Walt Disney – Con người kỳ tích

Thứ Tư, 20/01/2016, 07:05
Nửa thế kỷ đã trôi qua, khi cả thế giới bàng hoàng hay tin Walt Elias Disney (1901-1966) huyền thoại từ trần ở tuổi 65. Một con người xuất chúng trong thế giới sáng tạo điện ảnh, một nhà tổ chức cừ khôi, một doanh nhân quả cảm, đồng thời cũng là một người ưa viễn tưởng, biết cách kết hợp sự thông minh cùng lòng nhẫn nại đến khó tin để hoàn thiện những ước mơ của mình.


Ngày ông mất, nhiều tờ báo và tạp chí khắp thế giới đồng loạt đăng tải bức họa tiêu biểu trong một cuốn phim lừng danh của ông: chuột Mickey sụt sùi khóc trước cây thông năm mới với lời dẫn: “Xin vĩnh biệt, ngài Disney!…”.

Đây là sự bày tỏ tình cảm của tất cả những người yêu mến phim hoạt hình, cũng như những người ngưỡng mộ thiên tài vĩ đại Walt Disney. Bởi vì W. Disney đã đưa lên đài vinh quang nghệ thuật vẽ tranh hoạt hình; những thước phim lộng lẫy của W. Disney đã ảnh hưởng mạnh mẽ tới dòng phim hoạt hình của cả hành tinh. Mơ ước và sáng tạo của W. Disney chính là sự thúc đẩy cho những sáng tạo tân kỳ để bộ môn nghệ thuật thứ Bảy vươn tới những đỉnh cao.

Walt Disney bên chiếc xe cứu thương trong Thế chiến I.

Những bức tranh trên xe cứu thương

Walt Disney sinh ngày 5-12-1901 tại Chicago (tiểu bang Illinois, Mỹ). Từ nhỏ ông đã phải đi bán lạc rang, rồi lại tranh thủ đi đưa thư báo… Những lúc rảnh rỗi hiếm hoi, cậu bé Disney dồn hết tâm huyết cho các nét vẽ đầu tiên. Khi Thế chiến I bùng nổ, W. Disney lúc đó 16 tuổi tình nguyện sung vào lực lượng Hải quân. Do còn quá ít tuổi, Disney chỉ được nhận làm tài xế cho Hội Chữ thập đỏ Hoa Kỳ. Sau một khóa huấn luyện cấp tốc, Disney được gửi sang chiến trường châu Âu…

W. Disney kể lại: anh đã điều khiển một trong những chiếc xe cứu thương nổi danh nhất nước Pháp trong suốt cả cuộc chiến. Cùng với lòng hăng say của một người lính là niềm đam mê được vẽ: trong cả chiếc xe cấp cứu tràn ngập những bức họa của anh. Sau chiến tranh, Disney không muốn học thêm nữa, vì vậy doanh nhân lừng lẫy của tương lai chưa tốt nghiệp phổ thông trung học!

Trở thành họa sĩ vẽ tranh quảng cáo, W. Disney vẽ giới chủ nông hạnh phúc và rạng rỡ hài lòng bên những loại thức ăn mới dành cho gia súc… Nhưng Disney không trụ được lâu ở chỗ làm mới và lại quay về nghề bưu tá. Thời gian này, Disney làm quen với họa sĩ Ub Iwerks (1901-1971) thuộc trường phái thực tiễn tự do, người ít lâu sau anh trở nên nổi tiếng chính nhờ những bích họa cho phim hoạt hình.

Đầu năm 1924, Disney cùng người anh trai Roy O. Disney (1893-1971) thực hiện những bước đi đầu tiên trong lĩnh vực mới mẻ này. Nhưng tập phim sơ khởi về chú thỏ Oswald không mấy thành công lắm. Thỏ Oswald chỉ nổi tiếng trong những thập niên gần đây, đáng tiếc là khi W. Disney không còn nữa.

