Đăng thông tin thất thiệt lên Facebook:

Đừng vì lợi ích cá nhân mà làm nhiễu loạn xã hội

Thứ Bảy, 09/04/2016, 13:10
Những vụ án rùng rợn, những vụ bắt cóc trẻ em, những vụ mất tích được cấy ghép, thêm thắt thông tin rồi tung lên mạng xã hội (facebook) được hàng trăm, hàng ngàn lượt like (thích), share (chia sẻ). Mỗi lần like, chia sẻ là mỗi lần câu chuyện hay tin tức chưa được kiểm chứng ấy lại được thêm thắt tình tiết cho rùng rợn, cảm động thu hút nhiều người tò mò vào xem.

Cũng có nhiều thông tin chính xác và hữu ích mà người xem có thể chắt lọc bài học, kinh nghiệm để ứng phó trong cuộc sống như có thêm một bài học cảnh giác.

Tuy nhiên, hiện có những thông tin bịa đặt, thông tin chưa kiểm chứng mục đích của người đăng, chia sẻ những mẩu tin trên chỉ hòng tạo độ "hot" để tăng lượng người theo dõi nhằm phục vụ cho mục đích cá nhân như bán hàng trên mạng hoặc lấy quảng cáo. Chỉ trong thời gian ngắn gần đây những thông tin không chuẩn xác, thông tin bịa đặt trên mạng đã khiến nhiều người đọc được cảm thấy hoang mang, tạo cảm giác bất ổn với tình hình an ninh trật tự nơi sinh sống.

Đại tá Nguyễn Sỹ Quang khẳng định chưa có vụ bắt cóc nào xảy ra tại TP Hồ Chí Minh từ đầu năm đến nay.

1. Không tìm hiểu kỹ thông tin chỉ cần hóng hớt vài ba câu, lấy điện thoại chụp vài tấm hình rồi tung lên mạng kể lại câu chuyện bắt cóc, một vụ giết người hay một vụ bạo hành "như đúng rồi", chưa kể, để gây chú ý mào đầu cho một note trên facebook, nhiều người còn thêm vài dòng trắc ẩn đại loại như: "sao giết người dễ vậy, thú tính quá!" "Các mẹ cẩn thận nhé!", "Xã hội giờ sợ quá", "loạn hết rồi! không coi pháp luật ra gì"... thế là hàng trăm, hàng ngàn người vào đọc, chia sẻ. Bởi vậy chỉ trong một thời gian ngắn, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh rộ lên chuyện những đứa trẻ bị bắt cóc mà khi tìm hiểu lại thông tin thì đó chỉ là những thông tin… không chính xác.

Gần đây trên mạng xã hội hàng trăm lượt chia sẻ về vụ hai thanh niên ngang nhiên bắt cóc con của chị N.T.B.H. (quê quán Cần Thơ) ngay ban ngày giữa dòng người đông đúc. Dân mạng chia sẻ nhau những tình huống ly kỳ như hai thanh niên áp sát và giật đứa trẻ trong tay người mẹ trên đường Âu Cơ, phường 14, quận Tân Bình. Vì đứa trẻ đeo nhiều nữ trang nên hai đối tượng cố giằng đứa bé để bắt cóc rồi cướp tài sản. Tuy nhiên khi được hỏi về những thông tin này, chị H. cho biết chưa hề kể cho một phóng viên hay người nào về việc con chị bị bắt cóc cả. Chị chỉ biết lắc đầu: "Tôi đâu có kể với ai như vậy! Nhà tôi nghèo làm gì có tiền mua nữ trang cho con đeo?".

Chị H. kể, trên đường dẫn con đi học về thì có hai thanh niên hỏi đường sau đó định bế con chị lên xe nhưng chị H. đã giằng co khiến xe của hai thanh niên đổ xuống đường. Không bế được cháu bé, hai thanh niên lên xe bỏ đi, chị H. không bị mất mát tài sản gì. Sau khi vụ việc xảy ra, nhiều người lại chỗ chị H. hỏi sự tình rồi báo với Công an. Sau khi thu thập thông tin, Công an quận Tân Bình cho biết, đây có thể chỉ là việc giành con mang tính cá nhân của gia đình, không liên quan gì đến chuyện bắt cóc.

Hàng ngàn lượt chia sẻ trên trang facebook cũng dành cho câu chuyện giành lại đứa bé từ tay bọn bắt cóc ở đường 3-2, phường 8, quận 11. Câu chuyện của một người phụ nữ đăng tải trên mạng xã hội kể lại việc phát hiện đứa bé khóc thảm thiết trên xe một người đàn ông nên nhiều người nghi bắt cóc xúm vào giữ người đàn ông lại?

Người phụ nữ này thuật lại chuyện mình đã ôm đứa bé và ra về khi đã giao đứa bé tận tay Công an. Một câu chuyện bắt cóc rùng rợn nhưng khi nghe những người trong cuộc kể lại thì đây lại là một câu chuyện vừa bi vừa hài.

Hình ảnh chồng đánh vợ dã man trở thành "món hời" của những kẻ thích câu like trên mạng xã hội.

