Khủng hoảng ở Venezuela: Bom hẹn giờ sắp nổ?

Thứ Ba, 24/05/2016, 10:05
Sự hỗn loạn cả về kinh tế, chính trị và xã hội… đã khiến Venezuela dường như không còn thời gian để có thể tháo ngòi cho "quả bom" sắp nổ. Đất nước của những hoa hậu thế giới xinh đẹp giờ đây đã rơi vào khủng hoảng thực sự khi mâu thuẫn giữa một bên "quyền không lực" - Chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro với một bên "lực không quyền" - phe đối lập kiểm soát Quốc hội, đang đẩy người dân và đất nước này vào tình trạng thảm họa.

Khủng hoảng bước vào giai đoạn đỉnh điểm

Giới phân tích cho rằng Venezuela đứng trước nhiều nguy cơ biến động hơn khi Tổng thống Nicolas Maduro công bố kéo dài lệnh tình trạng khẩn cấp thêm 60 ngày. Nhà lãnh đạo Venezuela thậm chí còn ra sắc lệnh tịch thu các nhà máy "bị giai cấp tư sản làm tê liệt" và bắt giữ những doanh nhân "phá hoại đất nước".

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro.

Đặc biệt trong bối cảnh xuất hiện những âm mưu lật đổ chính quyền Caracas, ông N.Maduro thông báo sẽ tổ chức cuộc diễn tập quân sự cấp quốc gia vào ngày 21/5 với sự tham gia của các lực lượng vũ trang, dân quân để "sẵn sàng đối phó với mọi tình huống".

Từ tháng 4 đến nay, liên minh Bàn đoàn kết dân chủ (MUD) luôn gia tăng sức ép buộc Quốc hội tiến hành bỏ phiếu bất tín nhiệm Tổng thống N.Maduro. Lực lượng này đã thu thập đủ 200.000 chữ ký và khởi động tiến trình bỏ phiếu bất tín nhiệm.

Theo kế hoạch, MUD dự định thu thập thêm gần 2 triệu chữ ký ủng hộ để đi tới trưng cầu dân ý về bất tín nhiệm. Danh sách chữ ký đã được gửi lên Hội đồng Bầu cử quốc gia Venezuela (CNE). Theo quy định của hiến pháp nước này, Tổng thống sẽ bị phế truất nếu số người bỏ phiếu bất tín nhiệm bằng hoặc vượt quá số lượng phiếu ủng hộ trong cuộc bầu cử năm 2013, tức là 7,5 triệu phiếu và ít nhất 25% số cử tri tham gia bỏ phiếu.

Từ một quốc gia với trữ lượng dầu mỏ thuộc vào hàng lớn nhất thế giới, Venezuela đã bị cuốn vào vòng xoáy khủng hoảng bởi nền kinh tế lao dốc cùng giá dầu thô thế giới. Các kệ hàng trong siêu thị và hiệu thuốc tại Venezuela những tháng gần đây luôn trong tình trạng trống rỗng, khiến người dân Venezuela phải xếp hàng trong nhiều giờ đồng hồ chỉ để mua các nhu yếu phẩm.

Thiếu điện và hạn hán là những nguyên nhân càng làm gia tăng tình trạng hỗn loạn, buộc chính quyền Maduro phải ra sắc lệnh cắt điện vài giờ mỗi ngày trên phần lớn đất nước, đóng cửa trường học vào thứ sáu hằng tuần và cắt giảm giờ làm việc của công chức chính phủ còn hai ngày/tuần để tiết kiệm điện.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) thông báo năm 2015 tỷ lệ lạm phát của Venezuela là 180,9% và con số này sẽ lên đến 700% vào năm nay. Giới chuyên gia kinh tế cảnh báo cuộc khủng hoảng nặng nề hiện nay chính là hậu quả của việc nước này đã phụ thuộc quá nhiều vào ngành dầu mỏ nên không thể vượt qua khó khăn khi giá dầu thô sụt giảm. Đặc biệt, việc phát triển thiếu đồng bộ - chỉ tập trung khai thác và xuất khẩu dầu thô, ít chú trọng lọc và chế biến dầu nên khủng hoảng kinh tế đã làm nước này không thể nhập khẩu nhiên liệu ồ ạt như trước, dẫn đến tình trạng thiếu hụt xăng trong nước.

