Liên hoan NTSK về “Hình tượng Người chiến sĩ CAND”: Đợi chờ những phút giây tỏa sáng
- Hội tụ anh tài trong LHSK về "Hình tượng Người chiến sĩ CAND”
- Nhiều vở diễn hấp dẫn tại Liên hoan sân khấu toàn quốc về ‘Hình tượng người chiến sĩ CAND’1
- Liên hoan NTSK về “Hình tượng Người chiến sĩ CAND” lần thứ III: Rực rỡ sắc hoa
- NSND Đoàn Dũng nhận định về LH "Hình tượng người chiến sĩ CAND”
- Bế mạc Liên hoan "Hình tượng người chiến sĩ Công an"
Đạo Diễn, NSND Lê Hùng: "Xem kịch Lê Hùng, mọi người yêu Công an nhiều hơn"
Tôi là người gắn bó nhiều, chơi nhiều với các cá nhân, tổ chức liên quan đến lực lượng Công an. Và tôi rất hiểu về họ. Hiểu một cách khác với lẽ thông thường. Bởi vì lẽ đó, trong các tác phẩm đạo diễn, tôi luôn cố gắng đưa hình tượng công an là một con người bằng xương bằng thịt, có gia đình, con cái, cũng phải lo cho con đi học, lo cho bố mẹ ốm đau đi bệnh viện, là một con người trong vạn con người, chỉ khác là họ làm công việc đụng chạm đến dân.
Chính vì thế mà họ chịu rất nhiều điều tiếng. Một ông công an đỡ được nhát dao của tội phạm đối với một người dân thì được người ta nhớ tới tầm… 6 tháng, nhưng phạt cái vé xe chẳng hạn thì có khi bị dân thù suốt đời. Đấy chính là cái mặt trái của công việc họ phải làm. Tôi từng nói điều này với các đồng chí lãnh đạo Bộ, nói với diễn viên của mình, nói với hầu hết những người mình quan tâm để người ta thông cảm và hiểu hơn về người chiến sĩ công an.
Bởi vậy, trong các vở của mình, tôi nêu cao tính nhân văn ấy. Và không ít người nói với tôi rằng, khi xem vở của Lê Hùng thì yêu các chiến sĩ công an hơn. Bản thân tôi rất may mắn là được nhiều đoàn, nhiều loại hình tín nhiệm để mời làm đạo diễn các vở tham gia Liên hoan.
Tôi cho rằng, trong các kỳ Liên hoan Sân khấu về “Hình tượng Người chiến sĩ CAND”, về thể loại thì đa dạng, phong phú, các tác phẩm cũng đã phản ánh được cuộc sống hiện tại của các chiến sĩ công an, đầy gian khổ, không kém phần nguy hiểm có lúc phải đánh đổi cả tính mạng, xương máu, để giữ gìn bình yên cho cuộc sống.
Cuộc liên hoan đã được các nhà hát tham gia nhiệt tình, nên thiết nghĩ lực lượng Công an có quyền tự hào vì sự đầu tư đích đáng, quan tâm đúng mức của Bộ Công an, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Nghệ sĩ sân khấu, Cục Nghệ thuật biểu diễn. Đây là một sân chơi không chỉ dành cho các nghệ sĩ trong Lực lượng Công an, mà trên toàn quốc quan tâm tới Lực lượng Công an, để gắn kết, hòa quyện với nhau giữa người chiến sĩ công an và nhân dân. Nhân dân hiểu công an, công an hiểu nhân dân là xây dựng cuộc sống bình an, một tương lai tốt đẹp cho Tổ quốc…
Diễn viên, NSƯT Nguyễn Hải: "Tự hào là người chiến sĩ Công an nhân dân"
Đây là lần thứ 3 tôi tham gia Liên hoan Sân khấu Toàn quốc về “Hình tượng Người chiến sĩ CAND”. Năm nào tham gia tôi cũng đều đoạt giải thưởng. Mùa đầu tiên là Huy chương Bạc, vai Mi-che-lin, tình báo Mỹ trong vở kịch "Đối đầu" của tác giả Phan Gia Liên, đạo diễn Lê Hùng.
Lần 2 tôi đoạt Huy chương Vàng vai dược sĩ Thành trong vở "Hoa thép" của tác giả Phan Gia Liên, đạo diễn Khương Đức Thuận. Lần này, tôi tham gia vai Tổng giám đốc Đặng Quân trong vở kịch "Quyết đấu giữa sương mù" hay còn có tên khác là "Cuộc chiến của những người cùng chiến tuyến" của nhà văn Chu Lai, đạo diễn NSND Lê Hùng. Nội dung vở kịch đề cập đến một vấn đề thời sự "nóng bỏng": Những dự án xây dựng có nhiều khuất tất, gây tranh cãi trong dư luận. Xuyên suốt vở kịch là cuộc đấu tranh giữa những người cùng chiến tuyến (gồm những chiến sĩ công an có phẩm chất và kẻ tha hóa) và những cựu chiến binh từng chung chiến hào đánh Mỹ năm xưa.