Một số người chứng kiến vụ việc kể lại, thấy đứa trẻ trên xe khóc ngất nên ai cũng nghĩ cháu bé bị bắt cóc nên đã yêu cầu người đàn ông chở cháu bé dừng xe lại. Người đàn ông bình tĩnh tắt máy dẫn xe vào lề. Đứa bé trên xe liên tục gọi người đàn ông trên là cha nên không thể nào là một vụ bắt cóc. Người đàn ông này khai báo với Công an, đứa trẻ là con ruột của mình nhưng từ nhỏ đã sống với mẹ. Do rảnh rỗi nên người đàn ông này đến nhà vợ đón đứa trẻ đi chơi nhưng chỉ đi được một đoạn thì cháu bé khóc đòi về với mẹ.

Hơn nữa, chỉ cần một tình tiết cũng cho thấy câu chuyện là sản phẩm của hư cấu: Rất nhiều người tham gia ngăn chặn người đàn ông chở đứa bé, nhưng lại chỉ có 1 người phụ nữ giải cứu được bé và giao nó vào tay lực lượng chức năng?

Nhiều thông tin kiểu "ghê quá các mẹ ơi! Cẩn thận con em mình nha!" được đăng tải nhan nhản trên mạng. Những câu chuyện không có thực như một người bà ở Phú Nhuận đẩy xe nôi đưa cháu đi dạo bị hai thanh niên áp sát bế cháu bé 12 tháng tuổi đi mà không kịp phản ứng gì?

Để tăng thêm phần hấp dẫn, những người đăng tải thông tin này còn cho thêm vài câu phán "xảy ra gần đồn Công an, gần chợ nha mà chẳng ai phản ứng cả!". Những thông tin như trên khiến những người đọc luôn cảm thấy bất an, phát sinh tâm trạng lo lắng bởi sự táo tợn của các đối tượng bắt cóc và sự "bất lực" của các đơn vị chức năng!?

2. Một trang facebook chuyên giới thiệu món ăn của một nhà hàng mà gia đình của chủ nhân facebook đó đang kinh doanh chỉ lèo tèo vài ba chục like, không ai chú ý đến nhưng đùng một cái câu chuyện "cảnh giác" mà chủ nhân của facebook này chia sẻ khiến lượng like tăng chóng mặt (hơn 4.000 lượt).

Nội dung mà chủ nhân facebook này chia sẻ: "Mình từ Phạm Phú Thứ (quận 6) quẹo ra Võ Văn Kiệt để về nhà ở quận 5. Mình chạy xe một mình, ba mẹ mình chạy theo sau mình. Khi đến đoạn ngã 3 Võ Văn Kiệt - Hải Thượng Lãn Ông mình nhìn thấy một người đàn ông muốn băng qua đường. Lúc này mình chạy xe từ từ để đợi ba mẹ ở đằng sau thì người đàn ông này cầm một vật gì đó đập thẳng vào mặt mình. Mình không ngừng xe lại và cố gắng chạy thêm 1 đoạn đến chỗ đông người ngay công viên phía bờ sông dưới cầu Nguyễn Tri Phương. Ba mẹ mình ngừng xe lại và đưa mình vào bệnh viện An Bình rồi báo Công an phường 10, quận 5. Một lúc sau Công an đã tóm được đối tượng đó vì ba mình vẫn nhớ mặt người đó. Công an khu vực đó nói rằng mình không phải vụ đầu tiên, vì trước đó đã có người bị như mình. Mục đích của nó là để mình choáng khi bị thương và ngừng xe lại để nó cướp tài sản, cướp xe. Các bạn đi qua đoạn đường này nhớ cẩn thận nha!".

Người viết bài này hằng ngày vẫn đi qua đoạn đường Võ Văn Kiệt để về nhà và đã dò hỏi những người sống tại khu vực chứng thực xem có câu chuyện như diễn tả của chủ nhân facebook trên không, tuy nhiên những người được hỏi đến đều phủ nhận thông tin trên. Họ cho biết chưa từng nghe hay chứng kiến một vụ việc nào như trên.

Một video clip được tung lên mạng với hành ảnh người vợ thảm thiết van xin trong khi người chồng hùng hổ chửi bới và dùng tay chân, gậy đánh tới tấp người vợ. Độ "hot" của clip trên được hàng ngàn lượt chia sẻ một cách chóng mặt và báo chí vào cuộc. Tuy nhiên lần theo những địa chỉ được cho là nơi diễn ra vụ việc đều không ai biết cặp vợ chồng trên, người thì nói ở Bình Dương, kẻ thì nói ở Đồng Nai.

Người đàn ông này là nạn nhân của một vụ án khác phút chốc trở thành "người bị giang hồ đánh vì quay đoạn clip chồng đánh vợ dã man".

