Tỏa sáng hình tượng Người chiến sĩ Công an nhân dân

Thứ Hai, 27/07/2015, 14:20
Tối ngày 24/7/2015 đã diễn ra Lễ bế mạc, tổng kết và trao giải Liên hoan nghệ thuật sân khấu về “Hình tượng Người chiến sĩ CAND” lần thứ 3 (từ ngày 10 đến 24/7/2015) tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ, số 8 Huỳnh Thúc Kháng, Ba Đình, Hà Nội, với những giải thưởng, huy chương vàng, huy chương bạc dành cho các tập thể, cá nhân xuất sắc.

Gần nửa tháng diễn ra Liên hoan, đã cho khán giả một cái nhìn toàn diện về hình tượng Người chiến sĩ CAND với những chiến công thầm lặng cả trong chặng đường lịch sử đã qua lẫn trong thời đại mới.

Hơn ai hết, họ đang góp phần lớn vào công cuộc bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn bình yên cho cuộc sống của nhân dân, mang lại những cảm hứng cho các ngành nghệ thuật. Liên hoan thành công không chỉ góp thêm ý nghĩa chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Lực lượng CAND (19/8/1945-19/8/2015) và 10 năm “Ngày hội Toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc” (19/8/2005-19/8/2015), mà còn tạo đà cho các nghệ sĩ, diễn viên, các đạo diễn có những sáng tạo mới về Người chiến sĩ CAND cho những cuộc Liên hoan sân khấu trong chặng đường tiếp nối.

Giáo sư Tất Thắng (Chủ tịch Hội đồng giám khảo): Có những vở diễn đầy ám ảnh

Liên hoan sân khấu nghệ thuật về “Hình tượng Người chiến sĩ CAND” về cả hai mặt nội dung và nghệ thuật, rất phong phú. Hình tượng Người chiến sĩ CAND đã được khắc họa trên nhiều lĩnh vực hoạt động của lực lượng như hình sự, ma túy, phòng cháy chữa cháy, chiến sĩ tình báo, thi hành án và trại giam… được thể hiện qua sự phong phú về "kịch chủng" bao gồm tất cả các loại hình nghệ thuật sân khấu như tuồng, chèo, cải lương, ca kịch, kịch thể nghiệm…

Những đạo diễn, nghệ sĩ ở các đoàn, các nhà hát ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam với công việc và niềm đam mê, với những kỳ vọng về một cuộc Liên hoan sân khấu thành công, đã tái hiện được cuộc sống, công việc đầy gian nan, vất vả, đầy hiểm nguy, thầm lặng nhưng cũng rất tự hào của người chiến sĩ CAND. Đằng sau những chiến công, họ đã trải qua những mất mát, hy sinh lớn lao, thậm chí hy sinh cả hạnh phúc riêng tư vì nhiệm vụ.

Bản thân tôi, với tư cách là Chủ tịch Hội đồng giám khảo, trước hết là vinh dự, sau đó là sự công tâm, bởi vì mỗi vở kịch đều mang được tâm huyết, tình cảm, tâm sức dành cho lực lượng Công an, nên thực sự để có những giải thưởng xứng đáng, chúng tôi phải có sự cân nhắc kỹ lưỡng. Thành công của Liên hoan trước hết là đã nâng cao được giá trị nhận thức trong cộng đồng sẽ là thành công nổi bật nhất bên cạnh giá trị nghệ thuật khác.

Qua kỳ liên hoan này, không chỉ vui mừng chứng kiến khán giả đến chật kín khán phòng trong các buổi diễn, mà ngay từ chính các đạo diễn, nghệ sĩ khi tham gia các vở diễn đều hiểu hơn về tính chất công việc, chia sẻ với các chiến sĩ Công an những khó khăn vất vả trong đời sống chiến đấu cũng như trong đời thường.

Liên hoan đã phản ánh hiện thực đời sống của đất nước ở nhiều phương diện khác nhau trong đó nhân vật chính chủ yếu là các chiến sĩ CAND có cơ hội giãi bày tâm tư tình cảm của mình trước khán giả, trước cuộc đời, trước những người dân. Từ đó đáp ứng được phần nào kỳ vọng của Ban tổ chức là xây dựng được hình ảnh Người chiến sĩ CAND với những dư âm đặc biệt trong lòng khán giả.

Đạo diễn, NSƯT Trần Nhượng (Thành viên Ban Giám khảo): Liên hoan có sức lan tỏa mạnh mẽ

Cuộc Liên hoan này là một sự tổng hợp các đề tài, thể loại, cung cấp cái nhìn tổng thể cho khán giả. Đây là một trong những cuộc Liên hoan có đề tài hấp dẫn, nhiều kịch mục nổi trội, khai thác được thế mạnh của diễn viên tham gia.

