Trung Quốc trong toan tính của ông Macron

Thứ Năm, 28/11/2019, 14:14
Năm 2019 được đánh giá là một năm thành công của quan hệ Pháp - Trung Quốc khi Tổng thống Emmanuel Macron và Chủ tịch Tập Cận Bình đều dành cho nhau sự quan tâm khá đặc biệt.

Thực sự cần đến nhau

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có chuyến thăm chính thức Trung Quốc từ ngày 4 đến ngày 6 tháng 11. Đây là chuyến thăm cấp nhà nước thứ hai của ông Macron tới Trung Quốc sau khi nhậm chức Tổng thống Pháp vào tháng 5-2017. Năm 2019, điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du nước ngoài của ông Tập Cận Bình cũng là Pháp.

Không phải ngẫu nhiên mà Tổng thống Macron và Chủ tịch Tập Cận Bình tìm cách xích lại gần nhau hơn. Pháp là nước lớn phương Tây đầu tiên chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, cũng là nước lớn đầu tiên ở phương Tây thiết lập quan hệ đối tác toàn diện và quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc. Hai nước có nhận thức chung trong các lĩnh vực như bảo vệ chủ nghĩa đa phương, hoàn thiện quản trị toàn cầu... có lợi ích chung và tính bổ sung cho nhau trong lĩnh vực thương mại.

Đồng thời, Pháp lại là nước thành viên quan trọng của Liên minh châu Âu (EU). Trong một thế giới đầy bất ổn hiện nay, có lẽ Trung Quốc và EU là hai lực lượng quan trọng, vì vậy, cần phải tăng cường hợp tác với nhau trong một cục diện thế giới đang khó định hình. Khi Pháp đang muốn vươn lên với vai trò dẫn dắt EU, việc thắt chặt hơn quan hệ với Bắc Kinh là điều hoàn toàn dễ hiểu.

Hiện nay, Mỹ đang thực hiện chính sách “Nước Mỹ trên hết”, dấy lên tranh chấp thương mại đối với EU. Mỹ cũng có thể sẽ tăng thuế đối với ngành ô tô của châu Âu, do đó, môi trường thương mại nhìn chung là không mấy tốt đẹp đối với Pháp và châu Âu. Trong khi đó, Trung Quốc lại luôn chủ trương mở cửa và thương mại tự do, thị trường của Trung Quốc cũng rộng lớn.

Tổng thống Macron đang có chính sách xích lại gần hơn với Trung Quốc.

Tuy sức ép suy giảm của nền kinh tế Trung Quốc khá lớn nhưng xét cho cùng vẫn tăng trưởng khá nhanh trong số các nền kinh tế hàng đầu thế giới, Tổng thống Macron cũng đã nhận thấy điều đó và có những tính toán trong quan hệ với Bắc Kinh của riêng mình.

Bên cạnh đó, một số chương trình nghị sự ở trong nước mà Tổng thống Macron đưa ra và một số chương trình nghị sự của châu Âu và thế giới cũng cần sự ủng hộ của Trung Quốc. Chẳng hạn như về mặt cùng ứng phó với biến đổi khí hậu, bản thân ông Macron rất coi trọng vấn đề này, phong trào Áo vàng cũng bắt nguồn từ ứng phó với biến đổi khí hậu, Mỹ đã rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và không tham dự bất kỳ cuộc thảo luận nào về vấn đề biến đổi khí hậu tại Hội nghị thượng đỉnh G7. Trong những lĩnh vực này, Pháp coi Trung Quốc là “đồng minh”, hơn nữa sự ủng hộ của Trung Quốc đối với Pháp cũng rất có giá trị.

Hợp tác vô cùng tiềm năng

Rõ ràng, hợp tác Pháp - Trung đang mang tới những lợi ích thực chất cho cả hai phía. Ngày 25-3, Pháp và Trung Quốc đã ký các hợp đồng thương mại trị giá hàng tỉ euro nhân chuyến thăm Pháp của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhưng Paris cũng nhân cơ hội này thoái lui khỏi sáng kiến “Vành đai, con đường” của Trung Quốc. Có khá nhiều sự hợp tác giữa hai nước trong những dự án lớn nhưng điều mà quan hệ song phương còn thiếu là hợp tác đầu tư thương mại thường xuyên giống như quan hệ Trung Quốc-Đức.

