Đêm khai mạc Liên hoan NTSK “Hình tượng Người chiến sĩ CAND”: Khởi đầu thành công

Thứ Hai, 13/07/2015, 11:00
Tối ngày 10/7/2015, Liên hoan nghệ thuật sân khấu “Hình tượng Người chiến sĩ CAND” đã chính thức khai mạc tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ, số 8 Huỳnh Thúc Kháng, Ba Đình, Hà Nội do Bộ Công an phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) và Hội Nghệ sĩ Sân khấu (NSSK) Việt Nam tổ chức.

Đây là cuộc hội ngộ, đua tài giữa các đoàn kịch nghệ trong cả nước khi xây dựng hình tượng Người chiến sĩ CAND. Tới dự lễ khai mạc có các đồng chí đại diện lãnh đạo Bộ Công an, Bộ VHTT&DL, Hội NSSK Việt Nam, Tổng cục Chính trị CAND; đại diện các Tổng cục, đơn vị thuộc Bộ Công an... cùng sự góp mặt đông đủ của 20 đoàn nghệ thuật tham gia Liên hoan…

Đây là hoạt động chào mừng Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân (19/8/1945-19/8/2015) và 10 năm Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (19/8/2005-19/8/2015). Là Liên hoan thường kỳ lần thứ ba nhưng là lần đầu tiên Bộ Công an phối hợp với hai đơn vị: Bộ VHTT&DL và Hội NSSK Việt Nam tổ chức Liên hoan nghệ thuật sân khấu (NTSK) toàn quốc về "Hình tượng Người chiến sĩ CAND".

Một cảnh trong vở kịch "Trong mưa giông thấy nắng".

Với 27 vở diễn và 20 đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp tham gia, Liên hoan NTSK "Hình tượng Người chiến sĩ CAND" lần III sẽ là một cuộc hội ngộ nhiều anh tài của làng sân khấu Việt Nam, cả về đạo diễn, biên kịch lẫn nghệ sĩ, diễn viên, ở mảng đề tài vốn rất cuốn hút với công chúng, nhưng luôn là một thử thách sáng tạo. Ngoài mục đích khắc họa đậm nét hình tượng Người chiến sĩ Công an, Liên hoan còn là dịp để các đơn vị nghệ thuật, các nghệ sĩ gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, phát hiện những tìm tòi sáng tạo mới trong lao động nghệ thuật về đề tài an ninh trật tự và hình tượng Người chiến sĩ CAND.

Hội đồng Giám khảo của Liên hoan NTSK toàn quốc "Hình tượng Người chiến sĩ CAND" lần thứ III gồm GS. Tất Thắng, Nhà Lý luận - Phê bình Sân khấu, Chủ tịch Hội đồng. Các thành viên: Đạo diễn, NSND Lê Hùng; nhà văn Xuân Đức; Đạo diễn NSND Trần Ngọc Giàu; NSND Hoàng Cúc; Đại tá; NSƯT Trần Nhượng; Đại tá, NSƯT Quốc Trượng. Liên hoan sẽ kéo dài từ ngày 10 đến ngày 24/7/2015 tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ, số 8 Huỳnh Thúc Kháng, Ba Đình, Hà Nội. Mỗi ngày sẽ có 2 vở diễn thi. Buổi sáng bắt đầu từ 9 giờ và buổi tối bắt đầu từ 20 giờ. Khán giả đến xem miễn phí.

NSND Hoàng Cúc (thành viên Hội đồng Giám khảo): Liên hoan đã trở thành một hoạt động sân khấu được chờ đợi

Tôi rất vinh dự là thành viên Hội đồng giám khảo Liên hoan NTSK toàn quốc "Hình tượng Người chiến sĩ CAND".

Kỳ thực, tôi rất yêu quý các chiến sĩ công an, dù bản thân là người sống cùng con đường kịch nghệ suốt hàng chục năm nhưng mỗi khi được ngồi xem những vở kịch về họ vẫn luôn gây cho tôi những xúc động mãnh liệt. Liên hoan đã hội tụ được nhiều nhà hát, nhiều đoàn kịch trên toàn quốc tham gia với những vở diễn có chất lượng, đủ thấy Liên hoan đã vượt ra khỏi khuôn khổ của một Bộ, ngành và trở thành một trong những hoạt động sân khấu thường kỳ được chờ đợi và là đích đến của nhiều vở diễn.