Có thể nói Venezuela chưa bao giờ rơi vào tình trạng hỗn loạn và vô chính phủ như hiện nay. Chính mâu thuẫn giữa một bên "quyền không lực" - Chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro với một bên "lực không quyền" - phe đối lập kiểm soát Quốc hội, đã đẩy người dân và đất nước này vào thảm họa. Dù ông Maduro lên nắm quyền hợp pháp thông qua cơ chế uỷ nhiệm quyền lực nhân dân, nhưng ông đã không thể hiện được vai trò của mình và để đất nước rơi vào khủng hoảng.

Nguy cơ thực sự

Bất ổn tại Venezuela đang ngày một gia tăng khi tình trạng thiếu lương thực diễn ra tràn lan trên cả nước, khiến người dân hết sức phẫn nộ. Tại thị trấn Guarenas ở phía đông Thủ đô Caracas, những hàng người nối dài trước một siêu thị được nhà nước bao cấp đã thể hiện sự giận dữ, thậm chí chạy theo những chiếc xe chở lương thực vì nó đã không được dỡ xuống để phân phát mà bị binh lính đưa đi.    

Kể từ khi Tổng thống Venezuela ban bố tình trạng khẩn cấp, quân đội cùng với các ủy ban dân sự do chính phủ điều hành, đã đảm bảo rằng các gói thức ăn sẽ được chuyển đến tận nhà người dân, nhằm cắt đứt các đường dây hoạt động chợ đen. Tuy nhiên, những người dân phải đứng xếp hàng nhiều giờ đồng hồ tại siêu thị cho biết giới chức Guarenas đã ra lệnh rằng một nửa số lương thực cứu tế sẽ đưa vào các cửa hàng và chợ thay vì phân phối cho người dân địa phương.

Cũng từ khi ông Maduro ban bố sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp, căng thẳng chính trị tại quốc gia Nam Mỹ ngày càng dâng cao. Phe đối lập hiện kiểm soát Quốc hội và đang nhắm tới việc hất cẳng tổng thống thông qua một cuộc kêu gọi trưng cầu ý dân, liên tục phát động các cuộc biểu tình trên quy mô cả nước.

Mặc dù được thiên nhiên ưu ái với trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới, song quốc gia Nam Mỹ đang dần trở thành một nền kinh tế kiệt quệ. Năm ngoái, tổng thu nhập quốc nội (GDP) của đất nước sụt giảm 5,7%, và năm nay dự kiến sẽ giảm đến 8%. Tình trạng lạm phát phi mã đang từng ngày hủy hoại giá trị của đồng nội tệ bolivar.       

Một số vụ cướp bóc đã xảy ra ở vài nơi trên cả nước, song hầu hết người dân đều phải gánh chịu những nỗi khổ do tình trạng bất ổn đang ngày càng nghiêm trọng. Người biểu tình hầu hết chọn cách chặn đường và tung các đoạn băng và hình ảnh thể hiện sự bất mãn của dân chúng lên các mạng xã hội.              

Giới phân tích cho rằng sự sụp đổ về kinh tế và chính trị của Venezuela đã đi đến thời điểm quyết định. Hoạt động kinh tế đang sụt giảm mạnh khi những hạt giống siêu lạm phát đã được gieo mầm, một chiều hướng đi xuống được củng cố bởi sự tê liệt chính trị và một sự sụp đổ trật tự xã hội. Mặc dù chính phủ đã có nhiều nỗ lực to lớn để tiếp tục trả nợ, song lúc này tình trạng vỡ nợ có khả năng xảy ra sớm hơn thay vì muộn hơn, và thậm chí có thể trước các khoản nợ lớn phải trả vào mùa thu này.

Bảo Trân (tổng hợp)
.
.