Điều ít người biết về chị gái của thiên tài Mozart

Chủ Nhật, 22/11/2015, 22:10
Thế giới lẽ ra đã có thêm một thiên tài âm nhạc như Mozart, thậm chí còn tài năng hơn, nếu như thiên tài này không phải là một phụ nữ để rồi buộc phải ngừng theo đuổi âm nhạc, lo việc nữ công gia chánh và lấy chồng. Đó chính là chị gái Maria Anna của Mozart.

Theo các chuyên gia, chị gái của Mozart được coi là người tài năng không kém em trai Wolfgang Amadeus và tài năng âm nhạc của cô được ca ngợi khắp châu Âu.

Tuổi thơ âm nhạc

Cha của hai chị em Mozart, ông Leopold Mozart, một nhà soạn nhạc cung đình, bắt đầu dạy Maria Anna chơi đàn clavico khi cô mới lên 8 trong khi cậu em trai 3 tuổi ngồi bên cạnh. Trong những năm 1760, cô bé công du khắp châu Âu với tư cách là một nghệ sĩ dương cầm, biểu diễn ở Đức, Áo, London (Anh), Paris (Pháp), Hà Lan và Thụy Sỹ. Công chúng dành những từ như nghệ sĩ bậc thầy, thần đồng, thiên tài để miêu tả Maria Anna.

Ông Leopold viết trong một bức thư năm 1764: "Cô con gái nhỏ của tôi chơi được những tác phẩm khó nhất mà chúng tôi có với sự chính xác và tuyệt vời không thể tin nổi. Điều đó có nghĩa là cô con gái nhỏ của tôi là một trong những nghệ sĩ điêu luyện nhất châu Âu dù cô bé mới 12 tuổi".

Hai chị em Mozart đã rong ruổi khắp châu Âu công diễn, dừng chân tại 88 thành phố trong suốt 3 năm trời. Năm 1762, hai chị em Mozart Maria lúc đó còn mới 11 còn cậu em mới lên 6 có dịp chơi nhạc trước một nhóm các quý tộc ở Munich.

Một người có mặt lúc đó, Bá tước Karl von Zinzendorf, đã viết suy nghĩ của ông trong nhật ký: "Cậu bé từ Salzburg và chị gái chơi đàn clavoxanh. Cậu chơi rất tuyệt vời. Cậu bé là một đứa trẻ có tinh thần, sống động, hấp dẫn. Chị gái cậu bé thể hiện như một bậc thầy và được em trai tán thưởng".

Maria Anna.

Hai chị em Mozart trải qua tuổi thơ dễ chịu, đắm chìm trong âm nhạc và tạo ra vương quốc trẻ thơ của riêng mình. Hai chị em rất thân thiết. Họ còn tạo ra thứ ngôn ngữ bí mật của riêng mình và "Vương quốc Back" tưởng tượng, trong đó họ là vua và nữ hoàng. Mozart còn viết cả vào nhật ký của chị gái.

Khi tài năng âm nhạc của hai chị em Maria Anna  và Mozart phát triển rực rỡ, cả hai chuyển qua giai đoạn soạn nhạc, Mozart đã rất ngưỡng mộ chị gái và khuyến khích các tác phẩm của chị. Năm 1770, Maria Anna gửi một bản nhạc do mình sáng tác cho em trai và Mozart đã viết thư trả lời chị: "Chị gái yêu quý. Em kính sợ vì chị có thể sáng tác giỏi như vậy và bản nhạc chị viết rất hay". Đáng buồn là bản nhạc đó cũng như các bản nhạc khác do Maria Anne sáng tác không còn được lưu truyền.

Giấc mơ lụi tàn

Có lần, tại một buổi hòa nhạc, Mozart đã hãnh diện thông báo rằng bản nhạc mình vừa biểu diễn là do chị gái viết. Thế nhưng, ông Leopold lại giận tím mặt. Ông lệnh cho Maria Anna không bao giờ được soạn nhạc nữa vì ở thế kỷ 18, phụ nữ không làm nhà soạn nhạc.

