Trung Quốc: Nghệ thuật thứ bảy và những bê bối bị phanh phui

Thứ Năm, 17/01/2019, 16:19
Trong những năm gần đây, người ta chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp điện ảnh và truyền hình Trung Quốc, không thua kém gì Hollywood của Mỹ. Tuy nhiên, đằng sau những cảnh phim được dàn dựng hoành tráng, ít ai biết được những "ung nhọt" bên trong lĩnh vực này.

Hệ quả là không ít chuyên gia trong ngành dự báo lĩnh vực này của Trung Quốc có thể sẽ hứng chịu những hệ quả trong vài năm tới.

Đặt chân đến phim trường Hoành Điếm, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, người ta không khỏi ngỡ ngàng như chạm vào bóng dáng và hơi thở của Tử Cấm thành. Được khởi công xây dựng từ năm 1996, Hoành Điếm được mệnh danh là Hollywood của Trung Quốc. Trong số 200.000 người dân ở thị trấn này, có đến 50.000 người là diễn viên. Trong những ngày cao điểm, có đến hơn 10 ê-kíp làm phim quay chung trên cùng một bối cảnh.

Phim trường Hoành Điếm từ trên cao - Theo latimes.com

Dù không phải là phim trường duy nhất ở Trung Quốc nhưng Hoành Điếm, với quy mô rộng lớn và tập trung sản xuất phim cổ trang, lại trở thành tâm điểm đối với nỗ lực của Bắc Kinh trong việc thể hiện những câu chuyện lịch sử với mục đích tuyên truyền cho đường lối chính sách. Thế nhưng, những vụ việc diễn ra gần đây, từ trốn thuế, mua rating (chỉ số đánh giá hiệu quả) đến các chính sách chống tham nhũng, hạn chế tự do ngôn luận và kiểm soát báo chí, đã khiến không khí tại Hoành Điếm trầm lắng hẳn. Trong thời gian qua, các hoạt động sản xuất phim tại đây tạm thời theo kiểu "vừa làm vừa nghe ngóng". "Mọi thứ trở nên nhạy cảm hơn, nhất là về điện ảnh và giải trí", Stanley Rosen, chuyên gia về điện ảnh và chính trị Trung Quốc tại Trường Đại học South Calorina chia sẻ.

"Sao" và những hợp đồng "đen - trắng"

Năm 2018, nữ diễn viên thu nhập "khủng nhất" Trung Quốc là Phạm Băng Băng. Thế nhưng, đây cũng là năm mà tên tuổi của ngôi sao hạng A này bị ghi vào "danh sách đen" của nhà chức trách Trung Quốc với vụ khai khống và làm giả hợp đồng để trốn thuế. Theo truyền thông Trung Quốc, Phạm Băng Băng sẽ phải nộp phạt 883 triệu nhân dân tệ (gần 129 triệu USD) do hành vi trốn thuế. Đây là một trong những sự vụ làm rung động xã hội Trung Quốc, đặc biệt là công nghiệp điện ảnh và truyền hình trong năm 2018.

Siêu sao Phạm Băng Băng bị buộc tội trốn thuế - Theo SCMP.com

Ông Tenky Tin Kai-man, Giám đốc Liên đoàn các nhà sản xuất phim Hong Kong cho biết tình trạng sản xuất điện ảnh và phim truyền hình đã có dấu hiệu chững lại ngay sau khi Phạm Băng Băng không xuất hiện trước công chúng vì tin trốn thuế.

Tác động không chỉ với nữ siêu sao điện ảnh này mà còn với toàn bộ ngành điện ảnh. Ủy ban Thuế Nhà nước của Trung Quốc tuyên bố vụ việc đã khai hỏa một chiến dịch thắt chặt các chính sách thuế và các biện pháp thu thuế trong lĩnh vực điện ảnh và truyền hình.

Và Phạm Băng Băng không phải là người nổi tiếng duy nhất bị "túm gáy" trong chiến dịch trấn áp nạn trốn thuế. Theo Epoch Times, hơn 500 diễn viên Trung Quốc được cho là cũng nằm trong "tầm ngắm" của giới chức thuế trong bối cảnh chính phủ tìm cách nâng ngân sách quốc gia giữa lúc nền kinh tế rơi vào tình trạng giảm tốc và cuộc chiến thương mại thiệt hại với Mỹ.

Chính phủ cũng giới hạn thời gian đóng phim của diễn viên và giới hạn mức lương. "Chúng tôi có thể cảm nhận rõ tác động đến Hoành Điếm, một diễn viên chia sẻ. Năm ngoái, tôi vào vai cho 4 bộ phim một ngày. Thậm chí, tôi sẽ nói với đạo diễn rằng tôi chẳng còn thời gian tham gia vai mới". Năm 2019, số nhóm làm phim đã giảm đáng kể. Nhiều diễn viên đã rời Hoành Điếm hoặc chuyển nghề.