Tôi cho rằng, sự hy sinh gian khổ và anh hùng của các chiến sĩ CAND trong thời bình cũng như thời hiện tại đã là đề tài để các nhà hát, các đoàn khai thác. Có sự hy sinh nhìn thấy được nhưng cũng có sự hy sinh thầm lặng, thì thông qua các vở diễn đã có sức lan tỏa lớn trong những biến cố phức tạp của xã hội.

Nếu không có bàn tay của các chiến sĩ CAND thì thật sự là cuộc sống không thể bình yên. Thông điệp của các vở diễn trong Liên hoan đã lan tỏa tới ý thức cộng đồng, trách nhiệm công dân sống tốt hơn, bảo vệ bản thân, gia đình và xã hội.

NSND Lê Tiến Thọ (Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam): Cần đưa các tác phẩm về lực lượng công an đến với đông đảo công chúng

Liên hoan nghệ thuật sân khấu về “Hình tượng Người chiến sĩ CAND” phối hợp 3 đơn vị Bộ Công an, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tham gia tổ chức.

Điều đầu tiên dễ nhận thấy là Liên hoan đã huy động được rất đông các đơn vị trong cả nước tham gia với nhiều loại hình. Đặc biệt tôi đánh giá cao các đoàn xã hội hóa từ miền Nam ra đã có những vở diễn xúc động và có ấn tượng với người xem. Được sự hỗ trợ về kinh phí của Bộ Công an, nên những đơn vị nghệ thuật tham gia đã mang đến được Hội diễn những tác phẩm hay nhất, xuất sắc nhất với lực lượng hùng hậu, đông đảo và tạo được sức hút cho người xem về hình tượng Người chiến sĩ CAND.

Tuy nhiên, ở vai trò cá nhân, tôi mong muốn rằng, khi chúng ta đã được đầu tư thì về mặt nghệ thuật, chúng ta phải tổ chức được cho các tác phẩm không chỉ sống được trong các kỳ liên hoan mà sau đấy phải nhân rộng ra trên mọi địa bàn, mọi hoạt động, nghĩa là đến với công chúng.

Cần phải tổ chức cho các tác phẩm về “Hình tượng Người chiến sĩ CAND” đi biểu diễn ở khắp nơi trên toàn quốc. Bởi vì chúng ta đã đầu tư kinh phí tổ chức, xây dựng kịch bản, biểu diễn... trong hàng tháng trời, thì hàng chục vở diễn ấy sau đó cần phải được quảng bá để nó không chỉ có ảnh hưởng trong cuộc Liên hoan mà còn có sức lan tỏa tới đông đảo khán giả trên cả nước.

Trong tương lai nếu chúng ta tổ chức cuộc thi sáng tác mở rộng đề tài, tổ chức gặp gỡ các văn nghệ sĩ tạo nên sân chơi lành mạnh, hiệu quả, chất lượng hơn thì tôi tin là sân khấu về “Hình tượng Người chiến sĩ CAND” rất mạnh. Qua các cuộc đi thực tế sáng tác sẽ thu hút được nhiều sáng tác không chỉ mạnh về bề rộng mà còn có cả chiều sâu, từ đề tài về công an, mở rộng thành đề tài của con người, của các vấn đề xã hội.

Xét cho cùng, hình tượng Người chiến sĩ CAND trong đời sống là vô cùng phong phú và không ít kịch tính, vì thế viết về họ, thực chất là mình đang viết về con người, về cộng đồng và tất cả là hướng về sự bình yên của toàn xã hội.

Ông Nguyễn Thế Vinh (Giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam): Vinh dự với những thành công

Thực sự, Liên hoan nghệ thuật sân khấu về "Hình tượng Người chiến sĩ CAND" dù không phải là một liên hoan toàn quốc chuyên biệt về sân khấu nhưng lại có quy mô lớn và sức lan tỏa rộng nên đã tạo ra nhiều sự háo hức cho các nghệ sĩ được tham gia.

Trong đó không chỉ các loại hình với nhau như ở các liên hoan toàn quốc mà tất cả các loại hình sân khấu: kịch, cải lương, chèo đều có mặt, cộng với sự đa dạng của các đoàn công lập, các đoàn xã hội hóa... nên sân khấu có sự ủng hộ nhiệt tình của đông đảo khán giả cũng như bạn diễn.