NSƯT Công Bảy, Trưởng Đoàn kịch CAND: Chúng tôi có một vở khai mạc thành công

Với vai trò là chủ nhà, Đoàn kịch nói CAND sẽ diễn mở màn trong đêm khai mạc Liên hoan với vở kịch "Không phải là vụ án". "Không phải là vụ án" (tác giả Nguyễn Đăng Chương, cố vấn nghệ thuật NSND Lê Hùng, đạo diễn NSƯT Công Bẩy) đi sâu khai thác về công việc, về cuộc sống của những người chiến sĩ công an trại giam.

Thông qua câu chuyện về hai nhân vật chính, Lương - một cán bộ trại giam quyết tâm làm sáng tỏ những uẩn khúc phía sau một bản án dành cho Duyên  - một nữ phạm nhân và cũng là người mà anh yêu. "Không phải là vụ án" không đặt ra những vấn đề lớn nhưng lại bằng cách kể hết sức gần gũi, bình dị. Những chi tiết, cách dẫn dắt câu chuyện đưa người xem đến những góc nhìn chân thực nhất về cuộc sống, về những cám dỗ, những hi sinh thầm lặng của người chiến sĩ công an - người thầy đặc biệt trong trại giam.

Với vai trò là đạo diễn, tôi đi sâu khai thác tính nhân văn trong cách sống cũng như công việc của người chiến sĩ công an. Luôn là những người đầy trách nhiệm khi được lực lượng Công an giao phó nhưng đối mặt với đời thường là những tâm tư tình cảm của người chiến sĩ CAND, là một con người bằng xương bằng thịt nên có nhiều tâm tư, khúc mắc và nếu không tỉnh táo thì có thể dẫn đến sai lầm. Đây cũng là những điều chúng tôi đưa ra có ý nghĩa giáo dục.

Để làm tốt các vai diễn, chúng tôi, với ưu thế trong lực lượng, các diễn viên của mình như Hoàng Việt Tùng đóng vai Lương, hay Lưu Thị Huyền Trang - vai Duyên được tiếp xúc với các cố vấn là các đồng chí công tác tại trại giam để được góp ý kiến giúp các diễn viên hiểu thêm tâm tư, tình cảm, về cách sinh hoạt, lối sống của những nữ tù nhân, cách xử sự của các quản giáo ở trong trại giam như thế nào… để qua đó có thể truyền tải tốt nhất vai diễn của mình. Bản thân tôi cũng tham gia vở diễn trong vai Giám đốc Công an tỉnh, người từng nhiều năm gắn bó với công tác ở trại giam và cũng chính ông đã tìm ra sự thật đằng sau vụ án, minh oan cho người vô tội.

Tôi đã để cho vở kịch có một cái kết mở và đã một lần nữa khắc họa rõ nét hình tượng Người chiến sĩ CAND trong công tác giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, trong đấu tranh chống lại những tiêu cực; ca ngợi bản chất cách mạng và truyền thống vẻ vang của Công an nhân dân Việt Nam qua 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành. Với vai trò là những người mở màn, chúng tôi mong sẽ tạo được một hiệu ứng tốt cũng như sẽ tạo đà cho các vở diễn tiếp nối của Liên hoan thành công rực rỡ…

NSƯT Anh Tú, Phó Giám đốc nghệ thuật Nhà hát kịch Việt Nam: Nơi hội tụ những vở kịch hay về lực lượng Công an

Nhà hát kịch Việt Nam tham dự Liên hoan với vở diễn "Trong mưa giông thấy nắng" (tác giả Lê Chí Trung, ĐD: NSƯT Anh Tú) có chủ đề, nội dung, tư tưởng rõ ràng, mang đậm giá trị nhân văn, phản ánh sâu sắc tinh thần mưu trí, dũng cảm, trung thành với Đảng, tận tụy với dân của cán bộ chiến sĩ CAND, ngợi ca chủ nghĩa anh hùng cách mạng của lực lượng CAND trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân và đế quốc, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; ca ngợi những nhân tố tích cực, những thành tựu trong sự nghiệp bảo vệ an ninh trật tự đã đạt được trong công cuộc đổi mới, cổ vũ cái đúng, cái tốt đẹp, lên án cái ác, cái thấp hèn và những thói hư tật xấu trong quan hệ giữa con người với con người, giữa con người với xã hội và thiên nhiên.