Sau đó, ông Leopold dành mọi chú ý cho Mozart. Ông không cho Maria Anna  học đàn violon và soạn nhạc. Ông bảo với Maria Anna  rằng cô phải ở nhà trong khi ông đưa Mozart đi lưu diễn và cô phải dạy piano cho học sinh con nhà giàu để lấy tiền thực hiện những chuyến lưu diễn của em trai ở Italia.

Ở nhà, Maria Anna vẫn tranh thủ sáng tác nhạc khi cha và em trai lưu diễn khắp Italyia. Sau này, ông Leopold đã chấm dứt cho Maria Anna đi lưu diễn khi cô đủ 18 tuổi để kết hôn. Giấc mơ của cô gái tan vỡ, cô thuận lòng cha nhưng bị trầm cảm nặng.

Mối quan hệ giữa Maria Anna và em trai vì thế bị lu mờ sau nhiều năm xa cách và do sự thiên vị mà ông Leopold dành cho con trai. Maria Anna khổ sở không chỉ vì ước mơ không thành hiện thực mà còn vì sự xa cách ngày càng lớn giữa cô với em trai và bố - người đã không công nhận tài năng của con gái vì xã hội không cho phép phụ nữ trở thành nhà soạn nhạc.

Ngay cả những người mà Maria Anna muốn chọn làm chồng đều lần lượt bị ông Leopold từ chối. Cô yêu một đại úy tên là Franz d'Ippold nhưng buộc phải từ chối lời cầu hôn của người này vì cha cô không đồng ý. Mozart từng cố gắng vô ích để giúp chị gái lấy được người mình yêu nhưng cũng vô ích.

Cuối cùng, năm 1784, cô kết hôn với một thẩm phán tên là Johann Baptist Franz von Berchtold zu Sonnenburg và dọn tới St. Gilgen sống. Nơi này cách nhà của gia đình Mozart ở Salzburg 29 km. Ông Berchtold từng góa vợ hai lần và có 5 con với hai vợ trước. Maria Anna đã giúp chồng nuôi nấng con riêng. Sau đó, Maria Anna trở về nhà ở thành phố Salzburg để sinh con trai đầu lòng và để con trai cho ông ngoại chăm sóc. Cô sinh được 3 người con gồm Leopold Alois Pantaleon (1785-1840), Jeanette (1789-1805) và Maria Babette (1790-1791).

Riêng về đứa con đầu lòng Leopold đã được Maria Anna đặt theo tên ông ngoại. Cô để cho bố chăm sóc con đầu lòng theo ý ông. Ông Leopold cho biết ông muốn nuôi đứa trẻ trong vài tháng đầu. Năm 1786, ông đổi ý và muốn nuôi cháu ngoại vô thời hạn. Ông tỏ ra vui sướng khi thấy cháu ngoại phát triển hàng ngày, từ thói quen đi vệ sinh, nói năng… Cháu trai cũng bắt đầu những bài học âm nhạc đầu tiên từ ông ngoại. Maria Anna thỉnh thoảng mới gặp con trai nhưng nhìn chung không tham gia chăm sóc bé. Con trai cô ở với ông ngoại cho đến khi ông mất năm 1787.

Maria Anna càng ngày càng xa cách với em trai, đặc biệt là sau khi Mozart kết hôn với Constanze Weber. Họ chỉ liên lạc trong một thời gian ngắn sau khi ông Leopold qua đời, sau đó tình cảm chị em đã biến mất. Những bức thư ngắn ngủi Mozart gửi cho chị gần như chỉ nói về việc phân chia tài sản của bố để lại. Khi Mozart qua đời ở tuổi 35, Maria Anna đã bừng tỉnh khỏi giấc ngủ dài và tìm cách vinh danh em trai. Cô thu thập mọi bản nhạc do em trai sáng tác và dựng đài tưởng niệm để tưởng nhớ em trai.

Ông Leopold (phải) cùng hai con Maria Anna (trái) và Mozart (giữa).

