Venezuela: Sống trên “túi dầu” vẫn phải mang vàng ra bán

Thứ Hai, 06/06/2016, 19:30
Theo số liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), dự trữ vàng của Venezuela đã mất gần một phần ba trong một năm qua. Kim loại quý chiếm 70% tổng dự trữ của Venezuela nhưng chính phủ nước này đã bán hơn 40 tấn trong tháng 2, 3, 4. Giá trị số vàng còn lại tương đương 12 tỷ USD.

Theo IMF, Venezuela bắt đầu bán vàng từ tháng 3-2015. Với 367 tấn, họ hiện là quốc gia có dự trữ vàng lớn thứ 16 toàn cầu, theo Hiệp hội Vàng thế giới (WGC). Tại sao được đánh giá là quốc gia có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới hiện nay (vượt cả Arab Saudi) nhưng Venezuela một năm qua phải bán đi trữ lượng kim loại quý trong ngân khố quốc gia để trang trải các khoản nợ và ổn định dân sinh?

Tuy sở hữu trữ lượng dầu thô khổng lồ và đóng góp tới 95% doanh thu xuất khẩu của nước này nhưng do những bất cập trong điều hành kinh tế qua nhiều năm và giá dầu giảm đã khiến kinh tế Venezuela lao đao. IMF dự báo lạm phát sẽ vượt 1.642% trong năm nay do Chính phủ Venezuela phải in tiền để bù đắp thâm hụt tài khóa hiện đã lên 17% GDP.

Venezuela đang rất cần tiền mặt. Chính phủ và hãng dầu quốc doanh - PDVSA phải trả 6 tỷ USD vốn và lãi vay năm nay. Bộ trưởng Công Thương Venezuela cho biết đã đạt thỏa thuận gia hạn các khoản vay với Trung Quốc - nước tài trợ vốn chính cho Venezuela.

Khi còn sống, cố Tổng thống Venezuela Hugo Chavez thường tự hào về việc quốc hữu hóa ngành công nghiệp dầu lửa và đã tống khứ các tập đoàn quốc tế như ExxonMobil hay Conoco. Tuy vậy, chỉ 19 tháng sau khi ông Chavez qua đời, Venezuela không thể sản xuất đủ dầu thô với mức giá hợp lý để đáp ứng nhu cầu trong nước.

Nghịch lý trên ở Venezuela xảy ra vào thời điểm giá dầu thô thế giới giảm dần xuống và giá bán lẻ xăng ở Mỹ chỉ còn dưới 3 USD/gallon. Điều này đặt ra một thách thức lớn nữa cho Chính phủ Venezuela vốn đang đương đầu với tình trạng thiếu thốn nghiêm trọng các mặt hàng cơ bản cho cuộc sống hằng ngày của người dân như giấy vệ sinh, thực phẩm và thuốc men.

Venezuela sở hữu trữ lượng 256 tỷ thùng dầu nặng, nhưng nhược điểm của loại dầu này chứa nhiều khoáng chất và lưu huỳnh, đồng thời có độ nhớt cao. Để có thể vận chuyển và đưa loại dầu này vào quy trình lọc hóa truyền thống, cần phải loại bỏ các khoáng chất hoặc pha loãng với loại dầu nhẹ hơn. Pha loãng là cách làm mà Công ty xăng dầu quốc doanh Petroleos de Venezuela (PDVSA) đang làm do không có đủ tiền để xây dựng dây chuyền loại bỏ khoáng chất khỏi dầu nặng.

Bên cạnh đó, Venezuela cũng có trữ lượng hàng tỷ thùng dầu nhẹ và trung bình trong lòng đất, nhưng việc khai thác những loại dầu này đã rơi vào trì trệ vì thiếu vốn đầu tư. Được xem là “cỗ máy in tiền” của Chính phủ Venezuela, PDVSA buộc phải cung cấp vốn cho nhiều chương trình xã hội cũng như các chi phí vận động chính trị. Điều này đồng nghĩa với việc PDVSA phải cắt giảm đầu tư tại các dự án dầu khí then chốt của mình.

Năm 2013, PDVSA có doanh thu 116 tỷ USD, nhưng phải chi hơn 33 tỷ USD cho các chương trình xã hội của Chính phủ và một quỹ đầu tư. Khoản chi này lớn hơn 10 tỷ USD so với số tiền PDVSA đầu tư cho hoạt động của mình. Nhiều người thậm chí nghi ngờ rằng, mức đóng góp của PDVSA cho các chương trình của Chính phủ lớn hơn so với những gì được công bố.

Chưa kể, mỗi năm PDVSA mất hàng tỷ USD để trợ giá xăng - chính sách mà nhờ đó người dân Venezuela chỉ phải trả vài cent Mỹ mỗi gallon xăng. Ngoài ra, việc giá dầu thế giới giảm mạnh cũng đã bắt đầu ảnh hưởng với nước này. Ước tính, giá dầu thế giới giảm 1 USD/thùng thì doanh thu của PDVSA thiệt hại 700 triệu USD.

M.Q.
.
.