Sự chuyên biệt hay nhất là đề tài tập trung vào chủ đề về Công an nên có sự  so sánh các vở diễn, các nghệ sĩ với nhau. Cũng qua đó, người dân, những khán giả xem kịch cũng đã có một cái nhìn bao quát, tổng thể và rõ ràng về một hình tượng đẹp của Người chiến sĩ CAND.

Rõ ràng là thông qua các vở diễn, nhiều người hiểu, yêu quý và trân trọng các chiến sĩ công an hơn, cũng như đánh giá đúng và sâu sắc hơn về sự hy sinh thầm lặng của họ. Hay nhất là có những vở cùng một kịch bản nhưng 2 đoàn tham gia nên tạo ra sự háo hức cũng như một chút ganh đua rất hấp dẫn.

Qua nửa tháng diễn ra Liên hoan, bản thân tôi, với tư cách là một giám đốc nhà hát, rút ra được rất nhiều kinh nghiệm về mặt tổ chức để làm thế nào lan tỏa, đưa được tác phẩm đến với công chúng. Ngay từ khâu chuẩn bị, Ban tổ chức đã rất chuyên nghiệp, tạo cho các đoàn, các nhà hát tham gia sự yên tâm bởi sự chu đáo, chăm sóc kỹ lưỡng, dù ở xa hay ở gần.

Từ kế hoạch, nội dung, từ các thông báo to nhỏ đều được Ban tổ chức cho biết sớm, kỹ lưỡng để các đoàn không bị hẫng và tạo được tâm thế thoải mái khi vào cuộc. Khâu tuyên truyền quá thành công, nên đã thu hút được một lượng khán giả đông kín rạp, tạo được sự hứng khởi cho diễn viên trên sân khấu. Đây đã trở thành một sự kiện văn hóa cho nhân dân, chứ không đơn thuần là một cuộc Liên hoan bó hẹp của một lực lượng.

Nhà hát Kịch Việt Nam tham gia hai vở diễn, vở "Trong mưa giông thấy nắng" (tác giả Lê Chí Trung, đạo diễn NSƯT Anh Tú) và vở "Dư chấn" (tác giả Xuân Đức, đạo diễn NSND Doãn Hoàng Giang). Một vở đặt hàng để tham gia chính Liên hoan này, một vở thì được đặt hàng của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Vở diễn được Huy chương Vàng của Liên hoan lần này "Dư chấn" là một vở kịch mà chúng tôi dành rất nhiều công sức.

Đây là vở diễn về chống tham nhũng, một vở kịch mang tính dự báo về những dư chấn của đời cha sang đời con và những hậu quả khôn lường của việc phạm tội. Vở kịch này có sự tham gia của nhiều diễn viên trẻ của nhà hát. Họ rất háo hức với vở diễn cũng như Liên hoan này. Được biết vở diễn cũng đã mang lại nhiều huy chương cho các diễn viên, điều đó khiến cho niềm vui của chúng tôi nhân lên gấp bội.

Thực sự, Liên hoan sân khấu về “Hình tượng Người chiến sĩ CAND” nhiều điều tốt đẹp, không chỉ với những khán giả, mà ngay cả với chúng tôi, những người trong cuộc, cũng đã có một tình yêu son sắt với Lực lượng Công an nói chung cũng như với Liên hoan sân khấu về “Hình tượng Người chiến sĩ CAND” nói riêng. Mong rằng, liên hoan sẽ được tổ chức thường kỳ để chúng tôi được tiếp tục tham gia.

Diễn viên Trịnh Nhật (Nhà hát kịch Việt Nam): Tôi đã có những đêm không ngủ vì vai diễn

Tôi thực sự vui mừng vì những thành công của nhà hát cũng như vở diễn "Dư chấn" và vai Trang của mình. Thực sự đây là một trong những bước đệm để tôi phấn đấu hơn nữa trên con đường sự nghiệp. Thực sự tôi đã có những đêm không ngủ, tập vở ở nhà hát về nhà tôi vẫn tiếp tục phân tích tâm lý nhân vật, tự diễn, tự bao quát mình trong các nhân vật khác để thể hiện một cách tốt nhất vai diễn của mình.

Bản thân tôi, khi cầm tấm huy chương trên tay mà cảm thấy hồi hộp như trong mơ. Tôi cảm ơn Ban tổ chức đã cho các diễn viên trẻ như chúng tôi những cơ hội để cảm thấy yêu nghề và tự tin hơn trên con đường sự nghiệp của mình.

Trần Hoàng Thiên Kim (thực hiện)
.
.