"Trong bối cảnh bất trắc, ai cũng chọn cách nghe ngóng chờ đợi hơn là khởi quay", ông Tin nói, đồng thời thừa nhận nguy cơ không có phim trình chiếu cho công chúng trong một vài năm tới là điều khó tránh khỏi.

Ông Alfred Cheung Kin-ting, đạo diễn kỳ cựu ở Hong Kong, cho rằng ngành điện ảnh và truyền hình Trung Quốc sẽ trải qua thời kỳ "lạnh giá" trong vòng 2 năm do các nhà đầu tư ngừng sản xuất phim vì lo sợ bất ổn. Tuy nhiên, ông lại không hề bất ngờ trước vụ việc của Phạm Băng Băng khi nói rằng tình trạng trốn thuế đã trở nên phổ biến từ trước. "Trước vụ cô Phạm, phần lớn nhà sản xuất phim ở lục địa đã dùng cách này hay cách khác để trốn thuế, giống như kiểu không khai tổng thu nhập của diễn viên", ông nói.

Thế nhưng, như một nhân vật trong ngành tiết lộ rằng, nếu giới chức nước này thực hiện các biện pháp hành chính để giới hạn mức lương của "sao" thì các hãng sản xuất phim có thể bù đắp lại cho họ bằng những loại hình tài sản hoặc khoản chia chác khác có giá trị tương đương để lách luật.

Mua bán chỉ số đánh giá

Gần đây, một đạo diễn có nghề đã làm rùm beng tình trạng tham nhũng trong ngành truyền hình Trung Quốc, mà đôi khi là kiểu "đấm đút" cho giới chức để mua rating khi phim lên sóng.

Đóng phim ở phim trường Hoành Điếm - Theo latimes.com

Chia sẻ với sinh viên Đại học Hồ Bắc, đạo diễn Guo Jingyu chia sẻ sức ép trong ngành. Bộ phim "Cuộc đời người mẹ" của ông, với bối cảnh cuộc sống Trung Quốc trong những năm đầu thế kỷ 20, kể về những trải nghiệm và chịu đựng của bà mẹ có 5 đứa con. Trước khi phim được phát sóng trên truyền hình vệ tinh Bắc Kinh, ông đã đem đến một đài truyền hình địa phương. Đài này nhất trí phát sóng. Guo ký hợp đồng và đợi thông báo ngày phát sóng. Ngay sau đó ông nhận được thông báo của giám đốc đài này rằng cần phải trả tiền nếu muốn phim được phát sóng.

Đạo diễn Guo được hẹn gặp một người giấu tên và người này nói rằng sẽ đảm bảo rating "cao" cho bộ phim nếu Guo trả 900.000 nhân dân tệ (khoảng 130.800 USD) cho mỗi tập. Bộ phim có 80 tập, tức Guo sẽ phải cần khoảng 72 triệu tệ (khoảng 10,4 triệu USD). Guo cũng không biết được người này là quan chức chính phủ, giám đốc đài hay một nhân vật bên trong ngành truyền hình. 

Người này cũng nói rằng trong vòng 3 năm qua, tất cả các phim truyền hình ăn khách ở Trung Quốc đều đã mua rating để có được tỷ lệ khán giả lớn. Sau khi Guo từ chối "đấm đút", người này gây sức ép đài Truyền hình Vệ tinh Bắc Kinh không phát sóng phim của ông. "Vì tôi đã phá luật", ông Guo kể lại lời của người này. Mặc dù vậy, truyền hình vệ tinh Bắc Kinh vẫn phát sóng phim của Guo.

Guo đã tạo ra hiệu ứng "quả cầu tuyết" khi đăng nội dung trao đổi về sự việc của ông trên trang Sina Weibo, một mạng xã hội được nhiều người Trung Quốc ưa dùng. Một làn sóng ủng hộ Guo nổi lên khi các nhân vật mạng xã hội khác làm việc trong lĩnh vực truyền hình Trung Quốc lên tiếng. Đạo diễn Lu Chuan cũng tiết lộ trên Weibo rằng ông đã nghe nói về sức ép tương tự thông qua giới bạn bè làm nghề đạo diễn của mình: Nếu không trả tiền, nhà đài từ chối phát phim.

Và những người ủng hộ đã "khui" ra những sự vụ xảy ra từ nhiều năm trước đây. Ví dụ, Wang Zhangtian, Chủ tịch Công ty giải trí Enlight Media ở Bắc Kinh, hồi năm 2015 cho biết ông từ chối trả tiền cho rating và hậu quả là công ty của ông đã bị "hất cẳng" khỏi thị trường truyền hình. Nhiều dự án của Enlight Media đã nằm trong kế hoạch phát sóng trên truyền hình song lại bị hủy bỏ bất ngờ. Sau khi câu chuyện của Guo tạo ra hiệu ứng "quả cầu tuyết", Cục quản lý về báo chí, xuất bản, phát thanh, điện ảnh và truyền hình Trung Quốc hồi tháng 9-2018 tuyên bố sẽ điều tra vụ việc. 