Nhân vật hoạt hình thứ hai mà ông sáng tác là chú chuột Mickey. Nhưng 2 cuốn phim đầu tiên về chuột Mickey hầu như không đến được với khán giả. Cũng trong thời kỳ này (khoảng năm 1928), giới phát hành điện ảnh có quá nhiều vấn đề với sự xuất hiện của loại phim lồng tiếng. W. Disney liền đoạn tuyệt với bộ phim câm về chuột Mickey đang quay dở để bắt tay vào làm cuốn phim "Steamboat Willie" (Con tàu Willie), cũng là bộ phim hoạt hình lồng tiếng đầu tiên trên thế giới.

Cổng vào Disneyland Paris, một trong những tụ điểm lôi cuốn du khách đến với thủ đô Pháp.

So với thể loại phim truyện có lồng tiếng với những lời đối thoại rườm rà (đôi khi quá mức), W. Disney lại chú trọng phần nhạc nền nhiều hơn. Hình tượng chuột Mickey biết nói cũng như các cuốn phim kế tiếp của ông luôn hấp dẫn khán giả chính là bởi thứ âm thanh chủ đạo tuyệt diệu cho hành động của các nhân vật chính.

"Steamboat Willie" ra rạp lần đầu vào năm 1929. Cho đến năm 1949, W. Disney đã làm 120 cuốn phim về chuột Mickey. Thành công vang dội của phim hoạt hình Disney đối với khán giả trên địa cầu được so ngang với dạng phim của "vua hề" Charlie Chaplin (1889-1977).

Mơ ước lớn

Lúc này Disney đang ấp ủ nhiều kế hoạch mới. Sức làm việc điên cuồng của ông khiến các cộng sự thân cận gọi ông và êkíp là "những kẻ tự vẫn". Họ nói về bộ phim hoạt hình đầy đủ cốt truyện đầu tiên của điện ảnh thế giới - Câu chuyện về nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn huyền thoại đã chiếm phần lớn trong quá trình sáng tạo của W. Disney.

Nhưng chắc nhiều độc giả cũng sẽ đồng ý với nhận định của tạp chí điện ảnh Reviews, xuất bản ở Berlin (Đức) trong một số ra vào năm 1938: "Một khán giả khách quan, đương nhiên, sẽ thấy nhiều khiếm khuyết trong sáng tạo mới này. Nhiều người cảm tưởng nàng Bạch Tuyết giống như là một góa phụ Mỹ nghiêm khắc. Đây chính là một thiếu sót lớn nhất trong việc tái hiện lại câu chuyện bất hủ này. Âm nhạc cũng được tận dụng quá mức làm át đi các chủ đề chính…".

Lẽ dĩ nhiên, có thể nói rằng con đường mà W. Disney đi từ những hoạt cảnh ngắn tới những bộ phim hoạt hình dài hoàn chỉnh chính là một bước ngoặt lớn trong sự nghiệp điện ảnh của ông. Các phim sau này như "Pinocchio" (Cậu bé người gỗ, 1940), "Dumbo" (Chú voi Dumbo biết bay, 1941), "Bambi" (Chú nai Bambi, 1942), "Lady and the Tramp" (Tiểu thư và chàng lang thang, 1949), hay "Sleeping Beauty" (Người đẹp ngủ trong rừng, 1959)… không một phim nào nổi đình đám như "Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn" cả.

W. Disney tại lễ trao giải Oscar Danh dự năm 1939 (7 bức tượng Oscar bên cạnh tôn vinh siêu phẩm điện ảnh "Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn").

Những năm kế tiếp, W. Disney chuyên tâm phát triển kỹ thuật đặc biệt về hoạt họa với các đường nét và hình dạng có hệ thống. Đây là bước đột phá lớn nhằm xóa đi sự ngắt quãng cố hữu với chuỗi hình ảnh rời rạc, để liên tục phát triển chúng thành chuỗi hình ảnh mềm mại và sinh động như trong đời thật. Chính điều sáng tạo này đã đưa W. Disney lên vũ đài vinh quang, trở thành "người tiên phong" trong giới làm phim hoạt hình quốc tế.