Trong khi hành tung của hai nhân vật trong clip chưa tìm được thì trên mạng xã hội lại xuất hiện những dòng thông tin, một nhóm đối tượng giang hồ "phẫn nộ" trước hành động của người chồng đã tìm đến đánh cho người chồng "thừa sống thiếu chết"? Chưa hả giận, nhóm giang hồ này còn tìm và đánh người quay đoạn clip trên đến đổ máu đầu tại một siêu thị tại TP Hồ Chí Minh...

Những người không biết chuyện nhìn vào bài viết đó sẽ hoàn toàn tin câu chuyện trên là sự thật. Tuy nhiên những hình ảnh được lồng ghép vào trong bài viết trên được lấy lại từ các vụ án trước đó mà người viết đã từng thực hiện bản tin trên báo. Cũng với câu chuyện này, một số trang mạng lại "sáng tác" ra một câu chuyện rùng rợn hơn với nhan đề "đã bắt được người chồng đánh vợ trong clip".

Nội dung của bài viết này xác định người chồng đánh vợ hiện đang sống ở Đồng Nai và khi Công an đến làm việc thì với bản chất côn đồ, người chồng này đã chống người thi hành công vụ gây thương tích cho một cán bộ Công an. Tuy nhiên khi báo chí vào cuộc làm rõ câu chuyện thì người có thẩm quyền ở Đồng Nai cho hay, vụ chống người thi hành công vụ làm một chiến sĩ bị thương là có thật nhưng xảy ra cách đây nhiều tháng và không liên quan gì đến vụ người chồng đánh vợ trong clip mà các trang mạng đăng tải (?!)

3. Dẫu biết cảnh giác là không thừa, mạng xã hội (Facebook) là ảo nhưng hệ lụy của nó trong những trường hợp này thì lại là rất thật. Tuy nhiên những câu chuyện, vụ án với các tình tiết ly kỳ, hình ảnh sống động nhưng nội dung mập mờ chưa được kiểm chứng đang khiến cho dư luận hoang mang, hoảng sợ, lo lắng.

Điều đáng nói là ở chỗ, lợi dụng vào những câu chuyện rùng rợn, những vấn đề mà người dân đang quan tâm sau đó nhào nặn, đưa hình ảnh bắt mắt vào “bản tin” để trở thành một sản phẩm "nóng sốt" trên mạng thời gian gần đây chỉ với một mục đích duy nhất, tăng lượng người truy cập vào trang mạng xã hội của mình để bán hàng trên mạng có thể coi là hành vi vô lương tâm. Chỉ vì mục đích cá nhân mà chủ của những trang mạng sẵn sàng tạo ra tâm lý bất ổn cho xã hội để trục lợi.

Ví như những tin đồn bắt cóc trẻ em trong thời gian qua tại TP Hồ Chí Minh đã phần nào gây hoang mang cho người đọc. Dù chưa biết tính xác thực của thông tin trên như thế nào nhưng trường học đã ra những thông báo cảnh báo cho phụ huynh học sinh về tình trạng bắt cóc. Cái gì cũng có hai mặt, thông báo đưa ra giúp phụ huynh có biện pháp phối hợp tốt với nhà trường để bảo vệ con em mình, tuy nhiên nó cũng gây tâm lý bất ổn cho phụ huynh vì lúc nào cũng phải nghĩ cách để bảo vệ an toàn cho con, chẳng còn tâm trí để làm việc khác. Hay phụ huynh học sinh luôn trong trạng thái cảnh giác với mọi thứ xung quanh và nhìn đâu cũng thấy tội phạm và nhất là sự mất lòng tin trầm trọng.

Cháu bé trong hình bị bắt cóc chỉ là việc giành nhau chuyện nuôi con.

Trong cuộc họp giữa tháng 3, Đại tá Nguyễn Sỹ Quang - Trưởng Phòng tham mưu Công an TP Hồ Chí Minh  khẳng định từ đầu năm 2016 đến nay tại TP Hồ Chí Minh chưa xảy ra vụ bắt cóc trẻ em nào. Những vụ nghi là bắt cóc trẻ em gần đây đều xuất phát từ nguyên nhân cha mẹ li dị, ly thân tranh giành con cái.

"Bắt cóc là một hành vi nghiêm trọng cho nên nếu địa bàn nào xảy ra vụ việc bắt cóc trẻ em, Công an các quận sẽ báo cáo lên Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh và lập tức có kế hoạch xử lý chứ không có chuyện giấu thông tin này. Vì thế thông tin thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ bắt cóc là không chính xác" - Đại tá Quang nhấn mạnh.

Với việc các trang mạng xã hội đăng, chia sẻ các thông tin về bắt cóc, cướp giật giết người nhiều như hiện nay nhưng chưa được xác minh độ chính xác của thông tin gây bất an cho người dân, Đại tá Quang đề nghị người dân khi đọc những thông tin trên mạng cần phải chọn lọc và thấy có dấu hiệu bất thường phải báo với lực lượng Công an. Những người cố tình tung tin đồn thất thiệt sẽ bị xử lý nghiêm.

Đừng vì lợi ích cá nhân mà làm nhiễu loạn thông tin tạo ra tâm lý hoang mang bất an trong xã hội.

Mạnh Đức - T.Hà
.
.