Vì sao đối thoại kinh tế Mỹ - Trung Quốc bế tắc?

Thứ Ba, 25/07/2017, 11:51
Mặc dù đã có nhiều cải thiện trong quan hệ kinh tế Mỹ-Trung Quốc ở những ngày đầu của nhiệm kỳ Tổng thống Donald Trump, nhưng cuộc đối thoại kinh tế đầu tiên giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới vừa diễn ra vẫn rơi vào bế tắc hoàn toàn do không thể giải quyết được những rào cản lớn và căn bản nhất trong quan hệ kinh tế giữa hai nước này.

Ngày 19-7, cuộc đối thoại đầu tiên về kinh tế thương mại Mỹ-Trung Quốc đã kết thúc mà không đạt được một kết quả nào, thậm chí các cuộc họp báo được dự trù sau cuộc đối thoại còn bị hủy bỏ vào giờ chót.

Cuộc họp mở ra tại Washington là sự tiếp tục của một cơ chế đã vận hành dưới hai chính quyền Mỹ tiền nhiệm, nhưng đã được chính quyền Donald Trump đổi tên thành “Đối thoại Kinh tế toàn diện Mỹ-Trung”. Trước đây, tên của cơ chế này là Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ-Trung. Cho tới lúc ông Trump lên làm tổng thống, cuộc đối thoại này đã diễn ra 8 lần.

Sáng kiến "Đối thoại Kinh tế toàn diện Mỹ-Trung Quốc" của chính quyền Tổng thống Trump khởi sự vào cuối chuỗi nỗ lực kéo dài 100 ngày vạch ra kế hoạch kinh tế nhằm giảm thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ với Trung Quốc.

Phái đoàn Mỹ tham gia cuộc đối thoại năm nay do Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross dẫn đầu, còn trưởng đoàn phía Trung Quốc là Phó Thủ tướng Uông Dương. Về mặt chính thức, Mỹ tuyên bố rằng cuộc họp đã có kết quả.

Trong một thông cáo công bố sau cuộc họp, phía Mỹ khẳng định rằng Trung Quốc công nhận mục tiêu chung là giảm thâm thủng mậu dịch và hai bên sẽ cùng hợp tác để đạt được mục tiêu. Mỹ tiếp tục yêu cầu một quan hệ thương mại Mỹ-Trung bình đẳng và có lợi cho cả hai bên.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin (trái), Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross (phải) và Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương tại Washington ngày 19-7.

Tuyên bố này tuy nhiên đã không nói gì về thực tế được hãng tin Pháp AFP ghi nhận là hai bên đã có những trao đổi “thẳng thừng” khác thường, trong khi tất cả các cuộc họp báo được dự kiến đều bị hủy bỏ. Theo hãng tin Reuters, sau cuộc họp, phó Thủ tướng Uông Dương đã bỏ về ngay mà không có bất cứ phát biểu nào với nhà báo. Trước đó, ông Uông Dương từng cảnh báo về hậu quả tai hại từ một cuộc đối đầu thương mại giữa hai nước.

Một quan chức Mỹ cao cấp đã thừa nhận rằng, hai bên đã không đạt được bước tiến nào về hầu hết những vấn đề kinh tế và thương mại quan trọng đối với Washington, chẳng hạn như yêu cầu của Mỹ được dễ dàng tiếp cận thị trường dịch vụ tài chính Trung Quốc, giảm thuế xe hơi, cắt trợ cấp cho doanh nghiệp nhà nước...

Như vậy đối thoại thương mại Mỹ-Trung đầu tiên đã không đạt kết quả và không khí này khác hẳn với cuộc gặp Donald Trump - Tập Cận Bình ở Florida hồi tháng 4, khi ông Trump khen ngợi vị khách Trung Quốc là đã có nỗ lực tác động lên Triều Tiên và điều đó có thể góp phần cải thiện quan hệ thương mại với Mỹ. Sau cuộc gặp thượng đỉnh đó, hai lãnh đạo còn nhất trí với kế hoạch 100 ngày nhằm cải thiện quan hệ thương mại, thế nhưng đến nay chưa có sáng kiến mới nào được đưa ra và ông Trump ngày càng bất mãn với tình trạng Bắc Kinh không chịu gây thêm sức ép lên Bình Nhưỡng.

Ngày 15-7, CNN dẫn lời hai giới chức cấp cao của Mỹ cho biết, trong vài tuần tới, chính quyền Mỹ có thể ban hành các chế tài mới đối với các ngân hàng nhỏ của Trung Quốc cùng các công ty khác làm ăn với Bình Nhưỡng. Thời điểm và phạm vi chế tài sẽ phụ thuộc chủ yếu vào cách Bắc Kinh phản hồi đối với các áp lực đòi mạnh tay hơn với Bình Nhưỡng.

Cho đến nay, Mỹ và Trung Quốc đã đạt được thỏa hiệp gồm 10 điểm chính trong đó đáng kể nhất là việc Mỹ sẽ bán cho Trung Quốc khí đốt hóa lỏng LNG, và Bắc Kinh sẽ dành sự dễ dàng hơn cho các công ty Mỹ vào thị trường, chẳng hạn các công ty tài chính Mỹ có thể được phép cung cấp dịch vụ thẻ tín dụng ở Trung Quốc. Ngược lại, các ngân hàng Trung Quốc cũng sẽ dễ dàng được phép hoạt động ở Mỹ.

Các chuyên gia về thương mại Trung Quốc nhận định rằng các cuộc thảo luận hôm 19-7 đã không giải quyết được những vấn đề lớn hơn, cơ bản hơn trong quan hệ kinh tế Mỹ và Trung Quốc như những than phiền của Mỹ về công suất dư thừa của Trung Quốc trong ngành sản xuất thép, nhôm và những trợ cấp đối với các công ty quốc doanh, cũng như những than phiền của Trung Quốc về việc Mỹ nhiều lần từ chối bán cho Bắc Kinh những sản phẩm công nghệ tiên tiến.

Sự bất đồng lớn giữa Mỹ và Trung Quốc về thương mại được thể hiện rõ qua phát biểu của đại diện hai bên tại cuộc đối thoại lần này. Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross trong phát biểu mở màn cuộc đối thoại đã chỉ trích thặng dư thương mại 347 tỉ USD của Trung Quốc với Mỹ. Ông nói rằng đó không phải là sản phẩm của các lực thị trường, vì thế mối quan hệ cần trở nên "công bằng, bình đẳng và đối ứng hơn".

Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương nói hai bên nên duy trì một cuộc đối thoại lành mạnh và cảnh báo chớ bắt đầu đi theo con đường đối đầu về thương mại. "Đối thoại không thể ngay lập tức giải quyết mọi khác biệt, nhưng đối đầu sẽ ngay lập tức gây tổn hại đến lợi ích của cả hai nước" - ông Uông nói.

Một số nhà đầu tư thì diễn giải rằng những tín hiệu tiêu cực từ cuộc đối thoại kinh tế và tình trạng hai bên không đưa ra thông báo mới về thương mại cho thấy rất có khả năng Tổng thống Trump sẽ áp đặt thuế nhập khẩu và hạn ngạch đối với thép Trung Quốc.

Lãnh đạo nhiều công ty hàng đầu của Mỹ và Trung Quốc sau đó đã lên tiếng kêu gọi hai nước giải quyết các bất đồng thương mại bằng đối thoại để tránh viễn cảnh xảy ra chiến tranh thương mại.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.