Chống tham nhũng đi vào điện ảnh

Trở lại phim trường Hoành Điếm, nơi một đoàn làm phim đang quay cảnh trong phim "Huyền thoại những người biểu diễn Thiên Kiều". Bộ phim 8 tập dự định phát trên truyền hình quốc gia này kể về những người biểu diễn dân gian ở chợ Thiên Kiều ở Bắc Kinh thời nhà Thanh Trung Quốc, từ thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ 20. 

Đạo diễn bộ phim Si Xiaodong nói rằng do chính phủ đang đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng, nên các phim phải bộc lộ tình trạng tham nhũng của xã hội. "Chúng tôi phải làm sao bộc lộ được nạn tham nhũng khiến người dân phải sống khổ cực như thế nào", ông nói. Và cuộc chiến chống tham nhũng đã đi vào điện ảnh Trung Quốc như thế.

Giới lãnh đạo Bắc Kinh cũng đang tăng cường hình ảnh là người bảo vệ và kế thừa đúng đắn 5.000 năm lịch sử của Trung Quốc, từ đạo lý Khổng Tử, nghệ thuật dân gian và những tuyên bố lịch sử về chủ quyền lãnh thổ. Các chủ đề về thống nhất và đoàn kết dân tộc cũng như những giá trị đạo đức truyền thống, những giá trị chủ nghĩa dân tộc được đưa lên hàng đầu. Trong khi đó, các cảnh phim hiện đại như những chủ đề người lớn, tình dục đồng giới, chuyển kiếp, lại trở thành "bãi mìn" cho nhà sản xuất và đạo diễn. Sang Xiaoqing, Giám đốc Phim trường Hoành Điếm thừa nhận: "Khi muốn sản xuất những gì mang tính nghiêm túc hơn thì phải giữ được những yếu tố cơ bản", đồng thời cho biết giới chức cũng giới hạn số phim mang yếu tố siêu nhiên.

“Bệnh” phim có "sao"

Lĩnh vực giải trí, điện ảnh và truyền hình ở Trung Quốc lâu nay tuân thủ quy tắc và luật lệ "không giống ai". Nếu như ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Hollywood, lương diễn viên thường chiếm 10-30% tổng chi phí sản xuất phim thì ở Trung Quốc, con số này thường vượt quá 50%, thậm chí hơn 75%. Căn nguyên của tình trạng này là công cuộc tìm kiếm "tiểu thịt tươi", một cách gọi ở Trung Quốc dành cho những thần tượng nam trẻ tuổi có gương mặt điển trai, ăn khách.

Tuy nhiên, mức thù lao này lại không đem lại chất lượng tương xứng. Nhà sản xuất phải hy sinh đầu tư vào những lĩnh vực khác trong quá trình tiền kỳ và hậu kỳ như bối cảnh, trang phục đồng thời phải thù lao rẻ mạt cho những vai diễn phụ. Thế nên, khán giả Trung Quốc thường có câu cửa miệng như "hiệu ứng đặc biệt trị giá 5 xu" và "kịch bản vứt sọt rác" để nói về sản phẩm chất lượng thấp.

Trong khi đó, việc đầu tư ồ ạt vào sản xuất phim và truyền hình đã dẫn đến tình trạng dư thừa đến nỗi cứ mỗi năm lại có đến nửa số phim được sản xuất không tìm được đầu ra trên thị trường. Cung vượt cầu cộng với sự khan hiếm phim chất lượng, đã dẫn đến tình trạng chỉ phim nào có “sao” và quy mô sản xuất lớn thì mới có thể bán được vé trên rạp. Thực tế là “tiểu thịt tươi” đều đắt hàng như tôm tươi và điều này khiến họ chạy sô cho các vai diễn của mình, do đó không toàn tâm toàn ý cho một vai diễn nào, không nâng cao được khả năng diễn xuất.

Thế nhưng, ung nhọt trong nền điện ảnh Trung Quốc còn đi xa hơn thế. Tình trạng ăn cắp hoặc na ná nội dung cốt truyện vượt ra khỏi tầm kiểm soát, trong khi việc sử dụng lan tràn và bừa bãi chiêu bài đẩy rating lên cao nhờ những lực lượng "ma" chuyên tung bình luận tốt trên mạng xã hội để câu khán giả. Đến lượt giới nghệ sĩ và diễn viên, họ lại dùng thông số ảo này để tăng mức thù lao của mình. Và như thế đã tạo ra một vòng luẩn quẩn và câu chuyện này của ngành công nghiệp giải trí Trung Quốc sẽ không thể được giải quyết trong một sớm một chiều.

Hà Ngọc (tổng hợp)
.
.