Kiên quyết không để “vùng cấm” trong hoạt động buôn lậu

Thứ Tư, 17/08/2016, 10:03
Theo đánh giá của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, thời gian qua, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới đường bộ tập trung vào nhóm các mặt hàng thiết yếu như: Đồ trang trí, quần áo may sẵn, thiết bị điện tử, rượu, bia, thuốc lá điếu, hoa quả, nông sản, thực phẩm các loại...



Đáng chú ý, tình trạng mua bán, vận chuyển trái phép hàng cấm, đặc biệt là ma túy, pháo, vật liệu nổ, đồ chơi bạo lực có biểu hiện gia tăng tại địa bàn một số tỉnh biên giới phía Bắc và Bắc miền Trung như: Cao Bằng, Lào Cai, Lạng Sơn, Điện Biên, Hà Tĩnh, Quảng Trị...

Lực lượng Hải quan kiểm tra hàng hóa. Ảnh: minh họa.

Bên cạnh đó, tình trạng vận chuyển trái phép rượu ngoại, thuốc lá điếu ngoại và đường cát vẫn còn tiềm ẩn diễn biến phức tạp tại địa bàn một số tỉnh, thành phố khu vực biên giới miền Trung và miền Tây Nam Bộ như: Quảng Trị, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, TP Hồ Chí Minh... Hơn nữa, tại khu vực biên giới các tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, việc vận chuyển trái phép hàng hóa không đảm bảo chất lượng, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng và các loại thực phẩm tươi sống như gia cầm, sản phẩm gia cầm vẫn còn tiếp diễn.

Tổng cục Hải quan cho biết, hành vi của các đối tượng buôn lậu ngày càng tinh vi, khó lường, hàng hóa nhập lậu phần lớn được các đối tượng lén lút vận chuyển qua các đường mòn, lối mở, kênh, rạch, sông biên giới; đầu nậu thuê, mướn, gắn trách nhiệm vật chất đối với các đối tượng vận chuyển.

Tinh vi hơn nhóm đối tượng này còn hoán cải xe gắn máy; gia cố vách ngăn, hầm hàng bí mật trên các phương tiện vận tải chở hàng hoặc chở khách để ngụy trang, cất giấu, vận chuyển hàng lậu từ biên giới vào nội địa. Hàng hóa sau khi vận chuyển vào sâu trong nội địa được trà trộn trong toa hành lý cùng hàng hóa của khách đi tàu... trung chuyển từ Bắc vào Nam.

Bên cạnh đó, một số đối tượng còn móc nối với các cơ sở kinh doanh thu gom hàng hóa của cư dân biên giới, sử dụng trái phép hóa đơn, chứng từ để hợp thức hàng hóa vi phạm...

Trong 7 tháng đầu năm 2016, Tổng cục Hải quan ban hành 20 văn bản cảnh báo nghiệp vụ, tập trung vào các phương thức, thủ đoạn mới, các mặt hàng trọng điểm. Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo các lực lượng kiểm soát Hải quan tổ chức nắm chắc diễn biến tình hình các địa bàn trọng điểm; đồng thời xây dựng các kế hoạch, phương án đấu tranh.

Nhờ áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng Hải quan đã xác lập, đấu tranh chuyên án, bắt giữ, xử lý thành công nhiều vụ việc phức tạp, nổi cộm góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chống thất thu ngân sách Nhà nước, bảo vệ sức khỏe người dân, bảo vệ môi trường.

Kết quả, từ 15-9-2015 đến hết 30-3-2016, lực lượng Hải quan phát hiện, bắt giữ 11 vụ vi phạm; thu giữ 107.718 bao thuốc lá và 54,5 tấn nguyên liệu thuốc lá, khởi tố 2 vụ việc. Đến hết tháng 7-2016, lực lượng kiểm soát Hải quan chủ trì, phối hợp phát hiện, bắt giữ 9.505 vụ vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm ước 314 tỷ đồng.

Qua xử lý, lực lượng Hải quan thu nộp vào ngân sách Nhà nước gần 80 tỷ đồng, khởi tố 23 vụ và chuyển cơ quan khác đề nghị khởi tố 42 vụ. Tổng cục Hải quan cho biết, đây là quyết tâm của ngành trong việc triển khai các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính trong công tác này, đó là không để “vùng cấm” trong hoạt động buôn lậu; đồng thời xử lý nghiêm các đối tượng chủ mưu, cầm đầu, không để xảy ra các vụ việc buôn lậu lớn trong địa bàn hoạt động hải quan.

Đồng thời, Tổng cục Hải quan kiến nghị cấp có thẩm quyền giao thêm thẩm quyền cho cơ quan Hải quan trong việc điều tra, khởi tố một số tội danh quy định trong Bộ luật Hình sự như tội trốn thuế, tội liên quan đến sở hữu trí tuệ, tội phạm liên quan đến ma túy…

Phan Đức
.
.