Bản thân tôi, với tư cách là đạo diễn, là một người trọng nghề và yêu nghề, mang tác phẩm tham dự Liên hoan cũng mong muốn được thử thách trong một đề tài tưởng là hẹp, nhưng thực sự là một đề tài bao quát chung xã hội. Nhân vật chính của vở kịch - Thiếu tá Hà, Phó giám thị trại giam (diễn viên Phương Nga) có tính cách quyết liệt và hy sinh hạnh phúc cá nhân cho công việc. Chị là hình ảnh đại diện cho những chiến sĩ công an đang làm nhiệm vụ. Vở kịch không dừng lại ở việc ca ngợi những người biết hy sinh chuyện riêng tư để làm tốt những công việc đặc biệt của xã hội, mà còn phản ánh đa chiều số phận từ những tù nhân đến các cán bộ quản giáo, những tâm tư của mỗi người ở nơi hoang vu, hẻo lánh.

Điều này đã thực sự làm nên nét riêng của "Trong mưa giông thấy nắng" so với những vở kịch về đề tài CAND khác và làm nên tính nhân văn cho một vở diễn được dàn dựng công phu. Chúng tôi mong rằng, không chỉ lần này mà những Liên hoan tiếp sau đây, chúng tôi sẽ xây dựng được một vở kịch xứng tầm, có sự chuẩn bị thực sự kỹ lưỡng, để cùng các đoàn kịch trong cả nước hội tụ để có những tác phẩm hay về Lực lượng Công an.

Đạo diễn Bùi Như Lai (Nhà hát Tuổi Trẻ): Niềm vui và vinh dự được tham gia Liên hoan

Tôi là một đạo diễn trẻ, được tham dự Liên hoan NTSK toàn quốc "Hình tượng Người chiến sĩ CAND" lần này là một niềm vui, niềm vinh dự lớn cho một người bắt đầu với những bước đi đầu tiên trong nghề của mình. Bởi vì, Liên hoan cũng đã quy tụ được nhiều Nhà hát và các đoàn kịch nghệ trên cả nước tham gia.

Vở diễn "Cho một ngày bình yên" (tác giả Lê Chí Trung) với phần tham gia diễn xuất của các diễn viên như NSƯT Minh Hằng, nghệ sĩ Quang Ánh, Tùng Linh… vở kịch thể hiện những hy sinh thầm lặng của người chiến sĩ công an vì cuộc sống bình yên của nhân dân. Một vụ án tưởng như đã khép lại nhưng các thế lực đen tối vẫn luôn ẩn hiện và tồn tại trong xã hội. Nếu không có sự ngăn chặn kịp thời của Lực lượng Công an và sự đồng lòng của xã hội, tội ác sẽ không được đẩy lùi. Chúng tôi đã sẵn sàng cho đêm diễn và mong rằng, vở diễn sẽ đem lại cho khán giả những phút giây có ý nghĩa.

Các đoàn nghệ thuật và tác phẩm tham gia Liên hoan Nghệ thuật sân khấu "Hình tượng Người chiến sĩ Công an nhân dân" lần thứ III- Năm 2015:

- Đoàn Kịch nói CAND: Vở Không phải là vụ án. Tác giả: Nguyễn Đăng Chương. Đạo diễn: NSƯT Công Bẩy. Vở: Quyết đấu giữa sương mù. Tác giả: Nhà văn Chu Lai. Đạo diễn: NSND Lê Hùng.

- Nhà hát Kịch Việt Nam: Vở Trong mưa giông thấy nắng. Tác giả: Lê Chí Trung. Đạo diễn: NSƯT Anh Tú. Vở: Dư Chấn, Tác giả: Nhà văn Xuân Đức. Đạo diễn: NSND Doãn Hoàng Giang.

- Đoàn Kịch nói Hải Phòng: Vở Tình xưa. Tác giả: Phan Gia Liên. Đạo diễn: NSND Lê Hùng. Vở Người thi hành án tử. Tác giả: Phạm Văn Quý. Đạo diễn: NSƯT Lê Hải.