Pháp có ưu thế của mình, cơ sở công nghiệp vững chắc, ví dụ có ưu thế trên các lĩnh vực như sử dụng năng lượng hạt nhân, nghiên cứu và phát triển điện hạt nhân, vũ trụ, nông sản và sản phẩm hỗ trợ, hàng xa xỉ, công nghệ bảo vệ môi trường... Ngành dịch vụ của Pháp cũng có ưu thế nhất định, sau khi Anh rời khỏi EU, Pháp cũng muốn phát triển trung tâm tài chính của riêng mình.

Do đó, tiềm năng hợp tác Trung Quốc-Pháp vẫn chưa được khai phá, đòi hỏi hai nước có nhận thức khách quan về đối phương, chỉ có tăng cường hợp tác tin cậy lẫn nhau thì mới làm sâu sắc hơn được quan hệ. Do đó, trong các chuyến thăm lẫn nhau của lãnh đạo cấp cao hai nước, tăng cường kết nối chiến lược thể hiện tầm quan trọng của sự tin cậy lẫn nhau.

Về hợp tác ở thị trường bên thứ 3, thái độ của Pháp và Trung Quốc khá tích cực, hai nước đều có nguyện vọng hợp tác. Thông qua EU, quan hệ hợp tác kinh tế Pháp - Trung Quốc cũng đầy triển vọng. Hiệp định đầu tư Trung Quốc-EU đã được đàm phán trong thời gian dài, phần lớn nội dung đàm phán đã hoàn tất, nhiều khả năng sẽ kết thúc toàn bộ quá trình đàm phán trong năm 2020 vì EU mong muốn nhanh chóng đạt được hiệp định này.

Trong tình hình tính khó đoán định của cục diện thế giới hiện nay gia tăng, Trung Quốc và EU thông qua đạt được hiệp định đầu tư để tăng thêm sự chắc chắn cho hoạt động đầu tư của hai bên. Hành động này cũng phù hợp với yêu cầu của hai bên. Trở ngại lớn nhất hiện nay là một số yêu cầu của EU không phù hợp với thực tế, ví dụ như lĩnh vực mở cửa đầu tư của Trung Quốc. Hai bên đều mong muốn đây là một hiệp định đầu tư tiêu chuẩn cao.

Hiệp định đầu tư trước kia đều mang tính song phương, chẳng hạn như Hiệp định đầu tư Trung Quốc-Anh, Trung Quốc-Pháp. Sau khi thông qua Hiệp ước Lisbon, quyền hạn trong lĩnh vực đầu tư được trao cho EU. Hiệp định đầu tư Trung Quốc-EU cũng là hiệp định đầu tư với nước ngoài đầu tiên với danh nghĩa EU của các nước thành viên thuộc tổ chức này sau khi thông qua Hiệp ước Lisbon. Nếu đạt được hiệp định thì đây sẽ là bước đi quan trọng để tăng cường lòng tin giữa hai bên.

EU đã đàm phán nhiều năm với Canada, cũng đàm phán nhiều năm với Nhật Bản, đàm phán với Mỹ trong thời gian dài mà chưa đạt được hiệp định. Trung Quốc và EU cũng đều là những thị trường lớn, có quá nhiều lĩnh vực mà đàm phán thương mại tự do song phương đề cập đến, đàm phán sẽ khó khăn hơn nhiều, cộng thêm với việc EU còn có một số hoài nghi, đó cũng là nhân tố bất lợi.

Tuy nhiên, EU cũng có thể sẽ thay đổi quan điểm, đặc biệt là sau khi Anh rời khỏi EU, tổ chức này cũng cần có một mối quan hệ thương mại đầu tư có thể dự báo và ổn định như thị trường Trung Quốc.

Hà Phương (tổng hợp)
.
.