Nhân vật nữ Đại tá công an Thương Lá tiêu biểu cho công lý, đối lập với chị là nhà doanh nghiệp Đặng Quân. Họ từng là đồng đội vào sinh ra tử thời đánh Mỹ, tuy nhiên Đặng Quân ngày nay đã tha hóa biến chất, chạy theo đồng tiền, quyết tâm xây dựng dự án công nghiệp trên mảnh đất nông nghiệp mà ông ta thừa biết là còn nhiều hài cốt liệt sĩ chưa quy tập.
Đáng nói hơn nữa, mảnh đất làm dự án, theo các nhà khoa học, chỉ 20 năm sau sẽ sụp lở xuống biển theo một chu kỳ địa chấn và khi đó tiền của của Nhà nước, của nhân dân sẽ trôi theo làn nước. Đặng Quân bất chấp thủ đoạn, sẵn sàng thủ tiêu những ai cản bước mình.
Tôi là một nghệ sĩ đã vào nhiều vai phản diện nên trong vở kịch "Quyết đấu giữa sương mù", tôi cũng đã nỗ lực lột tả xuất sắc vai ông trùm Đặng Quân với hai mặt trái ngược: xảo quyệt, tàn nhẫn, là "con kỳ nhông đổi màu" nhưng lại yếu đuối về tình cảm khi đối diện với chị gái (bà Mười Huệ, cựu nữ thanh niên xung phong) và người vợ đã bỏ đi tu (bà Mai Thuận). Nhưng thông qua nhân vật, tôi cũng đã thể hiện rất ấn tượng sự day dứt, giằng xé nội tâm, qua từng ánh mắt, cử chỉ và lời nói của nhân vật… khi biết ăn năn hối lỗi bởi những tội lỗi mà mình đã gây nên.
Vở kịch đã từng đoạt giải A trong Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Là một chiến sĩ công an trên mặt trận văn hóa văn nghệ, tôi cảm thấy tự hào và hãnh diện và luôn phấn đấu cho sự cống hiến không mệt mỏi với Lực lượng, với Đảng, Nhà nước và nhân dân trên mặt trận văn hóa văn nghệ.
Ông Trương Nhuận, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ: "Liên hoan đã tạo được một tiền lệ cho làng kịch nghệ"
Nhà hát Tuổi trẻ từ xưa đến nay luôn gắn bó với những đề tài liên quan đến cộng đồng xã hội và hướng tới khán giả trẻ. Việc xây dựng nên những vở kịch nhằm phản ánh mọi khía cạnh của lực lượng vũ trang trong đó có lực lượng Công an cũng là một định hướng mà chúng tôi thực sự quan tâm.
Hai lần Liên hoan sân khấu về “Hình tượng Người chiến sĩ CAND” trước đây nhà hát chúng tôi đều tham gia và đoạt nhiều huy chương, bằng khen. Vở đầu tiên là "Mối tình đầu" của đạo diễn, NSND Xuân Huyền, đoạt Huy chương Vàng, với sự tham gia của các diễn viên nổi tiếng như NSND Lan Hương, NSƯT Anh Tú.
Lần hai có 2 vở là "Từ một ngã tư", một vở kịch thể nghiệm nhận được nhiều lời khen ngợi của đạo diễn, NSND Lan Hương, vở "Chiến công thầm lặng" tác giả Phan Gia Liên, đạo diễn Lê Hùng và vở "Tiếng chuông" tác giả Hữu Ước, đạo diễn NSƯT Anh Tú. Lần này, Nhà hát Tuổi trẻ tham gia 3 vở: "Ai là thủ phạm" tác giả Lưu Quang Vũ, đạo diễn NSƯT Chí Trung. Đây là một vở kịch đã viết từ 30 năm trước và hình ảnh Người chiến sĩ Công an không thực sự xuất hiện nhiều, nhưng vai trò bảo vệ trật tự trị an và tạo dựng niềm tin vào công lý và cái tốt trong xã hội thì được thể hiện rõ. Đây cũng là vở diễn nhà hát chúng tôi chọn làm tiêu điểm trong chương trình "Thắp sáng niềm tin" diễn 100 đêm miễn phí từ Bắc đến Nam.
