ông thậm chí còn chẳng thèm đòi lại. Những con thú bông nằm phủ bụi tại một văn phòng ở New York hàng thập kỉ.

Mối quan hệ giữa ông bà Milne và Christopher càng tệ hơn khi anh yêu và vào tháng 4 năm 1948, kết hôn với cô em họ bên ngoại của mình, cháu gái của bà Dorothy - Lesley de Selincourt. Đứa con gái duy nhất của Christopher là bé Claire Milne bị bại liệt bẩm sinh và phải ngồi xe lăn suốt đời. Giọt nước tràn ly cuối cùng phá hủy mối quan hệ của Christopher với cha mẹ là khi anh phê phán cha mẹ mình trong một cuộc phỏng vấn và công khai gọi họ là những bậc phụ huynh xa cách và vô trách nhiệm.

Bà Dorothy đau lòng và tức giận đến mức ra lệnh cho gia nhân đào một cái hố trong vườn và chôn bức tượng của con trai để bà khỏi phải nhìn thấy nó một lần nữa. Khi ông Milne đã có tuổi và bệnh tật, Christopher thi thoảng vẫn ghé thăm cha, nhưng anh vẫn không chịu trò chuyện với mẹ.

Nhà văn Milne qua đời vào tháng 1 năm 1956, thọ 74 tuổi. Christopher có đến dự đám tang của cha nhưng rời đi rất sớm. Bà Dorothy chuyển khỏi trang trại, quay lại London và qua đời 15 năm sau, bà vẫn từ chối gặp mặt con trai kể cả khi đang hấp hối. Sau đó, Christopher không bao giờ quay về ngôi nhà thơ ấu và khu rừng Trăm Mẫu nữa.

Ngôi nhà 6 phòng ngủ của nhà Milne được bán cho Brian Jones - thành viên của ban nhạc Rolling Stones huyền thoại. Anh chết đuối trong bể bơi của căn nhà này năm 1969, bao gồm cả những con thú bông cho thư viện New York.

Christopher không giữ lại bất kì kỉ vật nào của cha mẹ. Thay vào đó, ông quyên góp tất cả mọi thứ, bao gồm những con thú bông, cho thư viện New York. Trước nỗi thất vọng của những nhà sưu tầm, những tay buôn đồ cổ và cả công chúng, ông giải thích rằng ông không muốn bán bất kì thứ gì, vì ông không muốn tuổi thơ của ông một lần nữa bị thương mại hóa.

Sau khi giải ngũ, Christopher trở thành nhà văn giống như cha mình, nhưng công việc chính của ông lại là quản lý nhà sách tại Dartmouth, Devon với vợ. Hai vợ chồng kinh doanh rất thành công, một phần nhờ vào những người hâm mộ trung thành của chú gấu Pooh năm nào. Christopher Robin Milne qua đời một cách bình yên tại nhà ngày 20 tháng 4 năm 1996, ở tuổi 75.

Năm 2002, con gái ông đã thành lập quỹ mang tên Claire Milne để giúp đỡ những người khuyết tật tại Devon và Cornwall. Bà qua đời năm 2012, ở tuổi 56.

Gấu Pooh thật và những người bạn đã được “giải cứu” khỏi căn phòng đầy bụi tại New York và hiện đang được trưng bày trong một hộp kính chống đạn tại Thư viện New York.

Thi San
.
.