- Đoàn Cải lương Thái Bình: Vở Khoảnh khắc mong manh. Tác giả: Trung tướng - Nhà văn Hữu Ước. Chuyển thể Cải lương: NSƯT Xuân Vũ. Đạo diễn: NSƯT Xuân Vũ.

- Nhà hát Chèo Hưng Yên: Vở Phút giây định mệnh. Nguyên tác Kịch nói:  Trung tướng - Nhà văn Hữu Ước. Chuyển thể Chèo: Trần Đình Văn. Đạo diễn: NSƯT Xuân Sanh.

- Nhà hát Tuổi trẻ :Vở Cho một ngày bình yên. Tác giả: Lê Chí Trung. Đạo diễn: Bùi Như Lai. Vở Người trong biển lửa. Tác giả: An Ninh. Đạo diễn: NSND Lan Hương. Vở: Ai là thủ phạm. Cố tác giả: Lưu Quang Vũ. Đạo diễn: NSƯT Chí Trung.

- Nhà hát Ca Múa Kịch Lam Sơn Thanh Hóa: Vở Mảnh đời run rẩy. Tác giả: Vũ Xuân Cải. Đạo diễn: NSƯT Giang Châu.

- Đoàn Nghệ thuật Thái Nguyên: Vở Gió đại ngàn. Cố tác giả: Trần Đình Văn. Đạo diễn: Lê Thanh Tùng

- Đoàn Kịch nói Nam Định: Vở Phía sau vụ án. Tác giả: Vũ Xuân Cải. Đạo diễn: NSƯT Trần Nhượng.

- Nhà hát Cải lương Hà Nội: Vở Nguồn sáng phía chân trời. Tác giả: Phạm Văn Quý. Chuyển thể Cải lương: NSƯT Ngọc Chi. Đạo diễn: NSUT Hoàng Quỳnh Mai.

- Nhà hát Chèo Quân đội: Vở Người chiến sĩ năm xưa. Tác giả: Nhà văn Chu Lai. Chuyển thể Chèo: NSƯT Bùi Vũ Minh. Đạo diễn: NSND Lê Hùng.

- Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Nam Định: Vở Thành Hoàng làng. Tác giả: Nhà văn Giang Phong. Đạo diễn: NSƯT Đào Quang.

- Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Khánh Hòa: Vở Cơn lốc cuộc đời. Tác giả: Vũ Xuân Cải. Đạo diễn: NSND Hoài Huệ.

- Nhà hát Nghệ thuật Ca Kịch Huế: Vở Không phải là vụ án. Tác giả: Nguyễn Đăng Chương. Đạo diễn: NSND Nguyễn Ngọc Bình.

- Nhà hát Kịch nói Quân Đội: Vở Những người lính trận. Tác giả: Nhà văn Hà Đình Cẩn. Tổng đạo diễn: NSND Doãn Hoàng Giang và các đạo diễn: NSND Quốc Trị, NSUT Hoàng Mai.

- Đoàn Văn công Đồng Tháp: Vở Cũng là tình yêu. Tác giả: Thanh Huyền. Chuyển thể Cải lương: Hoàng Song Việt. Đạo diễn: NSƯT Trần Thắng Vinh.

- Công ty CP Sân khấu và Điện ảnh Vân Tuấn: Vở Chuyên án 292. Tác giả: NSND Hồng Vân. Đạo diễn: Diệp Tiên. Vở Người đàn bà uống rượu. Tác giả: Trung tướng - Nhà văn Hữu Ước. Đạo diễn: Quốc Thảo.

- Nhà hát Thế giới trẻ - Trường ĐHSKĐA TP HCM: Vở Bông hồng vàng. Tác giả: Trần Kim Khôi. Đạo diễn: Phạm Huy Thục. Vở Cát trắng như gạo. Tác giả và Đạo diễn: Nguyễn Quang Vinh.

- Nhà hát Kịch Sân khấu Nhỏ TP HCM: Vở Phía sau tội ác. Tác giả: Lê Chí Trung - Vương Huyền Cơ. Đạo diễn: Nguyễn Thành Chánh Trực.

- Sân khấu CINEMA Sao Minh Béo: Vở Kẻ máu lạnh. Tác giả: Duy Khiêm. Đạo diễn: Minh Béo.

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.