Vở kịch “Ai là thủ phạm?” của Nhà hát Tuổi trẻ tham gia liên hoan. |
Điều hạnh phúc nhất là đi đến đâu vở diễn cũng để lại dư âm tốt, đặc biệt là hình tượng Người chiến sĩ Công an bảo vệ trật tự trị an trong xã hội, tạo được cho người xem một niềm tin vững chắc vào công lý. Vở diễn thứ hai là vở "Cho cuộc đời bình yên", tác giả Lê Chí Trung, đạo diễn trẻ Như Lai, đây cũng là vở diễn được các nghệ sĩ, diễn viên trẻ thể hiện chân thực xúc động thể hiện được bản lĩnh và phẩm chất của người chiến sĩ công an trên mọi mặt trận, đặc biệt là trong xu thế xã hội có nhiều thay đổi hiện nay.
Vở diễn thứ ba là vở "Người trong biển lửa" do NSND Lan Hương dàn dựng, chủ yếu là về hình ảnh chiến sĩ công an Phòng cháy chữa cháy (PCCC) với âm hưởng ngợi ca và rất đặc biệt vì hiếm có đoàn nào đề cập đến. Trong vở diễn này cũng có sự hỗ trợ của nhiều chiến sĩ cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ giúp đỡ dàn dựng, thể hiện tấm lòng của người chiến sĩ CAND đối với nhân dân và niềm tin của dân vào phẩm chất người chiến sĩ CAND cũng như vào cuộc sống.
Có thể nói đây là một Liên hoan định kỳ thực sự thiết thực vì cuộc Liên hoan này đã phản ánh được nhiều đề tài đa dạng của cuộc sống. Cuộc liên hoan đã thu hút được hầu hết các nhà hát chuyên nghiệp trong cả nước tham gia, tạo dựng được một tiền lệ quen thuộc cũng như dựng nên một hình tượng, một thương hiệu cho người chiến sĩ CAND trong lòng dân. Cuộc liên hoan này đã vượt ra ngoài khuôn khổ của một ngành, một đơn vị, nó đã tạo nên một sân chơi cho các chuyên ngành ca kịch... vốn dĩ chịu nhiều áp lực trước sự tấn công của công nghệ số thời nay…
NSƯT Thúy Hiền, Đoàn kịch nói CAND: "Sống trọn vẹn với từng nhân vật"
Tôi là diễn viên tham gia các kỳ Liên hoan sân khấu về “Hình tượng Người chiến sĩ CAND” từ trước tới nay, phải khẳng định rằng, chúng tôi, với hai tư cách, vừa là một chiến sĩ CAND, vừa là một nghệ sĩ trên sân khấu, thì đây là một trong những thời gian được chờ đợi nhất.
Kịch thì tập đã cả năm, đi diễn cả năm và còn theo mình suốt cuộc đời, nhưng những dịp này, được so vai cùng các anh chị diễn viên các nhà hát trên toàn quốc, nên cái cảm giác được cháy hết mình trên sân khấu, được hóa thân vào nhân vật để có thể mang về cho đoàn mình những huy chương khiến chúng tôi có những háo hức lạ thường.
Giữa thời tiết nắng nóng trên 40ºC nhưng toàn bộ anh chị em nghệ sĩ của đoàn tập rất hăng say, quên cả đói, quên cả nắng nóng để có thể có những đêm diễn toàn bích nhất. Bản thân tôi là một nghệ sĩ, chiến sĩ công an, tôi luôn ý thức về vai trò trách nhiệm của mình không chỉ trên sân khấu, mà cả trong đời thường.
Một cảnh trong vở “quyết đấu giữa sương mù” tham gia liên hoan. |
Thực sự thì “Hình tượng Người chiến sĩ CAND”, đối với nhiều nghệ sĩ ở các nhà hát khác, có thể chỉ là những khoảnh khắc diễn trên sân khấu, còn với chúng tôi, nó theo đi cùng suốt chặng đường đời, thông qua bộ quân phục khoác lên người, thông qua mỗi đêm diễn cho các đơn vị công an khắp cả nước, nên bản thân phải luôn trau dồi phẩm chất đạo đức nghề nghiệp cả trên sân khấu lẫn trong đời thường. Có lần tôi đã từng chia sẻ rằng, mỗi vở kịch là cấp số nhân về tuyên truyền, nhất là trong vai trò một diễn viên luôn được thể hiện những vai chính diện, những vai công an trong vở, thì "bí quyết" để thành công phải hội tụ các yếu tố như năng khiếu, niềm say mê và khả năng quan sát, học hỏi.
Chúng tôi có điều kiện được đi diễn cho các chiến sĩ công an trên cả nước, nên ngoài việc diễn để phục vụ các chiến sĩ, còn giúp cho mình học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm thực tiễn của các anh ấy trong quá trình tiếp xúc, để hình tượng người chiến sĩ CAND được tái hiện một cách chân thực nhất. Liên hoan sân khấu “Hình tượng Người chiến sĩ CAND” đang đến gần, tôi tin rằng, Liên hoan lần này sẽ mang đến nhiều điều bất ngờ thú vị cho khán giả…