Tín hiệu kinh tế khả quan từ khu vực Eurozone

Thứ Ba, 15/08/2017, 14:10
Ngày 28-7, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu Eurozone và Trung Quốc, trong khi hạ dự báo của Mỹ và Anh. Quỹ này nhận định: đà phục hồi của kinh tế Eurozone vững chắc và đều khắp, với nhu cầu tiêu thụ nội địa tăng mạnh hơn.

Kinh tế Eurozone vượt xa Anh và Mỹ về tốc độ tăng trưởng trong quý I-2017. Tuy nhiên, đến quý II, tăng trưởng GDP của Mỹ lại vượt lên đạt mức 2,6% nhờ chi tiêu tiêu dùng và đầu tư của doanh nghiệp tăng. Dù vậy, Eurozone vẫn vượt Anh, khi nền kinh tế nước này không có được động lực tăng trưởng. Lòng tin vào nền kinh tế Eurozone tăng tháng thứ ba liên tiếp trong tháng 7, lên mức cao kỷ lục mới trong 10 năm nhờ lĩnh vực dịch vụ. Lòng tin trong tất cả các lĩnh vực cũng như của người tiêu dùng đều vượt xa các mức trung bình trong lịch sử.

Dự báo của Ủy ban châu Âu (EC) thì cho biết, kinh tế khu vực Eurozone, gồm 19 nước thành viên, trong năm 2017 sẽ tăng trưởng 1,7%, và tiếp tục tăng lên 1,8% vào năm 2018 nhờ động lực là kinh tế toàn cầu cải thiện tích cực, trong đó Mỹ và Trung Quốc là hai đối tác thương mại lớn đặc biệt đóng góp cho sự tăng trưởng kinh tế của khu vực này.

Nước Anh do vướng vào các quy trình cho “cuộc ly hôn ngôi nhà chung châu Âu” nên không có động lực tăng trưởng trong ngắn hạn. Báo cáo của Công ty Tư vấn kinh tế IHS Markit vừa công bố cho hay, những lo ngại liên quan đến việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU) hay còn gọi là Brexit, bất ổn chính trị trong nước cùng với ngân sách của người tiêu dùng hạn hẹp đã khiến lòng tin của các doanh nghiệp Anh giảm xuống mức thấp nhất trong gần 6 năm qua.

Khảo sát của IHS Markit cho thấy, lòng tin của các doanh nghiệp tại Anh xuống mức thấp hơn so với Khu vực Eurozone, trái ngược với Mỹ và Nhật Bản, nơi lòng tin của các doanh nghiệp đạt mức cao trong nhiều năm. Trong khi khu vực Eurozone cho phép IHS Markit phác họa được một khung hình tươi sáng: hoạt động sản xuất khu vực đồng tiền chung châu Âu Eurozone tháng 5-2017 đã tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất trong hơn 6 năm qua, trong bối cảnh các đơn đặt hàng đã tăng vọt lên mức cao nhất từ tháng 3-2011. Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, đã dẫn đầu cuộc khảo sát, nhưng sự tăng trưởng vững chắc cũng được ghi nhận ở các nước khác như Pháp và Tây Ban Nha.

Nền kinh tế khu vực Eurozone từ đầu năm đến nay tăng trưởng vững chắc và đều khắp.

Hoạt động cho vay dành cho khối doanh nghiệp trong Khu vực Eurozone đã chạm đỉnh của gần 8 năm qua. Sau thời gian khủng hoảng tài chính, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã thực hiện một số biện pháp để khởi động lại hoạt động cho vay như: cắt giảm lãi suất xuống mức thấp lịch sử, cung cấp các khoản cho vay với lãi suất thấp dành cho các ngân hàng và “bơm” hơn 1.800 tỷ Euro vào thị trường thông qua việc mua trái phiếu. Đây là kết quả của việc các nhà lãnh đạo Eurozone không ngừng quyết tâm cải tổ cấu trúc của liên minh tiền tệ này, đưa các thành viên xích lại gần nhau hơn.

Cuối tháng 5-2017, Ủy ban châu Âu (EC) đã đưa ra nhiều ý tưởng cả về ngắn hạn và dài hạn, trong đó có ý tưởng thành lập Quỹ Tiền tệ Quốc tế theo kiểu châu Âu và đề cử một chủ tịch thường trực của nhóm các bộ trưởng tài chính Eurozone đứng đầu Bộ Tài chính của khu vực. Bộ Tài chính của Eurozone sẽ chịu trách nhiệm quản lý ngân sách chung, nhằm giảm các cú sốc kinh tế với nguồn tài trợ đến từ quỹ cứu trợ của khu vực hoặc từ sự đóng góp của các nước thành viên.

EC còn hối thúc hoàn tất việc thành lập một liên minh ngân hàng ở Eurozone, ý tưởng vốn đã được khởi động cách đây vài năm khi một loạt quốc gia như Ireland, Tây Ban Nha và Hy Lạp nằm trong “tâm bão” khủng hoảng nợ.

EC vẫn cảnh báo: Việc chính quyền Mỹ của Tổng thống Trump theo đuổi chính sách bảo hộ đối với hoạt động thương mại toàn cầu, cùng với kết quả các vòng đàm phán cho quá trình Anh chính thức rời khỏi EU và hệ thống ngân hàng châu Âu yếu ớt có thể ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng phát triển kinh tế của khu vực này. Ủy viên phụ trách kinh tế của EU Pierre Moscovici một mặt đánh giá cao việc duy trì đà tăng trưởng của khu vực này trong 5 năm liên tiếp, mặt khác ông Moscovici cũng cảnh báo thị trường lao động và hoạt động đầu tư của các quốc gia Eurozone vẫn chưa thực sự hồi phục.

Theo Ủy viên phụ trách kinh tế của EU, trong thời gian tới cũng như dài hạn, các nước khu vực này cần phải giải quyết triệt để các vấn đề cốt lõi để đảm bảo duy trì đà tăng trưởng hiện nay.

Hồi tháng 6, IMF đã từ bỏ những dự báo rằng, tăng trưởng Mỹ sẽ được thúc đẩy bởi các kế hoạch của Tổng thống Trump về cắt giảm thuế và tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng. Người phụ trách ngân sách của ông Trump, Mick Mulvaney, cho biết mục tiêu của Washington là “duy trì tăng trưởng kinh tế 3%/năm”, được nêu trong chính sách kinh tế mang tên “MAGAnomics” (tên viết tắt câu khẩu hiệu của ông Trump trong chiến dịch tranh cử: Make America Great Again - làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại).

Bất chấp các dấu hiệu tăng trưởng tích cực, những bất ổn xung quanh triển vọng kinh tế EU vẫn đang gia tăng. Các rủi ro từ bên ngoài tác động lên EU đều liên quan đến các yếu tố toàn cầu như chính sách kinh tế và thương mại của Mỹ trong tương lai, bên cạnh những căng thẳng địa chính trị trên diện rộng. Quỹ này cũng điểm tên một số nguy cơ, như tăng trưởng tín dụng ở Trung Quốc.

IMF kêu gọi các nền kinh tế phát triển, mà ở đó sức tiêu dùng yếu và lạm phát giảm, cần phải thúc đẩy tăng trưởng thông qua các chính sách tiền tệ và thuế khóa. IMF cảnh báo chủ nghĩa bảo hộ lan rộng - hay còn gọi là “cuộc đua xuống đáy” - trong giám sát tài chính và quy định sẽ có hại cho tất cả, không trừ một ai.

Quốc Hùng (tổng hợp)
.
.