Xuất xứ của ngày “Cá tháng Tư”

Thứ Hai, 02/04/2018, 11:18
Theo giới sử học quốc tế thì phong tục “Cá tháng Tư” có từ năm 1564, khi Vua Pháp Charles IX (1550-1574) chuyển ngày đầu năm mới từ 1-4 qua ngày 1-1. Như vậy mọi người phải thích nghi với cách tính thời gian khác lối cũ cả 3 tháng ròng; vả lại có mấy ai nhanh chóng quên được tập tục đón lễ 1-4 truyền đời của tiền nhân?

Vì vậy ở Pháp quốc vẫn tồn tại phong tục tặng quà nhau nhân ngày 1-4 hàng năm, nhưng với tính hài hước bao trùm khiến người nhận phải… “cười ra nước mắt”. Sau đây là vài trường hợp tiêu biểu của trò đùa Cá tháng Tư rất “thành công”, đã được lịch sử chính thức ghi nhận:

Giữa lúc khuya muộn của ngày 31-3-1873, viên chỉ huy quân Pháp đồn trú tại thị trấn Messé gần thành phố Bordeaux, bỗng nhận được một bức điện khẩn từ Bộ Tổng tham mưu ở Paris, trong đó thông báo: “Vào lúc 4 giờ sáng hôm sau, tân Vương Ả rập Xêút trên đường tới thăm nước Pháp sẽ đi ngang Messé bằng tàu hỏa. Quân đội phải bồng súng đứng thành đội hình trên sân ga xe lửa để đón chào!”.

Tức thì lệnh “sẵn sàng cấp I” được ban ra. Binh lính và sĩ quan sửa soạn suốt đêm, nhà ga được trang hoàng rực rỡ. Đúng 3 giờ sáng, tất cả lực lượng vũ trang tại Messé tề tựu đông đảo trên sân ga giữa tiếng quân nhạc hùng tráng…

Tới 5 giờ người ta mới té ngửa ra rằng, theo lịch trình đã định không có chuyến tàu đặc biệt chở khách ngoại quốc nào đi qua Messé. Đơn giản chỉ là trò đùa “Cá tháng Tư”... khiến các sĩ quan chỉ huy phát khùng lên. Còn tác giả bức công điện khẩn mãi mãi… khuyết danh.

Thậm chí ngay cả vị Chánh án cao cấp Regnaud de Saint-Jean dAngély (1761-1819) đầy quyền uy, người đứng đầu Tối cao pháp đình trong Vương triều Pháp cũng bị... đánh lừa. Chập tối ngày 1-4-1805, khi đang đi công cán cách xa kinh đô Paris, ông nhận được thư triệu tập vào pháo đài Fontainebleau gặp Hoàng đế Napoléon Bonaparte (1769-1821) gấp. Viên chánh án tức tốc lên đường bằng xe song mã, tới nơi lúc gần nửa đêm mới tá hỏa là đức vua đâu có cho gọi ai...

Trên đường ra cổng trở về, R. dAngeli gặp một vị chức sắc đồng nghiệp cũng đến bởi lý do tương tự. Cả 2 viên quan tòa khả kính đều hậm hực vì bị biến thành nạn nhân của một trò đùa bất nhã. Chuyện đến tai Napoleon... Ông tức tối quy tội và tống ngay viên Thượng quan phụ trách Thư mục vào tù, mặc mọi lời thanh minh. May mà các tác giả của 2 bức thư trên - những người thân ruột thịt của hoàng đế - kịp thông báo giải oan cho vị quan chánh triều.

Còn họa sĩ nổi tiếng trong thế kỷ XVIII Jean Francois de Troy (1679-1752) người Pháp gốc Italia, nhận được lá thư thông báo đúng dịp 1-4, cho biết ông được bầu làm Viện sĩ Danh dự của Viện Hàn lâm Nghệ thuật Saint Petersburg (Nga). Bạn bè của ông - những tác giả của bức thư “rởm” - kéo đến chúc mừng và lưu ý rằng, khi sang đó nhận tước hiệu ông phải thuần thục Nga ngữ. J. de Troy thừa nhận là mình chưa biết một câu tiếng Nga nào cả… “Đó là chuyện nhỏ!” - mọi người xúm vào động viên - “Chúng tớ biết một thầy giáo cực giỏi sẽ giúp cậu sửa soạn trước khi qua bên ấy”.

Vậy là trọn nửa năm ròng, cây cọ kỳ cựu liền “dùi mài kinh sử” với ngoại ngữ mới… Hiển nhiên việc học vẫn sẽ được tiếp tục, nếu như không có một người hàng xóm tình cờ cho J. de biết, là ông đang học thứ thổ ngữ của vùng Bretagne, chứ không phải… tiếng Nga(!).

Biếm họa về ngày “Cá tháng Tư” ở Anh.

Một nạn nhân nữa của trò đùa “Cá tháng Tư” là giáo sĩ Charles Henry Vail (1866–1924), cũng là vị học giả Mỹ uyên bác trong việc giải nghĩa các văn tự cổ. Ông nhận được lá thư của một cựu học trò đúng vào hôm 1-4-1910, trong đó tha thiết đề nghị người thầy am tường giải nghĩa những hàng chữ dưới đáy cái giếng cổ ở làng quê anh ta: “Res/Er/Vo/Ir”, mà người dân địa phương qua nhiều thế hệ nay chịu không hiểu được. Viên mục sư gạo cội liền bắt tay vào việc.

Hiển nhiên là chúng có nguồn gốc Latin của thời La Mã. Sau một thời gian dốc sức “đánh vật” với đoạn văn tự bí hiểm, cuối cùng C. Vail đã giải ra rằng: “Respublica/Erigere/Volvit ad/Irrigandum”, ghép thành câu có nghĩa là “Nền cộng hòa ra lệnh xây để cấp nước” - theo tiếng Latin.

Vài ngày sau C. Vail rất đỗi ngạc nhiên khi nhận một bức thư mới, ghi: “Thưa thầy giáo cũ kính mến! Một nhà quản lý ở địa phương quê em đã dõng dạc khẳng định, là ngài không hiểu rõ cách viết chuẩn - đúng theo dạng Anh ngữ phổ thông, nên cách giải nghĩa của ngài… sai bét! Đơn giản đó chỉ là “Reservoir”, hay “hồ chứa” cũng là tên địa danh quê em vốn tồn tại bao đời nay”.

Riêng Ban biên tập nhật báo Anh thủ cựu The Star of the East, lại mời các bạn đọc trung thành của mình ở thành phố cảng Ipswich, cũng là nơi đặt trụ sở tòa soạn tới dự một cuộc triển lãm khổng lồ về loài lừa, sẽ được tổ chức vào ngày 1-4-1892 tại khu công viên huyền thoại Arlington. Té ra đó chỉ là trò “Cá tháng Tư” của bổn báo, đám đông độc giả có mặt bỗng nhận ra rằng chính họ là những… chú lừa ngây ngô.

Sau sự cố này tờ báo bị bạn đọc tẩy chay, đến đầu năm 1893 buộc phải đổi sang tên mới là The Evening Star; còn từ năm 2012 trở lại đây là tờ nhật báo Ipswich Star.

Xuân Hiếu (tổng hợp)
.
.