Sau khi chồng bà qua đời. Bà trở về thành phố Salzburg cùng các con kiếm sống bằng nghề dạy piano. Những năm cuối đời, sức khỏe bà giảm dần và bị mù năm 1825. Nhà văn Anh Mary Novello có lần tới thăm bà, năm 1829, đã nhận xét: Bà đã trở thành người "chậm chạp, kiệt quệ, yếu ớt và gần như câm lặng, đơn độc". Lúc đầu nhà văn còn tưởng gia đình bà Maria Anna nghèo khó nhưng thực tế là do bà sống giản dị. Khi chết, bà để lại một khối tài sản lớn.

Maria Anna qua đời ngày 29/10/1829 ở tuổi 78 và được chôn cất ở nghĩa trang St. Peter. Hai thế kỷ sau khi Mozart qua đời, cái tên Maria Anna lẽ ra có thể trở thành một ngôi sao sáng trên bầu trời âm nhạc nhưng lại chỉ là một dấu vết nhỏ trong tiểu sử của Mozart chỉ vì định kiến xã hội.

"Một Mozart khác"

Cuộc đời của Maria Anna đã được dựng thành vở kịch "Một Mozart khác" (Theo Other Mozart) của bà Sylvia Milo và ra mắt khán giả vào tháng 11 này ở New York. Theo tác giả Milo, bà chưa bao giờ biết tới Maria Anna cho tới khi tới thăm nhà Mozart ở Vienna và nhìn thấy một bức tranh có hai chị em nhà soạn nhạc vĩ đại. Bà kể: "Tôi lập tức chú ý khi thấy có một phụ nữ ngồi cạnh Mozart trông giống như hai người bình đẳng. Nhưng những thứ cô gái này sáng tác không tồn tại được. Đối với tôi đó là một câu chuyện cần phải kể".

Theo bà Milo, gia đình Mozart đã mạo hiểm mọi thứ, vay mượn tiền bạc để tìm cách quảng bá hình ảnh cho Mozart để họ có thể trông cậy vào chàng trai trẻ sau này. Tác giả Milo cho rằng quyết định của ông Leopold là hoàn toàn hợp lý vì sự tồn vong của gia đình. Trong vở kịch, bà Milo không đổ lỗi cho ông Leopold một chút nào. Dù vậy, tất nhiên xã hội thời đó là thế, có những nhà soạn nhạc là nữ nhưng những người có thể trình bày tác phẩm của mình phải thuộc tầng lớp quý tộc. Phụ nữ phải chơi nhạc không công. Nếu họ kiếm được tiền từ âm nhạc, họ sẽ bị coi như là gái điếm. Đó không phải là vị trí của Maria Anna Mozart.

Về ảnh hưởng mà Maria Anna có thể có với Mozart, tác giả Milo cho biết: "Maria Anna chép các sáng tác của Mozart khi em trai còn quá nhỏ không thể viết được. Do đó, có thể một số bản nhạc của Mozart là của chị gái. Chúng ta cũng biết rằng khi Mozart ở London soạn bản nhạc giao hưởng đầu tiên, Maria Anna đã chép cho em trai và hòa âm cho em. Hiện không biết hai chị em hợp tác đến mức độ nào, chỉ biết Maria Anna là một nhà soạn nhạc tài năng".

Ông Stevan Jackson, một nhà xã hội học âm nhạc và nhân loại học thuộc Trường đại học Radford ở Virginia, nhận định: “Sinh ra trong một gia đình có truyền thống âm nhạc với một người anh chị em giỏi nhạc, điều đó có thể giúp kích thích niềm đam mê âm nhạc của một người. Trong trường hợp của Mozart, bố ông là một nhà soạn nhạc cung đình và chị gái được học nhạc từ nhỏ. Quan sát bố dạy nhạc cho chị khiến Mozart yêu thích âm nhạc và muốn được như chị. Từ nhỏ, cậu bé Mozart đã coi chị gái là thần tượng nên cậu bé có lẽ bị ảnh hưởng và có niềm đam mê với nhạc từ đó.

Nhật Minh (tổng hợp)
.
.