Hãy trở lại với Disney hồi những năm 30 thế kỷ trước. Cùng với chuột Mickey, ông đã cho xuất hiện một loạt nhân vật hoạt họa mới như vịt Donald, chú chó Pluto, hay 3 chàng lợn… Tất cả những phim do động vật thủ vai này trước hết là dành cho trẻ em, nhưng đúng ra trong thực tế là cho cả gia đình.

Điều không thể phủ nhận rằng W. Disney chính là người đầu tiên sáng tạo ra thể loại phim gia đình. Màu sắc là một "át chủ bài" nữa được D. isney tung ra đúng lúc. Vậy là hàng loạt bộ phim khổng lồ với hàng trăm đề tựa đã chiếm lĩnh màn bạc thế giới, một tổng thể đan quyện giữa tranh vẽ,  âm nhạc và màu sắc.

“Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn” - bộ phim hoạt hình dài thành công nhất của Walt Disney.

Những con đường mới

Đầu thập niên 50 thế kỷ trước, W. Disney lại đạt được thành công mới qua các tư liệu của mình. Chúng ta có thể gọi đó là những cảnh tự nhiên - hòa đồng trong hoạt họa. Các phim này phần lớn được thực hiện dưới bàn tay của James Algar (1912-1998), một chuyên gia lỗi lạc về nghệ thuật phối cảnh, chuyên khám phá các bí ẩn của tự nhiên, rồi tạo thành những hình ảnh sống động kết hợp với cây cọ thiện nghệ của W. Disney.

Mục tiêu kế tiếp của W. Disney là đem chất hài vào thể phim truyện, hay nói một cách khác là sự pha trộn giữa 2 trường phái điện ảnh châu Âu và châu Mỹ. Ngay từ năm 1922, W. Disney đã thử kết hợp lối dàn dựng giữa hoạt họa cùng các diễn viên đích thực bằng xương bằng thịt, qua cuốn phim "Alice in Wonderland" (Alice ở xứ sở thần tiên, 1951) tuy không thành công lắm.

Nhưng vinh quang lại đến với ông chính trong thử nghiệm mới này qua bộ phim ca nhạc "Mary Poppins", từng được trao tới 5 giải Oscar. Tới thập niên 60 là cuốn phim hoạt hình tiêu biểu "The Sword in the Stone" (Thanh kiếm trong tảng đá, 1963), được giới chuyên viên am hiểu bộ môn nghệ thuật thứ bảy đánh giá là bộ phim xuất sắc nhất được dàn dựng bởi studio của Walt Disney.

Ngôi sao tôn vinh sự nghiệp của Walt Disney trên Đại lộ Danh vọng ở Hollywood.

Sau hàng loạt phim truyện, phim hoạt hình, hay phim pha trộn giữa nhân vật hoạt hình và nhân vật thật mang "bản quyền Disney" khẳng định vị trí độc tôn của một nhà làm phim kiêm đạo diễn phi thường, cũng như một kỹ thuật gia điện ảnh toàn năng. Thật là sơ suất nếu không nói tới niềm mơ ước lớn nhất của Walt Disney là tạo ra một "khu công viên giải trí lớn nhất, viễn tưởng nhất và được nhiều người lui tới nhất trên thế giới", như nguyên văn nguyện ước của ông lúc sinh thời - đó là khu giải trí Disneyland!

Cần phải kể thêm rằng, nhà sáng tạo vĩ đại, "doanh nhân phi thường và lãng mạn", nhà tổ chức tài ba Walt Disney còn giữ một kỷ lục vô địch tuyệt đối - 39 giải Oscar! Trong đó có một Oscar Danh dự thể hiện lòng ngưỡng mộ đối với thành quả lao động nghệ thuật bất hủ của ông. Walt Disney thường bổ sung một câu nói rất ý nghĩa, thể hiện sự mênh mông của lòng mình: "38 giải Oscar còn lại xứng đáng được tặng cho các cộng sự đã cùng với tôi lăn lộn làm phim".

Kim Dung (theo The Burlington Magazine)
.
.